Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 31/12/2020

31/12/2020 18:35

Thủ tướng chỉ thị: Cả nước chung sức, đồng lòng trồng mới 1 tỷ cây xanh

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khởi đầu cho các hành động bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng hằng năm của các ngành, các cấp và nhân dân ta, góp phần quan trọng, thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển bền vững đất nước.

Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản nhân dân, đang đặt ra yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt hơn, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, khắc phục tồn tại, bất cập, đồng thời chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay dịp Tết Tân Sửu năm 2021, cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, xuân Tân Sửu năm 2021 với chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020.

Cần chú trọng các giải pháp tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về Lâm nghiệp, bảo đảm các quy định pháp luật được thực thi đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; động viên sự tham gia của toàn xã hội chung sức, đồng lòng, tham gia trồng cây, trồng rừng.

Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2021 và cả giai đoạn 2021 – 2025. Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, ưu tiên lựa chọn các loài cây bản địa, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt; quản lý suốt quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Thủ tướng lưu ý việc tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây” phải phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng vùng sinh thái để đảm bảo cây sau khi trồng đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt; tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình tốt.

Các Bộ, ngành, địa phương có kế hoạch thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây thành phong trào thi đua của mọi cấp, mọi ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia của mọi người dân; tập trung ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế khác, khu dân cư tập trung, khu văn hóa - lịch sử, khu tưởng niệm, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp.... Chỉ tiêu này không bao gồm cây trồng rừng thay thế và cây trồng rừng tái canh sau khai thác gỗ. Ưu tiên lựa chọn loài cây trồng gỗ lớn, lâu năm, đa mục tiêu, gắn với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Hằng năm, tổ chức giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết vướng mắc, nhân rộng mô hình tốt, đảm bảo thực hiện chương trình thành công.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt, phá rừng trái pháp luật, nhất là trong mùa khô 2020 - 2021; kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên; kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề  án trồng 01 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan tăng cường thời lượng và đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, phổ biến các mô hình tốt, kinh nghiệm hay trong việc thực hiện phong trào “Tết trồng cây”, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Phê chuẩn nhân sự UBND 9 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn nhân sự UBND 9 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Hà Giang, Gia Lai, Tiền Giang và Nam Định.

Cụ thể, tại Quyết định 2189/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016- 2021 đối với ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại Quyết định 2187/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Vũ Hồng Bắc để nghỉ hưu trước tuổi và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành.

Tại Quyết định 2188/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Tại Quyết định 2199/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2016- 2021 đối với ông Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tại Quyết định 2196/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Dương Văn Thái, để nhận nhiệm vụ mới.

Tại Quyết định 2198/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Mai Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Bắc Giang.

Tại Quyết định 2208/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Long Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tại Quyết định 2207/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Lý Thái Hải để nghỉ hưu theo chế độ.

Tại Quyết định 2218/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Tại Quyết định 2217/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Văn Dương để nghỉ hưu theo chế độ.

Tại Quyết định 2220/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Huỳnh Minh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Hồng Ngự.

Tại Quyết định 2221/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trần Trí Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp.

Tại Quyết định 2219/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Thanh Hùng để nghỉ công tác chờ đến tuổi nghỉ hưu và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.

Tại Quyết định 2186/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Lê Huyền, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng UBND tỉnh.

Tại Quyết định 2184/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Lê Văn Bình, để nhận nhiệm vụ mới.

Tại Quyết định 2209/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Hoàng Gia Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Giang.

Tại Quyết định 2202/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016 - 2021, đối với bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

Tại Quyết định 2194/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Lê Văn Hưởng để nghỉ hưu trước tuổi và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.

Tại Quyết định 2203/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Ngô Gia Tự, để nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo phê duyệt, phạm vi ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ  địa giới hành chính tỉnh Vĩnh Long với tổng diện tích tự nhiên là 152.573,3ha; trên phạm vi 08 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh, các huyện: Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Bình Tân).

Mục tiêu lập Quy hoạch nhằm cung cấp căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội; làm cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công của Tỉnh; phát huy tiềm năng, thế mạnh để Tỉnh phát triển nhanh và bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế - xã hội và môi trường, sớm đưa vị thế phát triển của Vĩnh Long thành một trong những tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhằm đánh giá lại các điểm nghẽn trong phát triển để tìm ra các giải pháp trọng tâm, tiếp tục đưa Vĩnh Long phát triển nhanh, bền vững; loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, không phù hợp cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai minh bạch, công bằng nhằm huy động, tiếp cận, sử dụng mọi nguồn lực trong hoạt động đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…

Theo đó, nội dung lập quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giữa các ngành, lĩnh vực và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân…

Nội dung Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo các quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị định số 37/2019/NQ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ.

Phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030.

Mục tiêu của Chương trình là phát triển hệ thống thông tin số liệu dân số theo hướng hiện đại và đồng bộ bảo đảm cung cấp đầy đủ tình hình, dự báo dân số tin cậy phục vụ quản lý nhà nước về dân số góp phần xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của mọi cơ quan, tổ chức, nhằm thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

100% các huyện, xã xử lý chỉ tiêu dân số trên mạng

Chương trình đưa ra mục tiêu thông tin số liệu trực tuyến về dân số được cập nhật, số hóa ở cấp xã đạt đạt 100% năm 2030; cộng tác viên dân số thực hiện cập nhật thông tin số liệu trực tuyến bằng thiết bị di động thông minh đạt 90% năm 2030.

100% kho dữ liệu chuyên ngành dân số các cấp được hiện đại hóa, hình thành hệ thống lưu trữ, kết nối thông tin số liệu dân số và phát triển vào năm 2025, tiếp tục duy trì và mở rộng sau năm 2025.

100% cấp huyện xử lý, khai thác trực tuyến trên môi trường mạng các chỉ tiêu dân số và phát triển phục vụ chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về dân số vào năm 2025; đến cấp xã đạt 100% năm 2030.

80% ngành, lĩnh vực, địa phương sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số trong xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vào năm 2025; đạt 100% năm 2030.

Để hoàn thành những mục tiêu trên, Chương trình đã đưa ra những giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin số liệu dân số và phát triển; hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định chuyên môn, kỹ thuật; nâng cao chất lượng thông tin số liệu, hiện đại hóa kho dữ liệu chuyên ngành dân số; nâng cao năng lực cán bộ, cộng tác viên tham gia Chương trình…

Trong đó, Chương trình sẽ xây dựng, triển khai giải pháp để số hóa, cập nhật thông tin số liệu trực tuyến tại cấp xã; lưu trữ, quản lý dữ liệu tập trung tại kho dữ liệu chuyên ngành dân số cấp tỉnh, vùng, trung ương; nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị của kho dữ liệu chuyên ngành dân số các cấp trên cơ sở kế thừa tối đa hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có, kết hợp thuê một số dịch vụ; triển khai các giải pháp kết nối chia sẻ với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; hình thành cổng dữ liệu dân số; quản lý và giám sát an toàn thông tin…

Mức hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Thủ tướng chính phủ vừa ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi năm 2020.

Theo Quyết định, Nhà nước hỗ trợ người chăn nuôi, hộ chăn nuôi nông hộ, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi (cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với mức cụ thể như sau: 1- Đối với lợn con, lợn thịt các loại: Hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi; 2- Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác: Hỗ trợ 35.000 đồng/kg lợn hơi.

Hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với mức hỗ trợ cụ thể như sau: a- Đối với lợn con, lợn thịt các loại: Hỗ trợ 10.000 đồng/kg lợn hơi; b- Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác: Hỗ trợ 12.000 đồng/kg lợn hơi.

Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).

Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) và chủ hộ nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/con lợn đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh.

Các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; các quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi.

Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương

Theo quy định, đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, Ngân sách trung ương hỗ trợ 80% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ thiệt hại.

Còn các tỉnh, thành phố có tỷ lệ  điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên thì chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện.

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50% thì Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại thì Ngân sách trung ương hỗ trợ 70% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.   

Ngoài ra, các địa phương huy động thêm tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để hỗ trợ thiệt hại do Dịch tả lợn Châu Phi.

Trường hợp các địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương (gồm: 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% Quỹ dự trữ tài chính địa phương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.

99 công nghệ cao được ưu tiên phát triển

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 38/2020/QĐ-TTg về Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Cụ thể, có 99 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; trong đó có: Công nghệ trí tuệ nhân tạo; công nghệ Internet kết nối vạn vật; công nghệ lượng tử; công nghệ tin sinh học; công nghệ hàng không, vũ trụ, viễn thám; công nghệ thiết kế, chế tạo màn hình độ phân giải cao; công nghệ in 3D tiên tiến…

Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển gồm 107 công nghệ như: Thẻ thông minh, đầu đọc thẻ thông minh; dịch vụ tư vấn, thiết kế và cho thuê hệ thống công nghệ thông tin; hệ thống, thiết bị giáo dục và đào tạo thông minh; sản phẩm, giải pháp công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới…

Trường hợp công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao không thuộc các Danh mục nêu trên nhưng đáp ứng các quy định của Luật Công nghệ cao, có tính cấp thiết, phục vụ nhu cầu phát kiển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức lễ công bố tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 theo quy định.   

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam có trách nhiệm tiếp tục triển khai, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới, chú trọng các tiêu chí về quy hoạch, sản xuất, môi trường, an ninh trật tự để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng (gọi tắt là CLQG) và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) nhằm đánh giá toàn diện việc tổ chức triển khai thực hiện; đánh giá mức độ đạt được mục tiêu; việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong CLQG và Kế hoạch thực thi UNCAC trên phạm vi cả nước kể từ khi ban hành CLQG đến nay; làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; từ đó kiến nghị các nguyên tắc, mục tiêu, giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện cho giai đoạn 2020 - 2030 đạt hiệu quả cao.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc tổng kết CLQG và Kế hoạch thực thi UNCAC phải bảo đảm toàn diện và sâu sắc; trên cơ sở đánh giá cụ thể kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp PCTN tại Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; tập trung đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ), đồng thời rà soát, đánh giá phù hợp, tương thích pháp luật Việt Nam đối với Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Nội dung tổng kết gồm: Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN, Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ về PCTN, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; việc thực hiện các nhóm giải pháp; việc nội luật hóa, thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) và công tác hợp tác quốc tế về PCTN; đánh giá mức độ thực hiện các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của CLQG trong công tác PCTN; đánh giá việc thực hiện UNCAC; nguyên nhân của những hạn chế, bất cập…

Tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật đất đai sửa đổi

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự  án Luật Đất đai (sửa đổi).

Kế hoạch nêu rõ, việc tổng kết phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan và toàn diện trên phạm vi toàn quốc, triển khai đến từng Bộ, ngành và các địa phương; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm. Nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế; dựa trên kết quả đánh giá, tổng kết của Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời tham khảo ý kiến đánh giá của công dân, tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.

Tổng kết thi hành Luật Đất đai tập trung các nội dung cơ bản như: Đánh giá chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với Luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp; kết quả tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; đánh giá những kết quả đạt được của Luật Đất đai và thực tiễn thi hành trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về đất đai; những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai, các văn bản quy định chi tiết thi hành và thực tiễn tổ chức thực hiện quy định của Luật; xác định và phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, bất cập đó.

Bên cạnh đó, đề xuất, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những nội dung của Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan.

Về xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng chỉ đạo thông qua kế hoạch và tiến độ xây dựng Luật Đất đai sửa đổi; xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy định và tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan; hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ và hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ trình Quốc hội.

* Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ  đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự  án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Tổ chuyên gia liên ngành giúp việc cho Ban Chỉ đạo.

Quy chế này quy định cụ thể nguyên tắc, phạm vi trách nhiệm, chế độ làm việc; cơ chế điều hành, chế độ họp, thông tin, báo cáo và điều kiện đảm bảo hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên gia liên ngành giúp việc cho Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng giao Bộ GTVT quyết định về thu phí tại trạm BOT đặc thù

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc triển khai hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác thu phí (hình thức thu phí, thời gian triển khai thu phí điện tử không dừng) đối với một số trạm thu phí đặc thù thuộc Dự án đầu tư theo hợp đồng BOT do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Cà Mau quyết định hình thức thu phí (thủ công hoặc điện tử không dừng) đối với 4 trạm thu phí thuộc công trình cầu có quy mô nhỏ trên địa bàn do UBND tỉnh Cà Mau là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nghiên cứu phản ánh thách thức về khí hậu, môi trường

Báo điện tử Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 22/12/2020 có bài viết: Biến đổi khí hậu, thiên tai khiến Việt Nam mất 6 - 7% GDP mỗi năm, trong đó có nội dung “Việt Nam phải giải quyết những thách thức về khí hậu và môi trường với tinh thần khẩn trương như khi chống dịch COVID-19 vì cái giá phải trả từ việc không hành động ngày càng tăng...”.

Về nội dung Báo phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Nghiên cứu đầu tư tuyến Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai nghiên cứu đầu tư tuyến Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm khả thi, hiệu quả./.

Top