Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/3

30/03/2021 19:35

Quy định đầu tư vốn ra ngoài Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 36/2021/NĐ-CP Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó quy định cụ thể việc đầu tư, chuyển nhượng vốn ra ngoài Công ty mẹ.

Cụ thể, về nguyên tắc đầu tư vốn ra ngoài Công ty mẹ, Nghị định nêu rõ công ty mẹ được phép sử dụng vốn, tài sản, quyền sử dụng đất của Công ty mẹ để đầu tư ra ngoài theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc đầu tư ra ngoài của Công ty mẹ phải tuân theo quy định của pháp luật, Điều lệ của Công ty mẹ được Chính phủ phê duyệt; phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm của Công ty mẹ và phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.

Công ty mẹ không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với khoản vốn đã góp, đầu tư tại các lĩnh vực nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, Công ty mẹ có trách nhiệm lập phương án cơ cấu lại, thoái toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.

Công ty mẹ không được góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của Công ty mẹ.

Công ty mẹ không được góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh trừ các Hợp đồng tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí.

Trường hợp dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp có giá trị lớn hơn mức quy định đối với Hội đồng thành viên, dự án góp vốn liên doanh của doanh nghiệp với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, dự án đầu tư vào doanh nghiệp khác để cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, Hội đồng thành viên Công ty mẹ báo cáo Cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt chủ trương trước khi quyết định.

Trường hợp Công ty mẹ có hoạt động đầu tư vốn ra bên ngoài không đúng đối tượng nhưng không thực hiện điều chỉnh cơ cấu đầu tư như quy định nêu trên, Cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng thành viên Công ty mẹ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài Công ty mẹ

Việc chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài Công ty mẹ (bao gồm cả việc chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các quy định hiện hành của pháp luật và đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Tuân thủ quy định của pháp luật về doanh nghiệp, chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Phản ánh đầy đủ giá trị thực tế doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch.

- Việc xác định giá khởi điểm đối với phần vốn Công ty mẹ trước khi tổ chức bán đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh hoặc thỏa thuận được thực hiện thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn Công ty mẹ tại doanh nghiệp bao gồm cả giá trị được tạo bởi giá trị quyền sử dụng đất giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai và giá trị các quyền sở hữu trí tuệ (nếu có) của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm chuyển nhượng vốn.

Đối với việc sử dụng vốn, tài sản của Công ty mẹ để đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định khác của pháp luật có liên quan về đầu tư ra nước ngoài.

Cơ chế hỗ trợ ngân sách địa phương trong phòng, chống COVID-19

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn về ngân sách kinh phí thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 gồm:

1- Kinh phí thực hiện các chính sách đặc thù (phần ngân sách nhà nước đảm bảo) trong phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020.

2- Kinh phí thực hiện cách ly y tế, khám, chữa bệnh và chế độ phụ cấp chống dịch (phần ngân sách nhà nước đảm bảo) trong phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ.

3- Kinh phí hỗ trợ tiền ăn và bồi dưỡng chống dịch COVID-19 trong 05 ngày tết Nguyên Đán năm Tân Sửu năm 2021 (phần ngân sách nhà nước đảm bảo) quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ.

Quyết định cũng quy định cụ thể cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Theo đó, với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, ngân sách trung ương hỗ trợ 70% mức ngân sách nhà nước thực chi theo quy định.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại:

- Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên: Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện.

- Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%: Ngân sách trung ương hỗ trợ 30% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

- Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại: Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Các địa phương sử dụng tối đa 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương, tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Trường hợp các địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở mức độ lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương, gồm: 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ nguồn 50% dự toán dự phòng của ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% Quỹ dự trữ tài chính địa phương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.

Kết thúc năm ngân sách, trường hợp ngân sách địa phương hụt thu, sau khi đã điều chỉnh giảm một số khoản chi và sử dụng nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn mà phần hụt thu ngân sách địa phương lớn hơn dự toán dự phòng ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách trung ương và ngân sách từng địa phương, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí từ dự phòng ngân sách trung ương. Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương không vượt quá 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao.

Hỗ trợ kinh phí cho 2 DN sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số

Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ kinh phí năm 2018 cho Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (VINACAFE) để thực hiện Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 62.915.290.582 đồng cho Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam – Công ty cổ phần (60.635.768.454 đồng) và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (2.279.522.128 đồng) từ nguồn chi bảo đảm xã hội của ngân sách trung ương năm 2021 để thực hiện Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 8/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định. Việc quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán số kinh phí hỗ trợ nêu trên thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Bộ Tài chính, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Tổng công ty Cà phê chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.

Nghiên cứu thông tin không nên mở cửa khi chưa miễn dịch cộng đồng

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý thông tin báo nêu về việc Việt Nam không nên mở cửa khi chưa đạt miễn dịch cộng đồng.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn điện tử (The Saigontimes Online) ngày 23/3/2021 có bài viết "McKinsey: Việt Nam không nên mở cửa khi chưa đạt miễn dịch cộng đồng", trong đó thông tin: Việt Nam không nên mạo hiểm mở cửa biên giới, cho phép đi lại tự do cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng, đồng thời khuyến nghị 6 biện pháp kích hoạt phục hồi gồm: chú trọng nhu cầu du lịch trong nước, cân nhắc mô hình giá mới để phục hồi nhu cầu, áp dụng công nghệ số, tạo dựng nền tảng cho nhu cầu của khách nước ngoài đến Việt Nam, bổ sung trải nghiệm cho khách và xác định lại vai trò của nhà nước trong hoạt động du lịch.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý.

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Tại Quyết định 475/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giữ chức Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hồi sinh năm 1970, quê quán huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Văn Hồi từng đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng phòng Công tác xã hội (Cục Bảo trợ xã hội); Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội.

Cấp tín dụng vượt giới hạn thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn 15% vốn tự có đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 25% vốn tự có đối với EVN và người có liên quan để cho EVN vay 27.100 tỷ đồng thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 (Dự án).

Cụ thể, mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn 15% vốn tự có đối với EVN là 37.402 tỷ đồng.

Mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn 25% vốn tự có đối với EVN và người có liên quan là 51.630 tỷ đồng.

Mức cấp tín dụng tối đa được phê duyệt của VCB đối với EVN, EVN và người có liên quan chỉ áp dụng đối với trường hợp cụ thể đã được duyệt; VCB không được sử dụng mức cấp tín dụng tối đa được duyệt đối với trường hợp này để cấp tín dụng đối với trường hợp khác. VCB chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ của các thông tin, tài liệu, số liệu báo cáo.

Mức cấp tín dụng tối đa nêu trên tự động giảm dần khi tổng của tổng mức dư nợ cấp tín dụng và số tiền còn được cấp theo các hợp đồng tín dụng đã ký của VCB đối với EVN, EVN và người có liên quan giảm cho đến khi bằng mức 15%, 25% vốn tự có của VCB.

Trong trường hợp cấp tín dụng đối với EVN và người có liên quan của EVN thì VCB phải đảm bảo quy định về giới hạn tín dụng 15% vốn tự có đối với một khách hàng, 25% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu VCB thực hiện đầy đủ, đúng quy trình, thủ tục và quy định của pháp luật về việc cấp tín dụng và chịu trách nhiệm toàn diện theo quy định pháp luật về việc: đánh giá, thẩm định hiệu quả Dự án, hồ sơ pháp lý, hồ sơ tín dụng, khả năng trả nợ của EVN; đánh giá đầy đủ các rủi ro phát sinh khi cho vay; tự quyết định việc cấp tín dụng đối với EVN để thực hiện Dự án và đảm bảo thu nợ đúng quy định pháp luật. VCB không ra quyết định cho vay hoặc phải dừng cho vay, tập trung thu hồi vốn nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc không đáp ứng đủ điều kiện.

Người đại diện phần vốn nhà nước tại VCB chịu trách nhiệm tham gia ý kiến, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp Hội đồng quản trị về hợp đồng cho vay với Dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, sát sao việc triển khai thực hiện Dự án, bảo đảm vốn vay sử dụng đúng mục đích, đúng tiến độ, an toàn, hiệu quả. Đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính, dòng tiền của EVN, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro đảm bảo an toàn, hiệu quả, không để thất thoát vốn nhà nước.

Kịp thời, thường xuyên báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan chức năng về tiến độ thực hiện Dự án và tình hình cấp tín dụng đối với Dự án, EVN và các doanh nghiệp liên quan.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm triển khai Dự án đúng pháp luật về đầu tư xây dựng; đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đúng tiến độ, công nghệ hiện đại, an toàn với môi trường, quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư, sử dụng nguồn vốn đầu tư an toàn, hiệu quả, đúng quy định. EVN phân tích đánh giá đầy đủ các rủi ro có thể phát sinh và xây dựng phương án dự phòng phù hợp; tuyệt đối không để xảy ra rủi ro, sự cố, thất thoát, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình triển khai Dự án. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, xử lý kịp thời các bất cập phát sinh, đảm bảo hiệu quả đầu tư Dự án.

Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện về tính pháp lý, tính đầy đủ hồ sơ, tính hiệu quả và an toàn của Dự án; chịu trách nhiệm toàn diện về việc bảo đảm an toàn môi trường của Dự án theo quy định của pháp luật trên cơ sở lựa chọn công nghệ tốt nhất, các tiêu chí khói bụi, xỉ thải phải trong giới hạn quy định.

Chịu trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, cung cấp đầy đủ thông tin cho VCB, phối hợp chặt chẽ với VCB trong thời gian cấp tín dụng và đảm bảo khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho VCB; chịu trách nhiệm vận hành Dự án theo đúng phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bổ sung kinh phí tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung 49,22 tỷ đồng từ nguồn dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo, dạy nghề của ngân sách trung ương năm 2021 để tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2021.

Cụ thể, bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho Bộ Giáo dục và Đào tạo 20,685 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan trực tiếp đến tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2021.

Bổ sung có mục tiêu dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho tỉnh Nam Định là 21,035 tỷ đồng để tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2021.

Bổ sung có mục tiêu dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 co 5 tỉnh, gồm: Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Nam, Đắk Lắk, Bến Tre, mỗi tỉnh 1,5 tỷ đồng để tổ chức Hội khỏe Phù Đổng các khu vực.

Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Không lập Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại 5 tỉnh Tây Nguyên

Chính phủ đồng ý Bộ Tài nguyên và Môi trường không lập Đề án "Tổng thể đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2019-2025" theo nhiệm vụ giao tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát để lồng ghép đầy đủ nội dung được giao vào các đề án, dự án, nhiệm vụ do Bộ đang thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật nội dung điều chỉnh nêu trên; định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, trong đó ưu tiên các lưu vực sông thuộc khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long làm cơ sở điều chỉnh cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Tài chính và các bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát, xây dựng các quy hoạch vùng, hướng dẫn các địa phương rà soát, lập quy hoạch tỉnh, phù hợp với khả năng bảo đảm nguồn nước ở từng địa phương và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan dự thảo nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hỗ trợ 270 tỷ đồng cho Hải Dương phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm cấp 270 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Hải Dương để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Bộ Tài chính xử lý cụ thể và hướng dẫn UBND tỉnh Hải Dương triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính, UBND tỉnh Hải Dương chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được tạm cấp bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hải Dương sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, các nguồn lực địa phương, nguồn huy động hợp pháp khác để kịp thời thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; kết thúc đợt chi trả, tổng hợp số liệu, báo cáo kết quả thực hiện chi phòng, chống dịch (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước) gửi Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách trung ương cho tỉnh theo quy định.

Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ ba tại Việt Nam, Hải Dương là tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cùng với các cơ quan chức năng, Hải Dương đã kích hoạt các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, trong đó có các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội... đến nay tình hình dịch bệnh tại các địa phương trong tỉnh đã được kiểm soát. Ngày mai (31/3), Hải Dương sẽ hết thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng, thực hiện phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới.

Để động viên người dân địa phương yên tâm phòng chống dịch và từng bước vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, Nhà nước cùng người dân cả nước đã chung tay hỗ trợ vật chất, tinh thần có ý nghĩa thiết thực như đóng góp vật chất, tiếp sức thu mua và tiêu thụ nông sản…

Nâng cao tiềm lực công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp

Phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp; nâng cao tiềm lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng và làm chủ công nghệ sinh học nông nghiệp hiện đại của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học nông nghiệp ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Trên là mục tiêu tổng quát của Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 429/QĐ-TTg.

Việt Nam làm chủ một số công nghệ sinh học thế hệ mới

Đề án phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam làm chủ được một số công nghệ sinh học thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô công nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất; hình thành và phát triển số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng thêm tối thiểu 30% so với giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp sinh học, tổ chức khoa học, công nghệ và tổ chức chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.

Hình thành DN công nghiệp sinh học quy mô công nghiệp

Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đưa ra 6 nhiệm vụ và 5 giải pháp thực hiện.

Cụ thể, Đề án sẽ triển khai: Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; xây dựng, phát triển tiềm lực công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; truyền thông nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học nông nghiệp.

Trong đó, Đề án sẽ hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học sản xuất sản phẩm nông sản ở quy mô công nghiệp gồm: Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực; phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh vật, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi... phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ; chế phẩm sinh học phục vụ bảo quản chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi, thủy sản, thuốc thú y sinh học, KIT sử dụng cho chẩn đoán, quản lý dịch bệnh hại quan trọng đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực và kiểm soát dư lượng các chất cấm.

Tam Kỳ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định công nhận thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

UBND tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo thành phố Tam Kỳ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Năm 2010, Tam Kỳ bắt đầu triển khai xây dựng NTM tại 4 xã Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Phú và Tam Ngọc. Tuy thuộc thành phố nhưng những địa phương này còn gặp rất nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng thấp kém, số tiêu chí NTM đạt chuẩn của các xã thời điểm đó không quá con số 2.

Xuất phát điểm thấp như vậy, song với sự bền bỉ và quyết tâm cao từ thành phố đến địa phương, công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn đạt được kết quả tích cực. Qua 10 năm triển khai xây dựng NTM, thành phố huy động nhiều nguồn lực đầu tư với tổng kinh phí hơn 351 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 257 tỷ đồng (vốn trực tiếp từ chương trình 99,6 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án hơn 157 tỷ đồng), vốn vay tín dụng 44,8 tỷ đồng, vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã 26 tỷ đồng, huy động nhân dân đóng góp 23 tỷ đồng. Kiên trì, bền bỉ vượt qua khó khăn trong thực hiện, cơ sở hạ tầng nông thôn tại các xã dần hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước nâng lên.

Kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn

Thực hiện đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện và giám sát, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn.

Trên là một trong những nội dung Kế hoạch hoạt động năm 2021 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ.

Triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính

Theo Kế hoạch, năm 2021, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sẽ triển khai một loạt các nhiệm vụ về: 1- Công tác chỉ đạo, điều hành; 2- Xây dựng thể chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện: Về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ mày hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính; 3- Công tác kiểm tra, tuyên truyền cải cách hành chính.

Trong đó, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; tăng cường công tác tuyên truyền cải cách hành chính; giải quyết các kiến nghị của bộ, ngành, địa phương liên quan đến cải cách hành chính.

Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính của Chính phủ; đề cao trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách hành chính đối với các thành viên được giao chủ trì chương trình cải cách hành chính theo phân công của Chính phủ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của các bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời, nâng cao chất lượng thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đồng bộ, khả thi; rà soát, sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.

Cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh

Về môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện và giám sát, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính và kiến nghị sửa đổi những quy định về thủ tục không còn phù hợp gây vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; không để phát sinh điều kiện kinh doanh, sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành không cần thiết; nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện căn bản các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp./.

Top