Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/11

30/11/2020 20:34

Quy định mới về sử dụng pháo hoa

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Đây là một trong những điểm mới tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo vừa được Chính phủ ban hành. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Theo Nghị định, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.

Theo Nghị định, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Nghị định nêu rõ, việc nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện và phải đảm bảo các điều kiện theo quy định. Bên cạnh đó, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.

Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ

Theo Nghị định, các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ bao gồm:

1. Tết Nguyên đán: Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.

2. Giỗ Tổ Hùng Vương: Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 9/3 âm lịch.

3. Ngày Quốc khánh: Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 2/9.

4. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ: Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại Thành phố Điện Biên Phủ. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 7/5.

5. Ngày Chiến thắng (30/4 dương lịch): Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 30/4.

6. Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

7. Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.

8. Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nghị định nêu rõ, nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tang trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.

Nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

Xử lý nghiêm hành vi làm, bán, sử dụng biển số ô tô giả

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi làm, bán, sử dụng biển số ô tô giả.

Bản tin kinh tế xã hội ngày 23/11/2020 trích thông tin Báo Tuổi trẻ, phản ánh việc: Gần đây xảy ra nhiều vụ sử dụng biển số giả để lừa đảo, tống tiền; có trường hợp lái xe gắn biển số đỏ giả, ngang nhiên chở quá khổ, quá tải. Trong khi đó, thị trường mua bán trên mạng chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng là có thể "sở hữu" biển số giả với nền xanh, đỏ. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi làm và bán, sử dụng biển số giả.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an nghiên cứu, xử lý nghiêm; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm.

Bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An

Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành địa điểm giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là quần thể du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn gắn với đặc trưng tiêu biểu của vùng đất Nam Đàn và tỉnh Nghệ An.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Theo đó, tổng diện tích quy hoạch là 278,86 ha, bao gồm: Khu vực bảo vệ của di tích, có tổng diện tích là 170,13 ha, bao gồm: Cụm di tích làng Sen (quy mô 21,5 ha); Cụm di tích làng Hoàng Trù (quy mô 16,8 ha) và Khu mộ bà Hoàng Thị Loan (quy mô 48,2 ha) và Cụm di tích núi Chung (quy mô 83,63 ha).

Khu vực mở rộng phát huy giá trị di tích (trên cơ sở phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), có tổng diện tích là 108,73 ha, bao gồm: Khu đất nông nghiệp cạnh Cụm di tích núi Chung (quy mô 60,73 ha) và đất ruộng thuộc các xóm Mậu 4, Mậu 5 và xóm Liên Minh, xã Kim Liên (quy mô 48 ha).

Theo nội dung quy hoạch, toàn bộ khu di tích, diện tích 287,86 ha được quy hoạch thành một khu tưởng niệm danh nhân, địa điểm đón tiếp các thế hệ người Việt Nam và người nước ngoài đến thăm quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tìm hiểu những ký ức về thời niên thiếu của Người; đồng thời là khu du lịch lịch sử - văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế, trung tâm văn hóa - lễ hội, không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng quê Bắc Trung bộ Việt Nam.

Về định hướng quy hoạch khu vực phát huy giá trị di tích, hình thức kiến trúc của các công trình xây dựng mới đảm bảo hài hòa với không gian cảnh quan các khu vực di tích và địa phương; chiều cao công trình không quá 16 m; khuyến khích sử dụng hình thức kiến trúc truyền thống vùng Nam Đàn.

Khu du lịch văn hóa - sinh thái Núi Chung gồm Đền thờ các cụ thân sinh và chị em ruột Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu du lịch sinh thái kết hợp dã ngoại và khu công viên cây xanh cảnh quan: Hình thành địa điểm "Du lịch về nguồn" kết hợp với bảo tồn, phát huy các yếu tố sinh quyển đặc hữu của địa phương, gắn kết không gian với toàn khu tưởng niệm bằng trục không gian ảo, điểm đầu tại khu vực núi mộ bà Hoàng Thị Loan và điểm cuối tại khu vực núi Chung. Mật độ xây dựng gộp khoảng 2-3%, tầng cao tối đa 3 tầng.

Khu cánh đồng lúa huyết rồng, diện tích 60,73 ha (Là khu đất nông nghiệp nằm cạnh núi Chung) quy hoạch thành khu khu vực trồng và bảo tồn lúa huyết rồng, canh tác theo hình thức organic, kết hợp với không gian trải nghiệm và bảo tồn kiến trúc làng quê truyền thống.

Khu du lịch văn hóa, diện tích 45 ha hình thành khu du lịch văn hóa - lịch sử gắn với các mô hình xưởng sản xuất các sản phẩm nghệ thuật làm từ sen như: tranh làm từ lá sen, nón lá sen, quạt lá sen, lụa làm từ tơ sen, các sản phẩm ẩm thực từ sen...; không gian bảo tồn cảnh quan kiến trúc làng quê truyền thống vùng đất Nam Đàn, trung tâm dịch vụ (cơ sở dịch vụ, cơ sở lưu trú và khu vực hậu cần),...

Trợ giúp xã hội cho người tâm thần, trẻ tự kỷ

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 – 2030.

Mục tiêu của Chương trình nhằm huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí.

70% trẻ em được sàng lọc bệnh tự kỷ

Chương trình phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025, hàng năm ít nhất 80% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; ít nhất 10.000 trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội.

Đồng thời, ít nhất 80% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục; ít nhất 20.000 người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội; ít nhất 10.000 hộ gia đình người rối nhiễu tâm trí có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

80% người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

Hàng năm, ít nhất 80% người tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và 100% người tâm thần lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ của người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; ít nhất 60% số người trầm cảm, trẻ em tự kỷ và người bị rối nhiễu tâm trí khác có nguy cơ cao bị tâm thần và người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng xã hội và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, cơ sở y tế…

Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Trợ giúp y tế; trợ giúp giáo dục; trợ giúp hướng nghiệp, lao động trị liệu, hỗ trợ sinh kế và văn hóa, thể thao; phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên; nghiên cứu, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội. Trên cơ sở đó, khuyến nghị giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần; thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá…

Ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam gồm 5 cấp với 10 nhóm nghề cấp 1. Danh mục này được sử dụng trong công tác thống kê về lao động Việt Nam và làm cơ sở để quản lý lao động theo nghề.

Danh mục nghề nghiệp Việt Nam gồm 5 cấp như sau: Cấp 1: Cấp độ kỹ năng (thể hiện độ khó, độ phức tạp trong việc thực hiện công việc).

Cấp 2 đến cấp 5: Lĩnh vực chuyên môn (bao gồm các chuyên môn tương ứng với lĩnh vực chuyên môn được đào tạo hoặc do kinh nghiệm có được trong thực hiện công việc).

Theo Quyết định có 10 nhóm nghề cấp 1 gồm: 1- Lãnh đạo quản lý trong các ngành, các cấp và đơn vị; 2- Nhà chuyên môn bâc cao; 3- Nhà chuyên môn bậc trung; 4- Nhân viên trợ lý văn phòng; 5- Nhân viên dịch vụ bán hàng; 6- Lao động có kỹ năng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; 7- Lao động thủ công và các nghề nghiệp có liên quan khác; 8- Thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị; 9- Lao động giản đơn; 10- Lực lượng vũ trang.

Nội dung của Danh mục nghề nghiệp Việt Nam giải thích rõ các nghề, bao gồm: mô tả chung, nhiệm vụ chủ yếu, ví dụ, loại trừ.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/1/2021.

Nghiên cứu thông tin nối lại du lịch qua đường hàng không

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu bài viết “Singapore - Hồng Kông nối lại hoạt động du lịch qua đường hàng không”.

Báo Vietnam Plus điện tử ngày 11 tháng 11 năm 2020 có bài viết “Singapore - Hồng Kông nối lại hoạt động du lịch qua đường hàng không”, trong đó thông tin: Du khách đi lại giữa Singapore và Hong Kong sẽ phải làm xét nghiệm COVID-19 thay vì cách ly tại nhà, sẽ không bị hạn chế về mục đích đi du lịch và không cần giám sát hành trình.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất.

Nghiên cứu khuyến nghị dừng bảo hộ ngành công nghiệp ô tô

Về khuyến nghị dừng bảo hộ ngành công nghiệp ô tô trong nước nêu trên Báo điện tử Saigontimes, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu trong quá trình điều hành và hoàn thiện chính sách phát triển ngành ô tô và công nghiệp hỗ trợ.

Báo điện tử Saigontimes ngày 19/11/2020 có đưa thông tin: Chính phủ dự định nghiên cứu chính sách thuế, tín dụng để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước như không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế hay có gói tín dụng ưu đãi cho công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ. Thực chất đây cũng là một dạng bảo hộ nhưng có thể không bị kiện vì tác động không lớn. Vấn đề cần quan tâm là rút kinh nghiệm từ thất bại của nhiều giải pháp trước đây để sáng suốt dừng bảo hộ, mở cửa thị trường ô tô cho cạnh tranh tự do. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã củng cố cho khuyến nghị chấm dứt bảo hộ.

Về thông tin nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu trong quá trình điều hành và hoàn thiện chính sách phát triển ngành ô tô và công nghiệp hỗ trợ.

Nghiên cứu thông tin Báo điện tử Phụ nữ nêu

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã chuyển thông tin Báo điện tử Phụ nữ nêu về tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu đến Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, nghiên cứu.

Báo điện tử Phụ nữ ngày 18 tháng 11 năm 2020 có phản ánh thông tin: Các chuyên gia kinh tế cho biết, mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực còn hạn chế, đang ở cấp độ “chế biến chế tạo mức hạn chế” thấp hơn các nước Malaysia, Thái Lan và Philippines một cấp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã chuyển thông tin nêu trên đến Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, nghiên cứu.

Thị xã Quảng Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định công nhận thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo thị xã Quảng Yên tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Sau 10 năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới của thị xã Quảng Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đời sống người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đến hết năm 2019, 100% đường trục xã, trục thôn trên địa bàn thị xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng được cứng hóa. 97,3% kênh mương nội đồng được kiên cố hóa. Hệ thống trường học, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư, nâng cấp. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, chuyển dịch đúng hướng; thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, cao gấp 3,5 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,7% năm 2010 xuống còn 0,8%.

Bên cạnh đó, môi trường sống của người dân từng bước được cải thiện; tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh lên trên 99,5%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân được thực hiện tốt. Các giá trị văn hóa tốt đẹp được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 8/8 xã của thị xã đã được công nhận hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức Diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã vào ngày 11/12

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) đồng ý tổ chức Diễn đàn KTTT, HTX năm 2020 vào ngày 11/12/2020.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẩn trương chuẩn bị kịch bản, chương trình và công tác hậu cần để Diễn đàn được tổ chức trang trọng, hiệu quả, thiết thực.

KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (gồm HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác) là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển KTTT, HTX là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.

Những năm vừa qua, KTTT, HTX tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài; nhiều mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc dân. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội nhưng cả nước vẫn thành lập mới 1014 HTX, 10 liên hiệp HTX, 3.000 tổ hợp tác. Đến tháng 6 năm 2020, cả nước có hơn 25.200 HTX. Tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt hơn 54% (năm 2012 chỉ có 10% HTX), thu nhập của người lao động trong HTX được cải thiện.

Hệ thống Liên minh HTX (bao gồm Liên minh HTX Việt Nam và cấp tỉnh) đã thực hiện các nhiệm vụ được giao, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX; chủ động nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất và triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX...

Tuy vậy, khu vực KTTT, HTX vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; tỉ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều HTX có quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực; công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn một số bất cập…

Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam hoạt động còn nhiều khó khăn, vướng mắc; tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý chưa thống nhất, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn.../.

Top