Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/1

29/01/2021 19:43

Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, với chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021, từ ngày 1/1/2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Chuẩn nghèo quy định nêu trên là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác.

Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025

Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 gồm:

Tiêu chí thu nhập: Khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng.

Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản:

- Các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

- Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt.

Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình

Nghị định cũng quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025.

Cụ thể, về chuẩn hộ nghèo, khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn hộ cận nghèo

- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn hộ có mức số trung bình

- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1,5 triệu đồng đến 2,25 triệu đồng.

- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Nghị định có hiệu lực từ 15/3/2021.

Quy định mới về quản lý chất lượng công trình xây dựng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

Nghị định nêu rõ, nội dung quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm: 1- Quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình; 2- Quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình; 3- Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình; 4- Quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình; 5- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thi công xây dựng; 6- Quản lý các nội dung khác theo quy định của hợp đồng xây dựng.

Trình tự quản lý thi công xây dựng công trình

Theo Nghị định, trình tự quản lý thi công xây dựng công trình như sau:

1- Tiếp nhận mặt bằng thi công xây dựng; thực hiện việc quản lý công trường xây dựng.

2- Quản lý vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.

3- Quản lý thi công xây dựng công trình của nhà thầu.

4- Giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư, kiểm tra và nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình.

5- Giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình.

6- Thí nghiệm đối chứng, thử nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình và kiểm định xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình.

7- Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng, bộ phận công trình xây dựng (nếu có).

8- Nghiệm thu hạng mục công trình, công trình hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng.

9- Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).

10- Lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình.

11- Hoàn trả mặt bằng.

12- Bàn giao công trình xây dựng.

Nghị định nêu rõ, nhà thầu thi công xây dựng tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, bảo quản mốc định vị và mốc giới công trình, quản lý công trường xây dựng theo quy định.

Nhà thầu thi công xây dựng xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình. Thi công xây dựng theo đúng hợp đồng xây dựng, giấy phép xây dựng (nếu có), thiết kế xây dựng công trình. Kịp thời thông báo cho chủ đầu tư nếu phát hiện sai khác giữa hồ sơ thiết kế, hợp đồng xây dựng so với điều kiện thực tế trong quá trình thi công. Kiểm soát chất lượng thi công xây dựng do mình thực hiện theo yêu cầu của thiết kế và quy định của hợp đồng xây dựng. Hồ sơ quản lý chất lượng của các công việc xây dựng phải phù hợp với thời gian thực hiện thực tế tại công trường.

Dừng thi công xây dựng đối với công việc xây dựng, bộ phận, hạng mục công trình khi phát hiện có sai sót, khiếm khuyết về chất lượng hoặc xảy ra sự cố công trình và khắc phục các sai sót, khiếm khuyết, sự cố này. Dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công; khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình.

Thực hiện trắc đạc, quan trắc công trình theo yêu cầu thiết kế. Thực hiện thí nghiệm, kiểm tra chạy thử đơn động và chạy thử liên động theo kế hoạch trước khi đề nghị nghiệm thu…

Giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng

Nghị định nêu rõ, Giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng bao gồm các hình thức sau: 1- Giải thưởng quốc gia về chất lượng công trình xây dựng; 2- Giải thưởng công trình xây dựng chất lượng cao và các giải thưởng chất lượng khác.

Các nhà thầu đạt giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng được xem xét ưu tiên khi tham gia đấu thầu trong hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Giải thưởng được làm căn cứ để xem xét ưu tiên cho nhà thầu là các giải thưởng mà nhà thầu đạt được trong thời gian 3 năm gần nhất tính đến khi đăng ký tham gia dự thầu. Chủ đầu tư có trách nhiệm quy định nội dung nêu trên trong hồ sơ mời thầu.

Bộ Xây dựng tổ chức và xét duyệt giải thưởng chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại khoản 4 Điều 162 Luật số 50/2014/QH13.

Phê duyệt kết quả pháp điển 4 chủ đề, 27 đề mục

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với các chủ đề: Bảo hiểm; Giao thông, vận tải; Thi đua, khen thưởng, các danh hiệu vinh dự nhà nước; Thông tin, báo chí, xuất bản và 27 đề mục.

Cụ thể, Chính phủ phê duyệt kết quả pháp điển chủ đề Bảo hiểm với đề mục Bảo hiểm xã hội; chủ đề Thi đua, khen thưởng, các danh hiệu vinh dự nhà nước với đề mục Thi đua, khen thưởng; Chủ đề Thông tin, báo chí, xuất bản với đề mục Xuất bản; Chủ đề Giao thông, vận tải với 5 đề mục: Đường sắt, Giao thông đường bộ, Giao thông đường thủy nội địa, Hàng hải Việt Nam, Hàng không dân dụng Việt Nam.

Ngoài ra, phê duyệt kết quả pháp điển 27 đề mục gồm: Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Biển Việt Nam, Tần số vô tuyến điện, Dầu khí, Hóa chất, Chuyển giao công nghệ, Thủy sản, Thuế bảo vệ môi trường, Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Cạnh tranh, Quản lý ngoại thương, Thương mại, Công tác văn thư, Phòng, chống tác hại của rượu, bia…

Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan liên quan thực hiện việc sắp xếp 4 chủ đề và 27 đề mục nêu trên vào Bộ pháp điển; đăng tải kết quả pháp điển điện tử lên Cổng thông tin điện tử pháp điển; phổ biến, tuyên truyền về kết quả pháp điển.

Trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới thuộc các 4 chủ đề và 27 đề mục nêu trên, cơ quan thực hiện pháp điển phối hợp với Bộ Tư pháp kịp thời cập nhật quy phạm pháp luật mới và loại bỏ những quy phạm pháp luật hết hiệu lực ra khỏi Bộ pháp điển theo quy định.

Nghiên cứu giải pháp hạ nhiệt giá cước tàu biển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính nghiên cứu, xử lý báo nêu về giải pháp hạ nhiệt giá cước tàu biển đang tăng phi mã.

Báo điện tử của Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 14 tháng 01 năm 2021 có bài viết: “Giải pháp nào hạ nhiệt giá cước tàu biển đang tăng phi mã?”, trong đó một số hiệp hội, ngành hàng đề xuất các giải pháp đồng bộ: chủ hàng giải phóng nhanh, kêu gọi hãng tàu giảm cước, các cơ quan nhà nước giải quyết nhanh các công – ten – nơ tồn đọng để có vỏ công – ten – nơ rỗng; về lâu dài cần xây dựng nhà máy sản xuất vỏ công – ten – nơ tại Việt Nam để chủ động trong xuất khẩu.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính nghiên cứu, xử lý.

Thủ tướng gửi thư thăm hỏi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam

Nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021, ngày 29/1/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư thăm hỏi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Thủ tướng tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh, phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu nội dung bức thư như sau:
Thân ái gửi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam,

Sau 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, với sự đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, đất nước chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có sự đóng góp quan trọng nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Bước vào thời kỳ phát triển mới, bên cạnh những cơ hội rộng mở, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên, tiếp tục nỗ lực, bản lĩnh, chủ động đổi mới, sáng tạo. Tôi cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục xây dựng văn hóa kinh doanh, nâng cao trách nhiệm xã hội, "chia ngọt sẻ bùi" với đồng bào, bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, nói không với tham nhũng và tiêu cực trong kinh doanh, đồng hành cùng cả nước, cả dân tộc phát triển bền vững.

Làm giàu chính đáng cũng là thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm với xã hội và đất nước có thêm nhiều doanh nghiệp mạnh, doanh nhân giỏi, chúng ta có thêm điều kiện hoàn thành mục tiêu xây dựng nền kinh tế tự chủ, đất nước Việt Nam tự cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, xây dựng bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển, đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển, Chính phủ sẽ luôn đồng hành tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cho khát vọng vươn lên thoát nghèo và làm giàu của mỗi người dân.

Nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021, thay mặt Chính phủ, tôi thân ái gửi tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam lời thăm hỏi thân thiết và những lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh, phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần hiện thực hóa vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần hiện thực hóa khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Gửi Hồ sơ đề cử “Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà” là Di sản thế giới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành các thủ tục cần thiết gửi Hồ sơ đề cử di sản “Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà” tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO, bảo đảm thời gian theo quy định.

Quần đảo Cát Bà đã được xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tháng 9 năm 2013, hồ sơ đề cử Quần đảo Cát Bà là Di sản Thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học đã được gửi tới Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO. Sau quá trình thẩm định, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đã dự thảo Quyết định số WHC-14/38.COM/INF.8B trình Ủy ban Di sản Thế giới tại Kỳ họp lần thứ 38 ở Quatar năm 2014, trong đó khuyến nghị: “Quốc gia thành viên xem xét khả năng đề xuất nối dài với Vịnh Hạ Long, theo các tiêu chí (vii) và (viii) và có thể là tiêu chí (x), để gộp cả Quần đảo Cát Bà”.

Được biết, Văn phòng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) tại Việt Nam đã có Công văn số 09/IUCNVN/2016 khẳng định sự cần thiết của việc mở rộng Vịnh Hạ Long với Quần đảo Cát Bà để xây dựng hồ sơ đề cử Di sản Thế giới.

Quần đảo Cát Bà là quần thể gồm hơn 360 đảo trong đó có đảo Cát Bà ở phía Nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30 km, cách thành phố Hạ Long khoảng 25 km. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Việc đề cử quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới nhằm gìn giữ, bảo tồn, duy trì giá trị đặc hữu về đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, giúp chúng ta nhận thức rõ Quần đảo Cát Bà là quà tặng vô giá của thiên nhiên cho con người, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thế giới trước hết sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Cát Bà. Đồng thời góp phần quảng bá và nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước, thu hút các lĩnh vực đầu tư kinh tế sinh thái.

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Định

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi quy hoạch gồm phần lãnh thổ tỉnh Bình Định có tổng diện tích tự nhiên 6.071,33 km2; trên phạm vi 11 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Quy Nhơn; các thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn và 8 huyện (An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Tuy Phước, Vân Canh, Vĩnh Thạnh).

Về quan điểm lập quy hoạch, việc lập quy hoạch tỉnh Bình Định đảm bảo phù hợp thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.

Đánh giá đầy đủ vai trò, giá trị địa kinh tế - chính trị của tỉnh Bình Định; liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và cả nước; khả năng khai thác các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, bình đẳng giới, giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống vật chất, thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế; chú trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các khu vực có điều kiện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân;...

Nội dung Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tuân thủ theo quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, bao gồm các nội dung chủ yếu như: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Bình Định; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; đánh giá việc thực hiện các chiến lược, chương trình, quy hoạch và các dự án liên quan trong thời kỳ quy hoạch trước, dự báo tác động trong thời kỳ quy hoạch mới trên địa bàn tỉnh Bình Định;.../.

 

Top