Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28/8

28/08/2020 19:19

Phạt tới 2 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm về thăm dò, khai thác dầu khí

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Nghị định quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Cụ thể, đối với hoạt động thăm dò dầu khí, Nghị định quy định phạt tiền từ 300 - 400 triệu đồng đối với hành vi khoan ra ngoài diện tích ghi trong hợp đồng dầu khí khi cơ quan có thẩm quyền chưa cho phép mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp dưới 1 tỷ đồng.

Phạt tiền từ 400 - 600 triệu đồng đối với hành vi tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí khi hợp đồng dầu khí hoặc chương trình công tác và ngân sách hàng năm chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp dưới 1 tỷ đồng.

Phạt tiền từ 600 - 800 triệu đồng đối với hành vi tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí tại khu vực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố cấm hoặc tạm thời cấm mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp dưới 100 triệu đồng.

Nghị định quy định phạt tiền từ 1,8 - 2 tỷ đồng đối với hành vi xâm phạm vùng thuộc đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò dầu khí mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp dưới 100 triệu đồng.

Phạt đến 600 triệu đồng khi khai thác dầu khí tại khu vực cấm

Đối với những hành vi vi phạm quy định về hoạt động phát triển mỏ và khai thác dầu khí, Nghị định quy định phạt tiền từ 400 - 500 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Tiến hành hoạt động phát triển mỏ và khai thác dầu khí khi kế hoạch phát triển mỏ hoặc chương trình công tác và ngân sách hàng năm tương ứng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; khai thác dầu khí vượt ra ngoài diện tích ghi trong hợp đồng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Phạt tiền từ 500 - 600 triệu đồng đối với hành vi tiến hành hoạt động khai thác dầu khí tại khu vực mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố cấm hoặc tạm thời cấm.

Đối với hành vi xâm phạm vùng thuộc đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lực địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm khai thác dầu khí bị phạt tiền từ 1,8 - 2 tỷ đồng.

Nghiên cứu, rà soát quy hoạch, quản lý cảng biển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, rà soát công tác quy hoạch, quản lý cảng biển.

Trước đó, báo Diễn đàn doanh nghiệp điện tử (Enternews.vn) ngày 20/8/2020 có bài viết về việc Dịch vụ cảng biển và hệ lụy quy hoạch: Dừng "cuộc đua xuống đáy". Trong đó theo Tổ chức Tư vấn Alphaliner, tình trạng phát triển cảng công-ten-nơ ở Việt Nam là quá manh mún, quá nhiều cảng trong một thị trường. Đây được là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng một số cảng đã phải mở đầu cho cuộc đua xuống đáy và nguyên nhân của việc hơn 10 năm giá dịch vụ xếp dỡ cảng biển không thay đổi là do các doanh nghiệp cạnh tranh giá để thu hút khách hàng...

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, rà soát trong công tác quy hoạch, quản lý cảng biển.

Vi phạm kinh doanh đa cấp sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Cụ thể, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;... Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người tham gia bán hàng đa cấp hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nơi doanh nghiệp chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.

Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về kế hoạch trả thưởng, quy tắc hoạt động, lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hành đa cấp;...

Hành vi tham gia vào hoạt động tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thu lợi bất chính đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác đến dưới 500 triệu đồng, trừ trường hợp quy định.

Phạt đến 60 triệu đồng hành vi trả tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng... vượt quá 40% doanh thu

Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với doanh nghiệp hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi: ký hợp đồng bán hàng đa cấp với cá nhân không đủ điều kiện tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; không chấm dứt hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp khi người tham gia bán hàng đa cấp bị xử phạt về hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về việc lập danh sách Đào tạo viên, lưu giữ hồ sơ kèm theo, công bố danh sách đào tạo viên trên trang thông tin điện tử và thông báo tới Bộ Công Thương;...

Phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về việc thông báo với Sở Công Thương khi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên tại địa phương nơi thương nhân đã được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; không phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình cơ quan chức năng thực hiện trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp của thương nhân; trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác, bao gồm cả lợi ích được hưởng theo chương trình khuyến mại, trong một năm vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của thương nhân;...

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác thì sẽ bị phạt tiền từ 60-90 triệu đồng.

Nghị định có hiệu lực từ 15/10/2020.

Sửa cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 24/2020/QĐ-TTg  sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2017/QĐ-TTg ngày 3/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 2 nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Lâm nghiệp: Thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam theo phân công của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (quy định cũ: thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan CITES Việt Nam theo phân công của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Theo Quyết định số 28/2017/QĐ-TTg, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp có cơ quan quản lý CITES Việt Nam (có Đại diện CITES phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh). Tại Quyết định số 24/2020/QĐ-TTg, quy định trên được sửa lại là: Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam (có Đại diện CITES phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh)./.

Top