Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28/2/2020

28/02/2020 21:19

Tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 307/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021.

Theo quyết định, tiến hành Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản về các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm và thủy sản, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nhằm phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

5 nội dung Tổng điều tra

Các nội dung Tổng điều tra gồm:

1- Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra: thông tin định danh của cơ sở; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh; các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp, cơ sở trực thuộc của các tổ chức trên; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam.

2- Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động: thông tin về người đứng đầu; lao động của cơ sở; thu nhập của người lao động.

3- Thông tin về kết quả, chi phí sản xuất kinh doanh: tài sản, nguồn vốn; kết quả hoạt đông, chi phí sản xuất kinh doanh; thuế và các khoản nộp ngân sách; vốn đầu tư; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D), đổi mới sáng tạo; các chỉ tiêu thống kê chuyên ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phân tổ theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam; tiêu dùng năng lượng.

4- Thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin: sử dụng phần mềm quản lý, tự động hóa cho sản xuất kinh doanh; sử dụng hình thức thương mại điện tử qua hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ trực tuyến; năng lực tiếp cận cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

5- Thông tin về tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên đề về đơn vị điều tra.

Tổng điều tra thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 - Thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khối doanh nghiệp; các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp; tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam; cơ sở trực thuộc của các tổ chức trên. Thời gian thu thập thông tin từ ngày 1/3-30/5/2021.

Giai đoạn 2 - Thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Thời gian thu thập thông tin từ ngày 1/7 - 30/7/2021.

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra công bố vào tháng 12/2021. Kết quả chính thức công bố vào quý II/2022.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì xây dựng phương án Tổng điều tra; tổ chức thí điểm để hoàn thiện phương án Tổng điều tra. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định việc ban hành Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Phương án Tổng điều tra được xây dựng trên nguyên tắc khai thác tối đa số liệu về doanh nghiệp của Tổng cục Thuế, Bảo hiểm xã hội và các số liệu thực tế hiện có của các cơ quan đã xây dựng hệ thống tích hợp dữ liệu trên cơ sở công nghệ thông tin; sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong thu thập và xử lý thông tin Tổng điều tra.

Thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra

Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê làm Phó Trưởng ban.

Lãnh đạo các Bộ, ngành: Quốc phòng; Công an; Công Thương; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Y tế; Nội vụ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Văn phòng Chính phủ; Kho bạc Nhà nước; Tổng cục Thuế; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phụ trách lĩnh vực thống kê thương mại, dịch vụ và Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê làm Ủy viên.

Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Thống kê hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tại Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp ở địa phương.

Ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP

Chính phủ ban hành Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bao gồm: Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP; dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh; dự án không thuộc quy định nêu trên nhưng phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.

Trong đó, Nghị định quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP.

Cụ thể, trường hợp nhà đầu tư có báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đối với dự án ứng dụng công nghệ cao), thiết kế, dự toán (đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT hoặc dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu trên cơ sở thiết kế và dự toán) được phê duyệt, nhà đầu tư đó được hưởng ưu đãi trong đấu thầu khi đánh giá về tài chính - thương mại, cụ thể như sau:

Trường hợp áp dụng phương pháp giá dịch vụ, nhà đầu tư không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% giá dịch vụ vào giá dịch vụ của nhà đầu tư đó để so sánh, xếp hạng.

Trường hợp áp dụng phương pháp vốn góp của Nhà nước, nhà đầu tư không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần đề xuất vốn góp của Nhà nước vào phần vốn góp của Nhà nước mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.

Trường hợp áp dụng phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, nhà đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi được cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần đề xuất nộp ngân sách nhà nước hoặc trừ đi một khoảng thời gian bằng 5% vào khoảng thời gian thực hiện hợp đồng mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.

Trường hợp dự án áp dụng loại hợp đồng BT, nhà đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi được trừ đi một khoản giá trị bằng 5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có) vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có) mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.

Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo tỷ trọng của phương pháp kết hợp nhưng tổng giá trị ưu đãi không vượt quá 5%.

Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

Nhà đầu tư tham dự thầu được đánh giá là độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu tư vấn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu quy định tại khoản 4 Điều 6 của Luật Đấu thầu khi đáp ứng các điều kiện sau:

1- Nhà đầu tư tham dự thầu không có cổ phần hoặc vốn góp với nhà thầu tư vấn sau đây:

- Nhà thầu tư vấn thẩm tra, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ thiết kế, dự toán;

- Nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

2- Nhà đầu tư tham gia dự thầu và nhà thầu tư vấn quy định nêu trên không cùng có tỷ lệ sở hữu từ 30% vốn cổ phần, vốn góp trở lên của một tổ chức, cá nhân khác đối với từng bên.

Trường hợp nhà đầu tư tham dự thầu với tư cách liên danh hoặc nhà thầu tư vấn được lựa chọn với tư cách liên danh, tỷ lệ sở hữu vốn của tổ chức, cá nhân khác trong liên danh được xác định bằng tổng tỷ lệ cổ phần, vốn góp tương ứng của từng thành viên trong liên danh.

3- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu không có tỷ lệ sở hữu vốn trên 49% cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư tham dự thầu với tư cách liên danh, tỷ lệ sở hữu vốn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu trong liên danh danh được xác định theo công thức sau:

Trong đó:

Xi: là tỷ lệ sở hữu vốn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu trong thành viên liên danh thứ i.

Yi: là tỷ lệ góp vốn của thành viên liên danh thứ i tại thỏa thuận liên danh.

n: là số thành viên tham gia trong liên danh.

Kiểm tra hoạt động giám định tư pháp tại một số bộ, địa phương

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp Trung ương ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2020 và Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp năm 2020.

Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo xác định rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong việc chỉ đạo thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo Đề án, Luật giám định tư pháp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ đề ra.

Kế hoạch kiểm tra nêu rõ: Việc kiểm tra nhằm đánh giá những kết quả việc triển khai thực hiện Đề án và kết quả triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp tại một số Bộ, ngành, địa phương; nắm bắt và chấn chỉnh những tồn tại trong hoạt động giám định tư pháp nhằm bảo đảm công tác giám định tư pháp được thực hiện đầy đủ, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng.

Theo đó, kiểm tra việc xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn về quy chuẩn chuyên môn hoặc áp dụng quy chuẩn chuyên môn, thời hạn giám định của các Bộ, ngành.

Kiểm tra việc củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giám định và kinh phí hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp công lập; việc công bố danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, người giám định tư pháp theo vụ việc trên cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và hoạt động giám định tư pháp của các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, người giám định tư pháp theo vụ việc ở một số Bộ, ngành, địa phương.

Kiểm tra việc dự toán, cấp phát, bảo đảm nguồn kinh phí phục vụ việc chi trả kịp thời tiền bồi dưỡng giám định, chi phí giám định.

Theo kế hoạch, từng thành viên Ban Chỉ đạo chủ động kiểm tra việc thực hiện Đề án, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp tại Bộ, ngành mình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, sẽ thành lập 4 đoàn kiểm tra, mỗi đoàn kiểm tra do 1 thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện một số bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo để tiến hành kiểm tra tại: Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Công an một số tỉnh, thành phố, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hòa, Bắc Giang, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bình Dương, Bình Phước.

Phê duyệt Bản ghi nhớ thành lập Trung tâm ASEAN-Trung Quốc

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 28/2/2020 về việc phê duyệt Bản ghi nhớ thành lập Trung tâm ASEAN-Trung Quốc giữa Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Cụ thể, Chính phủ phê duyệt Bản ghi nhớ thành lập Trung tâm ASEAN-Trung Quốc giữa Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký ngày 06/8/2017 tại Phi-líp-pin dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc.

Chính phủ giao Bộ Ngoại giao thực hiện thủ tục đối ngoại theo quy định. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Bản ghi nhớ trên.

Đẩy nhanh tiến độ một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Phó Thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và địa phương liên quan trong triển khai các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam nói chung và Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 nói riêng.

Đến nay, công tác lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công các gói thầu thuộc 3 dự án đầu tư công được triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ (Dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và đã triển khai thi công từ tháng 12/2019; Dự án Cam Lộ  - La Sơn đã hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp 05/11 gói thầu, trong đó đã khởi công 2 gói thầu trong tháng 9/2019, 3 gói thầu đang huy động thiết bị để triển khai thi công; 6 gói thầu còn lại đã cơ bản hoàn thành công tác đấu thầu, dự kiến triển khai thi công trong quý I/2020; Cầu Mỹ Thuận 2 đã ký hợp đồng 1 gói thầu đường dẫn để triển khai thi công trong quý I/2020; 2 gói thầu đường dẫn và cầu dẫn còn lại sẽ triển khai thi công trong quý II/2020).

Đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đã cơ bản hoàn thành công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật các gói thầu và đã hoàn thành công tác đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển và trình kết quả sơ tuyển…

Tuy nhiên, về tổng thể, Dự án chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ đề ra, có nguy cơ chậm nhiều so với dự kiến. Nếu không có giải pháp tốt thì Dự án khó đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội.

Để đẩy nhanh tiến độ Dự án, đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiến độ, hiệu quả đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương trong các công việc cụ thể (thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng…), có kế hoạch chi tiết để kiểm soát tiến độ từng dự án thành phần.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương giải quyết các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải, đặc biệt là các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP.

Các địa phương và các bộ, ngành liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án, không để việc chậm bàn giao mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tổng thể về tình hình thực hiện Dự án, nêu rõ những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị các giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3/2020.

Thủ tướng: Diễn biến dịch COVID-19 vẫn phức tạp, tuyệt đối không được chủ quan

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ, diễn biến dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới vẫn tiếp tục hết sức phức tạp và khó lường, tuyệt đối không được chủ quan.

Thông báo nêu rõ, về cơ bản, Thủ tướng Chính phủ nhất trí với báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Cho đến nay, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia và nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp đồng bộ, toàn diện của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân cả nước. Kết quả tích cực mang lại không khí tự tin cho những người làm công tác phòng chống dịch, tâm lý yên tâm cho nhân dân. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới vẫn tiếp tục hết sức phức tạp và khó lường, tuyệt đối không được chủ quan.

Tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly hành khách đi từ vùng dịch vào Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm giải pháp cách ly tập trung các hành khách đi từ vùng dịch vào Việt Nam. Các địa phương liên quan, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện, kịp thời phối hợp đề xuất các giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả giải pháp này.

Các cơ quan, đơn vị như Ngoại giao, Giao thông vận tải, Hàng không phải thông báo rõ cho hành khách về giải pháp cách ly tập trung áp dụng đối với người đến hoặc đi qua vùng có dịch để được biết và quyết định việc mua vé đến hoặc về Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh Khung kế hoạch thời gian năm học; trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan, xem xét, quyết định theo thẩm quyền thời gian đi học cụ thể của học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Đề xuất các gói hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm nhưng nhiệm vụ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng cần phải được quan tâm chỉ đạo. 

Các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động cập nhật tình hình dịch bệnh, chủ động thực hiện hoặc đề xuất các giải pháp đột phá phù hợp với các kịch bản có thể xảy ra của dịch bệnh, phấn đấu quyết liệt để đạt mục tiêu nhiệm vụ năm 2020 đã phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ các gói chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế, xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa, kể cả các giải pháp theo quy định phải báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội nếu thấy thực sự cần thiết. Các ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giữ vững ổn định và phát triển sản xuất, dịch vụ.

Tạm dừng miễn thị thực với công dân Hàn Quốc từ 29/2

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 28/02/2020 về việc điều chỉnh tạm thời chính sách miễn thị thực, nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ nước có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Theo đó, tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương, trước mắt đối với công dân Hàn Quốc áp dụng từ 00 giờ 00 phút ngày 29/02/2020.

* Sáng nay (28/2), tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết: Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên diễn biến trên thế giới rất phức tạp, nhất là tại một số nước như: Hàn Quốc, Italy, Iran…

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào Việt Nam, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ sức khoẻ của người dân, cộng đồng, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với kinh tế, xã hội. Với tinh thần đó, Chính phủ đã quyết định tạm dừng áp dụng chính sách miễn thị thực đối với công dân Hàn Quốc.

Theo đó, công dân Hàn Quốc vào Việt Nam với thị thực phù hợp do Việt Nam cấp, đây là giải pháp Việt Nam áp dụng tạm thời để ngăn chặn dịch bệnh. Quyết định này chính thức được áp dụng từ 0h ngày 29/2/2020.

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Tư pháp

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 28/02/2020 bổ nhiệm ông Mai Lương Khôi, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Tư pháp./.

Top