Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28/12/2020

28/12/2020 19:14

Thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

VNX là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. VNX có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng.

VNX có trụ sở chính đặt tại Hà Nội, nắm giữ 100% vốn điều lệ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).

Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam có nhiệm vụ chính là xây dựng và ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, thành viên của VNX và các quy chế nghiệp vụ khác liên quan đến tổ chức và hoạt động thị trường giao dịch chứng khoán; ban hành tiêu chí giám sát giao dịch.

Bên cạnh đó, giám sát HNX và HoSE thực hiện các quy chế hoạt động nghiệp vụ; giám sát chung hoạt động giao dịch chứng khoán, hoạt động công bố thông tin của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch và nhà đầu tư thuộc đối tượng công bố thông tin; giám sát tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch và nhà đầu tư hoạt động trên thị trường giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán thông qua việc đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức; cung cấp dịch vụ về thông tin thị trường và thông tin liên quan đến chứng khoán niêm yết, chứng khoán đăng ký giao dịch; cung cấp dịch vụ phát triển hạ tầng công nghệ cho thị trường chứng khoán và các dịch vụ liên quan khác theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động.

Theo quyết định, HNX sẽ có nhiệm vụ tổ chức, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường giao dịch trái phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác. HoSE sẽ tổ chức, vận hành hành thị trường giao dịch cổ phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức quản lý

Cơ cấu tổ chức quản lý của VNX bao gồm: Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Ban kiểm soát và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VNX do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Hội đồng thành viên.

Cơ cấu tổ chức quản lý của HNX, HoSE bao gồm: Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn.

Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 20/2/2021.

Thủ tướng phân công soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết

Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Theo phân công, Bộ Công an sẽ chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (Khoản 2 Điều 16, Khoản 7 Điều 19, Khoản 10 Điều 21, Khoản 3 Điều 24, Khoản 3 Điều 29, Khoản 4 Điều 36).

Bộ Ngoại giao chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức (Khoản 3 Điều 20, khoản 2 Điều 23); Nghị định về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế (Khoản 3 Điều 50).

Nghị định quy định về chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Khoản 2 Điều 8, Khoản 2 Điều 10, Khoản 4 Điều 12, Khoản 4 Điều 16, Khoản 6 Điều 17, Khoản 3 Điều 24, Khoản 5 Điều 25, Khoản 2 Điều 36, Khoản 2 Điều 54, Khoản 2 Điều 74); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (Khoản 3 Điều 66) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon (Khoản 8 Điều 91, Khoản 8 Điều 92, Khoản 11 Điều 139); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (Khoản 3 Điều 91); ghị định quy định chi tiết việc thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, xây dựng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (Điều 4, Điều 7)…

Nghị định quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Nội vụ chủ trì, soạn thảo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết các nội dung được luật, nghị quyết giao, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định; ban hành các thông tư quy định chi tiết các nội dung được luật, nghị quyết giao, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, nghị quyết, không để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.

Chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan giải quyết hoặc kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực những khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất bổ sung văn bản để quy định chi tiết các luật, nghị quyết trong quá trình soạn thảo văn bản.

Phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc rà soát, đề xuất và xây dựng các Nghị định để quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm đúng chất lượng, tiến độ.

Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cử cán bộ, công chức tham gia soạn thảo, chỉnh lý các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, thẩm tra các dự thảo nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết các luật, nghị quyết, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Định kỳ ngày 20 hằng tháng, cơ quan chủ trì soạn thảo cập nhật thông tin về tình hình, tiến độ soạn thảo và gửi Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ.

Mỗi xã, phường, thôn bản xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu

Thủ tướng Chính phủ đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: Mỗi xã, phường, mỗi thôn bản xây dựng “mô hình giảm nghèo tiêu biểu” phù hợp với địa phương mình với cách làm sáng tạo hơn nữa. Các địa phương khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cấp ủy phân công đảng viên tham gia hỗ trợ người nghèo.

Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020.

Thông báo nêu rõ, giảm nghèo là vấn đề kinh tế - xã hội lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn đề của toàn cầu. Thời gian tới, để thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn 2030 và Mục tiêu phát triển bền vững của thế giới giai đoạn 2015 - 2030 mà Liên hợp quốc đã thông qua, Việt Nam cần nỗ lực, quyết tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ người nghèo, chuẩn nghèo đa chiều, ưu tiên trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các chương trình, mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội trong bối cảnh mới, tác động cực đoan của dịch bệnh, biến đổi khí hậu trên cơ sở lắng nghe ý kiến của người dân, tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn trong triển khai thực hiện; nhân rộng các chương trình, sáng kiến, mô hình hiệu quả, thành công; ưu tiên nguồn lực Nhà nước, lồng ghép các chương trình giảm nghèo, cùng với huy động nguồn lực toàn xã hội, sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong công cuộc hỗ trợ người nghèo.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì nghiên cứu trình Ban Bí thư chỉ đạo về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 “Vì một Việt Nam không có đói nghèo”.

Tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng KTXH ở các vùng khó khăn

Các Bộ, ngành, địa phương cần xác định giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong xây dựng và thực hiện.

Thời gian tới, tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn; tăng cường thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; đầu tư cho giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm có thu nhập; tiếp tục bố trí vốn và ban hành chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để thực hiện từ năm 2021; áp dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Trước mắt, các cấp chính quyền địa phương cần hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung sửa chữa nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc, không để người dân không có chỗ ở, bị thiếu đói, bệnh tật; khẩn trương sửa chữa lại trường học, lớp học để 100% học sinh được đến trường. Lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban nhân dân các cấp, cần trực tiếp kiểm tra thực tế, chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể để mọi người dân được đón Tết cổ truyền đầy đủ, hạnh phúc.

Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch cụ thể để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau” để bảo đảm là một trong 4 phong trào trọng tâm trong Phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: Mỗi xã, phường, mỗi thôn bản xây dựng “mô hình giảm nghèo tiêu biểu” phù hợp với địa phương mình với cách làm sáng tạo hơn nữa. Các địa phương khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cấp ủy phân công đảng viên tham gia hỗ trợ người nghèo.

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội chung tay vì người nghèo; đẩy mạnh công tác giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, phát duy dân chủ và nội lực của người dân.

Các cơ quan, Bộ ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với tổ chức quốc tế để tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong công cuộc giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

* Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về giảm nghèo, tỷ lệ nghèo từ 9,88% năm 2015, dự kiến chỉ còn dưới 3% năm 2020.

Lập Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý Khu Di tích, Văn hóa, Lịch sử và Du lịch Núi Sam thành phố Châu Đốc.

Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang trực tiếp quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam; có chức năng phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực văn hóa, du lịch trong Khu du lịch quốc gia Núi Sam theo Quyết định số 2098/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang có trách nhiệm rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc (trong đó có Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang) theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.

Top