Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28/10

28/10/2019 18:50

Sửa đổi quy định ghi nợ tiền sử dụng đất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 79/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 16 (ghi nợ tiền sử dụng đất) Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.

Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân (1) (gồm: người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là  đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Việc xác định người có công với cách mạng được thực hiện theo quy định của pháp luật về người có công. Việc xác định hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mức tiền sử dụng đất ghi nợ đối với hộ gia đình, cá nhân quy định nêu trên được xác định bằng chênh lệch giữa tiền sử dụng đất phải nộp khi hộ gia đình, cá nhân được giao đất tái định cư trừ (-) giá trị được bồi thường về đất, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Hộ gia đình, cá nhân quy định nêu trên (sau đây gọi là hộ gia đình, cá nhân) được trả nợ dần trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn 5 năm này.

Trường hợp sau 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà hộ gia đình, cá nhân chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) thì hộ gia đình, cá nhân phải nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ và tiền chậm nộp tính trên số tiền còn nợ theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế từ thời điểm hết thời hạn 5 năm được ghi nợ tới thời điểm trả nợ.

Nghị định cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; trình tự, thủ tục thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân ghi nợ. 

Hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất phải nộp đủ tiền sử dụng đất còn nợ, tiền chậm nộp (nếu có) trước khi chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đối với trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người nhận thừa kế có trách nhiệm tiếp tục trả nợ tiền sử dụng đất theo quy định.

Xử lý chuyển tiếp

Hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật từng thời kỳ mà đến trước ngày 10/12/2019 chưa thanh toán hết nợ tiền sử dụng đất thì thực hiện như sau:

- Đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận (hoặc theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật) đến hết ngày 28/2/2021. Quy định này không áp dụng đối với số tiền sử dụng đất thanh toán nợ mà hộ gia đình, cá nhân đã nộp vào ngân sách nhà nước. Kể từ ngày 1/3/2021 trở về sau thì hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

- Đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất từ ngày 1/3/2016 đến trước ngày 10/12/2019 thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP trong thời hạn 05 năm kể từ ngày ghi nợ tiền sử dụng đất. Quá thời hạn 05 năm kể từ ngày ghi nợ tiền sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

Không thực hiện hỗ trợ giảm trừ 2%/năm vào tiền sử dụng đất phải nộp đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân thanh toán nợ trước hạn (05 năm) kể từ ngày 10/12/2019.

Hộ gia đình, cá nhân ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 10/12/2019 nhưng ghi nợ bằng vàng, bằng tài sản hay bằng các phương thức khác không phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ghi nợ thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng xác định lại số nợ bằng tiền theo đúng quy định của pháp luật từng thời kỳ và thực hiện thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất theo quy định.

Không thực hiện ghi nợ tiền sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc nhận Thông báo của cơ quan thuế về tiền sử dụng đất trước ngày 10/12/2019 nhưng có  Đơn đề nghị ghi nợ kể từ ngày 10/12/2019 trở về sau; trừ đối tượng là hộ gia đình, cá nhân quy định tại (1) nêu trên.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2019.

-----------------------

Đầu tư 2 Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, III

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 2 Dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất III.

Mục tiêu đầu tư xây dựng 2 dự án trên nhằm cung cấp nguồn điện ổn định cho hệ thống điện miền Trung và hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn cung cấp điện cho hệ thống, đồng bộ phát triển với Chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh.

Quy mô đầu tư xây dựng mỗi nhà máy điện công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp có công suất khoảng 750MW.

2 dự án được triển khai đồng bộ với tiến độ cấp khí của dự án thượng nguồn thuộc Chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh. Trong đó, Dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I dự kiến khởi công tháng 1/2021, vận hành thương mại tháng 12/2023; tổng mức đầu tư (sơ bộ) là 18.663,679 tỷ đồng. Dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất III dự kiến khởi công tháng 1/2022, vận hành thương mại tháng 12/2024; tổng mức đầu tư (sơ bộ) 17.538,76 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của EVN là 20% tổng vốn đầu tư dự án, vốn EVN vay thương mại 80% tổng vốn đầu tư dự án.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo Nhà đầu tư thực hiện dự án thượng nguồn làm rõ về thành phần khí, thông số khí đảm bảo đáp ứng tiến độ và hiệu quả đầu tư của cả Chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh.

Đồng thời kiểm tra, giám sát và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc lựa chọn cấu hình tổ máy để đảm bảo công suất và hiệu quả đầu tư; đồng thời, làm rõ các vấn đề về công nghệ của 2 dự án, đặc biệt là công nghệ tuabin khí hỗn hợp khi nhà máy sử dụng khí có nhiệt trị thấp và hàm lượng khí trơ cao khai thác tại mỏ khí Cá Voi Xanh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Ngãi trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện 2 dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai; hỗ trợ, hướng dẫn EVN trong việc hoàn thiện hồ sơ và thực hiện quy trình thủ tục đánh giá tác động môi trường của 2 dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đáp ứng tiến độ phê duyệt dự án đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn EVN triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, đầu tư xây dựng tiếp theo của 2 dự án theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo mục tiêu, tiến độ, hiệu quả đầu tư của dự án và an toàn trong quá trình thi công xây dựng, vận hành công trình.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, giám sát và làm rõ việc huy động vốn của EVN theo tiến độ thực hiện dự án; trên cơ sở đó, chỉ đạo EVN xây dựng phương án tài chính thực hiện dự án, đảm bảo hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định hồ sơ dự án; kiểm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư bảo đảm nhà đầu tư có đủ điều kiện được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai.

EVN chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án, hiệu quả đầu tư dự án, hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo quy định của pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện và quản lý dự án đúng quy định của pháp luật.

-----------------------

Hoàn thiện chính sách về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án: “Rà soát và hoàn thiện các chính sách về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện”.

Quan điểm của Đề án là thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về  đảm bảo ổn định đời sống cho người dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện nhằm giải quyết thực tiễn tất yếu các vấn đề đang tồn tại, hạn chế và sẽ tiếp tục diễn ra; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện.

Đề án đặt ra mục tiêu rà soát, đánh giá thực trạng các chính sách về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và những định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện để hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người dân tái định cư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống, đồng thời đề xuất các giải pháp giúp người dân tái định cư tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản (gồm: giáo dục, y tế, nhà ở, nguồn nước và vệ sinh, thông tin) tại nơi ở mới, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương tiếp nhận tái định cư.

Một trong các nhiệm vụ của Đề án là rà soát, hoàn thiện chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện; thực hiện Chính sách an sinh xã hội giúp người dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản: thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 31/5/2018 của Chính phủ về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều áp dụng đối với các hộ dân tái định cư là hộ nghèo, cụ thể như sau:

Chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo: Đối với thành viên hộ tái định cư là hộ nghèo đa chiều thiếu hụt ít nhất 01 chỉ số về giáo dục (trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em) được thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo như đối với thành viên hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập. Đối với thành viên hộ tái định cư là hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản khác được thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo như đối với thành viên hộ cận nghèo.

Chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, thực hiện theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2017.

Chính sách hỗ trợ về nhà ở, rà soát việc thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020.

Chính sách hỗ trợ về nước sinh hoạt, đối với hộ nghèo đa chiều là hộ tái định cư thiếu hụt chỉ số về nguồn nước sinh hoạt thì được hưởng như đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.

Hỗ trợ về vệ sinh (nhà tiêu hợp vệ sinh), đối với hộ nghèo đa chiều là hộ tái định cư thiếu hụt chỉ số về vệ sinh thì được hỗ trợ như đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định tại Điều 32 Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020.

Chính sách hỗ trợ về thông tin, đối với hộ nghèo đa chiều là hộ tái định cư thiếu hụt chỉ số về thông tin thì được hưởng như đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ thông tin theo quy định tại Quyết định số 467/QĐ-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tích hợp các chính sách hỗ trợ về thông tin, tuyên truyền cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác, hộ nghèo thiếu hụt đa chiều được hưởng chính sách hỗ trợ như đối với hộ cận nghèo.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ pháp lý và các chính sách khác đối với hộ nghèo là dân tộc thiểu số, vùng miền núi, huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Đối với chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo: thực hiện theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban dân tộc và các bộ, ngành khác có liên quan rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chính sách thuộc Đề án này, nghiên cứu, xây dựng chính sách giảm nghèo tại địa phương; xây dựng giải pháp, mô hình phù hợp với địa bàn; tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về di dân, tái định cư, giảm nghèo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch; nâng cao năng lực của chính quyền cơ sở và cán bộ trực tiếp làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giảm nghèo.

-----------------------

Gia Lai tập trung hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH

Tỉnh Gia Lai rà soát, tập trung mọi giải pháp để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch năm 2019.

Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và tiếp tục duy trì đà phát triển trong năm 2019; tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7,22%, cao hơn bình quân cả nước, thu ngân sách tăng 1,82% so với cùng kỳ, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng 2,4% so với cuối năm 2018, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,37%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,35%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 325 triệu USD, bằng 65,05% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 67,6 triệu USD, bằng 75,16% kế hoạch.

Các lĩnh vực văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo 88,2%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,2%. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách xã hội cho các đối tượng gia đình chính sách, người có công được quan tâm, thực hiện kịp thời, đầy đủ, đảm bảo ổn định đời sống cho hộ nghèo, người có thu nhập thấp.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức như: Sức cạnh tranh hạn chế, giá nông sản giảm, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn, nhiều đoạn quốc lộ và tỉnh lộ chưa được cứng hóa; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46,23% dân số; tỷ lệ hộ nghèo cao (10,04%), chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.

Để phát huy, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2019 và giai đoạn 2016 - 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Gia Lai rà soát, tập trung mọi giải pháp để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch năm 2019 theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch năm 2019.

Đồng thời, tập trung triển khai và hoàn thành công tác lập quy hoạch cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của Luật Quy hoạch; sớm triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập và đổi mới sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện sắp, xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị. Tiếp tục thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên phạm vi toàn tỉnh và thực hiện Đề án “Phát triển 15.000 Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả”. Phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tỉnh cần tái cơ cấu lại diện tích trồng cao su, cải tạo rừng để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, để rừng, đất rừng được quản lý, bảo vệ tốt và phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn; tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, công khai minh bạch tốt hơn nữa, cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản trị hành chính công, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; thực hiện an sinh xã hội, các chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; chú ý giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, đặc biệt an ninh biên giới; tiếp tục trấn áp tội phạm, băng nhóm xã hội đen; bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.../.

Top