Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/8

27/08/2021 19:35

Quy định mới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
Chính phủ ban hành Nghị  định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó quy định hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ DNNVV, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được xác định theo một trong các tiêu chí sau:
1- Sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tích hợp bán dẫn, phần mềm máy tính, ứng dụng trên điện thoại di động, điện toán đám mây, giống vật nuôi mới, giống cây trồng mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới.
2- Sản xuất, kinh doanh sản phẩm được tạo ra từ các dự án sản xuất thử nghiệm, sản phẩm mẫu và hoàn thiện công nghệ; sản xuất, kinh doanh sản phẩm đạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, quốc tế và các giải thưởng về khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về giải thưởng khoa học và công nghệ.
3- Có giải pháp công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới có khả năng tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% trong 2 năm liên tiếp trên cơ sở phân tích các yếu tố thị phần, khả năng phát triển của sản phẩm, dịch vụ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Phương thức lựa chọn DNNVV khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ
Căn cứ tiêu chí nêu trên và điều kiện hỗ trợ quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật Hỗ trợ DNNVV, cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV lựa chọn DN để hỗ trợ theo một trong các phương thức:
- Lựa chọn các DN có giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo hoặc sản phẩm, dự án về đổi mới sáng tạo; hoặc được cấp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế; hoặc được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Lựa chọn các DN đã  được đầu tư hoặc cam kết đầu tư bởi các quỹ  đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; được hỗ trợ hoặc cam kết hỗ trợ bởi các khu làm việc chung, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở ươm tạo, cơ sở thúc đẩy kinh doanh, các trung tâm đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Lựa chọn thông qua hội đồng: Cơ quan tổ chức hỗ trợ DNNVV có thể thành lập hội đồng để lựa chọn DN khởi nghiệp sáng tạo theo các tiêu chí quy nêu trên.
Nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo
Nghị định quy định cụ thể nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo gồm: Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo.
Trong đó, hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/DN; hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 5 triệu đồng/tháng/DN. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 năm kể từ ngày DN ký hợp đồng thuê mặt bằng.
Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ  ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN...
Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm sản phẩm mới tại các đơn vị, tổ chức thử nghiệm sản phẩm hàng hóa nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/DN; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN...
Hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu trong nước cho học viên của DN về xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; phát triển thương mại điện tử; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học nhưng không quá 5 triệu đồng/học viên/năm và không quá 3 học viên/doanh nghiệp/năm; hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/học viên/năm và không quá 2 học viên/doanh nghiệp/năm.
Nghị định có hiệu lực từ 15/10/2021.
-------------------------

Thành lập hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3
Thủ tướng Chính phủ  đã ban hành Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 26/8/2021 thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú (NNND, NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3.
Theo quyết định, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Chủ tịch Hội đồng.
Phó Chủ tịch Hội đồng gồm có: Ông Hoàng Đạo Cương - Tiến sĩ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phạm Huy Giang - Tiến sĩ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Ủy viên Hội đồng gồm: Ông Lương Hồng Quang - Tiến sĩ, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước; Thiếu tướng Nguyễn Bạch Đằng - Tiến sĩ, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an; ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Lê Thị Thu Hiền - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Lê Thị Minh Lý - Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; ông Võ Quang Trọng - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; ông Lưu Trần Tiêu - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; ông Tô Ngọc Thanh - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; ông Đặng Văn Bài - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; ông Lê Văn Toàn - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; ông Phan Tiến Dũng - Tiến sĩ, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế; ông Nguyễn Ngọc Minh - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Di sản văn hóa Việt Nam; bà Linh Nga Niê Kdam - Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn Tây Nguyên, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3.
Hội đồng hoạt động theo quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực của Hội đồng.
-------------------------

Xử lý một số kiến nghị của UBND tỉnh Nghệ An
Ngày 27/8/2021, Văn phòng Chính phủ có công văn số 5962/VPCP-QHĐP về việc xử lý một số kiến nghị của UBND tỉnh Nghệ An.
Cụ thể, xét kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tại Báo cáo số 382/BC-UBND ngày 14/7/2021 về Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; ý kiến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến như sau:
Về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh theo quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện nội dung Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Chính phủ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua để làm căn cứ pháp lý; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng và tổ chức thẩm định Đề  án, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Về đầu tư các dự  án trọng điểm tại Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh căn cứ số vốn được giao, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 của Tỉnh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Về bổ sung các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố Vinh vào quy hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xem xét kiến nghị của Tỉnh trong quá trình xây dựng lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 17/02/2021 và Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2021.
Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ  đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam xem xét về khả năng cân đối vốn và hiệu quả đầu tư  đối với Cảng hàng không quốc tế Vinh theo quy hoạch đã  được phê duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và sự phát triển của thị trường.
Căn cứ vào số vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ tại Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và khả năng thu ngân sách trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định phân bổ kinh phí chi cho hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước./.

Top