Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/10

27/10/2020 18:46

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc phân phối gạo hỗ trợ cho học sinh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng gạo hỗ trợ cho học sinh bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, định mức quy định.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với Báo cáo về kết quả xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho học sinh năm học 2019-2020 và kế hoạch hỗ trợ gạo năm học 2020-2021 của Bộ Tài chính.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp đề xuất của các địa phương liên quan đến điều chỉnh, bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách bảo đảm phù hợp theo đặc thù của từng vùng, miền và điều kiện cụ thể của các địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng gạo hỗ trợ cho học sinh bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, định mức quy định.

Hoàn thiện Tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG Giảm nghèo

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ và hoàn thiện Tờ trình và Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký và chịu trách nhiệm về nội dung Tờ trình và Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, gửi Quốc hội theo quy định.

Theo  Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đạt được các mục tiêu như giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm nâng thu nhập của hộ nghèo cả nước. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số chỉ tiêu chưa thực hiện xong và cần thực hiện trong giai đoạn tới.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 đưa ra mục tiêu tổng quát là bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, phấn đấu từng bước xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người dân; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, giảm bất bình đẳng trong xã hội.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là tăng cường sự kết nối về hạ tầng, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của mọi người dân, đặc biệt là người nghèo. Đồng thời, nâng cao chất lượng nhân lực, tạo việc làm gắn với thu nhập, bảo đảm tốc độ tăng trưởng thu nhập của 40% dân số có thu nhập thấp nhất cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân quốc gia.

Nghiên cứu nội dung phản ánh về đường sắt tốc độ cao

Ngày 19/10/2020, Báo Đất Việt có bài viết "Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Chờ thời điểm thích hợp hơn". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu.

Trong đó, theo bài viết, tính cấp thiết, thời sự và tính khoa học của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam cần được xem xét thận trọng.

Kiểm tra, xử lý phản ánh về ngành gỗ có nguy cơ mất thị trường

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý phản ánh trên báo Tiền phong về ngành gỗ có  nguy cơ bị mất thị trường.

Trước đó, ngày 19/10/2020, báo Tiền phong có phản ánh: Ngành gỗ có nguy cơ bị mất thị trường do gỗ Trung Quốc "rửa" xuất xứ. Ngoài ra, quy định tại Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam, theo đó hầu hết nguồn cung gỗ nhiệt đới thuộc khu vực địa lý rủi ro khiến doanh nghiệp gỗ chịu tác động nhiều. Thời gian có hiệu lực từ ngày 30/10/2020 sẽ khiến nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý; kịp thời xử lý các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện; có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ, lâm sản.

Tăng cường năng lực sản xuất chương trình truyền hình tiếng dân tộc

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ tăng cường năng lực sản xuất chương trình truyền hình tiếng dân tộc giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chính sách dân tộc, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.

Nâng tổng thời lượng phát sóng trên 4 kênh VTV5, VTV5 Tây Nam Bộ, VTV5 Tây Nguyên và VTV5 Tây Bắc lên 96 giờ/ngày (mỗi kênh 24 giờ/ngày), trong đó tổng thời lượng sản xuất chương trình mới của 4 kênh đến năm 2025 là 13 giờ 30 phút/ngày/4 kênh.

Nâng tổng số ngôn ngữ sản xuất, phát sóng lên 27 (tăng 04 ngôn ngữ so với hiện nay) gồm: H’Mông, Thái, Dao, Mường, Sán Chí, Ê Đê, Jơ Rai, Ba Na, Xê Đăng, Jẻ Triêng, Raglai, K’Ho, S’Tiêng, Chăm, Khmer, Pa Cô-Vân Kiều, Cơ Tu, Cao Lan, Hà Nhì, H’Rê, Chu Ru, Chơ Ro, M’Nông, Tày, Hoa, Ca Dong và tiếng Việt.

Đến năm 2025 có khoảng 4.200 lượt người làm truyền hình tiếng dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ.

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện là sử dụng nguồn lực hiện có của Đài Truyền hình Việt Nam và các đài địa phương để tăng thời lượng sản xuất, phát sóng và nâng cao chất lượng sản xuất chương trình truyền hình tiếng dân tộc trên 4 kênh VTV5.

Cụ thể, xây dựng, sản xuất các chương trình tuyên truyền sâu rộng về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chủ trương chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tăng thời lượng sản xuất các chuyên mục: Tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, văn hóa văn nghệ, khuyến nông - khuyến ngư, gương người tốt việc tốt... để phát sóng trên các kênh VTV5.

Ngoài ra, tổ chức các lớp đào tạo ngắn ngày để bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ những người làm truyền hình tiếng dân tộc, gồm: Biên tập viên, phóng viên, đạo diễn, quay phim, phát thanh viên, tổ chức sản xuất, biên dịch viên, kỹ thuật viên./.

 

Top