Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/6

26/06/2020 20:33

Nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối tượng quy hoạch gồm: Trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (hay còn gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo quy định tại Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014), không bao gồm các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phân loại theo 3 loại hình: Các cơ sở công lập, các cơ sở tư thục và các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, với các loại hình cơ sở đa dạng, đủ quy mô, năng lực đào tạo nghề theo hướng ứng dụng, thực hành; cải thiện chất lượng đào tạo, hiệu quả đào tạo, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, nâng cao năng suất lao động; tuân theo quy luật cung-ầu một cách toàn diện, đáp ứng nhu cầu về nhân lực có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Một trong những quan điểm lập quy hoạch là phải phù hợp, thống nhất Quy hoạch tổng thể quốc gia và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 và các chiến lược khác có liên quan trong cùng giai đoạn phát triển; phù hợp với chủ trương Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức, công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa với quy hoạch thời kỳ trước, quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia khác có liên quan; bảo đảm tính công khai, minh bạch, và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan trong quá trình lập và triển khai thực hiện và giám sát quy hoạch; trong đó bảo đảm quyền tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong quá trình lập quy hoạch.

Nội dung chính của quy hoạch bao gồm: Phân tích, đánh giá thực trạng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; dự báo xu thế phát triển và xây dựng kịch bản phát triển trong công tác giáo dục nghề nghiệp và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; những cơ hội và thách thức đối với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ quy hoạch; phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, có trách nhiệm đảm bảo việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.

Xây dựng CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.

Mục tiêu chung của Đề án nhằm thực hiện việc xây dựng, quản lý, cập nhật dữ liệu thường xuyên, tổ chức khai thác, sử dụng và lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước theo hướng hiện đại, là một trong những cấu phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.

Theo đó, về yêu cầu thiết kế hệ thống, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức viên chức trong các cơ quan nhà nước là hệ thống thông tin được thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế phục vụ tổng hợp, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước các cấp;

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước được thiết kế theo kiến trúc thống nhất, phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; kế thừa nguồn dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu sẵn có;

Bảo đảm tính bảo mật, an toàn thông tin trên cơ sở: Cung cấp giải pháp xác thực người dùng ở mức độ cao; mã hóa và ký số với các giao dịch dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy biên chế, giữa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đặt tại Bộ Nội vụ với cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu;

Thông tin, dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan nhà nước được chuẩn hóa, chuyển đổi đồng bộ, được đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật tối đa trước khi tích hợp về cơ sở dữ liệu quốc gia đặt tại Bộ Nội vụ.

Mô hình hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước là mô hình phi tập trung, được tổ chức như sau:

Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước lưu trữ tại Bộ Nội vụ do Bộ Nội vụ xây dựng, quản lý vận hành gồm các trường thông tin cơ bản nhất về cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế, phục vụ công tác quản lý vĩ mô; định danh cán bộ, công chức, viên chức nhà nước các cấp trên môi trường mạng điện tử. Các trường thông tin này được tích hợp, đồng bộ từ cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước về Bộ Nội vụ thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và các giải pháp kỹ thuật liên quan, trong đó có giải pháp chia sẻ, đồng bộ với các cơ sở dữ liệu khác như: cơ sở dữ liệu về tổ chức, bộ máy và biên chế, cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội, cơ sở dữ liệu dân cư,…

Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức thành phần của từng bộ, ngành và địa phương do các bộ, ngành và địa phương đó xây dựng, quản lý, vận hành, lưu trữ đầy đủ các trường thông tin chi tiết hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và thông tin tổ chức bộ máy, biên chế; có các chức năng, nghiệp vụ phù hợp với sự phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức, theo đặc thù riêng của từng bộ, ngành và địa phương.

Cơ chế hoạt động

Về cơ chế hoạt động, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đặt tại Bộ Nội vụ được hình thành (qua tích hợp, đồng bộ) từ các nguồn dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; các cơ quan: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; dữ liệu được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội Việt Nam…;

Sử dụng hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng để kết nối, giao tiếp, trao đổi dữ liệu, đồng thời sử dụng giải pháp an toàn bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ để đảm bảo tuyệt đối an toàn bảo mật thông tin dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành các quy định về chuẩn thông tin, quy định kỹ thuật về dữ liệu, quy định về trao đổi và bảo mật thống nhất chung, làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030.

Mục tiêu của Chương trình nhằm thiết lập hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và phương tiện hiện đại, đạt trình độ tiên tiến phục vụ công tác điều tra cơ bản, quan trắc, kiểm soát, bảo vệ môi trường và xây dựng cơ sở dữ liệu về biển, hải đảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, hải đảo trong tình hình mới, góp phần đạt được các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện là:

1- Tăng cường năng lực quan trắc tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

2- Tăng cường năng lực quản lý tổng hợp; điều tra, khảo sát; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo;

3- Đầu tư hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tích hợp và hiện đại hóa công tác quản lý tổng hợp tài nguyên – môi trường biển và hải đảo;

4- Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ điều tra cơ bản cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; cơ sở vật chất phục vụ hợp tác quốc tế, nghiên cứu về rác thải nhựa đại dương; cơ sở lưu trữ, bảo quản mẫu vật và nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo miền Trung và miền Tây Nam bộ;

5- Tăng cường phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển;

6- Đa dạng hóa các hình thức hợp tác giữa tư nhân và nhà nước, trong nước và nước ngoài để tăng cường năng lực quan trắc, điều tra, khảo sát, nghiên cứu khoa học biển và kiểm soát, bảo vệ môi trường biển;

7- Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có biển trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án đảm bảo chia sẻ thông tin, dữ liệu; khai thác tối đa năng lực, kinh nghiệm, phương tiện, trang thiết bị trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình.

Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2019/NĐ-CP cho dự án Hợp đồng BT

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2019/NĐ-CP để tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng theo Hợp đồng BT.

Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về nội dung thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng -  chuyển giao (Hợp đồng BT). Qua gần một năm ban hành, một số nội dung cần được hướng dẫn để thống nhất cách hiểu, tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện. Đồng thời, hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật có liên quan về hình thức Hợp đồng BT để bảo đảm đồng bộ của hệ thống pháp luật, xử lý khoảng trống pháp lý các dự án chuyển tiếp.

Để tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án triển khai theo hình thức hợp đồng BT đang thực hiện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài chính hướng dẫn: 1- Điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 69/2019/NĐ-CP; lưu ý bảo đảm không ảnh hưởng tới nội dung các quy định khác của Nghị định; 2- Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 69/2019/NĐ-CP đối với các Hợp đồng BT được ký kết từ ngày 1/1/2018 đến trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn: 1- Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 69/2019/NĐ-CP về việc sử dụng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư; 2- Việc bố trí nguồn vốn để thanh toán phần chênh lệch cho Nhà đầu tư bằng tiền trong trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị Dự án BT theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7./.

Top