Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/3/2020

26/03/2020 18:47

Chính phủ chưa xem xét, đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu phát triển KTXH

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Thông báo kết luận nêu rõ, hiện nay, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động toàn diện tới các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan và tham khảo ý kiến các chuyên gia, hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Trong đó lưu ý, chưa xem xét, đề xuất việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã được nêu tại Kết luận số 63-KL/TW ngày 18/10/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch COVID-19. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân 100% số kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Có biện pháp, giải pháp cụ thể và chế tài mạnh mẽ trong triển khai thực hiện.

Đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông (8 dự án) và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công; bố trí mức vốn phù hợp từ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 cho Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài; triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tín dụng, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, sớm thực hiện việc gia hạn, giảm thuế, phí liên quan cho doanh nghiệp, hỗ trợ các sản phẩm trong nước, xúc tiến và mở rộng các thị trường xuất khẩu.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, tác động của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế để xem xét, đề xuất gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm kích thích tăng trưởng vào thời điểm phù hợp.

Triển khai các giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng do Nhà nước định giá, đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp; bảo đảm cung ứng đủ lương thực thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

Căn cứ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới được đề ra trong Chỉ thị số 37-CT/TW, Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể theo từng nhóm nhiệm vụ chủ yếu đối với các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan.

Trong đó, về thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý lao động địa phương tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các bên trong quan hệ lao động; tăng cường các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để các bên tham gia có hiệu quả vào các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về nội dung tiền lương, tiền thưởng và các điều kiện lao động của người lao động trong phạm vi doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp và cấp ngành.

Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tăng cường chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, nâng cao tính thực chất của các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để tổ chức công đoàn cơ sở tập trung vào đối thoại, thương lượng về các nội dung tiền lương, tiền thưởng và các điều kiện lao động khác; thúc đẩy, mở rộng các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp ngành và nhóm doanh nghiệp để góp phần từng bước xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các tổ chức đại diện khác của người sử dụng lao động tăng cường các hoạt động hỗ trợ đối với doanh nghiệp thành viên để tham gia có hiệu quả các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể ở phạm vi doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp và cấp ngành để thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Giải quyết tốt tranh chấp lao động và đình công

Nhiệm vụ cụ thể khác của Kế hoạch là giải quyết tốt tranh chấp lao động và đình công. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế hòa giải lao động, trọng tài lao động để các thiết chế này tham gia tích cực, có hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp lao động phát sinh; phát huy vai trò của thiết chế hòa giải lao động, trọng tài lao động trong việc hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, ngăn ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động và hỗ trợ cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý tổ chức của người lao động trong doanh nghiệp. Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền quy định chế độ khuyến khích người có năng lực, phẩm chất, uy tín tham gia làm hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động.

Bộ Công an triển khai các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu tập trung đông công nhân; kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng, lôi kéo, kích động, ép buộc người lao động gây rối an ninh, trật tự; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; chủ động nắm tình hình và phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp bảo đảm việc thành lập, hoạt động của tổ chức người lao động đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiện toàn thiết chế hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn để giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động phát sinh và thực hiện tốt vai trò hỗ trợ phát triển quan hệ lao động; tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực và thực hiện các chế độ đãi ngộ phù hợp đối với hòa giải viên, trọng tài viên tham gia giải quyết tranh chấp lao động và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.

Đối với các tỉnh, thành phố có đông lao động, doanh nghiệp, khu công nghiệp thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, có nhiều tranh chấp lao động phát sinh cần chủ động phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện thí điểm mô hình giải quyết tranh chấp lao động với việc bố trí một số hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động chuyên trách theo hướng hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động vừa thực hiện giải quyết tranh chấp lao động, vừa hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, chỉ đạo nghiên cứu, kiện toàn cơ chế giải quyết tranh chấp lao động,  đình công phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, từng bước đưa các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật, hài hòa lợi ích các bên.

Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực tham gia vào việc giải quyết tranh chấp lao động, đình công phát sinh theo đúng quy định của pháp luật; tích cực chủ động tham gia với các cơ quan liên quan của địa phương trong việc nắm tình hình để có biện pháp giải quyết phù hợp nhằm giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn; bồi dưỡng, đào tạo để giới thiệu đội ngũ cán bộ công đoàn tham gia làm thành viên Hội đồng trọng tài lao động.

Giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương cho 4 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư trung hạn và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương: Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên.

Cụ thể, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018 cho tỉnh Hòa Bình 86,322 tỷ đồng, tỉnh Sơn La 322,247 tỷ đồng, tỉnh Tuyên Quang 500 tỷ đồng, tỉnh Điện Biên 200 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục và mức vốn bổ sung của từng dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2020 được giao, các địa phương: Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên thông báo cho các đơn vị danh mục dự án và mức vốn từng dự án theo quy định và gửi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/4/2020; thực hiện giải ngân số vốn được giao bổ sung theo quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn.

Kiện toàn BCĐTƯ cải cách chính sách tiền lương

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phó trưởng ban Thường trực là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

3 Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Các ủy viên là đại diện các Bộ, ban ngành liên quan.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và đôn đốc triển khai thực hiện 3 đề án: Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp; Đề án cải cách chính sách BHXH; Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công. Phối hợp với các Bộ, cơ quan nghiên cứu các chính sách kinh tế - xã hội có liên quan đến chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, BCĐ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công; giải pháp tạo nguồn cho cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách BHXH; đề xuất các biện pháp để xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công.

Trưởng Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ điều hành các hoạt động của BCĐ; ban hành Kế hoạch nghiên cứu và thực hiện chính sách tiền lương; ban hành Quy chế làm việc của BCĐ.

Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ điều hành các hoạt động của BCĐ theo phân công của Thủ tướng Chính phủ; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các hoạt động của BCĐ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phó Trưởng ban BCĐ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có thành viên tham gia BCĐ nghiên cứu xây dựng Đề án và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp; quyết định thành lập Tổ biên tập giúp BCĐ xây dựng Đề án và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Phó Trưởng ban BCĐ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có thành viên tham gia BCĐ nghiên cứu xây dựng 2 Đề án: Đề án cải cách chính sách BHXH và Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính - Phó Trưởng ban BCĐ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu xây dựng các giải pháp tạo nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công.

Các Ủy viên BCĐ có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Trưởng BCĐ và quy chế làm việc do Trưởng BCĐ ban hành.

Xem xét phản ánh dự án "2 nhiệm kỳ chưa xong thủ tục đầu tư"

Báo Tiền phong điện tử ra ngày 19/3/2020 có bài về việc "Cửa ngõ phía Tây Hà Nội xập xệ: 2 nhiệm kỳ chưa xong thủ tục đầu tư" phản ánh việc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai được phê duyệt 10 năm trước, với 3 lần đổi nhà đầu tư vẫn chưa được khởi công.

Về vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao  UBND thành phố Hà Nội xem xét, xử lý và trả lời cho báo Tiền phong biết.

Tháo gỡ vướng mắc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi họp về xử lý vướng mắc đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Thông báo nêu rõ, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Dự án); Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao và các cơ quan có liên quan đã tích cực nghiên cứu các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho Dự án.

Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách áp dụng pháp luật có liên quan nên Dự án, ảnh hưởng đến Hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ nước ngoài và đang bị chậm tiến độ. Để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thành thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trước mắt tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó xác định rõ cơ quan chủ quản và cấp quyết định đầu tư Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về sử dụng ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA do VEC làm chủ đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 696/VPCP-KTTH ngày 18/3/2020 của Văn phòng Chính phủ về xử lý vướng mắc liên quan đến bố trí vốn nước ngoài đối với các dự án do VEC làm chủ đầu tư.

Sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, Bộ Tài chính có văn bản thông báo cho Ngân hàng Phát triển châu Á biết phía Việt Nam đang tiến hành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn Hiệp định vay đối với Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến ngày 01/6/2021.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương giải quyết các tồn tại, vướng mắc, hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công theo đúng yêu cầu về tiến độ Dự án.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc đối với Dự án nêu trên; đề xuất giải pháp khả thi, chặt chẽ, đúng pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2020./.

 

Top