Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/1/2021

26/01/2021 19:12

Xử lý thông tin báo nêu việc vận chuyển trái phép lợn qua biên giới

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các cơ quan liên quan xử lý thông tin báo nêu việc buôn bán, vận chuyển trái phép lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới.

Thời gian gần đây, một số cơ quan thông tấn báo chí đưa tin: “Do chênh lệch giá lợn thịt và các sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng cao nên xuất hiện tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới làm gia tăng nguy cơ lây lan các dịch bệnh nguy hiểm...”.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xử lý.

Thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án "Thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp 2013, bảo đảm quyền tài sản được giao dịch thông suốt, hiệu lực thực thi và bảo vệ có hiệu quả".

Mục tiêu của Đề án nhằm xác định giải pháp đối với việc hoàn thiện pháp luật cũng như tổ chức thi hành pháp luật về quyền sở hữu tài sản thông qua việc rà soát, đánh giá mức độ thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân trong hệ thống pháp luật; vai trò của pháp luật cũng như thực tiễn thi hành về quyền đối với tài sản trong việc thúc đẩy phát triển giao dịch trong đời sống xã hội.

Thông qua việc rà soát pháp luật liên quan đến quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân cũng như thực trạng thực thi pháp luật để phát hiện những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, khoảng trống.

Đồng thời, xác định các nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan trong việc triển khai các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật; giải pháp thực thi pháp luật hiệu quả để đảm bảo quyền sở hữu tài sản được thực thi một cách hữu hiệu, an toàn và minh bạch.

Theo Đề án, một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thể chế hóa quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân gồm:

1- Nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan đến pháp luật về quyền sở hữu tài sản và thực tiễn thi hành, tập trung vào các loại tài sản phi truyền thống, dữ liệu số, tài nguyên số của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2- Xác định các vướng mắc, bất cập; đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân trong một số lĩnh vực trọng tâm.

3- Xây dựng báo cáo tổng thể về rà soát pháp luật, xác định các vấn đề vướng mắc, bất cập và đề xuất giải pháp tổng thể hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp 2013, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân.

4- Nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân, đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi pháp luật và giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.

5- Tổ chức các diễn đàn đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về quyền sở hữu tài sản.

6- Tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật cho người dân, doanh nghiệp đối với các vấn đề liên quan quyền sở hữu tài sản.

Hòa Bình tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Tỉnh Hòa Bình cần tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ.

Đó là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình.

Thông báo nêu rõ, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, dịch tả lợn Châu Phi, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường..., song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong tổng số 21 chỉ tiêu chủ yếu, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 đạt 3,8%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,8%, đến cuối năm còn khoảng 8,56%;..

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và các kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua.

Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Hòa Bình chưa thật sự tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý (là cửa ngõ vùng Tây Bắc và nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô) để phát triển nhanh và bền vững; còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu ngân sách nhà nước mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu chi. Tăng trưởng chưa bền vững; kết quả thực hiện 03 đột phá chiến lược còn hạn chế. Cơ cấu lại các ngành kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm; tỷ lệ sản phẩm chế biến chưa nhiều, xây dựng thương hiệu còn hạn chế, chưa hình thành và phát triển được các mặt hàng xuất khẩu chủ lực...

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Hòa Bình không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác với dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó, tổ chức quán triệt và xây dựng chương trình hành động cụ thể tới từng huyện, từng ngành, lĩnh vực, trên địa bàn để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP ngày 01/1/2021 của Chính phủ. Đổi mới, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế; phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá, xanh hơn, bền vững hơn của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Đồng thời, triển khai đồng bộ công tác quy hoạch, đảm bảo chất lượng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật; khẩn trương lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành (xây dựng, giao thông, đô thị, dân cư, phòng chống thiên tai, sử dụng đất ...), lưu ý phát huy lợi thế vị trí địa lý, gắn với quy hoạch phát triển của thủ đô Hà Nội, hướng về phía đông. Tập trung nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, nâng cấp và mở rộng một số đô thị hiện có gắn với các trung tâm thương mại, đầu mối giao thông để phát triển đô thị là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương thời gian tới.

Tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp đi đôi với việc thực hiện các biện pháp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Hòa Bình tiếp tục thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp với mục tiêu đưa công nghiệp trở thành khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp xanh. Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, quan tâm đầu tư kết nối hạ tầng ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện các chỉ số phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phấn đấu cải thiện nhanh về thứ hạng các chỉ số PCI, PAR INDEX, ICT INDEX.

Tập trung tháo gỡ kịp thời các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công, khuyến khích thu hút mạnh mẽ đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa.

Tiếp tục quan tâm phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, thông tin, truyền thông. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Quan tâm hơn nữa tới đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh phát triển công tác xã hội

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021- 2030.

Mục tiêu chung của Chương trình nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Chương trình phấn đấu đến năm 2030 đạt 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội, trong đó, có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hàng tháng tối thiểu bằng mức lương cơ bản do Chính phủ quy định.

Phấn đấu đạt cơ cấu tối thiểu 60% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội và quản lý ca tăng tối thiểu 30% so với năm 2025.

Đến năm 2030 bảo đảm ít nhất 90% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa.

Tập huấn kỹ năng cho 90.000 cán bộ, nhân viên

Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội; phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 90.000 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội.

Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá kết quả và đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công tác xã hội, đặc biệt là công tác xã hội trong các lĩnh vực bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy, y tế, giáo dục, tư pháp, lao động - thương binh và xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, nghiên cứu, khảo sát mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội của các nước trong khu vực và thế giới để thúc đẩy phát triển công tác xã hội…

Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030.

Chương trình nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.

Mục tiêu cụ thể đến 2025 số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm; 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia Chương trình hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 3-5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 1,5 lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ.

Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất một mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng.

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình là hoàn thiện thể chế pháp lý, thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ; xây dựng, triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia; nghiên cứu, ứng dụng làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ; đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; tăng cường nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Nghiên cứu thông tin báo nêu về phát triển du lịch biển

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ liên quan nghiên cứu thông tin báo nêu về phát triển du lịch biển.

Báo VTV điện tử ngày 21 tháng 01 năm 2021 có thông tin: Theo khảo sát từ Hội đồng Tư vấn du lịch, nhu cầu du lịch ưa chuộng là du lịch biển (62%), nghỉ dưỡng núi (37%), khám phá thiên nhiên (48%). Các chuyên gia cho rằng, hệ thống đảo ven bờ với hơn 2.770 đảo, có giá trị lớn về kinh tế, nhất là du lịch, cần quy hoạch hoàn chỉnh để có thể phát triển du lịch đồng bộ, tránh manh mún, tự phát và thiếu tính bền vững.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, đánh giá trong quá trình triển khai lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc ban hành Bộ tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí xác định dự án đầu tư, nhiệm vụ thích ứng với BĐKH thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của Luật đầu tư công, Luật bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm đúng thể thức, tính khả thi và thuận tiện cho các đơn vị thực hiện khi thi hành.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo bộ tiêu chí thành phần về xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với BĐKH được xây dựng trên quan điểm lựa chọn các dự án giảm thiểu hiệu quả nhất tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH. Đồng thời, việc thích ứng phải gắn với phát triển bền vững, tận dụng các cơ hội do BĐKH mang lại, hài hòa lợi ích, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, lựa chọn các dự án đúng thuộc lĩnh vực ưu tiên thích ứng BĐKH. Đồng thời, đề xuất dự án có nội dung đạt chất lượng tốt để xem xét, phê duyệt thực hiện. Bộ tiêu chí này tập trung vào dự án có tính đầu tư phục vụ nhiệm vụ thích ứng BĐKH trong thời gian tới.

Dự thảo bộ tiêu chí giám sát đánh giá hiệu quả hoạt động thích ứng với BĐKH đưa ra hai cách tiếp cận với khoảng 100 tiêu chí cụ thể. Cách tiếp cận từ trên xuống áp dụng để xây dựng Bộ tiêu chí cấp quốc gia và hiệu quả của các hành động thích ứng với tăng cường năng lực cấp tỉnh. Cách tiếp cận từ dưới lên áp dụng để xây dựng bộ tiêu chí cấp tỉnh/thành phố và hiệu quả của các hành động với việc đạt được mục tiêu thích ứng cấp quốc gia về giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương./.

Top