Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 2/6

02/06/2020 21:56

Nghị định mới về vị trí việc làm và biên chế công chức

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức.

Xác định vị trí việc làm

Nghị định quy định các cơ quan, tổ chức xác định vị trí việc làm cho công chức phải căn cứ vào: 1- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức; 2- Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Vị trí việc làm được phân loại theo khối lượng công việc; theo tính chất, nội dung công việc.

Cơ quan, tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương) căn cứ vào quy định trên và văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vị trí việc làm để xây dựng đề án vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức mình, gửi cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của bộ, ngành, địa phương thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý.

2 trường hợp được điều chỉnh biên chế

Nghị định nêu rõ, biên chế công chức được xác định căn cứ vào: 1- Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; 2- Mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; 3- Thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao; 4- Đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương, ngoài căn cứ quy định tại điểm 1, 2, 3 trên còn phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức được xem xét trong 2 trường hợp: 1- Cơ quan, tổ chức có thay đổi một trong các căn cứ quy định ở trên; 2- Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

Căn cứ xác định ngạch công chức

Nghị định cũng quy định rõ căn cứ để xác định cơ cấu ngạch công chức gồm: 1- Vị trí việc làm; 2- Mức độ phức tạp của công việc đối với từng vị trí việc làm; 3- Tiêu chuẩn ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm.

Cơ cấu ngạch công chức của mỗi cơ quan, tổ chức là tỷ lệ % công chức giữ các ngạch phù hợp với vị trí việc làm và mức độ phức tạp của công việc theo vị trí việc làm.

Bộ trưởng Bộ nội vụ hướng dẫn cụ thể việc xác định cơ cấu ngạch công chức.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định giao biên chế công chức đối với từng bộ, ngành, địa phương; quyết định giao biên chế công chức làm việc ở nước ngoài đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết định điều chuyển biên chế công chức giữa các bộ, ngành, địa phương với các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định này; quyết định và quản lý về số lượng ngạch và cơ cấu ngạch công chức theo đề nghị của các bộ, ngành và địa phương.

Kiểm tra làm rõ thông tin “Nước hồ Dầu Tiếng lại đục”

Ngày 4/5/2020 và ngày 17/5/2020, Báo Tây Ninh Online và một số trang báo khác có đăng bài “Nước hồ Dầu Tiếng lại đục” ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân sinh sống quanh hồ Dầu Tiếng.

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao  Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương chỉ đạo các sở, ngành chức năng kiểm tra làm rõ nội dung phản ánh của Báo Tây Ninh Online để có biện pháp kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/8/2020.

Công bố đầy đủ, chính xác kết quả rà soát, xử lý VBQPPL

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thống kê về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); công bố, cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác kết quả rà soát, xử lý VBQPPL vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Xét báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Phó Thủ tướng về cơ bản, đồng ý với nội dung tại Báo cáo số 98/BC-BTP ngày 29/4/2020 của Bộ Tư pháp.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Ban hành VBQPPL, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 07/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện rà soát VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ và nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thống kê về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; công bố, cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác kết quả rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

HĐND tỉnh Phú Yên, UBND các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Cần Thơ, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Trà Vinh, Lâm Đồng, Nam Định, Hà Giang, Đắc Lắk, Hải Dương khẩn trương xử lý dứt điểm 21 văn bản có nội dung trái pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận; báo cáo kết quả xử lý, lý do chậm xử lý nội dung trái pháp luật của văn bản, kết quả khắc phục hậu quả và xử lý trách nhiệm; gửi kết quả đến Bộ Tư pháp trước ngày 30/8/2020 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nội vụ, Tài chính theo dõi, đôn đốc các cơ quan nêu trên xử lý triệt để các văn bản có nội dung trái pháp luật đã được kết luận.

Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động- Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và UBND các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hà Nội, Gia Lai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Thái Bình khẩn trương xử lý dứt điểm 17 văn bản có quy định trái pháp luật; báo cáo kết quả xử lý, lý do chậm xử lý nội dung trái pháp luật của văn bản, kết quả khắc phục hậu quả và xử lý trách nhiệm; gửi kết quả đến Bộ Tư pháp trước ngày 30/8/2020 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt hơn việc quản lý, vận hành thống nhất, bảo đảm việc kết nối và chia sẻ của các cơ sở dữ liệu về pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL để kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý và xử lý dứt điểm các văn bản trái pháp luật, văn bản có sai sót trong công tác xây dựng, ban hành văn bản VBQPPL tổng hợp kết quả xử lý các văn bản trái pháp luật báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019.

Bối cảnh thế giới hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức lớn đối với Việt Nam. Một mặt, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá và ứng dụng công nghệ 4.0 trong đời sống và đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã tạo nên một xã hội năng động, thông minh, phát triển. Mặt khác, khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình đó, để góp phần khôi phục kinh tế, đời sống người dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác này thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện 06 trọng tâm chỉ đạo, điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, các nhiệm vụ cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy những mặt đạt được trong công tác cải cách hành chính; đổi mới tư duy, nhận thức, coi công tác này là khâu có ý nghĩa quan trọng, đột phá nhằm thúc đẩy chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy trình xử lý công việc với thời hạn, chế tài xử lý trách nhiệm, khen thưởng, kỷ luật hành chính cụ thể trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp luật để phát triển đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học và công nghệ. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường, thể chế về quản lý công chức, viên chức, về tổ chức bộ máy gắn với việc đề ra được những tiêu chuẩn, chỉ tiêu và định hướng của cải cách thể chế trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện tốt việc thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10% giai đoạn 2015 - 2021 theo Nghị quyết số 39-NQ/TW; đẩy mạnh phân cấp gắn với nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành; hoàn thành sớm mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 trong năm 2020. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ thực hiện đánh giá, trình cấp có thẩm quyền hướng dẫn việc thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn phù hợp với thực tế, chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm bộ máy hành chính vận hành tốt.

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện cho khởi nghiệp, đầu tư trong nước và đón nhận làn sóng FDI từ nước ngoài chảy về; thúc đẩy mạnh mẽ việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ các TTHC thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch, khơi thông nguồn lực kinh tế; tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không gắn với địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Từng bước đưa vào vận hành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và nhân rộng Hệ thống họp e-cabinet, Hệ thống thông tin quản lý văn bản điều hành theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đến tháng 6/2020 hoàn thành việc gửi nhận văn bản điện tử tại 4 cấp chính quyền, nâng tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng theo chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ nhằm đổi mới lề lối, phương thức làm việc góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các cuộc họp, hội nghị, mở rộng đường truyền đến các đơn vị, sở, ngành có liên quan cần thiết để trực tiếp lắng nghe, triển khai hiệu quả các chỉ đạo của cơ quan cấp trên.

Lựa chọn phương án đầu tư cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp thu ý kiến của các Bộ để tính toán cụ thể các phương án đầu tư đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị.

Đồng thời, UBND tỉnh Lạng Sơn làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khả năng hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cho Dự án; chủ động quyết định lựa chọn phương án đầu tư tối ưu phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn, bảo đảm yêu cầu kinh tế - kỹ thuật, hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí và đúng quy định của pháp luật.

Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống trường sư phạm

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập và Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống trường sư phạm.

Theo kết luận của Phó Thủ tướng, việc xây dựng và trình 2 Đề án nêu trên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo đúng nhiệm vụ được giao và đúng quy trình, thủ tục.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan và ý kiến của các đại biểu dự họp để hoàn thiện và sử dụng 2 Đề án này vào việc xây dựng Đề án Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm./.

 

Top