Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/8

25/08/2020 18:33

Thủ tướng phê chuẩn kết quả miễn nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh

Tại Quyết định số 1297/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Phạm Văn Tân, để nghỉ hưu theo chế độ.

Vi phạm quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là 50 triệu đồng. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Trong đó, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với một trong những hành vi:

- Làm hư hại mốc quốc giới, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo.

- Làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia.

- Xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi 30 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc hoặc 100 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.

- Xây dựng trái phép công trình trên sông, suối biên giới.

Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thăm dò địa chất, khai thác tài nguyên, khoáng sản theo giấy phép làm hư hại dấu hiệu đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, cọc dấu, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, bia chủ quyền trên các đảo, điểm cơ sở; công trình phòng thủ vùng biển, công trình biên giới; đổ đất đá, chất thải xuống sông, suối biên giới.

Phạt nặng hành vi điều khiển các phương tiện bay trong khu vực biên giới

Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới đất liền, trong đó, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi bắn, phóng, thả, điều khiển các phương tiện bay trong khu vực biên giới hoặc qua biên giới.

Nổ súng săn bắn trong phạm vi 1.000 mét tính từ đường biên giới trên đất liền sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Công dân Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền, vành đai biên giới không mang theo Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu; không thông báo, khai báo đăng ký hoặc che giấu, giúp đỡ người khác đi lại, lưu trú, tạm trú trái phép trong khu vực biên giới đất liền.

Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cư dân biên giới sử dụng giấy tờ xuất, nhập cảnh biên giới hết giá trị để qua lại biên giới; cư dân biên giới đi quá phạm vi quy định khi được phép qua lại biên giới; người nước ngoài vào vành đai biên giới không trình báo với đồn biên phòng; cư dân biên giới chăn thả gia súc, gia cầm qua biên giới;...

Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cư dân biên giới cho người khác sử dụng giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới để qua lại biên giới; không khai báo với đồn Biên phòng hoặc Công an cấp xã sở tại về mục đích, thời gian, danh sách người, số lượng phương tiện, nội dung và phạm vi hoạt động ở vành đai biên giới; ra, vào, đi lại, điều khiển phương tiện, tiến hành các hoạt động không đúng quy định trong vùng cấm;...

Sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GD&ĐT

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Giảm đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Giảm tỉ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho viên chức và người lao động.

Giai đoạn đến năm 2021, Đề án phấn đấu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015. Phấn đấu có 10% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.

Giai đoạn 2022-2025, tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính. Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.

Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu. Giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025. Giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021-2025.

Phương án sắp xếp, tổ chức lại

Theo Đề án, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục đại học và các trường sư phạm theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.

Giai đoạn 2021-2023, chuyển các trường: Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Nha Trang, Trường Dự bị Đại học Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Hữu Nghị T78, Trường Hữu Nghị 80, Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc về trực thuộc Ủy ban Dân tộc.

Giai đoạn 2022-2025, giữ nguyên Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam là đơn vị sự nghiệp trực thuộc, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT; giữ nguyên Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; nghiên cứu chuyển Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học thành công ty cổ phần theo quy định của pháp luật.

Giữ nguyên Báo Giáo dục và Thời đại, Tạp chí Giáo dục là đơn vị sự nghiệp trực thuộc, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT.

Giai đoạn 2022-2025, tổ chức lại Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh thành Phân hiệu của Học viện Quản lý giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị sự nghiệp trực thuộc, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT).

Chuyển Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực về trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (đơn vị sự nghiệp trực thuộc, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT). Thời gian thực hiện: Giai đoạn đến năm 2021.

Giữ nguyên Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam; Trung tâm khu vực về học tập suốt đời của tổ chức SEAMEO tại Việt Nam.

Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Theo đó, về cơ chế, chính sách ưu đãi chung, Nhà nước khuyến khích và có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tạo môi trường nghiên cứu và phát triển, đầu tư kinh doanh thuận lợi tối đa tại Trung tâm nhằm thu hút nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước và từ các nước có trình độ công nghệ phát triển để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

Trung tâm được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất và các thủ tục hành chính thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa và các doanh nghiệp khác có liên quan đặt văn phòng, bộ phận nghiên cứu và phát triển trong Trung tâm để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong Trung tâm.

Dự án đầu tư của cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm và dự án đầu tư của Trung tâm thuộc danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được hưởng các ưu đãi vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Trung tâm, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm được nhận tài trợ, hỗ trợ, vay vốn và bảo lãnh vốn vay của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của pháp luật.

Ưu đãi đất đai, thuế; tiếp nhận hỗ trợ, viện trợ

Nghị định cũng quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm. Cụ thể, về ưu đãi đất đai và tạo mặt bằng hoạt động, Trung tâm được thuê đất trong thời hạn 50 năm trong các Khu công nghệ cao và được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê.

Đối với cơ sở Trung tâm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, miễn tiền sử dụng hạ tầng cho diện tích đất được thuê nằm trong khu vực phải trả tiền sử dụng hạ tầng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật do nhà nước đầu tư; miễn toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí san lấp mặt bằng của dự án đầu tư cơ sở Trung tâm.

Trung tâm được miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, hàng hóa nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Đối với cơ sở Trung tâm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp không quá 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế (a) ; được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất trong thời hạn 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất.

Đối với các cơ sở của Trung tâm ngoài Khu công nghệ cao Hòa Lạc, được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như áp dụng đối với Trung tâm quy định tại (a) nêu trên được quy định tại pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trung tâm được tiếp nhận vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại để thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên theo quy định của pháp luật về sử dụng vốn ODA không hoàn lại. Trung tâm được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài, tài trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chi thường xuyên, hỗ trợ hoạt động và công tác quản lý, vận hành của Trung tâm.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với cá nhân, tổ chức khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm.

Xây dựng cơ sở dữ liệu tác phẩm văn học nghệ thuật

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Mục tiêu của Chương trình là xây dựng hệ thống tư liệu, kho dữ liệu số và công bố các công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới của khoa học công nghệ, nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, góp phần đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, văn học nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay.

Chương trình đặt mục tiêu công bố 500 công trình, đầu sách truyền thống (sách in) tuyển chọn  từ kho tài liệu các công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật trong giai đoạn từ thế kỷ X đến năm 1945; công bố 100 tác phẩm sách 3D giới thiệu các công trình, tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu; công bố 2.000 đầu mục dữ liệu số về các công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật dưới dạng văn bản, hiện vật đơn chiếc, các tác phẩm phi văn bản và tác phẩm dạng khối.

Xây dựng 50 phim tài liệu, phim chuyên đề giới thiệu về tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu và các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật cộng đồng đặc sắc trong đời sống xã hội.

Đồng thời, tạo lập Hệ thống phần mềm để lưu trữ, quản lý các sản phẩm của Chương trình (sách 3D, dữ liệu số, phim tài liệu), phục vụ tra cứu, khai thác cơ sở dữ liệu số về văn học nghệ thuật Việt Nam.

Với mục tiêu trên, Chương trình sẽ triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm để tổng hợp, xây dựng hệ thống tư liệu, cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam, trên cơ sở kế thừa các tư liệu, sản phẩm đã công bố trước đây và nguồn tư liệu của các nhà nghiên cứu dân tộc học, nhân học, văn hóa học, sử học.

Thời gian thực hiện Chương trình 5 năm (từ năm 2021 đến năm 2025). Kinh phí thực hiện Chương trình từ Ngân sách Nhà nước bố trí từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa Trung ương hằng năm và dự toán giao cho Quỹ Hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam.

Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức thực hiện Chương trình theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung chuyên môn, sản phẩm của Chương trình; thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý và Hội đồng thẩm định nội dung các sản phẩm của Chương trình.

Xem xét gia hạn thời hạn sử dụng khu vực biển

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định gia hạn thời hạn sử dụng khu vực biển cho Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất.

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và nhiệm vụ được giao tại Công văn số 192/TTg-NN ngày 31/1/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định trường hợp gia hạn thời hạn sử dụng khu vực biển cho Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc xem xét, quyết định gia hạn cần đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Nghị định số 51/2014/NĐ-CP và các quy định pháp luật liên quan khác.

Về việc thu tiền sử dụng khu vực biển đối với trường hợp gia hạn thời hạn giao khu vực biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo đúng ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 9340/BTC-QLCS ngày 4/8/2020.

Yêu cầu TPHCM đánh giá kỹ lưỡng về đề xuất thu phí thoát nước

Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các tác động và tính khả thi của đề xuất thu phí thoát nước.

Vừa qua, trên báo Lao động có phản ánh: Giai đoạn 2016-2020, Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư hơn 1 tỷ USD cho chống ngập, nhưng đến nay hiệu quả các dự án vẫn còn là một câu hỏi lớn. Mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước 1.430 đồng/m3 từ nay đến năm 2024 tăng trung bình 5%/năm gây nhiều tranh cãi về cơ sở pháp lý, tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm triển khai.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các tác động và tính khả thi của đề xuất thu phí thoát nước; đồng thời có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án chống ngập của Thành phố./.

Top