Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/6

25/06/2020 19:42

Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.
Mục tiêu nhằm thực hiện phân cấp hợp lý về quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực giữa Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ và giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với UBND cấp tỉnh trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết cũng nêu rõ các ngành, lĩnh vực cần tập trung phân cấp quản lý nhà nước trong thời gian tới. Cụ thể, hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ  đối với lĩnh vực nội vụ gồm: Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập và tiền lương.
Đồng thời, hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ với UBND cấp tỉnh đối với 10 ngành, lĩnh vực sau:
1- Ngành, lĩnh vực nội vụ gồm: Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, vị trí việc làm;
2- Ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường gồm: Biển và hải đảo;
3- Ngành, lĩnh vực thông tin và truyền thông gồm: Phát thanh và truyền hình;
4- Ngành, lĩnh vực văn hóa gồm: Điện ảnh;
5- Ngành, lĩnh vực y tế gồm: Khám bệnh, chữa bệnh;
6- Ngành, lĩnh vực xây dựng gồm: Hoạt động đầu tư xây dựng; kiến trúc; quy hoạch; phát triển đô thị;
7- Ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ gồm: Hoạt động khoa học và công nghệ;
8- Ngành, lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội gồm: Quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; an toàn, vệ sinh lao động;
9- Ngành, lĩnh vực tài chính gồm: Thu ngân sách nhà nước; chi ngân sách nhà nước; quản lý nợ công; phí và lệ phí; tài sản công;
10- Ngành, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư gồm: Quản lý đầu tư; đầu tư công; đầu tư nước ngoài.
Bố trí đủ nguồn lực để thực hiện phân cấp
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết đưa ra gồm: Tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực; tăng cường thanh tra, kiểm tra của cơ quan, quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ trung ương đến địa phương; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện phân cấp.
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thiện các quy định về tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế kiểm soát giá, phí thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo phân công của Chính phủ làm cơ sở để phân cấp và tổ chức thanh tra, kiểm tra sau phân cấp quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.
Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo ngành, lĩnh vực để loại bỏ các quy định phải có ý kiến chấp thuận hoặc xin ý kiến của cơ quan nhà nước cấp trên đối với những vấn đề  đã được quy định bằng tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và đã được phân cấp quản lý.
Tiếp tục rà soát các nội dung phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc phân cấp.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan nhà nước cấp trên trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp; rà soát lại tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, xác định số lượng biên chế phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và của pháp luật.
Thực hiện thanh tra, kiểm tra và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 31 tháng 12 hàng năm việc thực hiện các nội dung đã phân cấp và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với trình độ quản lý, khả năng và  điều kiện thực hiện phân cấp của từng vùng, miền, địa phương trong từng giai đoạn.

---------------------------
Tăng số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/1/2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.
Cụ thể, Nghị định số 69/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 và  điểm c khoản 2 Điều 7 về số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND ở các đơn vị hành chính của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP. Theo đó, số lượng Phó Chủ tịch UBND ở đơn vị hành chính cấp xã được quy định như sau:
- Đối với đơn vị hành chính ở nông thôn: Xã loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND (hiện quy định xã loại II chỉ được có 01 Phó Chủ tịch UBND); xã loại III có 1 Phó Chủ tịch UBND.
- Đối với đơn vị hành chính ở đô thị: Phường, thị trấn loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND (hiện hành quy định phường, thị trấn loại II chỉ được có 01 Phó Chủ tịch UBND); phường, thị trấn loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.
Nghị định 69/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020.
Từ ngày Nghị định này có hiệu lực cho đến khi bầu ra Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 08/2016/NĐ-CP.
---------------------------
Quy định mới về tổng chi phí lãi vay đối với DN có giao dịch liên kết
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Theo đó, Nghị định quy định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau:
a- Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ (theo Nghị  định 20/2017/NĐ-CP, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế).
b- Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a nêu trên được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại Điểm a nêu trên. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
c- Quy định tại điểm a nêu trên không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên và dự án phúc lợi công cộng khác).
d- Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 68/2020/NĐ-CP.
Nghị định 68/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 24/6/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019.
---------------------------
Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ
Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực như: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, điều, dừa...
Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Các sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ theo tiềm năng thế mạnh được ưu tiên như sữa, sản phẩm mật ong, sản phẩm yến sào, thịt gia súc gia cầm.
Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5 - 1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế như: tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa...
Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3-1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ...
Nhiệm vụ chủ yếu đặt ra để đạt được các mục tiêu trên là phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ; phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật; tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩn hữu cơ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án; chủ  động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề  án với các chương trình mục tiêu quốc gia và các đề  án của các bộ, ngành và địa phương khác có liên quan; lựa chọn và xác định các yếu tố hoàn thiện mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương theo danh mục đã phê duyệt; chỉ định các đơn vị có năng lực nghiên cứu, chứng nhận và liên kết chuỗi giá trị tham gia triển khai các mô hình thí  điểm, xây dựng kế hoạch triển khai và từng bước nhân rộng mô hình; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và  định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai Đề án.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định sản phẩm lợi thế, lĩnh vực chủ lực, vùng có lợi thế về sản xuất hữu cơ, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án, dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tiêu chuẩn ngành nông nghiệp. Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương như: đất đai, hạ tầng, giống, công nghệ sản xuất hữu cơ... phục vụ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn; thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ của địa phương, hàng năm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện đề án của địa phương gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
---------------------------
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân sẽ tổ chức tại Đắk Lắk
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc Hội nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2020.
Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan chuẩn bị tốt các nội dung đối thoại và tổ chức Hội nghị một cách thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả.
---------------------------
Chuyển đổi hình thức đầu tư dự  án giao thông tại Vĩnh Phúc
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc đầu tư đoạn tuyến thuộc Dự án đường nối từ ĐT.310B vào hồ Thanh Lanh, huyện Bình Xuyên trùng với tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô, sử dụng ngân sách địa phương.
Cụ thể, Đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện theo hình thức PPP tại văn bản số 10294/VPCP-CN ngày 29/11/2016, nay UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị đầu tư Dự án đường nối từ  ĐT.310B vào hồ Thanh Lanh, huyện Bình Xuyên trùng với tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô sử dụng vốn ngân sách địa phương.
Để tạo điều kiện cho Tỉnh chủ động đầu tư Dự án trên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Vĩnh Phúc chuyển đổi từ hình thức đầu tư PPP sang sử dụng ngân sách địa phương của Tỉnh.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp thu ý kiến của các Bộ, tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo đúng các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo hiệu quả  đầu tư, chống thất thoát, lãng phí.
---------------------------
Kiểm tra phản ánh của báo Thanh niên Online
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra phản ánh trong bài “Doanh nghiệp thủy sản bức xúc bị “đẻ” thêm chi phí cấp giấy xác nhận” đăng trên báo Thanh niên Online.
Ngày 15/6/2020, báo Thanh niên Online có bài “Doanh nghiệp thủy sản bức xúc bị  “đẻ” thêm chi phí cấp giấy xác nhận”.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xác minh, kiểm tra các nội dung phản ánh trong bài báo. Trường hợp các nội dung phản ánh là đúng, phải xử lý dứt điểm, không để tình trạng gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp.
* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xử lý phản ánh của Hội Cựu giáo chức Việt Nam về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.
---------------------------
Giải quyết kiến nghị của TP Đà Nẵng
Vừa qua, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản số 131-TB/VPTW thông báo ý kiến của đồng chí Thường trực Ban Bí thư trong chuyến thăm, làm việc tại Đà Nẵng. Trong đó, đề nghị các bộ, ngành ở Trung ương xem xét, trình cấp có thẩm quyền giải quyết một số đề xuất, kiến nghị của thành phố  Đà Nẵng.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn thành phố Đà Nẵng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tháo gỡ khó khăn cho Thành phố trong việc thi hành các bản án, các kết luật thanh tra liên quan đến các tài sản và trong việc triển khai thực hiện Kết luận số 2852/KL-TTCP ngày 2/11/2012 của Thanh tra Chính phủ.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng tại khu vực Nam núi Hải Vân và hòn Sơn Trà con do lịch sử để lại.
---------------------------
Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 (Chương trình).
Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, cụ thể dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy và chế biến thủy hải sản; 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng, áp dụng 20-30 mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững.
Phấn đấu 100% các siêu thị sử dụng bao bì thân thiện môi trường
Đến năm 2030, hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm 7-10% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất chính như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy, chế biến thủy hải sản và một số ngành sản xuất khác; 100% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy.
Chương trình đưa ra một số nhiệm vụ chủ yếu như quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh; thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái...
Về phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững, cần xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần phân phối xanh, bền vững bao gồm các trung tâm hậu cần xanh, hệ thống kho vận, giao nhận hàng hóa xanh, thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học sạch, thân thiện môi trường trong các hoạt động phân phối, vận chuyển hàng hóa.
Đồng thời, khuyến khích sản xuất và sử dụng phương tiện vận tải thân thiện môi trường, ít phát thải khí nhà kính; xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển và nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị, thị phần vận tải hàng hóa bằng đường thủy, vận tải ven biển và đường sắt.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động xuất nhập khẩu bền vững, xây dựng các tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp về các yêu cầu, quy định, cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường, sản phẩm dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường.
Về thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái, cần xây dựng, vận hành hệ thống chứng nhận và dán nhãn sinh thái gồm nhãn xanh, nhãn năng lượng, nhãn các bon, nhãn tái chế và các nhãn sinh thái khác; xây dựng và áp dụng các phương pháp luận, công cụ đánh giá, tính toán phát thải theo vòng đời sản phẩm, các công cụ tính toán suất tiêu hao nhiên liệu, nguyên vật liệu; xây dựng, áp dụng và vận hành hệ thống chứng nhận nhãn du lịch bền vững, nhãn xanh cho cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
---------------------------
Triển khai dự án đường nối Quốc lộ 32C với đường Âu Cơ, TP Yên Bái
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo về việc tổ chức triển khai thực hiện Dự án đường nối Quốc lộ 32C với đường Âu Cơ, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Dự án).
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn UBND tỉnh Yên Bái về các vấn đề có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo đúng các quy định pháp luật, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí./.

Top