Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/2

25/02/2021 20:42

Phân phối vắc xin COVID-19 bảo đảm kịp thời, minh bạch

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận, phân phối vắc xin COVID-19 bảo đảm kịp thời, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực và nhanh chóng tổ chức tiêm vắc xin…

Nội dung trên được nêu trong Thông báo 31/TB-VPCP ngày 25/2/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh

Tại Thông báo trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với các mức nguy cơ đối với từng khu vực, địa điểm cụ thể trên địa bàn, bảo đảm không chủ quan, không “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm yêu cầu 5K (trước hết là đeo khẩu trang, trong đó tăng cường sử dụng khẩu trang vải), không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Ủy ban nhân dân các tỉnh đang có dịch, nhất là tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết, xét nghiệm, dập dịch dứt điểm, không để lây lan trên diện rộng. 

Các địa phương có biện pháp cụ thể thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa bảo đảm an toàn phòng chống dịch và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Ban hành quy chế phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế ban hành ngay quy chế bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải qua lại, đi đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch, nhất là tại địa bàn kinh tế trọng điểm như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch.

Nhanh chóng tổ chức tiêm vắc xin

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc mua, sử dụng vắc xin COVID-19; làm đầu mối thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ vắc xin COVID-19; có phương án phù hợp, không để xảy ra ách tắc về thủ tục trong thực hiện việc này. Phối hợp với Bộ Ngoại giao (nhất là với các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài) trong việc tiếp cận nguồn cung vắc xin.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận, phân phối vắc xin bảo đảm kịp thời, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 50-CV/VPTW ngày 19 tháng 02 năm 2021 và của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 312/VPCP-KGVX ngày 08 tháng 02 năm 2021. 

Bộ Y tế nhanh chóng tổ chức tiêm vắc xin, trước hết cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục rà soát, thúc đẩy đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó quán triệt tinh thần chủ động, tích cực, không chủ quan, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tại Hải Dương, Hải Phòng và sớm xử lý dứt điểm các ổ dịch hiện có.

Một số địa phương được mua vắc xin theo phương thức xã hội hóa

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của một số địa phương (như Hà Nội, Hải Phòng…) về việc mua vắc xin theo phương thức xã hội hóa như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Thủ tướng Chính phủ. Giao Bộ Y tế hướng dẫn kịp thời, cụ thể.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo việc cho học sinh đến trường, thực hiện các quy định phòng, chống dịch tại trường học, bảo đảm an toàn.

Ngăn lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung

Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung, ngăn ngừa có hiệu quả việc lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung.

Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo quản lý, kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, ngăn chặn và xử lý kịp thời hoạt động nhập cảnh trái phép.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước và thực hiện cách ly kịp thời, đúng quy định.

Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thông tin, truyền thông về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch nhất là về thực hiện 5K, khuyến cáo chủ động khai báo y tế… trên tinh thần truyền thông vì lợi ích chung, đưa tin chính xác, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và không gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

------------------------

Siết chặt điều kiện hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá

Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá. Trong đó, Nghị định số 12/2021/NĐ-CP bổ sung yêu cầu đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá.

Theo đó, người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá phải:

1- Là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 hoặc điểm c khoản 2 hoặc điểm c khoản 3 hoặc điểm c khoản 4 hoặc điểm c khoản 5 Điều 39 Luật giá;

2- Có ít nhất 03 năm (36 tháng) là thẩm định viên về giá hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá.

3- Không là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá  đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong khoảng thời gian 01 năm (12 tháng) tính tới thời điểm nộp hồ sơ cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Nghị định số 12/2021/NĐ-CP cũng nêu rõ, doanh nghiệp thẩm định giá đang trong thời gian bị đình chỉ hoặc tạm ngừng hoạt động thẩm định giá. Trong thời gian doanh nghiệp thẩm định giá không bảo đảm một trong các điều kiện tương ứng loại hình doanh nghiệp quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 39 của Luật Giá nhưng chưa bị đình chỉ hoạt động thẩm định giá thì không được ký kết hợp đồng dịch vụ thẩm định giá.

Về giá dịch vụ thẩm định giá, Nghị định số 12/2021/NĐ-CP sửa đổi: Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP trên nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; trường hợp việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm định giá thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp

Ngoài ra, Nghị định số 12/2021/NĐ-CP còn bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp về kết quả thẩm định giá giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá.

Theo quy định, khi phát sinh tranh chấp về kết quả thẩm định giá giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo các hình thức sau:

1- Thương lượng, hòa giải trên cơ sở những cam kết đã ghi trong hợp đồng thẩm định giá.

2- Giải quyết bằng trọng tài thương mại.

3- Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

------------------------

Sơ kết NQ120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Chính phủ vừa giao các bộ, ngành có liên quan và địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị "Hội nghị của Chính phủ sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu" (dự kiến tổ chức trong khoảng từ ngày 10-15/3/2021).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chủ trì chuẩn bị và tổ chức Hội nghị. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng và các cơ quan có liên quan xây dựng báo cáo chung sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết (Báo cáo cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết; nêu rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm; đề xuất giải pháp, sáng kiến để đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết,…).

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất địa điểm, hình thức tổ chức Hội nghị, thành phần tham dự, nội dung, kịch bản điều hành; chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các cơ quan truyền thông ở trung ương, địa phương (nơi tổ chức Hội nghị) làm tốt công tác truyền thông trước, trong và sau Hội nghị; đôn đốc các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng và các cơ quan có liên quan chuẩn bị nội dung, gửi báo cáo, tổ chức Hội nghị.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị báo cáo về các nội dung theo nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết và các văn bản có liên quan, trong đó tập trung báo cáo rõ về công tác huy động nguồn lực (từ ngân sách và ngoài ngân sách) cho đầu tư phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, tình hình xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo pháp luật về quy hoạch, cơ chế điều phối vùng,...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung báo cáo rõ việc chuyển đổi sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư các dự án hạ tầng thủy lợi, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển,...

Bộ Giao thông vận tải tập trung báo cáo rõ việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long và thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với các trung tâm phát triển kinh tế.

Bộ Xây dựng chuẩn bị báo cáo về các nội dung theo nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết và các văn bản có liên quan, trong đó tập trung vào việc rà soát và thực hiện quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, nông thôn, sắp xếp, bố trí lại dân cư, cung cấp nước sạch cho người dân.

Các bộ, ngành khác có liên quan và địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết và các văn bản có liên quan chủ  động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị nội dung báo cáo chung sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết. /.

Top