Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/12

25/12/2020 18:03

Giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các bộ, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Căn cứ kế hoạch đầu tư vón ngân sách nhà nước năm 2021 được giao, Thủ trưởng các bộ, cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đúng quy định, hiệu quả, đẩy nhanh tốc độ giải ngân; bảo đảm việc phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2021 tuân thủ điều kiện, thủ tục, thứ tự ưu tiên bố trí vốn; theo tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thứ tự ưu tiên sau:

- Thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản.

- Thu hồi vốn ứng trước.

- Dự án cấp bách, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

- Dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn đối ứng cho dự  án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

- Dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và đã được bố trí vốn hằng năm, cần tiếp tục thực hiện, chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành.

- Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch đã đủ thủ tục theo quy định tính đến ngày 31/12/2020.

- Sau khi đảm bảo điều kiện thứ tự ưu tiên nêu trên, trong phạm vi tổng mức vốn đầu tư năm 2021 đã  được Quốc hội quyết định, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được phép bố trí vốn cho các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa được bố trí vốn hằng năm đủ điều kiện, đủ thủ tục đầu tư đến ngày 31/12/2020.

- Đối với những nhiệm vụ, dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tính đến ngày 31/12/2020 cần tiếp tục hoàn thiện, phân bổ sau khi Quốc hội khóa XV quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cho phép bố trí vốn ngân sách Trung ương năm 2021 cho các dự án đang thực hiện thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 đã bố trí vốn quá thời gian quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công và hoàn thành trong năm 2021. Trường hợp còn lại, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định từng dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương.

 -----------------------------

Tạo cơ sở pháp lý xử lý vướng mắc chuyển giao không bồi hoàn tại các dự án FDI

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về rà soát pháp luật dự án có nội dung chuyển giao không bồi hoàn.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung các quy định tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020 (Nghị định thay thế Nghị định số 118/2015/NĐ-CP) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý xử lý các vấn đề vướng mắc hiện nay liên quan tới nội dung chuyển giao không bồi hoàn tại các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước Việt Nam, Bên Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án FDI, tránh phát sinh tranh chấp quốc tế theo đúng chỉ đạo tại Văn bản số 1590/VPCP-KTTH ngày 27/2/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, tổng hợp nội dung nêu trên trong quá trình xây dựng, trình ban hành dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 ------------------------------

Bổ sung dự toán chi ngân sách cho Bộ VHTTDL

Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 44.495.140.000 đồng từ nguồn dự toán chi sự nghiệp văn hóa thông tin của ngân sách trung ương năm 2020 cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xử lý các tồn tại liên quan tới kinh phí sản xuất bộ phim “Huyền thoại 1C”.

Cụ thể, bổ sung 569.615.000 đồng để thanh toán cho Công ty cổ phần Tây Nam Phim chi phí sản xuất phim còn thiếu; 28.825.525.000 để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nguồn quyết toán do số dư tạm ứng năm 2018 không được chuyển nguồn sang năm sau; 15.100.000.000 đồng cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thu hồi dự toán ứng trước năm 2012 và năm 2014 và thực hiện quyết toán kinh phí.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí được bổ sung thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Thu hồi, nộp ngân sách nhà nước theo quy định: Số tiền thu bản quyền phát sóng phim “Huyền thoại 1C” và số tiền thuế giá trị gia tăng còn phải nộp của Công ty cổ phần Tây Nam Phim theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo. Bộ Tài chính thông báo, hướng dẫn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nội dung trên theo quy định.

 -------------------------

Xây dựng Hệ thống đo đạc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ý kiến về việc ban hành Hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan chức năng để xây dựng dự thảo Quyết định ban hành Hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia đảm bảo phù hợp với quy định của Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và các quy định của pháp luật có liên quan.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị COP21 về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Paris, Cộng hòa Pháp năm 2015. Đây là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm pháp lý của tất cả các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu về giảm nhẹ khí nhà kính. Qua ba năm đàm phán từ năm 2015 đến năm 2018, các Bên đã đạt được sự đồng thuận thông qua hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, được gọi là Bộ quy tắc khí hậu Katowice tại COP24 tổ chức tại Ba Lan.

Một nội dung quan trọng của Bộ quy tắc khí hậu Katowice là Hướng dẫn thực hiện các vấn đề liên quan đến Khung minh bạch tăng cường (ETF) trong ứng phó và hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu nêu tại Điều 13 Thỏa thuận Paris và Quyết định 1/CP21 của Hội nghị COP21 về biến đổi khí hậu.

Ngày 24/7/2020, Thủ tướng Chính phủ  đã duyệt thông qua nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. NDC cập nhật của Việt Nam đã được gửi cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). UNFCCC đánh giá cao Việt Nam đã hoàn thành việc rà soát, cập nhật NDC theo Quyết định của COP21 trong bối cảnh phức tạp đầy thách thức do đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Việt Nam đã nâng cao mức đóng góp ứng phó với biến đổi khí hậu thể hiện trong NDC cập nhật.

Để đáp ứng yêu cầu của UNFCCC trong thực hiện NDC cập nhật trong giai đoạn 2021-2030, việc ban hành Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia là rất cần thiết nhằm đảm bảo tính minh bạch, chính xác, nhất quán; áp dụng các hướng dẫn mới nhất của Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cho đến nay, Việt Nam chưa có văn bản quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trong kiểm tra, giám sát các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để thực hiện mục tiêu của Chính phủ và thực hiện những đóng góp do Việt Nam cam kết với quốc tế. Việc ban hành Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ có tác động tích cực tới các chủ thể phát thải khí nhà kính, tạo động lực cho đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nói riêng và ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung./.

Top