Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/9

23/09/2021 20:46

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện 6763/CĐ-VPCP truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Hà Nam, Kiên Giang về việc chấn chỉnh, tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Công điện nêu rõ:

Trong mấy ngày vừa qua, sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, tại một số địa phương đã có hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch, một số nơi xuất hiện các ổ dịch mới. Để kịp thời chấn chỉnh, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, giữ vững thành quả chống dịch trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu:

1. Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Tiểu ban An ninh trật tự xã hội thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo các địa phương kịp thời chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra không để tụ tập đông người nơi công cộng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

2. Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Y tế thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm thần tốc để bóc tách F0, có biện pháp quản lý F1 hiệu quả đối với các khu vực phát sinh ổ dịch mới trong cộng đồng, kiên quyết không để lây lan rộng.

3. Các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định, giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm mục tiêu nhanh nhất, sớm nhất kiểm soát dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

---------------------------

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với các nhà khoa học về phòng, chống dịch COVID-19

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 256/TB-VPCP ngày 23/9/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với các nhà khoa học về phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý đã có nhiều ý kiến góp ý, phản biện khoa học, sâu sắc, tâm huyết, thực tiễn, trách nhiệm với công cuộc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn, ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những đóng góp, cống hiến to lớn của các nhà khoa học, các chuyên gia trong ngành y tế  đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong gần 2 năm qua.

Tại cuộc họp, các nhà khoa học đã có nhiều góp ý rất xác đáng về công tác phòng, chống dịch. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó:

1- Thực hiện việc cách ly, giãn cách xã hội nhanh nhất có thể, ở phạm vi nhỏ nhất có thể với các giải pháp linh hoạt, mềm dẻo.

2- Xét nghiệm thần tốc, phải nhanh hơn tốc độ lây lan của virus ở các vùng có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao; xét nghiệm chủ động đáp ứng điều tra dịch tễ tại các vùng có nguy cơ (vùng vàng), vùng bình thường mới (vùng xanh) để phát hiện F0 nhanh nhất, kịp thời phân loại, cách ly, theo dõi, điều trị phù hợp, hiệu quả (thực hiện theo Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15/9/2021 của Bộ Y tế).

3- Điều trị tích cực, kịp thời, từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, để người bệnh tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất.

4- Thực hiện chiến lược vaccine căn cơ, an toàn, hiệu quả, phải bảo đảm yêu cầu khoa học trong bối cảnh khan hiếm vaccine (ưu tiên người 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, người tiếp xúc nhiều...).

5- Ý thức người dân về phòng, chống dịch là hết sức quan trọng; phải tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, nhất là trong việc chủ  động, tự giác thực hiện, chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; phòng dịch là cơ bản, lâu dài, là quyết định; phòng dịch tốt thì không phải chống dịch).

6- Phải bảo đảm an sinh xã hội kịp thời, đúng đối tượng.

Nhiều nhà khoa học thống nhất việc không thể kiểm soát dịch một cách tuyệt đối, vì vậy chúng ta thống nhất, cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh; cần có biện pháp, bước đi phù hợp để  “thích ứng an toàn, linh hoạt” hoặc “sống chung” với dịch bệnh. Bộ Y tế cần tiếp thu các ý kiến và khẩn trương nghiên cứu, xác định rõ các tiêu chí thế nào là thích ứng an toàn, linh hoạt, thích ứng an toàn có kiểm soát; tiêu chí kiểm soát được dịch bệnh...

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, góp ý kiến, phản biện về công tác phòng, chống dịch; trước mắt, có ý kiến về dự thảo của Bộ Y tế về nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn linh hoạt với dịch bệnh, lộ trình từng bước trở lại trạng thái bình thường mới tại các địa phương, gửi lại Bộ Y tế để hoàn chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với diễn biến tình hình.

Bộ Y tế kịp thời đề xuất thực hiện việc động viên, khen thưởng các nhà khoa học, các chuyên gia, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên có thành tích trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời khẩn trương chủ trì, cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp đối với các nhà khoa học, các chuyên gia, đội ngũ cán bộ y tế.
---------------------------

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Thông tấn xã Việt Nam về tình hình hoạt động và định hướng phát triển của Thông tấn xã Việt Nam trong giai đoạn mới

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 257/TB-VPCP ngày 23/9/2021 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Thông tấn xã Việt Nam về tình hình hoạt động và định hướng phát triển của Thông tấn xã Việt Nam trong giai đoạn mới

Tại thông báo trên, Thủ tướng nhấn mạnh: Trong thời gian qua, TTXVN luôn là một tập thể đoàn kết, thống nhất, kế thừa và phát huy được truyền thống anh hùng của các thế hệ đi trước, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao như: Cung cấp thông tin, báo cáo có giá trị phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kịp thời phát hiện, thông tin về những vấn đề mới, vấn đề thời sự trong nước và quốc tế được công chúng quan tâm; trở thành cầu nối quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Chính phủ…

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, TTXVN vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức và hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục như: Những kết quả  đạt được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với một cơ quan thông tấn quốc gia với vai trò là nguồn thông tin chính thống của cả hệ thống báo chí, truyền thông trong và ngoài nước; chất lượng nguồn nhân lực, trang thiết bị làm việc còn nhiều hạn chế, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ với nhiều thay đổi có tính đột phá trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi và thời cơ, đất nước ta sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng yêu cầu TTXVN phải nỗ lực, vươn lên mạnh mẽ; phát huy hơn nữa những thành tích, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, chia sẻ khó khăn cùng đất nước và nhân dân; đổi mới tư duy lãnh đạo, điều hành; có các giải pháp cụ thể để nâng cao trình độ tác nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, góp phần cùng các cấp, các ngành đưa đất nước ngày càng phát triển; trong đó cần lưu ý quán triệt và làm tốt 6 nội dung sau:

1- Không ngừng nỗ lực, đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động để nâng cao vị thế, vai trò chủ lực trên mặt trận tư tưởng, thông tin, truyền thông của cơ quan thông tấn quốc gia; làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng; làm chủ thông tin trên không gian mạng và tham gia tích cực vào cuộc chiến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hỗ trợ đắc lực công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước; quan tâm hơn nữa đến những “vùng lõm” về thông tin, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, TTXVN cũng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, là cơ quan truyền thông tin cậy, được nhân dân yêu mến, tin tưởng.

2- Tiếp tục giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, trân trọng ý kiến phản biện, nghiên cứu tìm ra những giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất, được nhiều người ủng hộ nhất để hoàn thành tốt nhất chức năng, nhiệm vụ được giao; giữ vững mặt trận tư tưởng của Đảng, Nhà nước trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam. 

Trong quá trình phát triển, phải luôn chủ  động, sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chịu trách nhiệm; lấy khó khăn, thách thức làm động lực, cơ hội để phấn đấu, trưởng thành, vươn lên; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết; những việc khó, mới, chưa có tiền lệ, chưa có quy định hoặc quy định không phù hợp thì báo cáo cấp có thẩm quyền để làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội.

3- Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm gắn với việc nêu gương của người đứng đầu và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng đội ngũ cán bộ  đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu các cấp của TTXVN trên cơ sở bảo đảm đúng nguyên tắc, dân chủ, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình theo quy định.

4- Tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ cả về nhận thức, hành động, về tổ chức công việc. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ảnh hưởng của công tác truyền thông trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào. Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan chuyên trách, lắng nghe ý kiến, hơi thở của cuộc sống để có những chủ  đề thông tin phù hợp, đơn giản, dễ hiểu, thuyết phục, hiệu quả. Thông tin nhanh chóng, chính xác và sinh động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa nhanh các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ vào cuộc sống, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13. Trong giai đoạn trước mắt là phòng chống dịch và phục hồi kinh tế do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

5- Khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến các cơ quan liên quan, hoàn thiện, trình phê duyệt Đề  án xây dựng TTXVN trở thành cơ quan thông tấn chủ lực đa phương tiện, chuyên nghiệp, hiện đại. 

6- Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, phục vụ đắc lực việc thực hiện nhiệm vụ chính trị phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng. Tiếp tục hỗ trợ các hãng thông tấn bạn bè truyền thống; duy trì quan hệ đối tác với các hãng thông tấn lớn trên thế giới; các chương trình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ với các đối tác quốc tế. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai các sản phẩm thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam, phục vụ hội nhập quốc tế, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.

---------------------------

Thủ tướng đồng ý lùi thời gian tổ chức Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2021 sang trung tuần tháng 12/2021

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 6778/VPCP-NN ngày 23/9/2021 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý lùi thời gian tổ chức Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) năm 2021 sang trung tuần tháng 12/2021 sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện nội dung và công tác hậu cần để bảo đảm Diễn đàn được tổ chức theo đúng Chương trình, nội dung đã  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2021 dự kiến được tổ chức trong quý III/năm 2021.

---------------------------

Giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (các bộ, cơ quan Trung ương) và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các địa phương) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao danh mục, mức vốn ngân sách Trung ương bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho từng dự án, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách và các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.

Trước ngày 30/9/2021 giao kế hoạch đầu tư vốn cho các dự án khởi công mới

Về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương căn cứ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025, danh mục dự  án và mức vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư  công chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách Trung ương bố trí cho từng dự án, nhiệm vụ theo quy định bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư công.

Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương sử dụng, huy động các nguồn vốn khác để  đầu tư hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án chưa bố trí đủ vốn ngân sách Trung ương trong tổng mức đầu tư được duyệt, chưa rõ cơ cấu nguồn vốn trong chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các dự án trọng điểm, có tính kết nối, liên vùng chưa bố trí vốn ngân sách địa phương; không đề xuất bổ sung thêm vốn ngân sách Trung ương ngoài số vốn ngân sách Trung ương đã được giao cho bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư cho các dự án này.

Chủ động đề xuất sử dụng vốn ngân sách Trung ương đã được giao kế hoạch (không bao gồm số vốn ngân sách Trung ương đã bố trí để thu hồi vốn ứng trước cho danh mục dự án kèm theo Quyết định này, dự án quan trọng quốc gia, dự  án trọng điểm, dự án có tính kết nối, liên vùng, đường ven biển) và nguồn vốn hợp pháp để bố trí thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước của danh mục dự  án chưa được tổng hợp, báo cáo trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và không được cấp có thẩm quyền cho phép hoãn ứng trước (nếu có).

Căn cứ khả năng cân đối vốn hằng năm, ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp; chỉ bố trí vốn cho các dự án khởi công mới sau khi đã bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp đã quá thời hạn bố trí vốn theo quy định nhằm hoàn thành sớm các dự án này, phát huy hiệu quả  đầu tư, giảm tối đa thời gian bố trí vốn của dự  án.

Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương khẩn trương thực hiện giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 trước ngày 30/9/2021 cho các dự án khởi công mới, nhiệm vụ chuẩn bị  đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định; điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 đối với các dự  án chưa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo quy định tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.

Kiên quyết xóa bỏ “cơ chế xin cho”, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”

Về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo HĐND cùng cấp phân bổ và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương bảo đảm các nguyên tắc, tiêu chí sau:

- Việc phân bổ vốn phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của quốc gia, ngành, lĩnh vực địa phương; quy hoạch tỉnh, vùng, ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Việc phân bổ vốn phải bảo đảm tuân thủ các quy định, nguyên tắc, thứ tự ưu tiên của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan.

- Bám sát mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, huy động tối đa nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; cơ cấu lại nền kinh tế, các đột phá chiến lược; bố trí vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, dàn trải, kéo dài; giảm tối đa các dự án khởi công mới và kiểm soát chặt chẽ thời gian bố trí vốn hoàn thành dự  án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

- Quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phân cấp trong quản lý đầu tư công, tập trung đầu tư các nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc ngành, lĩnh vực ưu tiên; tuân thủ thứ tự bố trí vốn theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan; kiên quyết xóa bỏ “cơ chế xin cho”, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm và thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.

- Các địa phương được bố trí vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 phải cam kết bố trí phần vốn còn thiếu từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ. Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án so với tổng mức đầu tư  đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư trung hạn, địa phương phải tự cân đối vốn để hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
---------------------------

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp với các chuyên gia của Tổng hội Y học Việt Nam về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 254/TB-VPCP ngày 23/9/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp với các chuyên gia của Tổng hội Y học Việt Nam về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Ngày 15/9/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với các chuyên gia của Tổng hội Y học Việt Nam về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ và Đại học Quốc gia. Sau khi nghe báo cáo của PGs.Ts. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, ý kiến của các chuyên gia thuộc Tổng hội, ý kiến của các đại biểu dự họp và ý kiến của Lãnh đạo Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận như sau:

Trân trọng cám ơn đóng góp của Tổng hội Y học trong phòng chống dịch COVID-19 từ khi bắt đầu có dịch. Qua đó đã hình thành chiến lược và các giải pháp cụ thể.

Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến đóng góp tại cuộc họp để hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh.

---------------------------

Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 với một số chỉ tiêu cụ thể như sau:  

Về năng lực, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU); hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách.

Về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu). Nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng về  điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý. Quy hoạch định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện; các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh và chủ quyền biển đảo.

Hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 5 nhóm

Quyết định nêu rõ, Hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 5 nhóm:

Nhóm 1 gồm 5 cảng biển: Cảng biển Hải Phòng, cảng biển Quảng Ninh, cảng biển Thái Bình, cảng biển Nam Định và cảng biển Ninh Bình.

Đến năm 2030: Hàng hóa thông qua nhóm cảng biển số 1 là từ 305 triệu tấn đến 367 triệu tấn (hàng container từ 11 đến 15  triệu TEU); hành khách từ 162.000 đến 164.000 lượt.

Tầm nhìn đến 2050: Đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,0-5,3%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,5-1,6%/năm. Hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện, Cái Lân và di dời các bến cảng trên sông Cấm phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố Hải Phòng; đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc, Cẩm Phả, Hải Hà.

Nhóm 2 gồm 6 cảng biển: Cảng biển Thanh Hóa, cảng biển Nghệ An, cảng biển Hà Tĩnh, cảng biển Quảng Bình, cảng biển Quảng Trị và cảng biển Thừa Thiên Huế.

Đến năm 2030 hàng hóa thông qua nhóm cảng biển số 2 từ 172 triệu tấn đến 255 triệu tấn (hàng container từ 0,6-1 triệu TEU); hành khách từ 202.000 đến 204.000 lượt khách. Tầm nhìn đến 2050: Đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,6-4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,4-0,5%/năm. Hoàn thiện đầu tư, phát triển cụm cảng Nghi Sơn - Đông Hồi, Vũng Áng và Sơn Dương - Hòn La.

Nhóm 3 gồm 8 cảng biển: Cảng biển Đà Nẵng (gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa), cảng biển Quảng Nam, cảng biển Quảng Ngãi, cảng biển Bình Định, cảng biển Phú Yên, cảng biển Khánh Hòa (gồm khu vực huyện đảo Trường Sa), cảng biển Ninh Thuận và cảng biển Bình Thuận.

Đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 138 triệu tấn đến 181 triệu tấn (hàng container đạt từ 1,8-2,5 triệu TEU); hành khách từ 1,9-2,0 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến 2050: đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5-5,5 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,7-1,8%/năm. Hoàn thành đầu tư toàn bộ khu bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) và hình thành cảng phục vụ hàng hóa trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa).

Nhóm 4 gồm 5 cảng biển: Cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, cảng biển Đồng Nai, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng biển Bình Dương và cảng biển Long An.

Đến năm 2030 hàng hóa thông qua nhóm cảng biển số 4 từ 461-540 triệu tấn (hàng container từ 23-28 triệu TEU); hành khách từ 1,7-1,8 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến 2050: đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5-3,8 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9-1,0 %/năm. Hoàn thành đầu tư các bến cảng Cái Mép Hạ. Nghiên cứu hình thành các khu bến cảng mới tại Cần Giờ (trên sông Gò Gia), hoàn thành công tác di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn và tiếp tục nghiên cứu di dời các khu bến khác phù hợp với phát triển không gian đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhóm 5 gồm 12 cảng biển: Cảng biển Cần Thơ, cảng biển Đồng Tháp, cảng biển Tiền Giang, cảng biển Vĩnh Long, cảng biển Bến Tre, cảng biển An Giang, cảng biển Hậu Giang, cảng biển Sóc Trăng, cảng biển Trà Vinh, cảng biển Cà Mau, cảng biển Bạc Liêu và cảng biển Kiên Giang.

Đến năm 2030 hàng hóa thông qua nhóm cảng biển số 5 từ 64-80 triệu tấn (hàng container từ 0,6-0,8 triệu TEU); hành khách từ 6,1-6,2 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến 2050: Đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5-6,1%; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,1-1,25%. Hình thành cảng cửa ngõ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo quy mô, chức năng, hệ thống cảng biển Việt Nam có 3 loại

Theo quy mô, chức năng, hệ thống cảng biển Việt Nam gồm:

- Cảng biển đặc biệt (2 cảng biển): Cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Cảng biển loại I (15 cảng biển): Cảng biển Quảng Ninh, cảng biển Thanh Hóa, cảng biển Nghệ An, cảng biển Hà Tĩnh, cảng biển Thừa Thiên Huế, cảng biển Đà Nẵng, cảng biển Quảng Nam, cảng biển Quảng Ngãi, cảng biển Bình Định, cảng biển Khánh Hòa, cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, cảng biển Đồng Nai, cảng biển Cần Thơ, cảng biển Long An, cảng biển Trà Vinh. Trong đó, các cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.

- Cảng biển loại II (6 cảng biển): Cảng biển Quảng Bình, cảng biển Quảng Trị, cảng biển Ninh Thuận, cảng biển Bình Thuận, cảng biển Hậu Giang, cảng biển Đồng Tháp.

- Cảng biển loại III (13 cảng biển): Cảng biển Thái Bình, cảng biển Nam Định, cảng biển Ninh Bình, cảng biển Phú Yên, cảng biển Bình Dương, cảng biển Vĩnh Long, cảng biển Tiền Giang, cảng biển Bến Tre, cảng biển Sóc Trăng, cảng biển An Giang, cảng biển Kiên Giang, cảng biển Bạc Liêu, cảng biển Cà Mau. Trong đó, Cảng biển Sóc Trăng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.

Về định hướng hạ tầng giao thông kết nối, phát triển các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển loại đặc biệt và cảng biển loại I trên hành lang Bắc - Nam; hình thành các bến cho phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển; hệ thống đường bộ cao tốc kết nối với các cảng biển loại đặc biệt, hệ thống quốc lộ, đường địa phương kết nối trực tiếp đến hệ thống cảng biển.

Phát triển cảng cạn tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế, ưu tiên quy hoạch các vị trí có kết nối thuận lợi bằng vận tải đường thủy nội địa, vận tải sông pha biển, đường bộ cao tốc, đường sắt đến các cảng biển quan trọng trong các nhóm cảng biển.

Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa), được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.

---------------------------

Cho ý kiến về quy định cho thuê khu vực biển để nuôi trồng thủy sản

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn số 6769/VPCP-NN ngày 23/9/2021 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc ban hành Nghị định quy định thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.

Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường có tờ trình về việc ban hành Nghị định quy định thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.

Cho ý kiến về đề nghị trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tư pháp nghiên cứu tờ trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đánh giá, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở đó, tham mưu rõ cho Thủ tướng Chính phủ về việc đáp ứng điều kiện trình Chính phủ của dự thảo Nghị định trên.

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp và bộ, ngành liên quan xác định cụ thể cơ quan cần báo cáo xin ý kiến và chủ động báo cáo xin ý kiến cơ quan đó về vấn đề “cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để nuôi trồng thủy sản”.

---------------------------

Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn số 6802/VPCP-KTTH ngày 23/9/2021 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ những phân tích, đánh giá về tiềm năng, triển vọng thị trường xuất khẩu của Bộ Công Thương và theo chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai tổ chức sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu trên địa bàn để khai thác cơ hội thị trường xuất khẩu thời gian tới; khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau COVID-19, trong đó ưu tiên nhóm hàng nông sản, lâm sản và thủy sản.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản, lâm sản, thủy sản và xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau COVID-19 của các địa phương./.


 

Top