Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/3

23/03/2021 19:50

Khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, đúng đối tượng

Khẩn trương tổ chức thực hiện tốt, kịp thời việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, đúng đối tượng, hướng tới thực hiện tiêm chủng toàn dân. Xem xét, tiếp cận các nguồn vắc xin khác nhau. Đánh giá kỹ mức độ an toàn của vắc xin. Tiếp tục nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước để sớm đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Đây là nội dung tại Thông báo số 57/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. 

Thông báo nêu rõ, dịch bệnh trên thế giới đã có dấu hiệu thuyên giảm, song cuộc chiến chống đại dịch vẫn chưa dừng lại, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh, không lơ là, chủ quan, đồng thời quyết tâm phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phù hợp về tài khoá, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ đã ban hành và nghiên cứu bổ sung các biện pháp hỗ trợ mới (trong đó có gói an sinh xã hội thứ 2), kể cả chính sách, giải pháp đặc thù phục hồi và cơ cấu lại những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, những ngành, lĩnh vực then chốt (đặc biệt là du lịch, hàng không…).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Phối hợp với Bộ Y tế rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập phòng dịch. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trước hết là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người không cần thiết (đối với đám cưới, đám tang cần hạn chế số lượng người tham gia và thực hiện tốt 5K); chú ý các biện pháp phù hợp với các đối tượng, khu vực có nguy cơ cao; thường xuyên kiểm tra, giám sát phòng chống dịch tại các cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú...

Quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, các cơ sở cách ly. Có phương án cụ thể và tổ chức thực hiện tốt mục tiêu kép, nhất là những tỉnh có dịch trong cộng đồng mới trải qua và đang trải qua đợt dịch thứ 3 như Hải Dương và một số địa phương.

Xem xét biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai “hộ chiếu vắc xin"

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chỉ đạo toàn ngành thực hiện chế độ sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh và tập trung chỉ đạo: Phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc xin”.

Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong mua sắm vật tư, trang thiết bị... phòng, chống dịch.

Bộ Công an có trách nhiệm tăng cường quản lý xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động là người nhập cảnh trái phép.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện yêu cầu 5K và chủ trương tiêm vắc xin phòng bệnh; xử lý nghiêm việc đưa tin sai lệch về dịch bệnh, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng.

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc hướng dẫn quy trình nhập cảnh và giám sát cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay quốc tế; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch trên các chuyến bay trong nước.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, doanh nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động.

Tăng cường phòng, chống dịch tại các địa điểm du lịch, du lịch tâm linh...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hướng dẫn cụ thể hơn và tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành quán triệt, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch tại các cơ sở lưu trú, khách sạn, các địa điểm du lịch, du lịch tâm linh...

Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu các đề xuất của Hội đồng tư vấn du lịch về một số biện pháp kiểm soát để mở lại hoạt động du lịch quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh.

Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước khi mở lại các đường bay quốc tế; tăng cường vận động, tuyên truyền, cung cấp thông tin và phổ biến quy định để người Việt Nam tại nước ngoài không nhập cảnh trái phép.

Chính phủ đề nghị Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp trong tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với tình hình dịch bệnh và tự giác tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.

Các đồng chí Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, có các hình thức khen thưởng phù hợp cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch bệnh.

Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo về báo cáo của Cổng TTĐT Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về các ý kiến góp ý tại Hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với một số cơ quan tổ chức.

Theo đó, xét báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tại văn bản số 850/BC-TTĐT ngày 23/11/2020 về Hội thảo nói trên và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 750/BKHĐT-KCHTĐT ngày 9/2/2021, Thủ tướng có ý kiến như sau: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện và sớm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/9/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm.

Việc này nhằm “phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, nâng cao tính liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế trọng điểm và các vùng kinh tế - xã hội nói chung”, văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng nêu rõ.

Gần đây, tại cuộc làm việc ngày 20/3 với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và lãnh đạo một số bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo hàng loạt nội dung nhằm gỡ vướng cho Cái Mép – Thị Vải - cụm cảng nước sâu lớn nhất cả nước và hạ tầng giao thông vận tải Đông Nam Bộ nói chung. Cụ thể, nạo vét luồng cho tàu lớn; tổ chức các tuyến đường thủy nội địa kết nối, đặc biệt với ĐBSCL; sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa (Đồng Nai)- Vũng Tàu; nghiên cứu dự án đoạn đường sắt Biên Hòa – Cái Mép…

Cùng với đó, ưu tiên xây dựng trung tâm logistics Cái Mép Hạ; nghiên cứu xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải; nghiên cứu thành lập khu mậu dịch tự do tại Cái Mép; sớm hình thành trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại khu vực để giảm tỷ lệ hàng hóa tại Cái Mép phải di chuyển vào TPHCM làm thủ tục hải quan…

Một số giải pháp, kiến nghị đã được giao thực hiện

Trước đó, được sự đồng ý của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,  ngày 22/11/2020, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp cùng Báo Tuổi trẻ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ”.

Hội thảo nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, thu hút sự tham gia đông đảo của các đại biểu là lãnh đạo, đại diện các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, lãnh đạo các hiệp hội, các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp…

Kết thúc Hội thảo, đại diện Ban Tổ chức đã trao tận tay lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải tập tài liệu tổng hợp, chọn lọc từ hàng trăm đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, bạn đọc, cùng công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM về vấn đề kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ.

Cùng với đó, ngay sau Hội thảo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các ý kiến đề xuất và giải pháp được nêu ra tại Hội thảo. Sau Báo cáo này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến đề xuất và giải pháp của các chuyên gia, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng tại Hội thảo nói trên (ngoài các nội dung đã được Ban Tổ chức trao Bộ Giao thông vận tải), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 750/BKHĐT-KCHTĐT ngày 9/2/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ. Tại văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ký, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, một số giải pháp, kiến nghị của các chuyên gia tại Hội thảo đã được Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương liên quan triển khai thực hiện.

Cũng tại văn bản này, Bộ đã có ý kiến về một số đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo, như với việc đề xuất thành lập quỹ đầu tư liên vùng; việc xây dựng và cập nhật, chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng, ban hành quy chế chia sẻ lợi ích giữa các địa phương trong vùng; việc xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, việc hình thành quỹ đầu tư hạ tầng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, việc hình thành quỹ đầu tư cấp quốc gia cần được xem xét cụ thể bởi các dự án phát triển kết cấu hạ tầng liên vùng phải phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực kết cấu hạ tầng quốc gia được quy định tại Phụ lục 1 của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14. Thẩm quyền quản lý các dự án này do các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện.

Ngoài ra, cần nghiên cứu kỹ lưỡng cơ chế thu hút vốn của quỹ đầu tư (phương thức, đối tượng tham gia đầu tư...) để đảm bảo tính khả thi, huy động hiệu quả nguồn lực, đảm bảo hài hòa lợi ích của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư.

Cũng theo Bộ này, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 749/QĐ TTg nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động của địa phương hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số tại địa phương. Do vậy, việc xây dựng, cập nhật và chia sẻ dữ liệu cho toàn vùng trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số sẽ nâng cao khả năng điều hành vùng, phục vụ quản lý, hoạch định chính sách, hỗ trợ ra quyết định, hướng tới người dân và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng “vùng Đông Nam Bộ số” góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ một cách bền vững…

Trên cơ sở các đề xuất, giải pháp của các chuyên gia, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và các ý kiến đóng góp của các Bộ, cơ quan Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số vấn đề, như giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Cơ quan có liên quan nghiên cứu việc thành lập Quỹ đầu tư hạ tầng liên vùng, trong đó đánh giá rõ thẩm quyền quản lý các dự án liên vùng thuộc quy hoạch vùng, cơ chế thu hút vốn của quỹ...

Năm 2021, tích hợp, cung cấp 55 dịch vụ công trên Cổng DVC Quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021.

Trong danh mục dịch vụ công trực tuyến cần sớm được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2021, 11 dịch vụ thuộc nhóm dịch vụ công thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư như: Cấp, cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân; Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân; Đăng ký thường trú; Đăng ký tạm trú; Khai báo tạm vắng; Thông báo lưu trú; Liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Cấp hộ chiếu phổ thông…

Bên cạnh đó, danh mục mới ban hành có 44 dịch vụ thuộc nhóm dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo đánh giá Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, đó là các dịch vụ như: Gia hạn tạm trú, cấp thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam; Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; Cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng; Đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; Đăng ký tuyển sinh đầu cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; Đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp; Kê khai thuế cá nhân; Nộp thuế, lệ phí trước bạ (cá nhân, doanh nghiệp); Thanh toán học phí; Thanh toán viện phí…

Trong danh mục dịch vụ công trực tuyến cần sớm tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021, có 48 dịch vụ mức độ 4.

Ngoài những dịch vụ công trực tuyến phê duyệt nêu trên, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt danh mục, lộ trình, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến thuộc phạm vi quản lý trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021 đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại Nghị quyết 01 ngày 1/1/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021..

Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, cải thiện trải nghiệm người dùng theo hướng phát triển ứng dụng trên thiết bị di động của Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp người dân chỉ cần sử dụng một ứng dụng có thể kết nối, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương, cũng như cung cấp các thư viện để các ứng dụng khác của bộ, ngành, địa phương có thể tích hợp, kết nối tạo nhiều tiện ích hơn cho người dân, doanh nghiệp; triển khai thí điểm giải pháp xác thực tiên tiến khác như xác thực qua chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động để phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia làm cơ sở để triển khai nhân rộng, đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ, kỹ thuật.

Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý thú y các cấp

Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp được kiện toàn, tăng cường năng lực; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chủ động hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Đó là mục tiêu chung của Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm dịch động vật

Mục tiêu cụ thể của Đề án là hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y từ trung ương đến địa phương được kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; hệ thống tổ chức của Cục Thú y được duy trì theo quy định Điều 6 Luật Thú y, Nghị quyết số 42/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, hệ thống giám sát dịch bệnh động vật từ trung ương đến cơ sở được củng cố, tăng cường năng lực và hoạt động có hiệu quả nhằm phát hiện sớm ổ dịch, phân tích dịch tễ, dự báo và cảnh báo kịp thời các loại dịch bệnh động vật; ít nhất 3.000 cơ sở, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được xây dựng và công nhận an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm dịch động vật, hệ thống nhận dạng, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật được thiết lập theo quy định.

Năng lực quản lý ATTP đối với sản phầm có nguồn gốc động vật từ trung ương đến địa phương được tăng cường; tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030; giảm thiểu tối đa số vụ ngộ độc nghiêm trọng do thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Thuốc, vắc xin thú y được phép lưu hành tại Việt Nam đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý sử dụng và phòng, chống kháng kháng sinh có hiệu quả; vắc xin sản xuất trong nước cung ứng ít nhất 80% tổng nhu cầu phòng bệnh cho động vật; sản xuất thuốc, vắc xin thú y mỗi năm xuất khẩu đạt 50 triệu USD.

Thuốc, vắc xin thú y, đặc điểm dịch tễ của các loại dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh lây sang người, giải pháp phòng, chống dịch bệnh, các giải pháp về phòng, chống kháng sinh được nghiên cứu, chuyển giao để phục vụ chỉ đạo sản xuất. 

Dịch vụ thú y được phát triển theo hướng chuyên nghiệp và xã hội hóa có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đưa ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, cơ chế, chính sách, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật ngành thú y; kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật; nâng cao năng lực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý ATTP đối với động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật; nâng cao năng lực quản lý thuốc thú y…

Đề án ưu tiên triển khai 4 dự án: 1- Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh lây truyền giữa động vật và người; 2- Tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và ATTP đối với động vật, sản phẩm động vật; 3- Nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả; 4- Đầu tư, nâng cấp, tăng cường năng lực quản lý, hệ thống các phòng thử nghiệm chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Đầu tư 2 dự án hạ tầng khu công nghiệp

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định đầu tư 2 dự án hạ tầng khu công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Hà Nam.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đã ký quyết định chủ trương đầu tư dự án phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Bình.

Mục tiêu của dự án là xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần TNI Vĩnh Long.

Dự án được thực hiện tại ấp Đông Hậu và ấp Đông Lợi, xã Đông Bình; ấp Đông Hưng 1 và ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long với quy mô sử dụng đất là 350 ha.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 3.026,719 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 454,008 tỷ đồng.

UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Nhà đầu tư thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đã được phê duyệt và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành các công trình, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ môi trường trong từng giai đoạn phát triển của khu công nghiệp...

* Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng ký quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng phía Đông Bắc nút giao Vực Vòng - giai đoạn I, tỉnh Hà Nam.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần Hóa chất Nhựa.

Địa điểm thực hiện dự án tại xã Bạch Thượng, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với quy mô sử dụng đất 100 ha.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.103 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 220 tỷ đồng.

UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan liên quan và Nhà đầu tư điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng và khu dịch vụ thương mại, nhà ở phục vụ khu công nghiệp phía Đông Bắc nút giao Vực Vòng, thị xã Duy Tiên đảm bảo phù hợp với quy hoạch mở rộng khu công nghiệp Đồng Văn I đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cơ cấu sử dụng đất của Dự án phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng và môi trường./.

Top