Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/11

23/11/2020 19:50

Quy định mới về tuổi nghỉ hưu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu.

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:

Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Lao động nam

Lao động nữ

Năm nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu

Năm nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu

2021

60 tuổi 3 tháng

2021

55 tuổi 4 tháng

2022

60 tuổi 6 tháng

2022

55 tuổi 8 tháng

2023

60 tuổi 9 tháng

2023

56 tuổi

2024

61 tuổi

2024

56 tuổi 4 tháng

2025

61 tuổi 3 tháng

2025

56 tuổi 8 tháng

2026

61 tuổi 6 tháng

2026

57 tuổi

2027

61 tuổi 9 tháng

2027

57 tuổi 4 tháng

Từ năm 2028 trở đi

62 tuổi

2028

57 tuổi 8 tháng

2029

58 tuổi

2030

58 tuổi 4 tháng

2031

58 tuổi 8 tháng

2032

59 tuổi

2033

59 tuổi 4 tháng

2034

59 tuổi 8 tháng

Từ năm 2035 trở đi

60 tuổi

Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường

Nghị định cũng quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của người lao động theo khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động.

Cụ thể, người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:

Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành (1).

Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021 (2).

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc quy định tại (1) và thời gian làm việc ở vùng quy định tại (2) từ đủ 15 năm trở lên.

Tuổi nghỉ hưu thấp nhất của người lao động được thực hiện theo bảng dưới đây:

Lao động nam

Lao động nữ

Năm nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu thấp nhất

Năm nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu thấp nhất

2021

55 tuổi 3 tháng

2021

50 tuổi 4 tháng

2022

55 tuổi 6 tháng

2022

50 tuổi 8 tháng

2023

55 tuổi 9 tháng

2023

51 tuổi

2024

56 tuổi

2024

51 tuổi 4 tháng

2025

56 tuổi 3 tháng

2025

51 tuổi 8 tháng

2026

56 tuổi 6 tháng

2026

52 tuổi

2027

56 tuổi 9 tháng

2027

52 tuổi 4 tháng

Từ năm 2028 trở đi

57 tuổi

2028

52 tuổi 8 tháng

2029

53 tuổi

2030

53 tuổi 4 tháng

2031

53 tuổi 8 tháng

2032

54 tuổi

2033

54 tuổi 4 tháng

2034

54 tuổi 8 tháng

Từ năm 2035 trở đi

55 tuổi

Nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của người lao động theo khoản 4 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:

1- Người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu (*).

2- Việc chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại (*) nêu trên thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương III của Bộ luật Lao động và quy định của pháp luật vệ bảo hiểm xã hội.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn nhân sự 6 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn nhân sự UBND 6 tỉnh: Lào Cai, Thái Bình, Ninh Thuận, An Giang, Trà Vinh và Quảng Nam.

Cụ thể, tại Quyết định 1859/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại Quyết định 1857/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đặng Xuân Phong, để nhận nhiệm vụ mới.

Tại Quyết định 1858/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Trọng Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai.

Tại Quyết định 1868/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại Quyết định 1863/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đặng Trọng Thăng, để nghỉ hưu theo chế độ.

Tại Quyết định 1869/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Thuận.

Tại Quyết định 1864/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lưu Xuân Vĩnh, để nghỉ hưu theo chế độ.

Tại Quyết định 1865/QĐ-TTg, Quyết định 1866/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Ông Nguyễn Long Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận; ông Phan Tấn Cảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận.

Tại Quyết định 1867/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Phạm Văn Hậu, để nhận nhiệm vụ mới.

Tại Quyết định 1875/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Văn Nưng, để nhận nhiệm vụ mới.

Tại Quyết định 1879/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.

Đồng thời, tại Quyết định 1877/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đồng Văn Lâm, để nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 9/3/2015 của Chính phủ.

Tại Quyết định 1876/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trần Anh Dũng, để nghỉ hưu theo chế độ.

Tại Quyết định 1883/QĐ-TTg, Quyết định 1884/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với: Ông Trần Đình Tùng, ông Huỳnh Khánh Toàn, để nghỉ chế độ hưu.

Nghiên cứu, đánh giá tình trạng giao thông ùn tắc tại đô thị lớn

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương nghiên cứu, đánh giá tình trạng giao thông ùn tắc tại một số đô thị lớn.

Báo Lao động điện tử ngày 18/11/2020 có bài viết “Giao thông hỗn loạn, tê liệt vì thiếu đồng bộ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: Vẫn xây dựng, mở rộng, cắt xén kiểu chắp vá”.

Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đánh giá.

Củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030.

Mục tiêu chung của Chương trình nhằm bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện, có chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Chương trình đặt mục tiêu 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 50% năm 2025, đạt 52% năm 2030 và giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.

75% cơ sở cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Trên 95% cấp xã tiếp tục triển khai cung ứng các biện pháp tránh thai phi lâm sàng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản vào năm 2025, đạt 100% năm 2030; đồng thời, 75% trạm y tế thuộc vùng mức sinh cao đủ khả năng cung cấp các biện pháp tránh thai theo quy định vào năm 2025, đạt 95% năm 2030.

Trên 95% cấp huyện có cơ sở y tế cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới vào năm 2025, đạt 100% năm 2030…

Giải pháp của Chương trình đưa ra là hoàn thiện cơ chế chính sách; quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi; phát triển mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực thực hiện Chương trình; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Trong đó, Chương trình sẽ củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở các cấp; đào tạo liên tục cho người cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai; mở rộng các hình thức cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; thí điểm mô hình hỗ trợ sinh sản, dự phòng, tầm soát vô sinh cho nhóm dân số trẻ…

Xem xét điều chuyển đoạn Mê Linh - TP Vĩnh Yên thành đường đô thị

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc đầu tư cải tạo, mở rộng quốc lộ 2 đoạn từ đường trục Mê Linh tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên đến thành phố Vĩnh Yên.

Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7394/VPCP-KTTH ngày 7/9/2020 của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định việc điều chuyển quốc lộ 2 đoạn từ đường trục Mê Linh tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên đến thành phố Vĩnh Yên từ quốc lộ thành đường đô thị theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo đúng quy định pháp luật.

Sau khi tiếp nhận quản lý đoạn đường nêu trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc triển khai đầu tư cải tạo, mở rộng theo quy hoạch, đúng quy định pháp luật để nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh, giảm áp lực cho Thủ đô Hà Nội.

Chương trình khuyến công quốc gia

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Mục tiêu chung của Chương trình là huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Xây dựng 340 mô hình trình diễn kỹ thuật

Chương trình phấn đấu xây dựng được 340 mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ. Ứng dụng được 1.600 máy móc thiết bị và 300 dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đánh giá sản xuất sạch hơn cho 300 cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn cho 100 cơ sở công nghiệp nông thôn. Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 cơ sở công nghiệp nông thôn.

Hỗ trợ 350 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 50 cụm công nghiệp. Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho khoảng 60 cụm công nghiệp. Hình thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; đào tạo nghề nghiệp cho 10.000 lao động theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn gắn với yêu cầu của thị trường.

Chương trình được thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025 áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường thuộc thành phố loại 2, loại 3, các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 05 năm bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (cơ sở công nghiệp nông thôn); các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; hỗ trợ liên doanh, liên kết, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công…/.

Top