Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 22/9/2020

22/09/2020 19:52

Quy định mới về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định quy định rõ về nguyên tắc xử lý kỷ luật. Theo đó, xử lý kỷ luật phải đảm bảo khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật.

Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu cán bộ, công chức, viên chức có từ 02 hành vi vi phạm trở lên thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, buộc thôi việc; không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau: a- Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành; b- Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.

Khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.

Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính.

Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần, danh dự, nhân phẩm trong quá trình xử lý kỷ luật.

Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.

Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật

Nghị định quy định rõ những trường hợp sau chưa xem xét xử lý kỷ luật:

1- Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hằng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép.

2- Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

3- Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

4- Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật

Những trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật gồm:

1- Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm.

2- Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại Khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức.

3- Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự khi thi hành công vụ.

4- Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.

Các hành vi bị xử lý kỷ luật

Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.

Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:

1- Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

2- Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

3- Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

4- Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Các hình thức xử lý kỷ luật

Nghị định quy định đối với cán bộ có 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.

Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm:  Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; buộc thôi việc.

Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 5 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách; cảnh cáo; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.

Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện EVFTA

Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) giai đoạn 2020 - 2022.

Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo các giai đoạn khi xuất khẩu sang lãnh thổ theo quy định tại Hiệp định EVFTA, bao gồm: Lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu; Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len đối với từng mã hàng.

Nghị định nêu rõ điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định EVFTA. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo quy định phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Được nhập khẩu vào các lãnh thổ theo quy định tại Hiệp định EVFTA, bao gồm: Lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len.

b) Có chứng từ vận tải (bản sao) thể hiện đích đến là các lãnh thổ theo quy định tại (a) nêu trên.

c) Có tờ khai hải quan nhập khẩu của lô hàng xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào các lãnh thổ quy định tại (a) nêu trên (bản sao và bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Việt trong trường hợp ngôn ngữ sử dụng trên tờ khai không phải là tiếng Anh).

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các giai đoạn được nhập khẩu từ lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu; Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len; Công quốc An-đô-ra; Cộng hòa San Ma-ri-nô và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước) đối với từng mã hàng.

Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định EVFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1- Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

2- Được nhập khẩu vào Việt Nam từ: Lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len; Công quốc An-đô-ra; Cộng hòa San Ma-ri-nô; và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước).

3- Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của Hiệp định EVFTA.

Thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 113/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Điểm đ Khoản 3 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng về công tác thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và miễn giấy phép xây dựng.

Theo đó, thẩm quyền, nội dung, quy trình thẩm định hoặc thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (sau đây gọi tắt là thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở) và đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 3 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 được quy định như sau:

(1) Thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Khoản 9, 10 và 11 Điều 1 Nghị định 42/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5/4/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

(2) Hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng bao gồm:

- Hồ sơ theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

- Giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 quy định về các loại giấy tờ hợp pháp đất đai để cấp giấy phép xây dựng.

- Văn bản theo yêu cầu tại Điểm b Khoản 3, Điểm b Khoản 5, Điểm b Khoản 6 Điều 95; Khoản 4 Điều 96 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 (nếu có).

(3) Cơ quan chuyên môn về xây dựng có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định tại (1) (cơ quan thẩm định) có trách nhiệm chủ trì thẩm định các nội dung theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Nghị định 59/2015/NĐ-CP; gửi văn bản xin ý kiến phối hợp đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 113/2020/NĐ-CP (cơ quan cấp phép xây dựng) về nội dung đánh giá việc đáp ứng các điều kiện cấp phép xây dựng của công trình xây dựng theo quy định tại các Điều 91, 92 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung tại Luật Kiến trúc số 40/2019/QH13 và kiểm tra thực địa theo quy định khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; tổng hợp kết quả thẩm định và ý kiến xác nhận của cơ quan cấp phép xây dựng để kết luận về điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và miễn giấy phép xây dựng cho công trình.

(4) Thời gian thẩm định và rà soát điều kiện cấp phép là thời gian thẩm định theo quy định tại Khoản 8 Điều 30 Nghị định 59/2015/NĐ-CP và thời gian thực hiện song song việc có ý kiến phối hợp của cơ quan cấp phép, tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại (2), cụ thể như sau:

- Không quá 45 ngày đối với công trình xây dựng cấp I, cấp đặc biệt.

- Không quá 35 ngày đối với công trình cấp II và cấp III.

- Không quá 25 ngày đối với các công trình còn lại.

Nghị định cũng quy định quy trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định 59/2015/NĐ-CP, khoản 12 Điều 1 Nghị định 42/2017/NĐ-CP và bổ sung một số nội dung.

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ NNPTNT

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1433/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Tháp giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Lê Minh Hoan sinh ngày 19/01/1961; quê quán: Xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Ông Lê Minh Hoan đã từng đảm nhận các chức vụ: Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp; Bí thư Thành ủy thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015- 2020; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV tỉnh Đồng Tháp./.

Danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 27/2020/QĐ-TTg quy định về danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan gồm: 1- Thuốc lá điếu có chứa lá thuốc lá có nhãn hiệu 555, Esse không có xuất xứ Việt Nam (mã hàng 24.02.20); 2- Rượu whisky có dung tích trên 50 ml không có xuất xứ Việt Nam (mã 22.08.30.00).

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020. Đối với các lô hàng đã được đưa vào kho ngoại quan trước ngày trên thì thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về thời hạn gửi kho ngoại quan. Sau khi hết thời hạn lưu giữ tại kho ngoại quan theo quy định tại Điều 61 Luật Hải quan mà không thực xuất được thì buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập ban đầu.

Căn cứ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành theo dõi, rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định này.

Thúc đẩy phục hồi kinh tế-xã hội nhưng không chủ quan với dịch bệnh

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo 337/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều 18/9/2020.

Thông báo kết luận nêu rõ, dịch bệnh COVID-19 tại nước ta đã được kiểm soát tốt. Cùng với phòng, chống dịch, cả nước đã khẩn trương, tích cực thực hiện mục tiêu kép đạt kết quả tốt. Thủ tướng Chính phủ biểu dương các bộ, ngành, nhất là ngành y tế và các địa phương đã quán triệt tinh thần không chủ quan trước dịch bệnh, triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nghiêm túc, trách nhiệm, thường xuyên triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là quản lý chặt chẽ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các trường hợp nhập cảnh, nhất là khi mở lại một số đường bay thương mại quốc tế, đồng thời tập trung chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ nhằm sớm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tại một số nơi và trong một số cơ quan, đơn vị đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh tỉnh Tuyên Quang, thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương để ngăn ngừa dịch bệnh đã chủ động chỉ đạo không tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Áp dụng biện pháp phòng dịch phù hợp từ khâu nhập cảnh

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an tạo thuận lợi cho người nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, làm việc và áp dụng các biện pháp phòng dịch phù hợp từ khâu nhập cảnh, vận chuyển, cách ly tại cơ sở lưu trú, giám sát sau cách ly, làm việc theo kế hoạch,...; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở lưu trú. Đối với các trường hợp nhập cảnh ngắn ngày, yêu cầu hạn chế tham gia lễ hội và không sử dụng các dịch vụ karaoke, bar, vũ trường.

Các Bộ: Công an, Quốc phòng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chuẩn bị và quản lý tốt việc cách ly tập trung tại các cơ sở của quân đội và tại cơ sở lưu trú ở các địa phương, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn phòng, chống dịch, không để lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Việc lựa chọn các khách sạn, cơ sở lưu trú khác làm nơi cách ly phải đáp ứng yêu cầu như xa trung tâm, không phải nơi thường xuyên tập trung đông người, thuận lợi khi cách ly, phong tỏa... theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nhập cảnh; Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường kiểm soát đường mòn lối mở trên các tuyến biên giới. Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo công an các địa phương tăng cường phối hợp với các ngành liên quan trong việc quản lý người nhập cảnh lưu trú tại các địa phương, không để xảy ra mất an toàn.

Hướng dẫn giám sát y tế với người nhập cảnh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế ban hành ngay hướng dẫn về giám sát y tế, xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người nhập cảnh. Nghiên cứu đề xuất việc xét nghiệm nhanh đối với người nhập cảnh tại các cửa khẩu, các mô hình quản lý người nhập cảnh.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch, bổ sung các vấn đề chưa rõ, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện kể cả các biện pháp phòng, chống dịch đối với cá nhân; quy trình, biện pháp phòng, chống dịch tại các tổ chức, cơ quan, đơn vị; có quy chế, quy trình thật cụ thể, rõ ràng, thực hiện thuận lợi đối với việc đón nhận, giải tỏa ở các cửa khẩu, vận chuyển, cách ly tập trung ngắn ngày (5 ngày) và việc xét nghiệm bắt buộc 2 lần đối với chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh để làm việc tại Việt Nam từ các nước đã kiểm soát được dịch bệnh, có hệ số an toàn cao.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế. Các cơ sở y tế phải thường xuyên và chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện phác đồ điều trị, nghiên cứu phát triển vắc xin, trong đó tập trung hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng bệnh COVID-19; chú trọng hơn đầu tư cho các bệnh viện, khoa truyền nhiễm; tăng cường đào tạo bác sĩ y học dự phòng, nâng cao năng lực các trung tâm phòng, chống dịch bệnh; tăng cường giám sát các biện truyền nhiễm khác, không vì phòng, chống dịch COVID-19 mà làm gián đoạn các biện pháp dự phòng truyền thống dẫn đến bùng phát các dịch bệnh khác, nhất là sốt xuất huyết, bạch hầu; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về vấn đề Quỹ phòng, chống dịch bệnh.

Từng chuyến bay phải có phương án phòng ngừa dịch bệnh

Về việc mở lại các đường bay thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đồng ý mở lại đường bay tới Thái Lan. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo việc tăng tần suất các chuyến bay thương mại quốc tế để đón chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và thân nhân nhập cảnh làm việc, đón công dân Việt Nam về nước; báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam quyết định lịch bay cụ thể. Từng chuyến bay phải có phương án phòng ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng và chủ động các biện pháp phòng, chống.

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chỉ đạo việc giải tỏa nhanh người nhập cảnh ở các cửa khẩu sân bay, không để xảy ra tụ tập đông người trong thời gian dài khi đón người nhập cảnh.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về cung cấp test Realtime PCR cho các địa phương và chỉ đạo test tại các điểm cách ly.

Các Bộ: Công an, Bộ Y tế cần chỉ đạo giải quyết nhanh hơn nữa các thủ tục đón chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh Việt Nam, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh xem xét, quyết định.

Các bộ, ngành, địa phương khi đón, nhận chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao vào làm việc phải tổ chức đưa đón, tổ chức cách ly, xét nghiệm, giám sát y tế đối với người nhập cảnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Khách sạn, cơ sở lưu trú nhận cách ly người nhập cảnh có trách nhiệm đưa đón người nhập cảnh từ sân bay về địa điểm lưu trú.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo các đại sứ quán tổng hợp danh sách lao động phổ thông, lao động thời vụ bị kẹt ở các nước, đề xuất phương án phù hợp đón về nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện và hướng dẫn công cụ chung để khai báo y tế và thực hiện truy vết các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, chỉ đạo các đơn vị công nghệ thông tin tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch bảo đảm áp dụng thuận lợi, nhanh, hiệu quả; thiết lập hệ thống tổng đài tự động đa ngôn ngữ để người nước ngoài có thể tiếp cận dịch vụ y tế sớm, tránh tình trạng chậm trễ, gây phơi nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế hướng dẫn việc thu phí cách ly tập trung trong cơ sở cơ quan, quân đội (cả đưa đón nếu có) trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xác định, công bố giá xét nghiệm SARS-CoV-2 trên nguyên tắc tính đủ.

Tiếp tục truyền thông thông điệp 5K

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế cùng Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế); tăng cường truyền thông về các biện pháp dự phòng các bệnh truyền nhiễm, tránh tình trạng dịch chồng dịch.

Các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tại các cơ sở và hoạt động thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý, đặc biệt là tại các khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp./.

Top