Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 22/5/2020

22/05/2020 23:08

Xử lý vướng mắc một số dự án do UBQLV Nhà nước tại doanh nghiệp làm chủ sở hữu

Chính phủ ban hành Nghị quyết 75/NQ-CP về việc xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.

Theo đó, về lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đối với dự án nhóm A, trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.

Về quyết định chủ trương đầu tư, đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Khoản 4 Điều 31 Luật Đầu tư và nguyên tắc giải quyết những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 11 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận Hồ sơ dự án và tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án quy định nêu trên.

Về phê duyệt dự án và quyết định đầu tư, đối với dự án có giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu và không quá mức vốn của dự án nhóm B quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định đầu tư dự án theo điều kiện và thủ tục quy định tại Luật này.

Đối với dự án có giá trị lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc vượt mức vốn dự án nhóm B theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, phê duyệt với chức năng là Cơ quan đại diện chủ sở hữu, làm cơ sở để Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định đầu tư dự án theo điều kiện và thủ tục quy định tại Luật này và Điểm g Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nghị quyết cũng quy định xác định cơ quan chủ quản, thẩm quyền quyết định đầu tư và phân định trách nhiệm giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ. Cụ thể, đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, các bộ là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương để hình thành tài sản công và giao cho doanh nghiệp quản lý, nhưng chưa tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 10 Điều 4, Khoản 2 Điều 35, Khoản 3 Điều 60, Khoản 4 Điều 61 Luật Đầu tư công và Điều 97 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với dự án đầu tư kinh doanh sử dụng vốn đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Phê chuẩn miễn nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

Tại Quyết định số 669/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Đức Chính, để nghỉ hưu theo chế độ.

Xây dựng Bắc Ninh phát triển bền vững trên cả ba trụ cột

Việc lập Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh cần liên kết chặt chẽ giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô, cả nước; xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững trên cả ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ phạm vi phần lãnh thổ tỉnh Bắc Ninh với tổng diện tích tự nhiên 822,71 km2, với 8/8 đơn vị hành chính: thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn và 6 huyện (Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài).

Mục tiêu việc nghiên cứu lập quy hoạch tỉnh Bắc Ninh phải đạt được các mục tiêu phân tích, đánh giá được thực trạng kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2011-2020; cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng liên quan đến tỉnh Bắc Ninh về không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường... Từ đó, dự báo và đề xuất các phương án phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định được các quan điểm, mục tiêu và đột phá phát triển và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, lựa chọn phương án tối ưu, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đảm bảo phát triển bền vững dài hạn trên cả ba trụ cột là: Kinh tế, xã hội và môi trường.

Quy hoạch tỉnh là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp tỉnh Bắc Ninh sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đảm bảo tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh và bền vững.

Xây dựng phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh; lựa chọn được các phương án tổ chức, phương án phát triển hoạt động kinh tế - xã hội có hiệu quả, là cơ sở cho việc đề xuất: phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng có vai trò động lực; phương án tổ chức phát triển mạng lưới và không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu...; các giải pháp bố trí không gian phát triển hợp lý nhằm giải quyết các xung đột về không gian trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh do nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hiệu quả các điều kiện bên trong và thu hút nguồn lực từ bên ngoài.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bắc Ninh căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật./.


 

Top