Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 22/10

22/10/2020 19:26

Tiêu chí khai thuế GTGT, thuế TNCN theo quý

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, trong đó quy định tiêu chí khai thuế theo quý đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Cụ thể, khai thuế giá trị gia tăng theo quý áp dụng đối với:

Người nộp thuế thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng nếu có tổng doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống thì được khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định là tổng doanh thu trên các tờ khai thuế giá trị gia tăng của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch.

Trường hợp người nộp thuế thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bao gồm cả doanh thu của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.

Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh thì được lựa chọn khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý.

Khai thuế thu nhập cá nhân theo quý như sau:

Người nộp thuế thuộc diện khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng nếu đủ điều kiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý thì được lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý.

Việc khai thuế theo quý được xác định một lần kể từ quý đầu tiên phát sinh nghĩa vụ khai thuế và được áp dụng ổn định trong cả năm dương lịch.

Người nộp thuế có trách nhiệm tự xác định thuộc đối tượng khai thuế theo quý để thực hiện khai thuế theo quy định. Cụ thể, người nộp thuế đáp ứng tiêu chí khai thuế theo quý được lựa chọn khai thuế theo tháng hoặc quý ổn định trọn năm dương lịch.

Trường hợp người nộp thuế đang thực hiện khai thuế theo tháng nếu đủ điều kiện khai thuế theo quý và lựa chọn chuyển sang khai thuế theo quý thì gửi văn bản đề nghị thay đổi kỳ tính thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 31 tháng 1 của năm bắt đầu khai thuế theo quý. Nếu sau thời hạn này người nộp thuế không gửi văn bản đến cơ quan thuế thì người nộp thuế tiếp tục thực hiện khai thuế theo tháng ổn định trọn năm dương lịch.

Trường hợp người nộp thuế tự phát hiện không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ tháng đầu của quý tiếp theo. Người nộp thuế không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó nhưng phải nộp Bản xác định số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số đã kê khai theo quý và phải tính tiền chậm nộp theo quy định.

Trường hợp cơ quan thuế phát hiện người nộp thuế không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì cơ quan thuế phải xác định lại số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số người nộp thuế đã kê khai và phải tính tiền chậm nộp theo quy định. Người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ thời điểm nhận được văn bản của cơ quan thuế.

Quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan

Chính phủ ban hành Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Trong đó, đối với vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan, nộp hồ sơ thuế, Nghị định quy định phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tái xuất hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất đúng thời hạn quy định; lưu giữ hàng hóa quá cảnh, hàng hóa trung chuyển trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quá thời hạn quy định; khai báo và làm thủ tục sau khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế, hàng áp dụng thuế suất theo hạn ngạch thuế quan nhưng trước thời điểm quyết định kiểm tra, thanh tra.

Đối với hành vi không tái xuất, tái nhập phương tiện vận tải tạm nhập, tạm xuất đúng thời hạn quy định (trừ các trường hợp xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Nghị định này, trường hợp phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức qua lại khu vực cửa khẩu để giao nhận hàng hóa) thì bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất, tái nhập dưới 30 ngày; phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất, tái nhập từ 30 ngày trở lên.

Còn đối với hành vi không tái xuất phương tiện vận tải tạm nhập là ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi (được xác định căn cứ giấy đăng ký lưu hành phương tiện hoặc thực tế kiểm tra phương tiện) đúng thời hạn quy định, trừ trường hợp xử phạt theo điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định này thì bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất dưới 30 ngày; phạt tiền từ 20 – 50 triệu đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất từ 30 ngày trở lên.

Bán hàng không dán tem “Vietnam duty not paid” bị phạt đến 40 triệu đồng

Đối với vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra, Nghị định quy định phạt tiền từ 8 – 12 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan hải quan.

Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan; không cung cấp hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh cho cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.

Bán hàng hóa có nguồn gốc hợp pháp tại cửa hàng miễn thuế mà không dán tem “Vietnam duty not paid” theo quy định bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá dưới 10 triệu đồng; phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 10 – 20 triệu đồng; phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 20 – 30 triệu đồng; phạt tiền từ 20-30 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 30 – 50 triệu đồng; phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 50 triệu đồng trở lên.

Nghị định quy định phạt tiền từ 40 – 80 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng chứng từ, tài liệu giả mạo; sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp để khai, nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sử dụng bất hợp pháp tài khoản đăng nhập, chữ ký số được cấp cho tổ chức, cá nhân khác để thực hiện thủ tục hải quan; truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan; bán tại cửa hàng miễn thuế loại hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa chưa được phép phổ biến, lưu hành tại Việt Nam theo quy định.

Xuất cấp xuồng, phao cứu sinh hỗ trợ 5 tỉnh khắc phục hậu quả mưa lũ

Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh để khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ.

Cụ thể, tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ 5 bộ xuồng cao tốc các loại, gồm 1 bộ ST-1.200 (DT4), 1 bộ ST-750 (DT3); 1 bộ - ST660 (DT2) và 2 bộ ST-450 (DT1); 136 nhà bạt cứu sinh các loại, gồm 76 bộ loại 16,5 m2, 55 bộ loại 24,75 m2, 5 bộ loại 60,0 m2; 7.260 phao cứu sinh các loại, gồm: 4.800 chiếc phao áo, 2.000 chiếc phao tròn và 460 chiếc bè nhẹ cứu sinh.

Tỉnh Quảng Trị được hỗ trợ 3 bộ xuồng cao tốc các loại, gồm 1 bộ ST-750 (DT3), 1 bộ ST-660 (DT2) và 1 bộ ST-450 (DT1); 20 bộ nhà bạt cứu sinh loại 24,5 m2; 4.100 phao cứu sinh các loại gồm 2.000 chiếc phao áo, 2.000 chiếc phao tròn và 100 chiếc bè nhẹ cứu sinh.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế được hỗ trợ 3 bộ xuồng cao tốc các loại, gồm 1 bộ ST-750 (DT3), 1 bộ ST-660 (DT2) và 1 bộ ST-450 (DT1); 28 bộ nhà bạt cứu sinh các loại, gồm 10 bộ loại 16,5 m2, 10 bộ loại 24,75 m2, 8 bộ loại 60,0 m2; 3.030 chiếc phao cứu sinh các loại gồm 2.000 chiếc phao áo, 1.000 chiếc phao tròn và 30 chiếc bè nhẹ cứu sinh; 2 bộ máy phát điện loại 30KVA.

Tỉnh Quảng Nam được hỗ trợ 5 bộ xuồng cao tốc các loại, gồm 2 bộ ST-750 (DT3), 2 bộ ST-660 (DT2) và 1 bộ ST-450 (DT1); 30 bộ nhà bạt cứu sinh các loại, gồm 10 bộ loại 16,5 m2, 10 bộ loại 24,75 m2, 10 bộ loại 60,0 m2; 3.030 chiếc phao cứu sinh các loại, gồm 2.000 chiếc phao áo, 1.000 chiếc phao tròn và 30 chiếc bè nhẹ cứu sinh; 2 bộ máy phát điện loại 30KVA.

Tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ 4 bộ xuồng cao tốc các loại, gồm 1 bộ xuồng ST-750 (DT3), 1 bộ xuồng ST-660 (DT2), 2 bộ xuồng ST-450 (DT1); 166 chiếc bè nhẹ cứu sinh; 5.560 phao áo cứu sinh; 200 bộ nhà bạt cứu sinh các loại, gồm 100 bộ loại 24,75 m2, 100 bộ loại 16,5 m2; 4 bộ máy phát điện, gồm 3 bộ máy phát điện loại 30 KVA và 1 bộ máy phát điện loại 136-150 KVA.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo. UBND các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh tiếp nhận, quản lý và sử dụng số trang thiết bị nêu trên đúng quy định hiện hành./.

Top