Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 22/01

22/01/2021 19:50

Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục ứng phó với biến đổi khí hậu

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị.

Chương trình xác định toàn diện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chính phủ nhằm quán triệt và chỉ  đạo các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Chương trình hành động của Chính phủ được thực hiện đến năm 2025, làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kết luận số 56-KL/TW và Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Tiếp tục thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề  án, dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và xây dựng, triển khai thực hiện một số kế hoạch, chương trình, đề án, dự án mở mới giai đoạn đến năm 2025.

Nhiệm vụ, giải pháp chung của Chương trình là nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực và hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường giám sát thực thi pháp luật trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;...

Một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách mà Chương trình đưa ra gồm: Phổ biến, quán triệt quan điểm, nhận thức về đặt yêu cầu phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; coi môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tập trung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật về khí tượng thủy văn, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đa dạng sinh học...; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc xây dựng luật về biến đổi khí hậu.

Rà soát, điều chỉnh các quy định xử lý vi phạm theo hướng nâng mức xử phạt, bảo đảm đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; quản lý, sử dụng đất; hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi; khai thác rừng trái phép trên phạm vi cả nước.

--------------------

Đánh giá tác động việc Indonesia tăng sản lượng tôm thẻ chân trắng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá tác động việc Indonesia đặt mục tiêu trở thành nước sản xuất tôm thẻ chân trắng lớn nhất thế giới đến ngành tôm Việt Nam, có điều hành phù hợp.

Ngày 18/1/2021, Thông tấn xã Việt Nam có bài viết "Indonesia đặt mục tiêu trở thành nước sản xuất tôm thẻ chân trắng lớn nhất thế giới", trong đó phản ánh: Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia đặt mục tiêu đưa quốc gia này trở thành nhà sản xuất tôm thẻ chân trắng lớn nhất thế giới bằng cách tăng sản lượng từ mức dưới 1 triệu tấn/năm hiện nay lên mức 16 triệu tấn/năm.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá tác động đến ngành tôm Việt Nam, có điều hành phù hợp.

--------------------

Xem xét các kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam để phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam, trước mắt là tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ngành hàng không có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, thúc đẩy hội nhập văn hóa, phát triển kinh tế, chính trị. Trong những năm gần đây, vận tải hàng không trong nước và khu vực tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2019, vận chuyển hơn 136 triệu hành khách, năng lực điều hành bay không ngừng nâng cao (hơn 900.000 chuyến bay).

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã gây rối loạn hoạt động kinh tế, ảnh hưởng đời sống xã hội, làm tê liệt ngành hàng không Việt Nam và thế giới. Tại nước ta, các hoạt động vận tải hàng không đã phải hy sinh quyền lợi chính đáng để phục vụ chủ trương giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch, dừng vận chuyển hàng khách…

Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách để giúp ngành hàng không phục hồi. Tuy nhiên, dự báo sắp tới ngành hàng không vẫn đứng trước khó khăn to lớn, khi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát kéo theo hoạt động vận tải hàng không quốc tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần cùng nhau để đưa ra những giải pháp thích hợp.

--------------------

Theo dõi xâm nhập mặn, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL

Thực hiện ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ đã chuyển vấn đề báo nêu đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi diễn biến xâm nhập mặn và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Báo Nông nghiệp ngày 14/1/2021 có nêu: Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, việc giảm xả nước của thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) sẽ ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, thời điểm cả nước đón Xuân Tân Sửu. Mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 50-70 km và 85-95 km trên sông Vàm Cỏ.

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ chuyển vấn đề báo nêu đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, chỉ  đạo sản xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 354/VPCP-NN ngày 15/1/2021.

Được biết, tại văn bản số 354/VPCP-NN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời diễn biến dòng chảy sông Mê Công và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, chủ động chỉ đạo, điều hành sản xuất phù hợp, hạn chế thiệt hại.

--------------------

Thay đổi thành viên UBQG về Chính phủ điện tử

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thay đổi thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

Cụ thể, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ  điện tử thay ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, chuyển công tác khác.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Tổ phó Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thay ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã nghỉ hưu theo chế độ.

Theo Quyết định 701/QĐ-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ  điện tử, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban.

Phó Chủ tịch Ủy ban gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (Phó Chủ tịch Thường trực); Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ủy viên Ủy ban gồm Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.

--------------------

Nghiên cứu đề nghị giảm tối đa nhập khẩu than

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu thông tin VTV phản ánh đề nghị giảm tối đa nhập khẩu than trong phát triển năng lượng quốc gia.

VTV ngày 15/1/2021 có đưa tin: Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam đề nghị giảm tối đa nhập khẩu than trong phát triển năng lượng quốc gia vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó khăn... Dự thảo quy hoạch đưa ra tỷ lệ nhập khẩu năng lượng tăng từ 49% năm 2020 lên 54% năm 2030 và 70% năm 2050 là không hợp lý vì nhập khẩu than có nhiều trở ngại và cần khai thác tối đa nguồn năng lượng sơ cấp trong nước để hướng tới mục tiêu xuất khẩu năng lượng trong tương lai.

Về thông tin phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương nghiên cứu trong quá trình xây dựng và trình duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

--------------------

Tiếp tục giải ngân tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 02/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Quyết định 02/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 30/3/2021.

Cụ thể, sửa đổi khoản 1 Điều 10 của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo: Bỏ mốc thời gian “được thực hiện giải ngân đến hết ngày 31/12/2020”.

Như vậy, kể từ ngày 30/3/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục thực hiện giải ngân chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, bỏ mốc thời gian giải ngân "đến hết ngày 31/12/2020" như quy định tại Khoản 1 Điều 10 Quyết định 28/2015/QĐ-TTg.

--------------------

Nghiên cứu đề xuất bán bảo hiểm COVID-19

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu thông tin báo nêu về đề xuất cho bán bảo hiểm COVID-19 để chuẩn bị mở cửa du lịch quốc tế.

Thời báo Kinh tế Sài gòn Online ngày 13/1/2021 có bài viết “Đề xuất cho bán bảo hiểm COVID-19 để chuẩn bị mở cửa du lịch quốc tế”, trong đó thông tin: Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) Võ Anh Tài, để có thể nối lại chuyến bay thương mại quốc tế sau Tết Nguyên đán phải chuẩn bị rất nhiều việc như dự báo thị trường, nối lại chính sách miễn thị thực, các chính sách bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, xây dựng cơ chế hợp tác xuyên quốc gia.

Trong đó, các chính sách liên quan quyền lợi du khách quốc tế cần sớm được tính toán và nên có chính sách quy định bắt buộc bảo hiểm du lịch y tế, bao gồm quyền lợi bảo hiểm COVID-19 với tất cả khách quốc tế đến Việt Nam và du khách Việt đi du lịch nước ngoài.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xử lý.

--------------------

Xây dựng Đề án tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan xây dựng Đề án tham gia đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong Quý II năm 2021.

Đồng thời, tiếp tục chủ động tham gia hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA).

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, quán triệt tinh thần “Việt Nam – thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc” và tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ động, tích cực tham gia quá trình xây dựng và đã có những đóng góp bước đầu đối với việc hình thành một Thỏa thuận toàn cầu giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương.

Tổng cục đã có những đóng góp cụ thể gửi Nhóm chuyên gia mở rộng của Hội đồng môi trường Liên hợp quốc về rác thải nhựa đại dương và hạt vi nhựa; đồng thời tích cực tham gia thảo luận các thành tố quan trọng của một Thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý. Và năm 2020 đã ghi nhận bước đột phá với hơn 80 quốc gia hiện đang kêu gọi một Thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc. Mục tiêu thỏa thuận toàn cầu hướng đến là: (1) Giảm thiểu toàn diện rác thải nhựa bằng cách can thiệp các biện pháp chính sách, kỹ thuật theo mỗi khâu trong vòng đời của nhựa, đồng thời có chế  độ báo cáo chặt chẽ; (2) Thiết kế, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa một cách bền vững theo chuỗi giá trị của nhựa; (3) Quản lý bền vững theo mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế).

Có thể nói một Thỏa thuận toàn cầu do Hội đồng môi trường Liên hợp quốc khởi xướng sẽ đảm bảo cho việc thực hiện tốt hơn từ tất cả các quốc gia thành viên. Thỏa thuận nếu được thông qua sẽ đảm bảo rằng, đây không phải là gánh nặng đặt lên vai một số ít các nước phát thải lớn rác thải nhựa đại dương mà là một trách nhiệm chung toàn cầu. Thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, xác minh và chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa biển từ phạm vi quốc gia, khu vực đến toàn thế giới.

Vì Thỏa thuận toàn cầu là vấn đề lớn, có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực của đất nước nếu Việt Nam tham gia nên Tổng cục đã chủ động tham mưu để Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xem xét giao Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác có liên quan xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Đề án tham gia đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương.

--------------------

Hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, cập nhật nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị (ban hành kèm theo Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ) và các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa trong giai đoạn tới vào dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; trình Thủ tướng Chính phủ sau khi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của đất nước được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Đến nay, thời gian thực hiện của Chiến lược đã hết. Vì vậy, cần phải xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam cho giai đoạn thiếp theo (giai đoạn 2020-2030), trong đó phải điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế phát triển của đất nước. /.

Top