Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/5/2020

20/05/2020 20:49

Giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trận tự an toàn xã hội, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong đó nêu rõ: Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.

Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị Quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trận tự an toàn xã hội, trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì làm việc, thống nhất với các bộ, cơ quan như Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp và rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trong đó lưu ý về thẩm quyền, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, có chế tài xử lý vi phạm, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện và thể hiện rõ một số nội dung sau:

Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.

Rà soát các nội dung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được các cơ quan chức năng thống nhất, bảo đảm đúng quy định, thẩm quyền và hài hòa với khả năng cân đối của NSNN.

Xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, thời gian giảm đến hết quý IV năm 2020.

Cho phép các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch COVID-19 được hạch toán vào chi phí hợp lý được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Xem xét, điều chỉnh phù hợp tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện và khuyến khích ngân hàng thương mại tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Chưa xem xét việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân.

Xây dựng Đề án về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, đón đầu và tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch COVID-19, phát triển hệ sinh thái đối với ngành sản xuất ô tô. Đây là việc làm cấp bách trong giai đoạn này. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng ngay Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan liên quan và các tỉnh, thành phố phải chủ động có biện pháp đón các dòng đầu tư mới vào Việt Nam.

Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, ngành hàng nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực , áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, biến thách thức thành cơ hội, tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm đến phục vụ nhu cầu trong nước, mở rộng thị trường, tạo đà phát triển bền vững, bứt phá.

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an

Tại Quyết định 668/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Thái Nguyên giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an.

Sửa quy định về hoạt động thanh tra ngành công thương

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 54/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2015/NĐ-CP ngày 14/12/2015 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành công thương.

Nghị định số 54/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 13 về "Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành". Theo đó, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 07/2012/NĐ-CP và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:

1- Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2- Cử công chức có đủ điều kiện chuyên môn tham gia các Đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ và các cơ quan khác khi được yêu cầu.

3- Quyết định phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Đối với nội dung thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực hóa chất, Nghị định nêu rõ: Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại trong một số sản phẩm điện, điện tử, dệt may, phân loại hóa chất theo GHS và phiếu an toàn hóa chất; phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp; sản xuất, sử dụng hóa chất Bảng 1, 2, 3; điều kiện sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; điều kiện sản xuất, kinh doanh tiền chất thuốc nổ; sản xuất, kinh doanh hóa chất cấm và hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện và hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; mua bán hóa chất độc; khai báo hóa chất; sử dụng hóa chất; huấn luyện an toàn hóa chất; các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Đối với nội dung thanh tra chuyên ngành về hoạt động thương mại, Nghị định quy định: Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, hoạt động thương mại biên giới, hoạt động môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa, đại lý thương mại, gia công trong thương mại, giám định thương mại, nhượng quyền thương mại thuộc phạm vi quản lý; các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Thanh tra đột xuất đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc gian lận nguồn gốc, xuất xứ khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật khác trong hoạt động thương mại thuộc phạm vi quản lý hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

Nghị định mới cũng nêu rõ người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là công chức thuộc Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ Công Thương, Cục thuộc Tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của ngạch công chức đang giữ, các tiêu chuẩn quy định tại Điều 12 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP và quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ Công Thương, Cục thuộc Tổng cục có quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính và hưởng các chế độ bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật.

Quy chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Quy chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia.

Theo quy định, xăng dầu dự trữ quốc gia bao gồm: Xăng ô tô, dầu diesel, dầu mazut, nhiên liệu dùng cho quân sự, nhiên liệu dùng cho máy bay dân dụng, dầu thô và các loại xăng dầu theo quy định của Chính phủ.

Việc quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia phải đảm bảo nguyên tắc được quản lý chặt chẽ về số lượng và chất lượng, bảo đảm bí mật, an toàn; chủ động đáp ứng kịp thời yêu cầu, mục tiêu dự trữ quốc gia; xăng dầu dự trữ quốc gia sau khi xuất cấp phải được bù lại đầy đủ, kịp thời.

Xăng dầu dự trữ quốc gia phải được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật; không được sử dụng xăng dầu dự trữ quốc gia để kinh doanh; tính đúng, tính đủ chi phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hàng năm theo quy định.

Nguyên tắc nhập, xuất xăng dầu dự trữ quốc gia phải đúng kế hoạch được giao, đúng quyết định của cấp có thẩm quyền; đúng thủ tục nhập xuất theo quy định của pháp luật; đúng chủng loại, số lượng, chất lượng, giá, đối tượng, địa điểm quy định; có đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo chế độ quản lý tài chính và quy định bảo quản hiện hành.

4 yêu cầu đối với kho xăng dầu dự trữ

Quy chế cũng nêu rõ 4 yêu cầu đối với kho xăng dầu dự trữ quốc gia.

1- Kho xăng dầu dự trữ quốc gia phải được xây dựng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; từng bước đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, có công nghệ bảo quản tiên tiến, trang bị đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết để thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa việc nhập, xuất, bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia.

2- Kho xăng dầu dự trữ quốc gia phải được tổ chức bảo vệ chặt chẽ, an toàn, bí mật theo quy định của pháp luật; trang bị đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết cho quan sát, giám sát, phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, hư hỏng, mất mát và các yếu tố khác có thể gây thiệt hại đến xăng dầu dự trữ quốc gia.

3- Căn cứ quy hoạch kho xăng dầu dự trữ quốc gia đã được phê duyệt, Thủ trưởng bộ, ngành quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng kho dự trữ quốc gia theo tiêu chuẩn kho được quy định tại Điều 62 Luật Dự trữ quốc gia để đơn vị dự trữ quốc gia thuê hoặc nhận hợp đồng thuê bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia.

4- Đối với kho xăng dầu dự trữ quốc gia thuê của các tổ chức, doanh nghiệp thì phải phù hợp với quy hoạch và tiêu chuẩn kho dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.

Nghiên cứu, đánh giá đề xuất tăng phí cứu doanh nghiệp BOT

Báo Thanh niên điện tử ra ngày 13/5/2020 có bài viết về việc "Đề xuất tăng phí 'cứu' doanh nghiệp BOT: Thời điểm không phù hợp" phản ánh việc các doanh nghiệp vận tải và hiệp hội vận tải khẳng định đề xuất tăng phí BOT vì dịch COVID-19 là không phù hợp và khiến ngành vận tải thêm khó khăn chồng chất vào thời điểm này.

Về vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động về đề xuất nêu trên và trả lời cho Báo Thanh niên biết.

Thủ tướng giao UBND tỉnh An Giang tiếp nhận Dự án BOT cầu Châu Đốc

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh An Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang theo hình thức Hợp đồng BOT.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh An Giang triển khai Dự án bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

Xử lý đơn của gia đình ông Võ Văn Kỉnh và bà Lê Thị Hậu

Ông Võ Văn Kỉnh và bà Lê Thị Hậu thường trú tại thôn Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng có đơn thư đề nghị xem xét, giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà và đất ở trong khu đất trồng cây lâu năm của gia đình.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND Thành phố Đà Nẵng khẩn trương kiểm tra, xử lý trường hợp đơn của gia đình ông Võ Văn Kỉnh và bà Lê Thị Hậu theo đúng quy định của pháp luật.

Công khai, minh bạch mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19

Xét báo cáo của Bộ Y tế về tình hình mua sắm hệ thống real-time PCR phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến như sau:

Bộ Y tế tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3339/VPCP-V.I ngày 27/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh... phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện công khai, minh bạch và chất lượng; tránh tình trạng thông đồng, đẩy giá hàng hóa lên cao nhằm trục lợi tiền ngân sách nhà nước.

Xây dựng 2 đoạn đường bộ ven biển tỉnh Thanh Hóa

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.

Theo đó, đầu tư xây dựng mới 2 đoạn tuyến với tổng chiều dài 29,5km. Cụ thể, đoạn tuyến 1 (Hoằng Hóa - Sầm Sơn) dài 12,3 km. Điểm đầu tại vị trí giao với đường tỉnh 510 thuộc địa phận xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa; điểm cuối nối vào tuyến đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với khu kinh tế Nghi Sơn (thuộc địa phận phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn).

Đoạn tuyến 2 (Quảng Xương - Tĩnh Gia) dài 17,2 km. Điểm đầu nối tiếp vào điểm cuối của dự án đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với khu kinh tế Nghi Sơn thuộc địa phận xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương; điểm cuối nối tiếp vào dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia thuộc địa phận xã Ninh Hải, huyện Tĩnh Gia.

Tổng vốn đầu tư Dự án là 3.400 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 1.400 tỷ đồng (đã bao gồm 10% dự phòng theo quy định của pháp luật); ngân sách tỉnh Thanh Hóa 980 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 1.020 tỷ đồng.

Về phương án tài chính, nhà đầu tư xây dựng trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ để hoàn vốn đối với phần vốn của nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng Dự án theo đúng quy định pháp luật.

Thời gian dự kiến thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ để hoàn vốn Dự án là 24 năm 2 tháng (từ năm 2023 đến năm 2047). Thời gian chính thức sẽ được xác định thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật; gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải để theo dõi, giám sát, tổng hợp theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, bố trí đủ nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ dự án được phê duyệt; tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được duyệt, đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu; chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất dự án, các thông tin, số liệu, nội dung giải trình ý kiến các bộ liên quan đến dự án và hiệu quả đầu tư dự án; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình thực hiện dự án./.

 

Top