Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 19/5

19/05/2020 18:34

Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển    

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác, góp phần thực hiện thành công các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW; đóng góp tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về vấn đề biển và đại dương; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Đề án nêu rõ 6 nhiệm vụ về hợp tác quốc tế gồm: 1- Quản trị biển và đại dương, quản lý tổng hợp vùng bờ; 2- Phát triển kinh tế biển, ven biển; 3- Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; 4- Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; 5- Bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; 6- Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thông tin tuyên truyền.

Phát triển kinh tế biển, ven biển

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, ven biển, Đề án nêu rõ phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo. Hình thành các trung tâm du lịch ven biển lớn. Phát triển du lịch tàu biển và hệ thống cảng biển du lịch quốc tế, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế; phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác.

Phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, đặc biệt các cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, khoáng sản, năng lượng tái tạo... Tăng cường mối liên kết chuyên ngành giữa các cảng lớn trong nước với các cảng khu vực và quốc tế; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.

Xây dựng kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp có tính dẫn dắt và hạt nhân cho chuỗi hoạt động dầu khí và khoáng sản; nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh cung cấp dịch vụ dầu khí, tiến hành có hiệu quả các hoạt động đầu tư về dầu khí ở nước ngoài. Xây dựng hệ thống mạng lưới tuyến đường ống vận chuyển dầu khí dưới biển để tăng tính kết nối nội địa, từng bước kết nối vào mạng lưới đường ống khu vực, nhất là với các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thuỷ sản đồng bộ, gắn kết các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản và tiêu thụ.

Tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhất là các giống loài thủy sản quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng; nghiên cứu ngư trường phục vụ quy hoạch phát triển các ngành, nghề thủy sản hiệu quả cao, bền vững; nghiên cứu tham gia các hiệp định nghề cá khu vực và thế giới.

Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao ở vùng ven biển thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hoá dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ.

Nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực biển

Về nhiệm vụ điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai các nội dung, nhiệm vụ và yêu cầu về hợp tác quốc tế, bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020.

Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ biển gắn với điều tra cơ bản biển; phối hợp với các nước có thế mạnh về khoa học biển trong hợp tác, nghiên cứu xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xuất sắc; chủ động tham gia tích cực các hoạt động quốc tế  trong khuôn khổ Thập kỷ của Liên hợp quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030.

Đào tạo phát triển nhân lực biển chất lượng cao, chú trọng các lĩnh vực kinh tế hàng hải, du lịch biển, thủy hải sản, y học biển; xây dựng cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế; đào tạo lại, đào tạo mới, hình thành đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao về tài nguyên, môi trường biển.

Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào các tổ chức khoa học công nghệ biển quốc tế, các ban biên tập các tạp chí quốc tế về biển.

Thủ tướng tham dự Phiên bế mạc khóa 73 Đại hội đồng WHO

Xét đề nghị của Bộ Ngoại giao về việc Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mời Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Phiên bế mạc của Khóa họp thứ 73 Đại hội đồng WHO (19/5/2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam đưa tin về việc Thủ tướng Chính phủ tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn điện truyền thống

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương chỉ đạo thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn điện truyền thống.

Báo Đầu tư ngày 14/5/2020 có phản ánh: Trái với các dự án điện mặt trời và điện gió được bổ sung dồn dập vào quy hoạch điện và đẩy nhanh tiến độ về đích để  hưởng giá cao, nhiều dự án nguồn điện truyền thống đang bị chậm tiến độ, một số dự án còn "chưa xác định được tiến độ hoàn thành", khiến nhiều người lo ngại.

Về thông tin Báo Đầu tư phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương chỉ đạo thúc đẩy tiến độ các dự án điện.

Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu tổng quát của nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia phù hợp với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, của từng người dân thể hiện tính ưu việt của chế độ; điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Nội dung quy hoạch cần phân tích, đánh giá thực trạng, các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng về phân bố, sử dụng không gian của mạng lưới cơ sở y tế; dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển, trong đó có sự phát triển và quy mô về dân số và biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, đánh giá về sự liên kết ngành, liên kết vùng trong việc phát triển mạng lưới cơ sở y tế; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với ngành, những cơ hội và thách thức; xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở y tế; phương án phát triển mạng lưới cơ sở y tế.

Đồng thời, định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới cơ sở y tế và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia có liên quan đến việc phát triển mạng lưới cơ sở y tế.

Về danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành và thứ tự ưu tiên thực hiện, xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở y tế trong thời kỳ quy hoạch; luận chứng xây dựng danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành trong thời kỳ quy hoạch, dự kiến tổng mức đầu tư, đề xuất thứ tự ưu tiên thực hiện và phương án phân kỳ đầu tư.

Bộ Y tế là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai theo Nhiệm vụ lập quy hoạch được duyệt, đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả.

Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong quá trình lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo đúng quy định của pháp luật và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phê duyệt chủ trương xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Mục tiêu dự án nhằm đầu tư  xây dựng nhà ga hành khách T3, công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Về quy mô, ngoài nhà ga hành khách T3 đạt tiêu chuẩn quốc tế, công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, dự án còn mở rộng sân đỗ máy bay, các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ như hệ thống kỹ thuật, giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mặt, thoát nước thải.

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) là nhà đầu tư. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước).

Tiến độ thực hiện dự án dự kiến 37 tháng từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án và các nội dung thẩm định hồ sơ dự án tại văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của pháp luật; bảo đảm ACV có đủ điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án của ACV theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về việc đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư thực hiện dự án bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với dự án trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, sử dụng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc xác định ranh giới khu vực sử dụng riêng cho hoạt động dân dụng và khu vực sử dụng chung cho hoạt động dân dụng và quân sự do dân dụng quản lý theo quy định.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn ACV triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư dự án theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo mục tiêu, tiến độ, hiệu quả đầu tư của dự án và an toàn trong quá trình thi công xây dựng, vận hành khai thác công trình./.

 

 

Top