Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 19/11

19/11/2020 19:34

Chính sách phát triển nghề công chứng 

Phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận dịch vụ công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; đổi mới hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cải cách tư pháp, đưa hoạt động công chứng Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.

Đây là mục tiêu của Nghị quyết 172/NQ-CP về chính sách phát triển nghề công chứng vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị quyết nêu rõ, triển khai thi hành Luật Công chứng, Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”, đến nay Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và 55 Hội công chứng viên đã được thành lập với 2.709 công chứng viên đang hành nghề tại 1.186 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 1.068 Văn phòng công chứng. Hoạt động công chứng được xã hội hóa mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng, hiện tượng chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển nghề công chứng, cụ thể là: Văn phòng công chứng được thành lập không căn cứ vào nhu cầu công chứng; việc chuyển trụ sở Văn phòng công chứng từ các huyện vào trung tâm các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề công chứng, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật của một số tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, đồng thời không đáp ứng được nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức tại các huyện, các vùng xa trung tâm.

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có hiện tượng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch trong hoạt động công chứng, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, gây mất trật tự an toàn xã hội; công tác quản lý nhà nước còn thiếu công cụ hỗ trợ cần thiết trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên chưa phát huy được trách nhiệm tự quản.

Từ thực tiễn nêu trên, căn cứ quy định của Luật Công chứng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, nhằm bảo đảm sự ổn định, bền vững của nghề công chứng, Chính phủ quyết nghị ban hành chính sách phát triển nghề công chứng.

4 nhiệm vụ, giải pháp

Theo Nghị quyết, có 4 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển nghề công chứng gồm: 1- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho hoạt động công chứng phát triển ổn định, bền vững; 2- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng Chính phủ điện tử và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; 3- Phát triển tổ chức hành nghề công chứng bảo đảm ổn định, bền vững gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện; 4- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động công chứng, phát huy vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.

Trong đó, về phát triển tổ chức hành nghề công chứng bảo đảm ổn định, bền vững gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện, ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng (Tiêu chí) theo quy định của Luật Công chứng. Tiêu chí phải đánh giá được sự cần thiết thành lập Văn phòng công chứng gắn với nhu cầu công chứng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện và bảo đảm tính khả thi, hoạt động ổn định, bền vững của Văn phòng công chứng sau khi được thành lập. Việc cho phép thành lập Văn phòng công chứng mới hoặc thay đổi địa điểm trụ sở Văn phòng công chứng từ địa bàn cấp huyện này sang địa bàn cấp huyện khác phải phù hợp với Tiêu chí đã được ban hành, quy định của pháp luật và định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng quy định tại Nghị quyết này.

Xây dựng Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng tại địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm phát triển nghề công chứng phù hợp với định hướng của Luật Công chứng, Nghị quyết này và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện chặt chẽ công tác thẩm tra hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, hồ sơ thay đổi địa điểm trụ sở của Văn phòng công chứng từ địa bàn cấp huyện này sang địa bàn cấp huyện khác, bảo đảm thực hiện đúng Tiêu chí đã được ban hành, phù hợp với định hướng của Nghị quyết này.

Đẩy mạnh việc chuyển đổi hoạt động của các Phòng công chứng đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW; duy trì các Phòng công chứng đã tự chủ về tài chính để giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp dịch vụ công chứng; chuyển đổi hoặc giải thể các Phòng công chứng hoạt động không hiệu quả tại các địa bàn mà Văn phòng công chứng đã đáp ứng được nhu cầu công chứng; những nơi khó khăn chưa có điều kiện xã hội hóa hoạt động công chứng có thể thành lập Phòng công chứng để đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức.

Khẩn trương hoàn thành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương theo nhiệm vụ được giao khẩn trương hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý; ban hành theo thẩm quyền định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước quản lý, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí và các quy định liên quan trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước được giao. Thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2020.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương, do địa phương thực hiện và định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí và các quy định liên quan áp dụng trên địa bàn và trong phạm vi quản lý nhà nước được giao. Thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2020.

Bộ Tài chính tổng hợp vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai Nghị định số 32/2019/NĐ-CP. Trường hợp cần thiết có hướng dẫn chung để bảo đảm thực hiện đồng bộ và thống nhất, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ giao Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn.

Đồng thời, Thủ tướng cũng có chỉ đạo về xử lý vướng mắc của UBND thành phố Hà Nội trong triển khai thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Cụ thể, đối với một số nhiệm vụ đột xuất, nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách do Trung ương giao thành phố Hà Nội thực hiện, UBND thành phố Hà Nội căn cứ quy định tại khoản 21 Điều 3 Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 8/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với việc thanh toán kinh phí đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm có kết quả đấu thầu, UBND thành phố Hà Nội trình Chính phủ xem xét, quyết định (chậm nhất trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020).

Đối với một số nội dung khác, UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Kiểm tra phản ánh của doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Hải Phòng

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng kiểm tra nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được văn bản của Tạp chí Người cao tuổi kèm theo đơn của một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải phản ánh một số nội dung liên quan đến việc chính quyền thành phố Hải Phòng ban hành văn bản yêu cầu tháo dỡ các công trình du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường đã được xây dựng từ nhiều năm.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng kiểm tra nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; trả lời doanh nghiệp và Tạp chí Người cao tuổi./.

Top