Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 18/7

18/07/2019 18:18

Ông Nguyễn Văn Thắng giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 897/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũngphê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Đức Long, để nghỉ hưu theo chế độ.

------------------

Phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệtDanh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục.

Danh mục có 45 chủ đề: An ninh quốc gia; bảo hiểm; bưu chính, viễn thông; bổ trợ tư pháp; cán bộ, công chức, viên chức; chính sách xã hội; công nghiệp; dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới; dân sự; dân tộc; đất đai; doanh nghiệp, hợp tác xã;...với các đề mục cụ thể và phân công cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển.

Trong đó, chủ đề an ninh quốc gia với các đề mục: An ninh quốc gia; bảo vệ bí mật nhà nước; bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; biên giới quốc gia; biển Việt Nam; công an nhân dân; cơ yếu, an ninh mạng;... Các đề mục trên được giao cho Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện pháp điển.

Chủ đề chính sách xã hội với các đề mục: Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; người khuyết tật; phòng, chống mại dâm; ưu đãi người có công với cách mạng được giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện pháp điển.

Các đề mục: Đấu giá tài sản; công chứng; giám định tư pháp; luật sư; trợ giúp pháp lý; tư vấn pháp luật thuộc chủ đề bổ trợ tư pháp được giao cho Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện pháp điển;....

Quyết định nêu rõ, các đề mục hoàn thành trước ngày 31/12/2022 là: An ninh mạng; an toàn thông tin mạng; an toàn, vệ sinh lao động; cảnh sát cơ động; cảnh vệ; căn cước công dân; cựu chiến binh; đầu tư công; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; kiến trúc; một số hoạt động kinh doanh đặc thù; quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;...  
 
Các đề mục khác thuộc Danh mục thực hiện theo Quyết định số 1267/QDĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển.

Các cơ quan có trách nhiệm thực hiện pháp điển theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan được phân công chủ trì thực hiện pháp điển theo đề mục để bảo đảm việc thực hiện pháp điển được thuận lợi, hiệu quả.

------------------

Đắk Lắk tăng cường thanh tra quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc về kiểm tra, chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại tỉnh Đắk Lắk.

Trong thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. UBND các cấp và các Sở, ngành của tỉnh đã thực hiện việc tiếp công dân theo định kỳ, trong đó cấp tỉnh đã tiếp 1.978 lượt, cấp huyện tiếp 1.790 lượt người, cấp xã tiếp 2.402 lượt. Qua tiếp công dân, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo từng bước được nâng cao.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Tổ công tác rà soát, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài; theo đó, đã rà soát giải quyết một số vụ việc khiếu nại kéo dài, phức tạp thuộc thẩm quyền địa phương và các vụ việc các cơ quan Trung ương chỉ đạo giải quyết; chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về thanh tra trách nhiệm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng và một số vụ việc liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện kết luận thanh tra tại dự án chợ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn diễn biến phức tạp, chủ yếu liên quan đến đất đai, trong đó có việc thu hồi đất, bồi thường đất, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; việc cho thuê đất để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp; về hợp đồng giao khoán giữa người dân với các Công ty nông, lâm nghiệp; ngoài ra, tình trạng phá rừng, mua bán, lấn chiếm đất trái phép còn diễn ra; khiếu kiện liên quan các dự án phát triển kinh tế xã hội, chỉnh trang đô thị chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cần dành thời gian thích đáng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng và các vụ việc phát sinh mới, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và phục vụ tốt các sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc và bầu cử Đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, không để phát sinh khiếu kiện mới.

Đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ; chú trọng đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; vận động, giải thích để người dân ủng hộ, tự giác chấp hành các chính sách, pháp luật của nhà nước và các quyết định của chính quyền địa phương.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, nhất là việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp, các dự án phát triển kinh tế xã hội tại địa phương để chấn chỉnh, xử lý kịp thời các tồn tại, sai phạm; giải quyết các khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng chính sách pháp luật.

Về khiếu nại, kiến nghị liên quan các Công ty nông, lâm nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty nông, lâm nghiệp; quá trình thực hiện phải xác định rõ nguồn gốc đất đai, xác định cụ thể người sử dụng đất, chủ rừng để quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất; việc cổ phần hóa các doanh nghiệp liên quan đến đất đai phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản của nhà nước, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân./.

Top