Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 18/10

18/10/2019 19:37

Lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hội đồng).

Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phó Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi và ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các thành viên Hội đồng gồm đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ; đại diện các hội: Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Hội Thủy lợi Việt Nam và Hội Tưới tiêu Việt Nam; một số chuyên gia về quy hoạch trong lĩnh vực thủy lợi, phòng, chống thiên tai.

Hội đồng có nhiệm vụ xem xét, thẩm định Nhiệm vụ lập quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định để làm căn cứ xem xét, quyết định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch.

Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Kinh phí hoạt động của Hội đồng được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Thay Ủy viên Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định thay đổi Ủy viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thay ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã được phân công nhiệm vụ khác.

Bổ nhiệm Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định bổ nhiệm ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (thay ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghỉ hưu theo chế độ).

Thành lập BQL các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1404/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang.

Cụ thể, Thủ tướng quyết định thành lập Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Na Hang, Ban Quản lý khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm trực thuộc UBND tỉnh Tuyên Quang và Ban Quản lý khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang.

Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Tuyên Quang, có chức năng phát triển du lịch và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Tuyên Quang quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý; thực hiện điều chỉnh nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, tài sản, trang thiết bị của các Ban Quản lý khi tiến hành hợp nhất.

Xử lý vướng mắc khi triển khai một số luật lĩnh vực đầu tư, kinh doanh

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xử lý vướng mắc phát sinh trong triển khai thi hành một số luật lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.

Ngày 15/10/2019, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, thống kê bước đầu những mâu thuẫn, vướng mắc, thiếu đồng bộ phát sinh trong triển khai thi hành một số luật trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bao gồm: 1- Quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; 2- Quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư tại địa bàn nhiều tỉnh của Luật Đầu tư; 3- Quy định không đồng bộ giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai về thời hạn chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi đất do chậm tiến độ sử dụng đất; 4- Về phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; 5- Quy định yêu cầu phải có quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư giữa Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường; 6- Quy định khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” giữa Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan; 7- Quy định khái niệm “nhà đầu tư”, “chủ đầu tư” giữa các Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng…; 8- Quy định không thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Đấu thầu trong lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng dất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư; 9- Quy định chưa đồng bộ, khả thi về cơ quan thẩm định, trình quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án quy mô lớn, có tính chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật cao, phức tạp của Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành; 10- Quy định về hình thành quỹ đất phát triển dự án giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai; 11- Quy định chồng chéo về xác định nhu cầu sử dụng đất và giới thiệu địa điểm đầu tư giữa Luật đầu tư và Luật Xây dựng; 12- Quy định về chuyển nhượng dự án giữa các Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai…

Về các vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ của các luật nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung quy định xử lý các mâu thuẫn, vướng mắc, thiếu đồng bộ của các Luật vào các dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020); trong đó, các nội dung sửa đổi những mâu thuẫn, vướng mắc nêu trên đề nghị Quốc hội cho phép quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 để sớm xử lý dứt điểm các mâu thuẫn, vướng mắc; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội thông qua các dự án Luật nêu trên.

2 tỉnh đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký các Quyết định 1422/QĐ-TTg, 1423/QĐ-TTg công nhận tỉnh Nam Định và tỉnh Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND 2 tỉnh: Nam Định, Đồng Nai tổ chức lễ công bố tỉnh Nam Định, tỉnh Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019 theo quy định.

UBND 2 tỉnh: Nam Định, Đồng Nai có trách nhiệm tiếp tục triển khai duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới, chú trọng các tiêu chí về sản xuất, môi trường, văn hóa, an ninh trật tự để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Sau gần 9 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 7/2019, toàn tỉnh Nam Định có 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX đề ra. 

Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, Nam Định đã huy động được nguồn lực trong dân và xã hội hóa. Đến hết năm 2018, Nam Định không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Nam Định phấn đấu đến năm 2020 có 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 10 mô hình nông thôn mới kiểu mẫu trở lên ở xã, thôn và huyện Hải Hậu cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.

Tính đến tháng 5/2019, toàn tỉnh Đồng Nai đã có 133/133 xã và 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trong phát triển sản xuất, tỉnh Đồng Nai không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, tỉnh đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung với sản phẩm có khả năng xuất khẩu, đạt giá trị kinh tế cao như: xoài, sầu riêng, chôm chôm, ca cao... Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh năm 2018 đạt gần 51,6 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2011 khi Đồng Nai bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,62% vào năm 2011, hiện chỉ còn 0,09%.

Tạo động lực mạnh mẽ nâng cao đời sống cho người lao động

Trong thời gian tới, Chính phủ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoàn thiện cơ chế, chính sách lao động và việc làm, tạo động lực mạnh mẽ nâng cao năng suất lao động, để đời sống của người lao động ngày càng đầy đủ, sung túc hơn.

Trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày càng chặt chẽ, thực chất hơn và đạt kết quả tích cực, giúp mỗi bên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước. Tổng Liên đoàn đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến người lao động; tham gia xây dựng thể chế, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, kịp thời phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề lớn; thường xuyên phối hợp với các ngành, chức năng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động, đặc biệt là các chương trình phúc lợi, xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa đoàn viên và tổ chức công đoàn (như Chương trình Tết Sum vầy, Mái ấm công đoàn, Quỹ xã hội từ thiện tấm lòng vàng...).

Cơ chế phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục đạt nhiều kết quả, nhất là giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến người lao động. Các hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc được các cấp công đoàn duy trì thường xuyên, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến việc bảo đảm điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động (nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất).

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, bất cập tồn tại như: Năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực. Đời sống của một bộ phận người lao động vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, giải thể vẫn ở mức cao, khiến nhiều người lao động mất việc làm. Tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nợ đọng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Công tác phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với một số bộ, ngành liên quan còn chậm, nên khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao hiệu quả chưa cao. Còn nhiều khó khăn vướng mắc trong huy động vốn để triển khai một số việc như: hỗ trợ cơ chế chính sách liên quan đến dự án đầu tư xây dựng thiết chế của Công đoàn; tăng nguồn vốn ngân sách để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại 50 Thiết chế của Công đoàn...

Để hạn chế những bất cập trên, trong thời gian tới, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tham gia hiệu quả, tích cực hơn nữa trong công tác xây dựng thể chế, thực hiện phản biện xã hội, nhất là đối với các chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn; nâng cao chất lượng thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại và tăng tỷ lệ thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở; triển khai các mô hình mới về tư vấn, phổ biến pháp luật đến công nhân, người lao động; tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến về các cơ hội, thách thức, giải pháp đối với người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các cam kết theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Các bộ, ngành Trung ương, địa phương phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động, nhất là trong các dịp lễ, Tết... Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể và doanh nghiệp dịch vụ cung cấp suất ăn; chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; giám sát thực hiện chế độ bồi thường độc hại bằng hiện vật cho người lao động; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đóng góp cho “Quỹ xã hội từ thiện tấm lòng vàng” và thực hiện công tác thăm hỏi, động viên đối với gia đình, người lao động bị tai nạn lao động thông qua Quỹ này.

Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động, như: phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; phong trào “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”; phong trào “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn” trong các doanh nghiệp; phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” trong khối công chức, viên chức… góp phần thực hiện thắng các lợi mục tiêu chung của đất nước.

Hai bên phối hợp triển khai thực hiện Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”; tuyên truyền, vận động để đoàn viên, người lao động đồng hành với người sử dụng lao động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện tốt công tác chăm lo phúc lợi và lợi ích cho đoàn viên, người lao động, tạo động lực làm việc hiệu quả; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, đổi mới tác phong làm việc, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh gắn kết nội dung phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa - xã hội.

Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp tốt với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách lao động và việc làm, tạo động lực mạnh mẽ nâng cao năng suất lao động, để đời sống của người lao động ngày càng đầy đủ, sung túc hơn.

Đưa vào khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông trong năm 2019 nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thông báo nêu rõ, theo quy hoạch, trên địa bàn Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 400km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 40 tỷ USD. Để giải quyết triệt để ùn tắc giao thông phải có hệ thống giao thông đồng bộ; trong đó hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò quan trọng. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và nợ công đang ở mức cao, nên cần huy động các phương án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, ưu tiên nguồn lực nội địa để đầu tư.

4 Dự án đường sắt đô thị đang triển khai đầu tư đã nhiều lần điều chỉnh tiến độ, trong đó, đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, UBND thành phố Hà Nội đã tích cực thực hiện công tác chuẩn bị tiếp nhận vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, Dự án có nhiều vướng mắc, bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện gây bức xúc trong dư luận.

Phó Thủ tướng yêu cầu tổng thầu khẩn trương thực hiện đúng quy định về hồ sơ thiết kế Dự án được duyệt, cung cấp đầy đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống để đủ điều kiện chứng nhận an toàn hệ thống theo đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác trong năm 2019 nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại văn bản số 8736/VPCP-CN ngày 26/9/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư cùng với UBND thành phố Hà Nội, tổng thầu, tư vấn tập trung hoàn thiện việc đánh giá chất lượng và thủ tục hoàn thành Dự án theo đúng quy định pháp luật. Hội đồng nghiệp thu nhà nước phối hợp với tư vấn sớm đánh giá kết luận nghiệm thu công trình theo đúng quy định.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (với vai trò cơ quan tiếp nhận và quản lý khai thác Dự án này) cùng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm việc với chủ đầu tư, tổng thầu, tư vấn rà soát để đẩy nhanh việc chứng nhận an toàn hệ thống và có đủ các điều kiện theo đúng quy định để đưa dự án vào khai thác, bảo đảm sử dụng vốn đầu tư hiệu quả.

Với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 3) đoạn Nhổn - ga Hà Nội, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Thành phố thúc đẩy tiến độ Dự án trong thời gian qua; UBND thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện, phấn đấu hoàn thành Dự án trong năm 2021. Do Dự án phải điều chỉnh; vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, xử lý, trình cấp có thẩm quyền gia hạn, bổ sung hiệp định vay kịp thời và theo đúng quy định pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xem xét bố trí vốn năm 2019 và những năm tiếp theo, xử lý kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc bổ sung kế hoạch vốn ODA cho Dự án theo đúng quy định. Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn chủ đầu tư một số vấn đề liên quan đến hợp đồng, công tác nghiệm thu bàn giao.

Với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, về điều chỉnh Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục về điều chỉnh Dự án theo đúng quy định.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về phương án thiết kế, thi công ga ngầm C9 để UBND thành phố Hà Nội hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại văn bản số 8240/VPCP-CN  ngày 12/9/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì họp về kế hoạch thực hiện và trình tự, thủ tục điều chỉnh Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) Yên Viên - Ngọc Hồi.

Đối với các dự án giao thông trọng điểm khác, Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch.

Đối với các dự án giao thông vành đai 3, Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công, thực hiện, hoàn thành các dự án đúng và vượt tiến độ đề ra. Đối với số vốn còn dư của Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai III, Bộ Giao thông vận tải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội để đề xuất phương án sử dụng hiệu quả nhất theo đúng quy định pháp luật (có thể xem xét để mở rộng tuyến giao thông vành đai 3 nối tiếp cầu Thăng Long đi sân bay Nội Bài)./.

Top