Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 1/6

01/06/2020 20:22

Các trường hợp người lao động được xác định đang đóng bảo hiểm thất nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 12 về đóng bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 của Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp:

1- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.

2- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.

3- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.

4- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.

5- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.

Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Trường hợp người lao động đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp mới được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian này được xác định là thời gian đóng nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm.

Sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Cụ thể, Nghị định chuyển chất số 398 “Thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện” thuộc Danh mục IID trong Danh mục II các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền sang Danh mục ID thuộc Danh mục I các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.

Nghị định cũng bổ sung 26 chất vào Danh mục IIC các chất và muối có thể tồn tại của các chất này trong Danh mục II; bổ sung mã CAS của 40 chất trong Danh mục IIC; đồng thời, bỏ 3 chất ma túy (AMB-FUBINACA; MMB-PICA; MMB-PINACA) ra khỏi Danh mục IIC.

Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung 2 chất (Etizolam; Flualprazolam) vào Danh mục III các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với Danh mục IV các tiền chất, Nghị định bổ sung 13 chất vào Danh mục IVA các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy.

Cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù đối với 3 Cục thuộc Bộ NNPTNT

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định 17/2020/QĐ-TTg về việc áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù đối với Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, nguồn tài chính của đơn vị gồm: Nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật phí, lệ phí; nguồn thu từ hoạt động dịch vụ; nguồn ngân sách nhà nước cấp các nhiệm vụ không thường xuyên (nếu có); các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Về chi thường xuyên, các Cục: Bảo vệ thực vật, Thú y, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản được chủ động sử dụng nguồn tài chính quy định nêu trên để chi cho hoạt động thường xuyên như chi tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương; tiền thưởng, phúc lợi tập thể và các khoản thanh toán khác cho cá nhân. Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung; chi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, chi quản lý;...

Đối với các nội dung chi đã có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ vào khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Đối với các nội dung chưa có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Về chi nhiệm vụ không thường xuyên, đơn vị chi theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành đối với từng nguồn kinh phí.

Hàng năm phải quyết toán thu chi theo quy định. Sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

Quyết định cũng quy định rõ về phân phối kết quả tài chính. Theo đó, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi (nếu có), đơn vị được sử dụng theo trình tự sau:

a- Trích lập các Quỹ: Trích tối thiểu 25% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; trích lập Quỹ bổ sung thu nhập: Mức trích tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định; trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công bình quân thực hiện trong năm của đơn vị; trích lập Quỹ khác theo quy định của pháp luật.

Việc sử dụng các Quỹ do thủ trưởng đơn vị quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải công khai trong đơn vị. Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

b- Sử dụng các Quỹ: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; Quỹ bổ sung thu nhập; Quỹ khen thưởng; Quỹ phúc lợi.

Các Cục: Bảo vệ thực vật, Thú y, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản được điều hòa nguồn tài chính quy định nêu trên trong nội bộ Cục để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/7/2020, được áp dụng cho các năm ngân sách 2019-2020.

Xử lý thông tin báo nêu về tai nạn đường thủy nội địa tang

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao một số Bộ liên quan xử lý thông tin báo nêu về tai nạn đường thủy nội địa tăng.

Trước đó, Báo điện tử Sài Gòn Giải phóng ra ngày 26/5/2020 có bài về việc “Tai nạn đường thủy nội địa tăng 138%”. Bài viết nêu: Tai nạn giao thông đường thủy đã tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2020, trong đó số người chết tăng 138%. Nguyên nhân chủ yếu do các phương tiện thuyền gia dụng tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định an toàn về giao thông. Trong khi chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Về vấn đề nêu trên (nhất là đò ngang), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý. Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm giao thông đường thủy.

Xác định rõ mục tiêu Đề án tái cấu trúc hạ tầng CNTT phục vụ Chính phủ điện tử

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xác định rõ ràng, chỉ tiêu hoá các mục tiêu tại Đề án tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng một số nền tảng dùng chung phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu cho Chính phủ điện tử; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án nguồn lực để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện Đề án.

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng, tác động, lợi ích cụ thể của Đề án, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, kế thừa hạ tầng kỹ thuật (mạng, Trung tâm dữ liệu, phòng máy chủ...), hạ tầng ứng dụng và cơ sở dữ liệu tại các bộ, ngành, địa phương; xây dựng phương án, lộ trình, hướng dẫn cụ thể trong triển khai nhiệm vụ tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, rà soát, lược bỏ các nhiệm vụ về triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành thực hiện trong nội dung Đề án; nghiên cứu, tổ chức xin ý kiến, làm việc với các bộ, ngành thống nhất danh mục hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, dịch vụ dữ liệu dùng chung trong nội dung Đề án, bảo đảm phù hợp với hiện trạng, khả năng đáp ứng của các đơn vị; làm rõ việc khai thác, sử dụng, lộ trình triển khai các thành phần dùng chung này.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng phương án phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo mật dữ liệu, bảo đảm nguyên tắc không làm thay chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ trong việc quản lý, vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá, đề xuất phương án hỗ trợ giá dịch vụ triển khai mạng dùng riêng của các bộ, ngành, địa phương và mạng Truyền số liệu chuyên dùng cấp II phục vụ việc tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2020.

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để bố trí đủ vốn cho công tác thẩm tra, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo đúng quy định.

Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tích cực thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo đúng quy định pháp luật.

Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm xác định cụ thể thời gian trình Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/6/2020./.

Top