Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/9/2020

15/09/2020 19:45

Phó Thủ tướng đồng ý nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ 15/9

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 330/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại cuộc họp về việc cho phép các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và một số đối tác.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.

Thời gian triển khai thực hiện từ 06 địa bàn: Từ ngày 15/9/2020 đối với các đường bay: Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam – Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam – Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam - Đài Loan, Trung Quốc (Taipei); từ ngày 22/9/2020 đối với các đường bay Việt Nam – Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam – Lào (Vientiane).

Tần suất không quá 2 chuyến/1 tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác (số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế). Thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại đối với các đối tác về tổng số người trên các chuyến bay, việc thu phí và các điều kiện nhập cảnh khác.

Điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại

Về đối tượng, điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại từ 6 địa bàn trên (không bao gồm người quá cảnh từ nước thứ ba), thông báo kết luận nêu rõ: Đối với người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân, phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này); được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly; được cách ly tại nhà công vụ của cơ quan đại diện hoặc tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.

Đối với người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam, phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này); được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly; được cách ly tại nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.

Đối với người Việt Nam, phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này); được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly; được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc tại các khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.

Xem xét rút ngắn thời gian cách ly (khoảng 5 ngày) cho các đối tượng nêu trên sau khi có kết quả RT-PCR hai lần âm tính; sau đó cho phép được về tự cách ly, theo dõi giám sát y tế tại nhà, trụ sở doanh nghiệp, cơ quan (đối với chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài được làm việc theo kế hoạch gắn với việc bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch) theo quy định.

Phòng dịch chặt chẽ đối tượng quá cảnh từ nước thứ 3 vào Việt Nam

Đối với đối tượng quá cảnh từ nước thứ ba nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại, áp dụng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch; được xét nghiệm RT-PCR với SARS-CoV-2 ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly.

Về thực hiện cách ly:

- Người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân: Được cách ly tại nhà công vụ của cơ quan đại diện hoặc tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.

- Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam: Được cách ly tại nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.

- Người Việt Nam: Được cách ly tại cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.

- Các trường hợp quá cảnh từ nước thứ ba nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại thực hiện cách ly tập trung 14 ngày theo đúng quy định, trừ trường hợp đặc biệt theo sự chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao trao đổi, thống nhất với các đối tác trên (bao gồm các hãng hàng không) về đối tượng được nhập cảnh, quy trình nhập cảnh và những điều kiện của Việt Nam đối với người muốn nhập cảnh trước khi lên máy bay (kiểm tra thân nhiệt, cài đặt ứng dụng nCoV và khai báo y tế, giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2).

Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đơn giản hơn nữa thủ tục cấp thị thực nhập cảnh, bảo đảm nhanh gọn, thuận tiện (trong vòng 3 ngày); Bộ Công an phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nơi có người nhập cảnh tổ chức cách ly, giám sát đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam điều chỉnh quy trình bán vé, trong đó yêu cầu cung cấp thông tin nhân thân và giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp, chỉ bán vé cho người đã có thị thực nhập cảnh.

Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị và triển khai việc xét nghiệm nhanh, phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và giảm đối tượng, thời gian cách ly tập trung.       

Văn phòng Chính phủ chủ trì, họp với các Bộ: Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương, doanh nghiệp liên quan về việc bố trí cơ sở cách ly thu phí đáp ứng yêu cầu của người nhập cảnh, không phân biệt người nước ngoài và người Việt Nam để bổ sung khả năng tiếp nhận trong nước, giảm tải cho các cơ sở cách ly của quân đội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Công an khẩn trương tổ chức tốt việc đưa công dân Việt Nam đi làm việc có hợp đồng ở một số địa bàn nêu trên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 238/TB-VPCP ngày 12/7/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Sửa quy định số lượng Phó Giám đốc sở, Phó Trưởng phòng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở

Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 5 cơ cấu tổ chức của sở. Cụ thể, cơ cấu tổ chức của sở gồm: Phòng chuyên môn nghiệp vụ; Thanh tra (nếu có); Văn phòng (nếu có); Chi cục và tổ chức tương đương (nếu có); Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).

Nghị định cũng quy định cụ thể tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở, gồm: (1)- Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở; (2)- Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 7 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tối thiểu 6 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 5 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.

Tiêu chí thành lập Văn phòng thuộc sở được áp dụng theo quy định tại (2) nêu trên. Trường hợp không thành lập Văn phòng thuộc sở thì giao một phòng chuyên môn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng.

Tiêu chí thành lập chi cục và các tổ chức tương đương thuộc sở (chi cục) gồm: a- Có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở theo quy định của pháp luật chuyên ngành; b- Được phân cấp, ủy quyền để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực; c- Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 12 biên chế công chức.

Tiêu chí thành lập phòng và tương đương thuộc chi cục thuộc sở gồm: Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi cục hoặc tham mưu về công tác quản trị nội bộ của chi cục; Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 5 biên chế công chức.

TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc sở

Nghị định quy định bình quân mỗi sở có 3 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.

Nghị định cũng bổ sung quy định số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở. Cụ thể, phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 9 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Trường phòng.

Phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có từ 10 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có từ 9 đến 14 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 8 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng.

Phòng thuộc sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 3 Phó Trưởng phòng.

Về số lượng Phó Chánh Thanh tra sở, Nghị định nêu rõ: Thanh tra sở có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Chánh Thanh tra; thanh tra sở có từ 8 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 2 Phó Chánh Thanh tra.

Số lượng Phó Chánh Văn phòng sở được thực hiện như quy định số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở.

Về số lượng Phó Chi cục thuộc sở, Nghị định quy định: Chi cục có từ 1-3 phòng và tương đương được bố trí 1 Phó Chi cục trưởng; chi cục không có phòng hoặc có từ 4 phòng và tương đương trở lên được bố trí không quá 2 Phó Chi cục trưởng.

Về số lượng Phó Trưởng phòng thuộc chi cục thuộc sở, phòng có dưới 7 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Trưởng phòng; phòng có từ 7 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2020.

Giảm 1 Phó phòng của cơ quan chuyên môn cấp huyện từ 25/11

Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện).

Cụ thể, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP quy định rõ hơn về người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Theo đó, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (Trưởng phòng), là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện do Hội đồng nhân dân cấp huyện bầu, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện theo Quy chế làm việc và phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trưởng phòng có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và sở quản lý ngành, lĩnh vực về tổ chức, hoạt động của cơ quan mình; báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện khi được yêu cầu; phối hợp với người đứng đầu cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Nghị định số 108/2020/NĐ-CP quy định bình quân mỗi phòng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có 02 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp. Trước đó, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện không quá 03 người.

Bên cạnh đó, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện như: Phòng Nội vụ, phòng Tư pháp, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, phòng Văn hóa và Thông tin, phòng Y tế, Thanh tra huyện, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, phòng Kinh tế, phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Dân tộc.

Trong đó, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP quy định phòng Nội vụ có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tổ chức bộ máy; vị trí việc làm, biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tín ngưỡng, tôn giáo; công tác thanh niên; thi đua - khen thưởng.

Phòng Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, nuôi con nuôi, hộ tịch, chứng thực và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Đất đai, tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; môi trường; biển và hải đảo; đo đạc và bản đồ; biến đổi khí hậu.

Nghị định 108/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/11/2020.

Quy chế tổ chức, hoạt động của BCĐ quốc gia về tài chính toàn diện

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện (BCĐ) đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của BCĐ này.

Theo Quy chế, BCĐ là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về tài chính toàn diện, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

BCĐ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, cơ chế, giải pháp về tài chính toàn diện của quốc gia; giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều phối, đôn đốc, kiểm tra hoạt động tài chính toàn diện và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, ban hành, thực hiện chủ trương, chính sách về hợp tác quốc tế, nghiên cứu, xem xét việc thực hiện các khuyến nghị của quốc tế về tài chính toàn diện; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác truyền thông; xây dựng, vận hành trang thông tin điện tử của BCĐ đặt tại cơ quan thường trực.

Bên cạnh đó, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động tài chính toàn diện quốc gia, kết quả thực hiện Chiến lước tài chính toàn diện quốc gia theo từng thời kỳ và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Về cơ cấu tổ chức, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng BCĐ. Trưởng BCĐ có nhiệm vụ ban hành, sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động, chương trình, kế hoạch công tác của BCĐ; phân công nhiệm vụ cho Phó Trưởng BCĐ và thành viên BCĐ, điều hành chung hoạt động của BCĐ; quyết định triệu tập, chủ trì các cuộc họp của BCĐ; tổ chức và chủ tọa các hội thảo, thảo luận tham khảo ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức và các cá nhân liên quan.

Phó Trưởng BCĐ là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có nhiệm vụ giúp Trưởng BCĐ trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ; điều hành trang thông tin điện tử của BCĐ, chịu trách nhiệm trước Trưởng BCĐ về các nhiệm vụ được giao; giúp Trưởng BCĐ điều phối các thành viên BCĐ trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của BCĐ; đôn đốc triển khai, tổng hợp báo cáo về hoạt động của BCĐ.

Thành viên BCĐ là lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, có nhiệm vụ đại diện cho bộ, ngành mình tham gia các hoạt động của BCĐ, thực hiện các nhiệm vụ được Trưởng BCĐ phân công; tham dự đầy đủ các phiên họp của BCĐ. Trường hợp vắng mặt, phải ủy quyền cho người có đủ thẩm quyền thay mặt tham dự, báo cáo, tham gia đầy đủ ý kiến tại cuộc họp; triển khai đầy đủ các kết luận tại cuộc họp của Trưởng BCĐ.Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, các thành viên BCĐ và Tổ thường trực giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân.

Thừa Thiên Huế có thêm 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Nguyễn Thanh Bình, tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xử lý thông tin liên quan đến mua bán bằng giả

Ngày 8/9/2020, Báo Thanh Niên đăng bài  “Mua bằng bác sĩ giá chỉ 3 triệu đồng” phản ánh việc bằng bác sĩ, chứng chỉ hành nghề giả được mua bán tràn lan trên mạng, thậm chí “đầu nậu” còn bao cả việc sao y bản chính trót lọt cơ quan công quyền; ước tính hàng chục ngàn văn bằng giả đã được tiêu thụ trên thị trường.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra thông tin báo nêu và có biện pháp xử lý kiên quyết; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2020./.

Top