Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15-8

15/08/2019 19:09

Sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư BT

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Dự án BT).

Theo đó, tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT gồm: Quỹ đất; đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (cơ quan, tổ chức, đơn vị); tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (tài sản kết cấu hạ tầng); các loại tài sản công khác theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Trường hợp bán đấu giá tài sản công để lấy nguồn thanh toán cho Hợp đồng BT thì việc sử dụng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư, xây dựng; việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án BT theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu; chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị Dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán; được xác định như sau: Giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; giá trị Dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.

Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; cụ thể: Đối với tài sản công thuộc trung ương quản lý được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách trung ương; đối với tài sản công thuộc địa phương quản lý được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách địa phương.

Thời điểm thanh toán Dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất hoặc trụ sở làm việc là thời điểm UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho Nhà đầu tư. Thời điểm thanh toán Dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng và các loại tài sản công khác là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao tài sản cho Nhà đầu tư.

Khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT đối với phần giá trị công trình Dự án BT hoàn thành theo tiến độ, chấm dứt kể từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản cho Nhà đầu tư.

Việc giao tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được thực hiện sau khi Dự án BT hoàn thành hoặc thực hiện đồng thời tương ứng với khối lượng xây dựng công trình Dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.

Xác định giá trị Dự án BT để thanh toán

Nghị định quy định cụ thể xác định giá trị Dự án BT để thanh toán. Cụ thể, giá trị Dự án BT ghi tại Hợp đồng BT để thanh toán được xác định theo kết quả đấu thầu và không thay đổi kể từ ngày Hợp đồng BT được ký kết, trừ trường hợp quy định đưới đây.

Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án BT, khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến thay đổi giá trị Dự án BT thì thực hiện như sau:

- Giá trị điều chỉnh Dự án BT được xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án BT, khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT.

- Giá trị điều chỉnh Dự án BT ghi tại Phụ lục Hợp đồng BT được tổng hợp vào giá trị Dự án BT để thanh toán, quyết toán Hợp đồng BT theo đúng quy định của pháp luật.

Giá trị Dự án BT để thanh toán là giá trị Dự án BT được quyết toán theo quy định của pháp luật (giá trị quyết toán Hợp đồng BT).

Nghị định có hiệu lực từ 1/10/2019.

Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án

Đó là nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được quy định trong Nghị định số 68/2019/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị định 68/2019/NĐ-CP quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) về sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, định mức và giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng; thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Nghị định 68/2019/NĐ-CP nêu rõ 6 nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm:

1- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải bảo đảm mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án đã được phê duyệt, phù hợp với trình tự đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật xây dựng, nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư của dự án, phương thức thực hiện của dự án. Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng, phù hợp với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng, kế hoạch thực hiện dự án, mặt bằng giá thị trường tại khu vực xây dựng công trình và các biến động giá dự kiến trong quá trình đầu tư xây dựng.

2- Nhà nước thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng thông qua việc ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật; hướng dẫn phương pháp lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

3- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chi phí đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến khi kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng trong phạm vi tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt gồm cả trường hợp tổng mức đầu tư được điều chỉnh theo quy định tại Điều 7 Nghị định này. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng để lập, thẩm tra, kiểm soát và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

4- Các công trình xây dựng đặc thù thuộc loại công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, cấp bách áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng và hệ thống công cụ định mức, đơn giá xây dựng, chỉ số giá quy định tại Nghị định này để xác định chi phí đầu tư xây dựng, làm cơ sở xác định giá trị hình thành tài sản công đối với các công trình xây dựng này. Việc thẩm định, phê duyệt chi phí đầu tư xây dựng các công trình này được thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình xây dựng đặc thù tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

5- Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng quy định tại Nghị định này và phù hợp với đặc thù, tính chất các công trình thuộc các Chương trình này.

6- Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chi phí đầu tư xây dựng phải được thực hiện theo các căn cứ, nội dung, cách thức, thời điểm xác định, phương pháp xác định các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng của công trình đã được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư thống nhất sử dụng phù hợp với các giai đoạn của quá trình hình thành chi phí theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại Nghị định này.

Cũng theo Nghị định, Bộ Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng và có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết về nội dung, phương pháp xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng gồm sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng, đo bóc khối lượng xây dựng công trình, điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự toán xây dựng; xác định giá vật liệu xây dựng, giá nhân công xây dựng (bao gồm cả nhân công tư vấn), giá ca máy và thiết bị xây dựng theo cơ chế thị trường; quy đổi vốn đầu tư xây dựng và kiểm soát chi phí trong đầu tư xây dựng.

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Thứ trưởng Bộ Công an

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định bổ nhiệm 2 Thứ trưởng Bộ Công an.

Cụ thể, tại Quyết định 1011/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm Trung tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Chánh Văn phòng Đảng ủy Công an Trung ương, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an.

Tại Quyết định 1010/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an.

93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Theo đó, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Cụ thể, có 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên gồm: 1- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 2- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ; 3- Tổng công ty Lương thực miền Bắc; 4- Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản.

Có 62 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, có 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần (Danh sách cụ thể tại đây).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện cổ phần hóa (hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp) đúng kế hoạch; xây dựng lộ trình tiếp tục bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đảm bảo phù hợp với tiêu chí quy định.

Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; những trường hợp đặc thù, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, phục vụ chiến lược phát triển ngành và các trường hợp đặc thù khác.

Đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với trường hợp Nhà nước cần nắm giữ từ 36% đến 50% vốn điều lệ khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần.

Định kỳ hàng quý và trước ngày 30/9/2020 báo cáo kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành cổ phần hóa theo đúng tiến độ quy định.

Đến năm 2030, Hàng không Tre Việt tăng lên 30 tàu bay

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt tại Cảng hàng không Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Theo phê duyệt, quy mô đội bay của Tre Việt được điều chỉnh tăng lên 30 tàu bay đến năm 2023 bao gồm: Loại tàu bay thân hẹp Airbus A319/A320/A321 và loại tàu bay thân rộng Airbus A330, A350 hoặc Boeing B787.

Tổng vốn đầu tư Dự án là 5.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp 1.300 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu đã góp đủ 100%). Vốn huy động 2.450 tỷ đồng. Vốn khác 1.950 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định và cấp phép kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và khả năng đáp ứng nguồn vốn của nhà đầu tư; chịu trách nhiệm giám sát việc phát triển đội tàu phải phù hợp quy hoạch, năng lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, năng lực phục vụ cơ sở hạ tầng hàng không, việc bố trí các nguồn lực của nhà đầu tư phát huy năng lực khai thác, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ điều chỉnh Dự án, các nội dung giải trình, tiếp thu và các nội dung đã thẩm định theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện dự án; chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc góp vốn theo đúng cam kết, tiến độ góp vốn theo đúng quy định của pháp luật và ý kiến của các Bộ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định hướng dẫn Công ty TNHH Hàng không Tre Việt thực hiện đầu tư và kinh doanh theo đúng quy định pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Công ty TNHH Hàng không Tre Việt chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung hồ sơ điều chỉnh Dự án và hiệu quả đầu tư Dự án; chịu trách nhiệm huy động vốn đảm bảo góp đủ vốn đã đăng ký theo tiến độ đảm bảo tính khả thi của Dự án theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức, triển khai thực hiện và quản lý Dự án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn khai thác, kinh doanh có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam; chỉ được kinh doanh vận chuyển hàng không khi đáp ứng điều kiện theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, các quy định của pháp luật liên quan và các cam kết của nhà đầu tư.

Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC chịu trách nhiệm về các cam kết của mình theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu TPHCM báo cáo về phản ánh chính quyền địa phương chưa làm đúng trách nhiệm

Báo điện tử 24h ngày 6/8/2019 có bài "Từ vụ phở Hòa, tụ điểm thác loạn...: Chính quyền địa phương ở đâu".

Theo phản ánh "suốt trong tháng 7/2019, quán phở Hòa Pasteur bị các đối tượng lạ mặt dùng sơn, mắm tôm "khủng bố" đến 8 lần dù chủ quán đã trình báo công an kèm hình ảnh, video nhưng địa phương không vào cuộc, nghi phạm không bị xử lý, ngược lại vẫn ngang nhiên lộng hành. Trong khi đó, khoảng cách từ quán phở Hòa Pasteur đến Công an phường 8, quận 3 chỉ vài trăm mét".

Cũng theo bài báo phản ánh: "Loạt phóng sự "Bí mật bên trong các tụ điểm thác loạn" trên Báo Người Lao Động một lần nữa cho thấy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có nhiều nhà hàng, quán bar hoạt động mại dâm trá hình, cho khách sử dụng ma túy tồn tại trước mắt chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan. Không riêng gì loại hình nhà hàng mà còn khá nhiều các loại hình dịch vụ nhạy cảm khác cũng đang biến tướng tồn tại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đáng nói là suốt thời gian hoạt động, những nơi này phải chịu sự kiểm tra, giám sát của rất nhiều ban ngành, từ phường, quận đến TP; nhiều đoàn kiểm tra liên ngành… Vậy địa phương và những cơ quan, tổ chức này có biết đến "điểm đen" trên địa bàn phụ trách hay không? Vì sao không xử lý triệt để được?"

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hồ Chí Minh báo cáo vụ việc này lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8/2019.

Phấn đấu xây dựng khoảng 1.000 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo

Phấn đấu từ nay đến hết năm 2019, xây dựng khoảng 1.000 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và đang ở nhà tạm; hộ nghèo thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn; tặng quà Tết cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán 2020 để bảo đảm không người dân Việt Nam nào không có Tết.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp chuẩn bị tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019.

Thông báo nêu rõ, về Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” vào ngày 17/10/2019 (Chương trình năm 2019), Phó Thủ tướng đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan Ban hành kế hoạch và thành lập Ban tổ chức Chương trình; xây dựng kịch bản theo hướng đổi mới để bảo đảm thực chất hơn theo tiêu chí thiết thực, có tính nhân văn sâu sắc, lan tỏa và giàu tính sáng tạo; khẳng định Việt Nam là điểm sáng về công tác giảm nghèo; sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chung tay của cộng đồng với hoạt động giảm nghèo đã có những kết quả đáng ghi nhận, giúp người dân thoát nghèo.

Về sử dụng Quỹ "Vì người nghèo", thực hiện an sinh xã hội trong năm 2019 và thời gian tới, phấn đấu từ nay đến hết năm 2019, xây dựng khoảng 1.000 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và đang ở nhà tạm; hộ nghèo thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn; tặng quà Tết cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán 2020 để bảo đảm không người dân Việt Nam nào không có Tết.

Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội khuyến học Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương rà soát, đề xuất hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên giỏi nhưng khó khăn. Trước mắt trong tháng 9 năm 2019, Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương hỗ trợ một số sinh viên đại học, cao đẳng, học nghề giỏi nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc cụ thể với các doanh nghiệp hỗ trợ cho người khiếm thính, khiếm thị và có báo cáo cụ thể thiết thực, khả thi về công tác hỗ trợ; khởi động chương trình hỗ trợ công nghệ thông tin cho người khiếm thính, khiếm thị.

Vận động nhắn tin hỗ trợ người nghèo bắt đầu từ ngày 19/8/2019

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông đổi mới công nghệ và phương pháp vận động nhắn tin hỗ trợ người nghèo bắt đầu từ ngày 19/8/2019; thí điểm việc ủng hộ giá trị lớn bằng tin nhắn để tạo thuận lợi cho người có điều kiện, nhất là người có ảnh hưởng trong xã hội tham gia đóng góp cao hơn, giảm bớt thời gian; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo việc sử dụng công nghệ trong lĩnh vực thanh toán của ngân hàng hoặc lập tài khoản ngân hàng dễ nhớ thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để người ủng hộ chuyển tiền thuận lợi.

Phó Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có văn bản kêu gọi, vận động rộng rãi các tầng lớp xã hội và mọi người dân hưởng ứng đợt nhắn tin trên; các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 tham mưu, đề xuất, chỉ đạo Bộ, cơ quan, đơn vị mình tích cực tham gia nhắn tin ủng hộ người nghèo.

Tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 3/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với quản lý cát, sỏi lòng sông.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành báo cáo đánh giá tác động việc thực hiện chính sách, quy định của Luật khoáng sản; báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8960/VPCP-CN ngày 19/9/2018 của Văn phòng Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan kiểm tra công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng; hoạt động khai thác vàng tại một số địa phương.

Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng chủ động rà soát các quy hoạch khoáng sản đã phê duyệt, đề xuất nội dung sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành quốc gia sử dụng tài nguyên khoáng sản thuộc trách nhiệm quản lý để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch; hoàn thành việc xây dựng, ban hành quy định tiêu chí, mức độ chế biến sâu về khoáng sản; tiêu chuẩn, tiêu chí đầu tư công nghệ tiên tiến đối với từng loại khoáng sản, nhất là khoáng sản quan trọng; yêu cầu về tiêu chuẩn khoáng sản xuất khẩu theo thực tế thị trường nguyên liệu khoáng sản hiện nay.

Ngăn chặn kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên trong xây dựng; quy chuẩn kỹ thuật sử dụng các vật liệu thay thế cát tự nhiên làm vật liệu san lấp.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, kinh doanh khoáng sản; kiên quyết xử lý để ngăn chặn có hiệu quả hoạt động vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp.

Cùng với đó, Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau để phù hợp thực tế; chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trong việc giám sát, đôn đốc tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiếp tục nghiên cứu việc ban hành văn bản hướng dẫn nguồn kinh tế, định mức chi... trong công tác bảo vệ khoáng sản là khu vực cấm hoạt động khoáng sản; quy định về mức thu, chế độ quản lý, sử dụng phí thẩm định đề án thăm dò khoáng sản, đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ mua bán khoáng sản nói chung, cát, sỏi nói riêng; quản lý chặt chẽ công tác nghiệm thu, thanh quyết toán các công trình xây dựng, giao thông, nhất là nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản đã sử dụng cho công trình.

Các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 142/TB-VPCP ngày 12/4/2019 của Văn phòng Chính phủ về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát tại các địa phương; theo đó, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 3/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 325/TB-VPCP ngày 25/7/2017 của Văn phòng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy hoạch khoáng sản đã phê duyệt thuộc thẩm quyền để tích hợp nội dung có liên quan trong Quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý theo quy định đối với hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, nhất là đối với hành vi khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; thực hiện không đúng nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản; gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm tra, hướng dẫn và xử lý theo quy định đối với hoạt động thu hồi khoáng sản trong diện tích xây dựng công trình.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các địa phương, các Sở, ngành có liên quan thực hiện nghiêm Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã phê duyệt; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các địa phương liên quan trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khoáng sản, nhất là ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản khu vực giáp ranh địa giới hành chính, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông; kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài mà không xử lý, khai thác trái phép gây hậu quả nghiêm trọng./.

Top