Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/10

15/10/2021 20:16

Truy tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho nữ hộ sinh tại Bình Dương

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1733/QĐ-TTg ngày 15/10/2021 truy tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho bà Dương Nguyễn Thùy Trinh, nữ hộ sinh Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa, Sở Y tế tỉnh Bình Dương, đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

---------------------

Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về thuốc, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch COVID-19

Ngày 15/10/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 266/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về thuốc, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch COVID-19

Thông báo nêu rõ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch bệnh COVID-19, trong đó xác định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp y tế, hành chính, kinh tế xã hội. Trong các giải pháp về y tế phải đồng bộ cách ly, xét nghiệm, vaccine, điều trị.

Dự kiến đầu năm 2022 có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine đi vào hoạt động

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư thiết bị phòng chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời tăng cường năng lực công nghiệp dược, trang thiết bị y tế. Ngay từ đầu năm 2020, nhiều nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp xác định, tham gia, thực hiện. Đến nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ, sản xuất được nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch. Nghiên cứu sản xuất vaccine đã có những bước đi ban đầu rất nhanh, đạt kết quả tốt. Từ giữa năm 2021, chủ yếu tập trung các khâu thử nghiệm lâm sàng, xem xét cấp phép thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế.

Từ giữa năm 2021, các doanh nghiệp tham gia tích cực tiếp nhận chuyển giao sản xuất sinh phẩm, vaccine, thuốc điều trị COVID-19; Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, thuốc. Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam đã sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm theo công nghệ RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên với công suất đủ lớn và dự kiến đầu năm 2022, sẽ có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine đi vào hoạt động tham gia đáp ứng yêu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục khẩn trương triển khai Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia nghiên cứu vaccine cho người đến năm 2030 và các chương trình, nhiệm vụ khoa học phục vụ phòng chống dịch COVID-19; cập nhật các công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong phòng chống dịch COVID-19, chủ động tổ chức, triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình để thúc đẩy hiệu quả, thiết thực các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, cấp phép… đặc biệt trong khâu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép nhằm sớm chủ  động được vaccine, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị… phòng chống dịch.

Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có dự báo tình hình diễn biến dịch bệnh, nhu cầu các loại vaccine, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch; căn cứ tình hình sản xuất trong nước để có phương án nhập khẩu, mua trong nước cụ thể (trên quy mô cả nước) bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả đồng thời khuyến khích phát triển công nghiệp y dược trong nước:

Cụ thể, đối với vaccine, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, ban hành, cập nhật hướng dẫn về tiêm vaccine đủ liều cho các lứa tuổi; tiêm tăng cường; tiêm kết hợp các loại vaccine… bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Xây dựng phương án cụ thể về nhập khẩu, mua trong nước đối với từng loại vaccine.

Tăng cường chỉ đạo công tác tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 (bao gồm kiểm định, phân bổ, tổ chức tiêm…) bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, công khai minh bạch.

Khẩn trương hướng dẫn tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi và tiêm tăng cường; đánh giá tổng thể nhu cầu vaccine (kể cả cho trẻ em); số lượng, tiến độ giao hàng vaccine đã ký kết nhập khẩu hoặc tiếp nhận viện trợ; tiến độ và công suất sản xuất vaccine trong nước… trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch nhập khẩu, mua trong nước bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; hàng tuần báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Thúc đẩy thử nghiệm, cấp phép các loại thuốc điều trị

Đối với thuốc điều trị, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương cập nhật các phác đồ điều trị từ sớm, điều trị tại nhà trong đó lưu ý kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, thúc đẩy thử nghiệm, cấp phép các loại thuốc điều trị, thuốc bổ trợ, đặc biệt là thuốc điều trị từ sớm, điều trị tại nhà. Xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua trong nước đối với từng loại thuốc.

Đối với sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm: Khẩn trương cập nhật, hướng dẫn, cấp phép sử dụng các công nghệ xét nghiệm mới tiện dụng, hiệu quả hơn trên thế giới. Xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua đối với từng loại sinh phẩm, thiết bị. Xây dựng phương án người dân tự xét nghiệm. Cập nhật hướng dẫn người dân tự xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp để định hướng các doanh nghiệp sản xuất các bộ kit xét nghiệm thuận tiện, tiết kiệm nhất.

Đối với các loại vật tư, trang thiết bị: Bổ sung, cập nhật các hướng dẫn sử dụng phù hợp với điều kiện của hệ thống y tế các cấp. Xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua trong nước, mua dự phòng các loại vật tư, trang thiết bị cùng với phương án phân bổ trang thiết bị sau dịch bảo đảm chủ động, tiết kiệm nguồn lực.

Đối với các sinh phẩm, công nghệ khử khuẩn phục vụ phòng, chống dịch: Khẩn trương cập nhật, hướng dẫn sử dụng các công nghệ, sinh phẩm khử khuẩn hiệu quả, ít ô nhiễm môi trường.

---------------------

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2021 – 2022

Ngày 15/10/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 267/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2021 - 2022.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới bảo đảm chất lượng giáo dục, hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 trong điều kiện dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, các bộ và cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện nhiệm vụ sau đây:

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 một cách chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19 bảo đảm việc bổ sung kiến thức cho học sinh trong ngắn hạn cũng như trong các năm học tiếp theo.

Bên cạnh đó, rà soát các quy định bảo đảm an toàn trường học, trong đó có tính đến tỷ lệ tiêm bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, giáo viên và học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi. Trên cơ sở đó, sớm ban hành hướng dẫn các cơ sở giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đưa hoạt động giáo dục dần trở lại trạng thái bình thường mới; chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục cần lưu ý bảo đảm an toàn, sức khỏe cho học sinh trong điều kiện học trực tuyến.

Xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo với tinh thần kế thừa kết quả cũng như kinh nghiệm của những năm học trước đặc biệt là của năm học 2020 - 2021 vừa qua.

Tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; tổ chức thẩm định, phê duyệt và đưa sách giáo khoa vào sử dụng theo hình thức cuốn chiếu bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nắm bắt nhu cầu, đặt hàng trực tuyến để vận chuyển, đưa sách đến tận tay học sinh.

Có chương trình cụ thể  đổi mới trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có chương trình, kế hoạch cụ thể đổi mới công tác trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học trong nhà trường trên tinh thần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thay thế một số đồ dùng, thiết bị dạy học bằng các công cụ công nghệ thông tin; tiếp tục rà soát Chương trình củng cố, kiên cố hóa trường lớp học nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đó trường học phải được phủ sóng viễn thông, kết nối Internet đáp ứng yêu cầu dạy và học trong điều kiện dịch bệnh.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó quan tâm, chăm sóc giáo dục trẻ em, học sinh toàn diện từ phẩm chất, năng lực, kiến thức, kỹ năng đến tâm lý lứa tuổi học đường nhất là trong và sau mùa dịch. Bám sát các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương để tổ chức thực hiện hiệu quả; sơ kết, tổng kết những nhiệm vụ đã được thực hiện trong một thời gian dài và có kết quả; kiến nghị những nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Chỉ đạo địa phương tổ chức thực hiện đăng ký tiêm vaccine cho học sinh trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tiêm vaccine sớm, an toàn cho học sinh.

Tích cực vận động các nhà tài trợ sớm có máy tính cho học sinh 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục hỗ trợ cước viễn thông, Internet cho học sinh gặp khó khăn ở các vùng dịch phải học trực tuyến. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh thực hiện phủ sóng viễn thông, Internet trong Chương trình “sóng và máy tính cho em” kể cả ở những vùng không có dịch vì học trực tuyến và học trên truyền hình vẫn là phương thức bổ trợ kiến thức lâu dài cho học sinh. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực vận động các nhà tài trợ sớm có được máy tính cho học sinh để học trực tuyến theo đúng đối tượng của Chương trình.

Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp phát triển phần mềm ứng dụng phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và  Đào tạo sớm phát triển các nền tảng dạy, học trực tuyến bảo đảm an toàn thông tin cho học sinh.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn đăng ký và chỉ đạo tổ chức tiêm vaccine cho học sinh trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi. Đồng thời có hướng dẫn biện pháp bảo vệ  đối với học sinh chưa được tiêm vaccine trong điều kiện bình thường mới.

Tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trong và ngoài nước, kinh nghiệm quốc tế để có hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em, học sinh trong độ tuổi từ 3 đến dưới 12 tuổi.  

Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát lại hệ thống y tế trường học bảo đảm cho học sinh trong trường đều có đầu mối y tế cụ thể để theo dõi sức khỏe theo đúng tinh thần đến trường thì phải an toàn, trong trường là môi trường an toàn.

Bảo đảm cơ sở vật chất, trường, lớp sẵn sàng cho học sinh đi học trở lại

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bảo đảm cơ sở vật chất, trường, lớp sẵn sàng cho học sinh đi học trở lại, nhất là những trường học được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua; quan tâm bổ sung, củng cố hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ học tập của học sinh, trong đó có việc dạy và học trực tuyến; thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn, sức khỏe cho học sinh trong điều kiện học trực tuyến.

Triển khai ngay việc lập danh sách đăng ký tiêm vaccine cho học sinh trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế để sẵn sàng tổ chức tiêm khi có vaccine, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, kịp thời; rà soát lại hệ thống y tế trường học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế bảo đảm học sinh được theo dõi sức khỏe thường xuyên, đầy đủ./.


 

Top