Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/10/2020

14/10/2020 20:58

Xây dựng Nghị định sửa đổi về tín dụng đầu tư Nhà nước

Tại Nghị quyết 151/NQ-CP, Chính phủ quyết nghị thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, bảo đảm nội dung của Nghị định phù hợp, thống nhất và đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành, bám sát các nội dung mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại văn bản số 6726-CV/VPTW ngày 25/5/2018 của Văn phòng Trung ương thông báo ý kiến kết luận của Bộ Chính trị, Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 31/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021 và các văn bản liên quan.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Chương trình đặt mục tiêu 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025, 85% năm 2030.

Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025, 100% năm 2030; người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% năm 2025, 90% năm 2030.

100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi có nội dung chăm sóc sức khỏe đạt 80% năm 2025, 100% năm 2030...

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đưa ra nhiệm vụ và giải pháp là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Đồng thời, củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.

Bên cạnh đó, đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở các tuyến: Bệnh viện Lão khoa Trung ương, các bệnh viện trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, Trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế cấp xã; cơ sở chăm sóc sức khỏe; cán bộ dân số và tình nguyện viên ở cơ sở; đưa nội dung lão khoa vào chương trình đào tạo cho sinh viên đại học và sau đại học trong hệ thống các trường y trên cả nước.

Đa dạng hóa nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và từng bước tăng mức đầu tư. Đảm bảo đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện Chương trình.

Chương trình triển khai trên toàn quốc. Tập trung tại các tỉnh, thành phố và địa bàn có tỷ lệ người cao tuổi cao hơn bình quân chung của cả nước; vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực, phương tiện để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên phạm vi toàn quốc; tổ chức kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình.

Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc lập quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đảm bảo phù hợp với các nội dung, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021 - 2030; chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành liên quan đến tỉnh Quảng Ngãi. Hướng đến phát triển bền vững trên cả ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường trong dài hạn.

Đồng thời, đánh giá đầy đủ giá trị địa kinh tế - chính trị của tỉnh Quảng Ngãi; các tác động về các điều kiện và bối cảnh từ bên ngoài đến phát triển của tỉnh; các cơ hội liên kết giữa tỉnh Quảng Ngãi với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, cả nước và quốc tế; khả năng khai thác các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; tạo nền tảng cho phát triển trên cơ sở tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế động lực; khai thác trục hành lang kinh tế chủ đạo của tỉnh theo các tuyến giao thông huyết mạch (Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 1, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 24B) cũng như đẩy mạnh kết nối giữa các khu vực đồng bằng, miền núi và hải đảo trên địa bàn tỉnh phù hợp với khả năng cân đối, huy động về nguồn lực của tỉnh Quảng Ngãi.

Một trong những mục tiêu lập quy hoạch là tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh.Làm cơ sở lập quy hoạch xây dựng các vùng huyện và liên huyện, quy hoạch đô thị và nông thôn và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành có liên quan. Là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đảm bảo khách quan, khoa học.

Đưa ra các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp bố trí không gian phát triển hợp lý nhằm giải quyết các xung đột về không gian (giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các vùng, lãnh thổ...) trên địa bàn tỉnh cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hiệu quả các điều kiện bên trong và thu hút các nguồn lực bên ngoài; cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, sản xuất, kinh doanh, sinh sống, làm việc và kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch tỉnh.

Nội dung Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tuân thủ theo quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NQ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, bao gồm các nội dung chủ yếu như: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Quảng Ngãi; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; đánh giá việc thực hiện các chiến lược, chương trình, quy hoạch và các dự án liên quan trong thời kỳ quy hoạch trước, dự báo tác động trong thời kỳ quy hoạch mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; xây dựng quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển tỉnh.

Đưa KCN Hòa Bình (giai đoạn 2) tỉnh Kon Tum ra khỏi Quy hoạch

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh đưa khu công nghiệp Hòa Bình (giai đoạn 2) tỉnh Kon Tum với quy mô diện tích 70 ha ra khỏi Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.

Các khu công nghiệp khác nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 đã được phê duyệt tại văn bản số 433/TTg-CN ngày 06/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp; sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đảm bảo không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành; chịu trách nhiệm về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của khu công nghiệp, đảm bảo diện tích đưa ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và không thất thoát ngân sách nhà nước. Tuân thủ quy định của pháp luật trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án tại diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch khu công nghiệp.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp chậm triển khai thực hiện. Trường hợp dự án không có khả năng triển khai thực hiện, đề nghị thực hiện thủ tục đưa ra khỏi quy hoạch hoặc điều chỉnh giảm diện tích khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.

Chỉ đạo các cơ quan liên quan yêu cầu nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp ưu tiên xây dựng các công trình nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp trước khi đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết nhu cầu nhà ở, các công trình xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Báo VOV điện tử ngày 7/10/2020 có bài viết “Hơn 50% lao động nghề du lịch thiếu kỹ năng nghiệp vụ”, trong đó thông tin: Trong giai đoạn 2015 – 2019, chỉ có 45% lao động nghề du lịch tại Việt Nam đã qua đào tạo, thậm chí trong số này vẫn còn lượng lao động chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng. Theo các chuyên gia, Nhà nước cần ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách để hình thành môi trường thuận lợi, tăng cường các yếu tố động lực và giảm bớt các yếu tố rào cản cho sự phát triển liên kết dạy nghề du lịch.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá; có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là lĩnh vực du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.

Sơ kết 2 năm thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện các Đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì Hội nghị, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ nội dung, chương trình, rà soát báo cáo tham luận của các tỉnh, trong đó cần tập trung tổng kết những bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các Đề án thí điểm, thảo luận mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, đề xuất giải pháp xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu cho giai đoạn 2021-2025./.

Top