Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/10

13/10/2020 18:12

Hoàn thiện Báo cáo NCKT Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Thông báo kết luận nêu rõ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương Hội đồng thẩm định nhà nước do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Chủ tịch, đã rất tích cực thực hiện thẩm định với trách nhiệm cao. Theo quy định của pháp luật, Hội đồng thẩm định nhà nước chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung thẩm định. Vì vậy, ý kiến kết luận và ý kiến của Hội đồng thẩm định là cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Báo cáo NCKT Dự án.

Để hoàn thiện hơn chất lượng của Báo cáo NCKT theo đúng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 29/11/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải có ý kiến rõ hơn về nội dung thẩm định, đặc biệt là vốn đầu tư, cơ sở pháp lý của việc giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (AVG) làm chủ đầu tư Dự án thành phần 3 và căn cứ pháp lý của các cơ chế đặc thù; trên cơ sở đó, kết luận rõ Báo cáo NCKT Dự án có đủ điều kiện hay không để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16/10/2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét cụ thể, ký Quyết định phê duyệt Báo cáo NCKT Dự án. Tinh thần là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện đại, đảm bảo tiến độ, đảm bảo đồng bộ, chất lượng công trình và phát huy hiệu quả lâu dài.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh UBND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện tốt Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng  hàng không quốc tế Long Thành. Yêu cầu Tỉnh tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Thông báo số 356/TB-VPCP ngày 9/10/2020 của Văn phòng Chính phủ, sớm bàn giao mặt bằng phần diện tích thuộc giai đoạn 1 theo đúng cam kết; đồng thời tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại của toàn bộ dự án; có giải pháp quản lý chặt chẽ diện tích đã giải phóng mặt bằng, tránh tái lấn chiếm.

Để đảm bảo thủ tục pháp lý cho việc khởi công một số hạng mục công trình của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 trước ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ công trình.

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông là quy hoạch quốc gia có xét đến kết nối quốc tế, định hướng phát triển đồng bộ với hạ tầng thông tin và truyền thông các địa phương, bao gồm hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình.

Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch là toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời bao gồm không phận, vị trí quỹ đạo vệ tinh mà Việt Nam có chủ quyền.

Quy hoạch nhằm góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia đồng thời bảo đảm khả năng thông suốt về hạ tầng thông tin và truyền thông trong hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh lãnh thổ của quốc gia, tạo dựng sự phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng và địa phương, giảm sự bất bình đẳng giữa các vùng, miền; bảo đảm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương và lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại; góp phần tạo ra nhiều việc làm, ổn định sinh kế, hạn chế bất bình đẳng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số...

Một trong những nguyên tắc lập Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 là bền vững và dài hạn: Bảo đảm lập quy hoạch dựa trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường cho một thời gian dài, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc lập quy hoạch cũng cần bảo đảm các nguyên tắc khác như: Bảo đảm tính khả thi trong triển khai, phù hợp với khả năng thực tế và nguồn lực của quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và khả năng huy động nguồn lực trong tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng phương hướng, định hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển và vận động của bối cảnh trong và ngoài nước.

Bảo đảm tính kế thừa và tính mở để tiếp cận các phương pháp quy hoạch hiện đại; bảo đảm tính liên kết không gian, thời gian trong hoạt động quy hoạch; bảo đảm an toàn thông tin mạng và tính dự phòng trong quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng các nguồn lực để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của các sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh...

Nội dung lập quy hoạch thực hiện theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, gồm các nội dung chủ yếu: Phân tích, đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội; đánh giá thực trạng hạ tầng thông tin và truyền thông; dự báo phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông trong thời kỳ quy hoạch; xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông trong thời kỳ quy hoạch, gồm hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình; phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ;...

Thời hạn lập quy hoạch không quá 12 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán của dự án và lựa chọn đơn vị lập quy hoạch theo đúng quy định hiện hành; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện lập quy hoạch theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả.

Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông lập quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định, bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ.

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận trong thương mại điện tử

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa xây dựng kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Đồng thời, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.

6 nhiệm vụ

Kế hoạch đặt ra 6 nhiệm vụ gồm:

1- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam đã được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

2- Tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện cơ chế, chính sách thích ứng với pháp lý và tập quán quốc tế về hoạt động thương mại điện tử.

3- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, về các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; xây dựng các kế hoạch tuyên truyền theo các chuyên đề để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tạo sức lan tỏa sâu, rộng để người dân tích cực, chủ động tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

4- Chú trọng nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên bổ sung kiến thức nghiệp vụ, cập nhật các xu hướng phát triển công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ mới cho các lực lượng chức năng đáp ứng yêu cầu, nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng, chống các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.

5- Tăng cường công tác hợp tác quốc tế với các tổ chức có liên quan để phối hợp điều tra, xử lý đối với các tên miền, các website, mạng xã hội đối tượng ở nước ngoài và đối tượng sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới để hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật nước Việt Nam.

6- Khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; phát hiện, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật.

Xử nghiêm hành vi lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật

Trong đó, Kế hoạch nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng khác tăng cường công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ.

Đồng thời, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng, ngừng, tạm ngừng, thu hồi giấy phép trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tên miền quốc gia Việt Nam “.VN” vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin ngăn chặn tên miền, địa chỉ IP quốc tế được sử dụng để vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, lực lượng Công an các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng khác chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, chủ động phát hiện, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân; tổ chức đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, tập trung điều tra, kết luận, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong việc lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật; tiếp nhận, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự do cơ quan chức năng khác chuyển đến./.

Top