Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 12/9

13/09/2019 00:35

Miễn nhiệm Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Cao Huy để nhận nhiệm vụ mới.

Từ 1/1/2020 thực hiện ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can

Kể từ ngày 1/1/2020 thực hiện thống nhất ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc. Đó là nội dung tại Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu của Đề án là tổ chức thực hiện quy định của Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP đến các cán bộ có liên quan việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can (như cán bộ kỹ thuật của lực lượng hồ sơ, điều tra viên, cán bộ thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam...); chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn công tác hỏi cung bị can trong hoạt động tố tụng hình sự.

Xây dựng bộ máy, cán bộ; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ để thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can; xây dựng lộ trình và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với cán bộ, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

Một trong những nhiệm vụ của Đề án là triển khai Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP, cụ thể: Biên soạn tài liệu tập huấn Thông tư liên tịch, trong đó tập trung vào các nội dung đảm bảo thống nhất nhận thức về hoạt động ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can đã được quy định trong Thông tư liên tịch này; tổ chức các hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ có liên quan đến việc thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can về các nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch nhằm trang bị các kiến thức cần thiết để thực hiện đúng và thống nhất. Thời gian thực hiện quý III/2019.

Đồng thời chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can; xây dựng tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ thực hiện công tác ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can.

Theo lộ trình thực hiện Đề án, năm 2019 hoàn thành Đề án tổng thể và triển khai đầu tư đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can.

Kể từ ngày 1/1/2020 thực hiện thống nhất ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước đảm bảo và được sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Thành lập Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước trực thuộc UBND tỉnh Bình Phước trên cơ sở hợp nhất Báo Bình Phước và Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước.

Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương; góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, trụ sở làm việc đặt tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự chủ một phần kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Phước chịu trách nhiệm chỉ đạo việc ổn định tổ chức bộ máy, bàn giao cho Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước theo quy định của pháp luật; ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước.

Gỡ vướng trong xử lý tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo xử lý vướng mắc trong xử lý tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Xét báo cáo của Bộ Tư pháp về các vướng mắc trong xử lý tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 226 của Bộ Luật Hình sự, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý các nội dung báo cáo và kiến nghị của Bộ Tư pháp.

Phó Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Công an trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn điều 225, Điều 226 của Bộ luật hình sự.

Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính (Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Phó Thủ tướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo tại tỉnh An Giang

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc về kiểm tra, chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài tại tỉnh An Giang.

Theo đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang quán triệt, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị và Luật Tiếp công dân; tăng cường đối thoại, tiếp dân nơi xảy ra vụ việc, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân ngay từ khi mới phát sinh. Quá trình tiếp dân phải lắng nghe để từ đó có biện pháp giải quyết thấu đáo, có lý, có tình.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh An Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chủ tịch UBND các cấp phải nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo xảy ra trên địa bàn, giải quyết kịp thời, đúng luật các vụ việc thuộc thẩm quyền.

Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài: Lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, dành thời gian thích hợp để chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Trong quá trình giải quyết cần huy động hệ thống chính trị ở cơ sở để tham gia tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật để dân hiểu. Nếu trước đây giải quyết chưa đúng thì điều chỉnh để giải quyết dứt điểm; trường hợp đã giải quyết đúng, có lý, có tình thì giải thích, thuyết phục người dân hiểu, chấp hành, công khai kết quả giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết. Nếu người khiếu nại có hoàn cảnh thực sự khó khăn, cần xem xét, vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ để ổn định cuộc sống.

Về công tác quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh An Giang tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các tồn tại, sai phạm trong quản lý đất đai. Việc thu hồi đất, hỗ trợ, tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất.

Đối với các vụ việc khiếu nại kéo dài, UBND tỉnh Anh Giang cần chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra lại hồ sơ để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại kéo dài; trường hợp đã rà soát kỹ, xác định giải quyết đúng theo quy định, đã xem xét các phương án hỗ trợ nhưng người dân không đồng ý thì có văn bản thông báo chấm dứt việc giải quyết, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh An Giang mà đã có quyết định giải quyết nhưng công dân tiếp tục khiếu nại thì phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, thống nhất biện pháp giải quyết để dứt điểm khiếu nại./.

Top