Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/9/2020

10/09/2020 18:51

Chính sách phát triển giáo dục mầm non

Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non bao gồm: Chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non; chính sách đối với trẻ em; chính sách đối với giáo viên mầm non.

Chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non

Nghị định nêu rõ: Ưu tiên đầu tư kinh phí của Trung ương và địa phương từ các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm yêu cầu đến năm 2025 đạt 01 phòng/nhóm, lớp và đáp ứng yêu cầu kiên cố hóa trường lớp học.

Cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được ngân sách nhà nước hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em. Kinh phí hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non được tính trên số lượng trẻ em được ăn bán trú, tối thiểu bằng 2.400.000 đồng/01 tháng/45 trẻ em, số dư từ 20 trẻ em trở lên được tính thêm một lần mức hỗ trợ. Mỗi cơ sở giáo dục mầm non được hưởng không quá 05 lần mức hỗ trợ nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm học.

Cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 01 lần, bao gồm: trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Mức hỗ trợ tối thiểu là 20 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập.

Chính sách đối với trẻ em mẫu giáo

Nghị định quy định trẻ em độ tuổi mẫu giáo (không bao gồm trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ) đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm một trong những điều kiện sau:

1- Có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

2- Không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

3- Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

4- Trẻ em là con liệt sĩ, con Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh, con người hưởng chính sách như thương binh, con bệnh binh; con một số đối tượng chính sách khác theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có).

5- Trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

Trẻ em thuộc đối tượng quy định ở trên được hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Chính sách đối với giáo viên mầm non

Theo Nghị định, giáo viên mầm non dạy tại điểm lẻ của cơ sở giáo dục mầm non công lập ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm một trong những điều kiện sau:

1- Trực tiếp dạy 02 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên.

2- Trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số.

Giáo viên mầm non thuộc đối tượng trên hàng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Tiền hỗ trợ được trả cùng với việc chi trả tiền lương của tháng và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 và 2019 đã được kéo dài sang năm 2020.

Cụ thể, điều chỉnh giảm 670.915,341 triệu đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 của các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn; điều chỉnh tăng 528.915,341 triệu đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương tại Phụ lục kèm theo.

Đồng thời, điều chỉnh 680.760,572 triệu đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 và 2019 đã được kéo dài sang năm 2020 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương tại Phụ lục kèm theo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục và mức vốn điều chỉnh của từng dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách trung ương được điều chỉnh, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thông báo cho các đơn vị danh mục và mức vốn từng dự án theo quy định; gửi báo cáo đến các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính trước ngày 15/9/2020; số vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2018 và 2019 kéo dài sang năm 2020 điều chỉnh cho các dự án được phép giải ngân đến ngày 31/12/2020.

Kiểm tra phản ánh về vi phạm Luật Đê điều

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu về vi phạmp Luật Đê điều tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Vừa qua, trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh: Hàng chục bãi than chất cao như núi khổng lồ trên địa bàn huyện Kim Thành (Hải Dương) tồn tại nhiều năm bất chấp yêu cầu giải tỏa của chính quyền địa phương, ảnh hưởng đến dòng chảy, vi phạm Luật Đê điều, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương kiểm tra thông tin báo nêu, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có theo đúng quy định của pháp luật.

Vĩnh Phúc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án trọng điểm

Từ nay đến cuối năm 2020 và những năm tới, tỉnh Vĩnh Phúc rà soát nhiệm vụ được giao, có giải pháp, quyết tâm cao hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, trọng tâm là các dự án trọng điểm, các dự án có vốn bố trí lớn, dự án hoàn thành trong năm 2020.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ chính quyền, quân và dân tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua, đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá với mức tăng bình quân 8,05%/năm; công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, tăng trưởng bình quân đạt 10,61%/năm.

Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 103,1 triệu đồng/người, đứng thứ 4/11 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 10/63 tỉnh/thành phố cả nước; năng suất lao động đạt 186,63 triệu đồng/lao động. Trong 8 tháng đầu năm 2020, Tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa thực hiện nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu đạt tỷ lệ cao.

Tuy nhiên, Vĩnh Phúc còn một số hạn chế cần lưu ý khắc phục: Trong 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) âm 2,7%; thu ngân sách đạt thấp, bằng 84% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là giải ngân vốn ODA. Công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản của chính quyền cơ sở chưa hiệu quả. Nhiều vụ việc tập trung đông người, có nguy cơ tiềm ẩn phức tạp phát sinh trên địa bàn nhưng cấp ủy, chính quyền chưa có các biện pháp triệt để giải quyết.

Tình hình thế giới gặp khó khăn, nhiều nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tác động đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước và tỉnh Vĩnh Phúc, trong thời gian tới, Tỉnh tập trung làm tốt một số trọng tâm công tác sau:

Phát huy kết quả đạt được và kinh nghiệm phát triển trong những năm qua, từ nay đến cuối năm 2020 và những năm tới, Tỉnh rà soát nhiệm vụ được giao, có giải pháp, quyết tâm cao hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, trọng tâm là các dự án trọng điểm, các dự án có vốn bố trí lớn, dự án hoàn thành trong năm 2020. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công và tập trung giải ngân các nguồn vốn đầu tư, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch 5 năm tới.

Người đứng đầu chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020; tích cực chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA theo quy định. Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền; thực hiện việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm nhà thầu có năng lực triển khai thực hiện dự án. 

Quản lý chặt chẽ lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản theo hướng sử dụng tiết kiệm đất, tài nguyên khoáng sản, tăng trưởng xanh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch, bảo vệ cảnh quan môi trường. Làm tốt công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường trong các khu công nghiệp, khu du lịch, làng nghề, đô thị, vùng nông thôn để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, phát triển mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, đưa công nghệ số vào mọi mặt của đời sống. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo. 

Đề cao trách nhiệm công vụ, chất lượng cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng xử lý thông tin phản hồi của các doanh nghiệp, người dân; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Quảng Ninh chú trọng phát triển mạnh du lịch văn hóa, di sản

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Thông báo kết luận nêu rõ, trong những năm qua, Đảng bộ chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới sáng tạo, đoàn kết, khắc phục khó khăn, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng phía Bắc. Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp ngành than; giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết về hạ tầng, nguồn nhân lực để đón đầu làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư sau đại dịch COVID-19...

Những kết quả đạt được của tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ qua là rất ấn tượng. Tuy nhiên, Quảng Ninh còn một số tồn tại cần sớm khắc phục như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; giải phóng mặt bằng dự án động lực gặp khó khăn và chậm tiến độ...

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nắm bắt thời cơ, khắc phục những tồn tại, tháo gỡ ”điểm nghẽn” cản trở quá trình phát triển, khơi thông nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế  - xã hội của Tỉnh, tiếp tục khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm tiếp theo, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, hạn chế tối đa tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Tập trung điều tra, triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, kinh doanh hàng giả; truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam, thuốc lá, rượu ngoại tái xuất thẩm lậu, quay vòng vào nội địa. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển mạnh dịch vụ du lịch, nhất là du lịch văn hóa, du lịch di sản. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch giá rẻ, các chuyến du lịch ”0 đồng”. Phát triển kinh tế khu vực biên giới, tạo việc làm cho người dân, giúp người dân có cuộc sống ổn định, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Phát động phong trào quần chúng nhân dân phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến các cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, tăng cường phòng ngừa tội phạm, quản lý chặt chẽ đối tượng, địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Xác lập các chuyên án đấu tranh với các băng nhóm tội phạm, tập trung vào địa bàn trọng điểm, tuyến trọng yếu để phục vụ cho đấu tranh chống buôn lậu, tội phạm; có sự kết nối và sử dụng hệ thống camera để phục vụ công tác quản lý nhà nước và đấu tranh phòng chống tội phạm, lưu ý đến yếu tố bảo mật. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên cơ sở đoàn kết, hữu nghị để nắm bắt tình hình, chia sẻ thông tin và phối hợp lực lượng đấu tranh chống buôn lậu.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020. Thực hiện việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng thời tích cực giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền; xử lý các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công./.


 

Top