Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/6/2016

10/06/2016 17:48

Bổ nhiệm lại 3 cán bộ
Thủ tướng Chính phủ vừa ký các Quyết định bổ nhiệm lại 2 Thứ trưởng Bộ Tài chính và Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm lại ông Trần Xuân Hà và ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định bổ nhiệm lại ông Vũ Hải giữ chức Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

-----------------------

Cử thành viên BCĐ  Đổi mới và Phát triển DN
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định cử thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.

2 Phó Trưởng ban gồm: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà (Phó Trưởng ban thường trực); Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp Văn phòng Chính phủ Nguyễn Trọng Dũng.

Các Ủy viên gồm: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Phước Thanh;  Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch; Bí thư Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương Phạm Viết Thanh; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính.

Theo Quyết định 2092/QĐ-TTg ngày 23/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo này có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ xây dựng chương trình, kế hoạch đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trong phạm vi cả nước. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện các chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức nghiên cứu các mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách phục vụ cho việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Đồng thời, sơ kết, tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ và đột xuất về tình hình đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; theo dõi việc thí điểm chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

------------------------

Kiện toàn nhân sự  Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định kiện toàn nhân sự Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, kiêm Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, kiêm Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thay ông Trương Minh Tuấn đã được phân công nhiệm vụ khác; ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, kiêm Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thay bà Vũ Thị Mai đã được phân công nhiệm vụ khác.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng chỉ đạo và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện các chiến lược, đề án quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và các giải pháp liên ngành nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước.

Ủy ban còn có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các kế hoạch tổ chức thực hiện các chiến lược, đề án quốc gia, các giải pháp phối hợp liên ngành bảo đảm trật tự an toàn giao thông để phát huy tính hiệu quả, đồng bộ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông...

---------------------

Thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và giảm nghèo bền vững
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng là Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Công Thương, Giao thông vận tải, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quốc phòng, Công an, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020), Lao động - Thương binh và Xã hội (thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020).

Hội đồng thẩm định Nhà nước có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; yêu cầu Cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư chương trình cung cấp các tài liệu, thông tin có liên quan đến Chương trình để phục vụ công tác thẩm định, khi cần thiết yêu cầu cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư chương trình sửa đổi, bổ sung hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu thẩm định; xem xét, quyết định kế hoạch thẩm định và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định Chương trình.

---------------------

Thay đổi nhân sự Tổ công tác Phú Quốc
Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thay đồng chí Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm Tổ trưởng Tổ công tác nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang theo Quyết định số 1392/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ công tác nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo Quyết định số 1392/QĐ-TTg.

Tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu các mô hình phát triển đảo trong và ngoài nước (chủ yếu các nước châu Á); trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đảo Phú Quốc nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang rà soát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách hiện hành của Đảng, Nhà nước về phát triển đảo Phú Quốc và kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế đầu tư phát triển Đảo.

---------------------

Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2035
Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2035 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Kạn bao gồm toàn tỉnh Bắc Kạn trên phạm vi 8 đơn vị hành chính: 1 Thành phố (Bắc Kạn); 7 huyện (Chợ Mới, Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn, Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm), với tổng số 122 xã, phường, thị trấn.

Nhiệm vụ quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu Bắc Kạn trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; sẵn sàng đáp ứng sự phân công, hợp tác, chia sẻ liên kết về các động lực, cơ hội phát triển, mối quan hệ cung cầu cũng như trách nhiệm giải quyết các khó khăn và thách thức theo hướng hài hòa và bền vững.

Dự báo phát triển đô thị đến năm 2035 hệ thống đô thị của tỉnh Bắc Kạn phân bố hợp lý, tầng bậc, bao gồm 1 thành phố và các thị xã, thị trấn.

Thành phố Bắc Kạn sẽ trở thành đô thị loại II, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá khoa học kỹ thuật của tỉnh Bắc Kạn, một thành phố tạo sức lan tỏa ảnh hưởng đến các đô thị khác trong tỉnh và trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội của vùng tỉnh Bắc Kạn, tạo điều kiện cho các đô thị trong vùng phát huy vai trò là những hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh tế, văn hóa - xã hội.

Nhiệm vụ quy hoạch yêu cầu đề xuất trên cơ sở xem xét các phương án chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng và của tỉnh, nội dung dự báo nhằm xác lập tiền đề phát triển vùng, gồm: Dự báo tăng trưởng về kinh tế, xã hội, dân số, lao động và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và đất đai; dự báo khả năng và quá trình đô thị hóa; các hình thái phát triển theo khả năng đô thị hóa của vùng; dự báo quy mô dân số đô thị, nông thôn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng và chiến lược phân bố dân cư của quốc gia cho các giai đoạn ngắn và dài hạn...

Bên cạnh đó, xác lập các phân vùng phát triển không gian, theo hướng vừa nối kết với tổng thể phát triển chung của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vừa sử dụng hiệu quả các tiềm năng của địa bàn, phù hợp với phân vùng của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn thời kỳ đến năm 2020.

Cụ thể, các phân vùng không gian xây dựng tập trung như công nghiệp lớn cấp vùng, các vùng đô thị phát triển tập trung; xác định vùng đô thị hóa mạnh, các trục, hành lang đô thị hoá, các cực phát triển và quần cư đô thị hoá, xu hướng di dân; các phân vùng cảnh quan phải bảo toàn gắn dịch vụ du lịch; các phân vùng không gian nông lâm nghiệp, đô thị và nông thôn gắn công nghiệp vừa và nhỏ.

Sử dụng yếu tố đánh giá lồng ghép đa ngành có hiệu quả nhất trong liên kết phát triển nội, ngoại vùng. Đề xuất các đặc điểm về quy mô, tính chất, hướng phát triển chính, lựa chọn cấp độ của từng phân vùng (vùng trung tâm, vùng hỗ trợ, ảnh hưởng...)./.

Top