Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 08/01/2018

08/01/2018 18:32

Quy định về kinh doanh dịch vụ logistics

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics.

Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.

Trong đó, về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, thương nhân kinh doanh các dịch vụ cụ thể thuộc dịch vụ logistics phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó.

Thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics.

Giới hạn trách nhiệm

Nghị định cũng quy định về giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Theo đó, giới hạn trách nhiệm là hạn mức tối đa mà thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng đối với những tổn thất phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dịch vụ logistics theo quy định.

Trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định về giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thì thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

Trường hợp pháp luật liên quan không quy định giới hạn trách nhiệm thì giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện như sau: Trường hợp khách hàng không có thông báo trước về giá trị hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường; trường hợp khách hàng đã thông báo trước về giá trị hàng hóa và được thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics xác nhận thì giới hạn trách nhiệm sẽ không vượt quá giá trị của hàng hóa đó.

Giới hạn trách nhiệm đối với trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức thực hiện nhiều công đoạn có quy định giới hạn trách nhiệm khác nhau là giới hạn trách nhiệm của công đoạn có giới hạn trách nhiệm cao nhất.

Nghị định có hiệu lực từ 20/2/2018.

 

Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của VTV

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 02/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).

Theo đó, Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là đài truyền hình quốc gia thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bằng các chương trình truyền hình và các loại hình báo chí, truyền thông đa phương tiện khác.

Đài Truyền hình Việt Nam có nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án quan trọng khác của Đài Truyền hình Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; tổ chức sản xuất, truyền dẫn, phát sóng, phát hành, lưu trữ các chương trình truyền hình, báo điện tử, báo in theo quy định của pháp luật; quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung, chương trình và thời lượng phát sóng hàng ngày trên các kênh chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình địa phương về kế hoạch sản xuất các chương trình phát trên kênh chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam; quản lý, quyết định các dự án đầu tư và xây dựng thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tham gia thẩm định các đề án, dự án quan trọng thuộc chuyên môn, nghiệp vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đồng thời, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc; được vận dụng cơ chế tài chính, tiền lương như doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp do Đài Truyền hình Việt Nam quyết định thành lập và đối với phần vốn góp tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;...

Cơ cấu tổ chức

Đài Truyền hình Việt Nam có các đơn vị gồm: 1- Ban Thư ký biên tập; 2- Ban Tổ chức cán bộ; 3- Ban Kế hoạch - Tài chính; 4- Ban Hợp tác quốc tế; 5- Ban Kiểm tra; 6- Văn phòng; 7- Ban Thời sự; 8- Ban Khoa giáo; 9- Ban Truyền hình tiếng dân tộc; 10- Ban Truyền hình đối ngoại; 11- Ban Văn nghệ; 12- Ban Sản xuất các chương trình Giải trí; 13- Ban Sản xuất các chương trình Thể thao; 14- Ban Biên tập truyền hình cáp; 15- Ban Thanh thiếu niên; 16- Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự; 17- Trung tâm Sản xuất phim truyền hình; 18- Trung tâm Tư liệu; 19- Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; 20- Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế; 21- Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng; 22- Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Nha Trang; 23- Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Cần Thơ; 24- Các cơ quan thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật; 25- Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình; 26- Trung tâm Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng; 27- Trung tâm Mỹ thuật; 28- Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền hình; 29- Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình; 30- Trung tâm Tin học và Công nghệ truyền hình; 31- Tạp chí Truyền hình.

Các đơn vị từ (1) đến (6) nêu trên là tổ chức giúp việc Tổng giám đốc; các đơn vị quy định từ (7) đến (27) là các tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình; các đơn vị quy định từ (28) đến (31) là các tổ chức sự nghiệp khác.

Đài Truyền hình Việt Nam có Tổng giám đốc và không quá 4 Phó Tổng giám đốc. Tổng Giám đốc và các Phó Tổng giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.

 

Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức mới của VOV

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 03/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), thay thế Nghị định số 55/2014/NĐ-CP.

Theo quy định mới, cơ cấu tổ chức của VOV gồm: Ban Thư ký biên tập; Ban Tổ chức cán bộ; Ban Kế hoạch - Tài chính; Ban Hợp tác quốc tế; Ban Kiểm tra; Văn phòng; Ban Thời sự (VOV1); Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2); Ban Âm nhạc (VOV3); Ban Dân tộc (VOV4); Ban Đối ngoại (VOV5); Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6); Báo Điện tử VOV (VOV.VN); Báo Tiếng nói Việt Nam (Báo VOV); Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; Kênh VOV Giao thông (VOVGT); cơ quan thường trú khu vực Đông Bắc; cơ quan thường trú khu vực Tây Bắc; cơ quan thường trú khu vực Miền Trung; cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên; cơ quan thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh; cơ quan thường trú khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; các cơ quan thường trú tại nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật; Trung tâm Kỹ thuật phát thanh truyền hình; Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ Chương trình; Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền thông; Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Truyền thông (R&D).

Nghị định số 03/2018/NĐ-CP quy định VOV là cơ quan thuộc Chính phủ, là đài phát thanh quốc gia thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bằng các chương trình phát thanh và các loại hình báo chí, truyền thông đa phương tiện khác.

VOV chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về báo chí, phát thanh, truyền hình.

VOV có nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm, các dự án quan trọng của Đài Tiếng nói Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; nghiên cứu, đề xuất xây dựng, trình cấp có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia; ban hành tiêu chuẩn cơ sở theo quy định của pháp luật; quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung, chương trình, thời lượng phát sóng hàng ngày trên các kênh chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, phạm vi phủ sóng, phạm vi tác động thông tin đối nội và đối ngoại theo quy định của pháp luật.

VOV thực hiện tổ chức sản xuất, truyền dẫn, phát sóng, phát hành, lưu trữ các chương trình phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in theo quy định của pháp luật; quản lý trực tiếp hệ thống kỹ thuật chuyên dùng của Đài Tiếng nói Việt Nam để sản xuất chương trình, truyền dẫn tín hiệu và phát sóng chương trình, kênh chương trình trong nước và ra nước ngoài theo quy định của pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành phát thanh theo quy định của pháp luật...

 

Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án "Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS" do Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét (Quỹ Toàn cầu) tài trợ.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng vào phòng, chống HIV/AIDS để góp phần thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Dự án sẽ cung cấp các gói dịch vụ dự phòng HIV gồm tuyên truyền, vận động, khuyến khích sử dụng bơm kim tiêm, bao cao su, thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng và các biện pháp can thiệp giảm tác hại khác nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các hành vi an toàn cho các Nhóm chính trong ứng phó với HIV, đồng thời chuyển gửi các ca dương tính với HIV tới các cơ sở y tế để điều trị HIV bằng thuốc ARV và các đối tượng nghiện chích ma túy tới Chương trình Methadone tại 15 tỉnh của dự án.

Đồng thời củng cố và tăng cường năng lực đối với các hệ thống cộng đồng bền vững tại 15 tỉnh của dự án, tương thích trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm tăng khả năng tiếp cận của hệ thống này đến các nhóm KP là các nhóm có hành vi nguy cơ cao và khó tiếp cận nhất, tạo điều kiện cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS cho các nhóm này.

Bên cạnh đó thúc đẩy môi trường thuận lợi về mặt pháp lý và thực thi chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng chính của dự án tiếp cận các dịch vụ y tế và các dịch vụ hỗ trợ khác nhằm đảm bảo các quyền của họ về chăm sóc y tế, không bị kỳ thị và phân biệt đối xử và được tham gia đầy đủ vào các hoạt động của xã hội.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2020 tại 15 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu với số vốn ODA không hoàn lại là gần 6,5 triệu USD, vốn đối ứng bằng hiện vật.

 

Điều chỉnh dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Hải Phòng, Thái Bình

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Căn cứ Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/08/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 29/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 (đợt 2), Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hải Phòng quyết định điều chỉnh dự án trên theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Dự án xây dựng đoạn tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua Hải Phòng và tỉnh Thái Bình dài 29,7 km đường bộ (20,782 km thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng và 8,925 km thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình).

Trên đoạn tuyến từ Hải Phòng - Thái Bình sẽ có 8 cây cầu được xây dựng. Trong đó, có 2 cây cầu lớn nhất là cầu vượt qua sông Văn Úc dài gần 2 km và cầu vượt sông Thái Bình dài hơn 1 km.

 

Xử lý nghiêm các vi phạm của Công ty TNHH Khải Đức

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức.

Xét báo cáo của Bộ Công Thương về việc xử lý các vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh các vi phạm của Công ty TNHH Khải Đức theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Bộ Công Thương đã công bố hàng loạt sai phạm của Công ty TNHH Khải Đức (thương hiệu Khaisilk).

Thứ nhất, theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, trong giai đoạn 2006-2009, Công ty có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15/10/2017, Công ty không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.

Từ năm 2012 đến nay, Công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.

Thứ hai, Công ty TNHH Khải Đức đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty cho kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”)".

Thứ ba, Công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Cụ thể, một số hóa đơn do Công ty xuất trình không hợp lệ (hóa đơn không phải do Chi cục Thuế phát hành, quản lý), một số hóa đơn kê khai không đúng tên hàng hóa; một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty. Công ty không giải trình được nguyên nhân hoặc xuất trình đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này.

Thứ tư, Công ty đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.

Cụ thể, quá trình kiểm tra phát hiện một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hóa theo quy định; một số sản phẩm còn lại có gắn nhãn hàng hóa nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Thứ năm, Công ty đã có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Công ty cung cấp thông tin tới người tiêu dùng thông qua website với một số nội dung không chính xác.

Đồng thời, doanh nghiệp này đã bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng với các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam trong cùng cửa hàng nhưng đã không giới thiệu hoặc thông tin không đầy đủ cho người tiêu dùng về xuất xứ và thành phần của các sản phẩm này.

 

Hỗ trợ giống cây cho địa phương bị thiệt hại thiên tai

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) giống cây trồng hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai năm 2017.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp 2.665 tấn hạt giống lúa, 225 tấn hạt giống ngô và 7 tấn hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai năm 2017 (không bao gồm 30 tấn hạt giống ngô cho thành phố Đà Nẵng).

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện việc hỗ trợ giống cây trồng trên địa bàn thành phố.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo và phân bổ hạt giống cây trồng nêu trên cho các tỉnh theo đúng quy định.

 

Bộ KHĐT hướng dẫn thực hiện cam kết hợp đồng PPP

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện cam kết trong các hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghĩa vụ đã cam kết trong các Hợp đồng dự án đã ký theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong quá trình xây dựng Luật về PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu kỹ về nội dung nghĩa vụ pháp lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để quy định cho phù hợp./.

Top