Hà Nội

Cải cách quy định hành chính, biến thách thức thành cơ hội

(Chinhphu.vn) – Cải cách thể chế hay quy định hành chính ngày càng trở nên quan trọng hơn, được nhiều quốc gia coi là công cụ để vượt qua khủng hoảng và biến các thách thức trở thành cơ hội mới.

25/11/2010 16:22

Hội thảo quốc tế “ASEAN – OECD về cải cách quy định hành chính” - Ảnh Chinhphu.vn

Hôm nay (25/11), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “ASEAN – OECD về cải cách quy định hành chính”, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo 20 tỉnh, thành của Việt Nam, lãnh đạo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước, các hiệp hội ngành hàng của Việt Nam. Hội thảo do Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ đồng tổ chức.

Giảm gánh nặng hành chính, mang lại lợi ích cho người dân

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là Hội thảo đầu tiên trong khu vực về một chủ đề hiện nay được coi là nóng bỏng , khi mà cải cách thể chế ngày càng trở nên quan trọng hơn, được nhiều quốc gia coi là công cụ để vượt qua khủng hoảng và biến các thách thức trở thành cơ hội mới.

Các biện pháp cải cách, như việc giảm gánh nặng hành chính, minh bạch hóa hệ thống quy định sẽ mang lại những lợi ích trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp nhưng không gây tác động tiêu cực tới ngân sách quốc gia.

Theo đó, thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng và hệ thống thể chế nói chung có chất lượng kém sẽ làm tăng gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, kìm hãm người dân và doanh nghiệp làm tốt nhất công việc của mình trong việc mang lại giá trị gia tăng và tạo việc làm cho xã hội.

“Cải cách thể chế tuy là một việc khó nhưng nếu có sự quyết tâm từ các cấp lãnh đạo cao nhất cũng như sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị thì chắc chắn sẽ thành công. Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua theo Đề án 30 là một minh chứng điển hình cho công việc này”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đánh giá về thành công bước đầu của Việt Nam trong cải cách TTHC, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, Đề án 30 có sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo cao nhất. Thủ tướng đã trực tiếp ban hành những quyết định quan trọng để thực hiện Đề án trên.

Các chỉ đạo của Thủ tướng hướng vào các mục tiêu cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương và từng thủ tục. Theo đó, các tiêu chí, kế hoạch về thống kê, rà soát và cắt giảm tối thiểu 30% TTHC và chi phí tuân thủ TTHC đã được bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Đề án 30 tạo nền tảng hướng tới chiến lược cải cách thể chế tổng thể

Phó Tổng Thư ký Tổ chức OECD Mario Amano cho rằng, các quy định pháp luật cần được nhìn nhận từ góc độ người bị điều chỉnh, từ những tác động đến xã hội.

Theo nhận định của ông Amano, Đề án 30 về cải cách TTHC của Việt Nam đạt được kết quả rất quan trọng và cần trở thành nền tảng hướng tới một chiến lược cải cách thể chế tổng thể. Chiến lược này sẽ góp phần thu hút nguồn đầu tư cần thiết cho phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hình thành và phát triển của doanh nghiệp và chất lượng quản trị công – đều là những nhân tố cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam.

Ông Amano cũng bày tỏ thiện chí của OECD tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong những năm tới về lĩnh vực cải cách thể chế. Quan hệ hợp tác này có vai trò quan trọng đối với chính Việt Nam và cũng sẽ là cầu nối OECD với khu vực. OECD mong muốn quan hệ hợp tác sẽ tập trung hơn, có hệ thống và bền vững hơn dựa trên những nền tảng hiểu biết giữa OECD và các nước ASEAN.

TS. Đinh Văn Ân, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cho rằng, cần tiếp tục mở rộng vai trò phản biện của khối tư nhân trong việc ban hành chính sách và các TTHC, đặc biệt là sự tham dự mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, để việc ban hành và thực thi chính sách hiệu quả nhất, trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tán thành quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân cho biết, cộng đồng 3.700 doanh nghiệp dệt may với 1,3 triệu lao động chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Việt Nam. Một trong những đòi hỏi có tính cạnh tranh cao của ngành dệt may là thời gian, đặc biệt trong khâu làm các thủ tục xuất nhập khẩu.

Ông Lê Quốc Ân nhấn mạnh, thời gian qua, các thủ tục xuất nhập khẩu có nhiều bước tiến bộ, tuy nhiên chưa phải đã hoàn hảo.

“Các TTHC cần được quan tâm rà soát, cắt giảm thường xuyên, liên tục. Kiến nghị cải cách TTHC phải đi đôi với cải cách hành chính thì mới bảo đảm lợi ích và hiệu quả một cách bền vững”, ông Ân kiến nghị.

Lê Sơn

Top