Hà Nội

CCHC - Những chuyện chưa biết ở VPCP

(Chinhphu.vn) – Có lẽ ít người biết rằng các cuộc giao ban của Văn phòng Chính phủ - một cơ quan hành chính – luôn luôn được thực hiện… ngoài giờ hành chính.

15/06/2015 13:42

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên trong cuộc họp báo Chính phủ tháng 5/2015. Ảnh: Quang Hiếu

.

Đẩy mạnh cải cách hành chính - một trong những nhiệm vụ được Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt thời gian qua– đang là yêu cầu cấp thiết với mọi cấp, mọi ngành. Trong đó, VPCP phải luôn luôn gương mẫu trong công tác này, như yêu cầu của Thủ tướng tại hội nghị triển khai công tác năm 2015 của VPCP: “Áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, VPCP phải làm trước. VPCP làm trước thì các bộ, ngành, địa phương cũng phải làm thôi”.

.

Chỉ khác là nếu những cải cách tại các bộ, ngành khác thường có tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống, mọi hoạt động của người dân và doanh nghiệp, thì những cải cách tại VPCP - do chức năng, nhiệm vụ được giao - chủ yếu nhằm thực hiện tốt hơn chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai tốt hơn mối quan hệ công tác giữa VPCP với các cơ quan khác. Nói cách khác, những hoạt động cải cách hành chính tại VPCP chủ yếu mang tính chất “nội bộ” trong bộ máy nhà nước và đây có lẽ là lý do khiến chúng không được nhiều người biết đến. 

.

Hiển nhiên, yêu cầu của Thủ tướng với VPCP không có nghĩa là VPCP “làm thay” các cơ quan khác, mà chỉ là tiên phong trong đổi mới cách thức, phương thức làm việc, gương mẫu về tác phong, lề lối, kỷ luật hành chính, trong quyết tâm cải cách…

.

Câu chuyện giao ban đã nhắc đến ở trên, việc xử lý hoàn toàn hồ sơ công việc qua mạng hay chủ trương về công tác cán bộ “có lên, có xuống”…  là những ví dụ trong số 8 điểm nhấn về cải cách hành chính tại VPCP thời gian qua.

.

Hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình công tác

.

Trước hết, thời gian qua, VPCP đã rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành hệ thống quy chế, quy định, quy trình đối với từng lĩnh vực công tác.

.

Một số quy chế, quy định VPCP đã tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trong thời gian qua là: Quy chế làm việc của Chính phủ; Quy chế làm việc của Văn phòng Chính phủ; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ; Chức năng, nhiệm vụ của các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ; Xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Quy định tổ chức, phục vụ các chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại địa phương; Quy chế công tác theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các văn bản, ý kiến chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản; Quy chế thẩm tra các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…

.

Đây là cơ sở pháp lý cần thiết phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp và thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ví dụ, trên cơ sở đề nghị của chính VPCP, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2012/NĐ-CP về quy chế làm việc của Chính phủ, quy định rõ thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ, văn bản, trong đó nhiệm vụ của VPCP được quy định hết sức cụ thể.

.

Chẳng hạn, đối với các dự án văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, báo cáo lớn thuộc chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thì chậm nhất trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và đúng thủ tục, VPCP phải tiến hành thẩm tra về trình tự, thủ tục và tham mưu tổng hợp về nội dung, hoàn chỉnh phiếu trình. Quy chế cũng chỉ rõ thời hạn trong việc VPCP phải trả hồ sơ lại nơi gửi hay thời hạn xin ý kiến các cơ quan liên quan…

.

Xử lý toàn bộ hồ sơ trên môi trường mạng

.

Một trong những cải cách hành chính mạnh mẽ và hiệu quả nhất trong những năm qua của VPCP là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quy trình quản lý, xử lý văn bản, đề án, hồ sơ công việc, đúng như yêu cầu của Thủ tướng là VPCP phải “làm trước” trong ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử.

.

Từ ngày 01/01/2012, toàn bộ hồ sơ công việc của VPCP được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng. Việc xử lý hồ sơ công việc của từng chuyên viên đều được lãnh đạo Vụ, lãnh đạo VPCP giám sát chặt chẽ, đúng quy trình và tiến độ. Với phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, các công việc đang “chạy” đến đâu, chuyên viên nào xử lý công việc nhanh hay chậm, nhiều hay ít… đều thể hiện hết sức rõ ràng.

.

VPCP đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nề nếp việc gửi hồ sơ điện tử, theo tinh thần “không tiếp nhận và xử lý những hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết công việc nhưng không đính kèm file điện tử”.

.

Đồng thời, VPCP cũng đã công khai thông tin việc tiếp nhận và tiến độ xử lý trên mạng hành chính điện tử của Chính phủ để các cơ quan trình theo dõi, giám sát góp phần nâng cao trách nhiệm và đẩy nhanh tiến độ xử lý các đề án, dự án. Đến nay có 178 Bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 thông qua mạng hành chính điện tử của Chính phủ đã theo dõi, giám sát chặt chẽ được việc tiếp nhận, tiến độ xử lý của từng hồ sơ công việc của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trình.

 

Đoàn công tác của VPCP thăm phòng máy chủ của Bộ Công thương trong chương trình làm việc với các bộ, ngành, địa phương về tình hình thực hiện Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Phan Trang

.

Công khai tiến độ thực hiện chương trình công tác tại các bộ, ngành

.

Trong xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng, VPCP đã tham mưu Thủ tướng tổ chức các phiên họp chuyên đề để Chính phủ thảo luận, xem xét, cho ý kiến về định hướng chính sách cơ bản đối với các dự án luật, pháp lệnh; về thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; chỉ đạo khắc phục tình trạng chậm văn bản. Tổ chức các cuộc họp Thường trực Chính phủ để xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật quan trọng.

.

Đồng thời thường xuyên công khai tiến độ thực hiện chương trình công tác tại các bộ, ngành. Do vậy, những năm gần đây, tình trạng nợ đọng văn bản ngày càng giảm. Ví dụ: Năm 2014, đã thẩm tra, tham mưu tổng hợp trình 29 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có nhiều dự án lớn, phức tạp; ban hành 42/48 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, đạt 88%. Cơ bản khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản (năm 2012 nợ 24 văn bản, năm 2013 nợ 17; năm 2014 chỉ nợ 6, trong đó không còn nợ các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ).  

.

Nâng cao chất lượng cuộc họp chuyên đề, họp thường kỳ

.

Đối với các phiên họp chuyên đề cũng như phiên họp thường kỳ của Chính phủ, VPCP đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành chuẩn bị kỹ tài liệu phục vụ cuộc họp; đồng thời có báo cáo tổng hợp từng nội dung, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, các cuộc họp chuyên đề và cuộc họp Chính phủ giải quyết được nhiều nội dung, được sự đánh giá cao của các bộ, ngành.

.

Để nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, tham mưu tổng hợp, VPCP đã triển khai thí điểm việc tham vấn ý kiến chuyên gia trong quá trình thẩm tra các đề án, dự án, dự thảo. Do vậy, đã góp phần nâng cao chất lượng được ban hành; hạn chế tối đa ban hành các văn bản có nội dung không có tính khả thi và không đi vào cuộc sống.

.

Cải cách việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra

.

VPCP đã tích cực xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ); ban hành Quy chế tại VPCP (Quyết định số 971/QĐ-VPCP ngày 28/10/ 2014 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm).

.

Đồng thời, xây dựng, vận hành Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu kết nối đến các Bộ, cơ quan (178 đầu mối); tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng. Đến nay, các ý kiến chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm hơn, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ. Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2015, VPCP đã cập nhật hơn 1.660 văn bản với trên 1.900 nhiệm vụ, công việc được giao cho các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện.

.

Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” đã góp phần quan trọng cung cấp thông tin chính thống, tạo đồng thuận, nâng cao tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

.

Cải cách trong công tác thông tin truyền thông

.

Đối với công tác thông tin truyền thông phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VPCP cũng đã có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực. Chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về các chủ trương, chính sách, pháp luật, sự chỉ đạo điều hành và các hoạt động đối nội, đối ngoại của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là về các sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm của dư luận.

.

Đặc biệt đã đề xuất có nhiều chuyên mục mới như Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, Chương trình “Người dân và Chính phủ”… Qua đó đã góp phần quan trọng cung cấp thông tin chính thống, tạo đồng thuận, nâng cao tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

.

Trong năm 2014, đã phát hành trên 300 thông cáo báo chí, bản tin hàng ngày; gần 50 nghìn tin bài được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; tổ chức 34 Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, 162 chương trình sự kiện tuần, 51 Chương trình “Người dân và Chính phủ”; tổng hợp, xử lý thông tin báo chí, dư luận hàng ngày.

.

Công tác cán bộ “có lên, có xuống”

.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, VPCP đã có nhiều cải tiến, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ; đặc biệt chú trọng vào tính cạnh tranh theo từng vị trí việc làm, phù hợp với vị trí tuyển dụng, có cơ chế thu hút cán bộ, công chức trình độ, có kinh nghiệm công tác.

.

Đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng được VPCP thực hiện chủ động, đổi mới để phù hợp với từng vị trí việc làm. Định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch Lãnh đạo VPCP, cấp Vụ, cấp Phòng các giai đoạn.

.

Thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bảo đảm dân chủ, khách quan, bước đầu thực hiện chủ trương về công tác cán bộ “có lên, có xuống”.

.

Tại các đơn vị đã sắp xếp, phân công thành các nhóm làm việc, bảo đảm khoa học, chặt chẽ hơn. Kết hợp giữa kết quả công tác đánh giá, phân loại cán bộ, thanh tra, giữa kết quả kiểm tra công vụ với việc xem xét bổ nhiệm, điều chuyển hoặc thôi điều hành.

.

Những đổi mới nêu trên đã có tác động và chuyển biến tích cực, tạo động lực mới cho cán bộ làm việc, nhất là đối với cán bộ trẻ, có năng lực; nâng cao rõ rệt tiến độ và chất lượng tham mưu, tổng hợp.

.

Giao ban ngoài giờ hành chính

.

Trước đây việc giao ban hàng tuần của lãnh đạo VPCP với các Vụ, Cục, đơn vị được tổ chức trong giờ hành chính vào thứ 6 hàng tuần, đây cũng là điều rất bình thường với mọi cơ quan nhà nước. Thế nhưng, xuất phát từ tình hình thực hiện các chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng và các hoạt động khác, việc tổ chức giao ban trong giờ hành chính sẽ hạn chế việc phục vụ hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng.

.

Để tận dụng tối đa thời gian phục vụ, tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng xử lý kịp thời các kiến nghị và tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, VPCP trong những năm qua đã tổ chức giao ban ngoài giờ hành chính (từ 7-8 giờ sáng thứ 6 hàng tuần). Đây chỉ là một ví dụ cho thấy VPCP luôn luôn nỗ lực mạnh mẽ trong việc đổi mới ngay từ những việc tưởng như nhỏ nhất, giúp hiệu quả công việc được nâng lên.

.

                                                                                                 VTC

Top