Hà Nội

Bảo vệ đa dạng sinh học để phát triển bền vững

(Website Chính phủ) – Sáng 21/12, Ban Xây dựng pháp luật (Văn phòng Chính phủ) đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu Dự án Luật Đa dạng sinh học Việt Nam.

21/12/2007 17:38

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban Xây dựng pháp luật, Văn phòng Chính phủ giới thiệu Dự án Luật Đa dạng sinh học-Ảnh: Website Chính phủ

Việt Nam cần có một bộ Luật độc lập về Đa dạng sinh học

Việt Nam được biết đến như một trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng và cũng là nơi dự trữ nhiều nguồn gen hoang dã có giá trị của thế giới.

Tuy nhiên hiện nay, hệ sinh học đa dạng ở Việt Nam đang bị suy thoái với tốc độ rất nhanh. Diện tích các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Số loài, nguồn gen hoang dã bị suy giảm, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Thế nhưng Việt Nam vẫn chưa có hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học với tư cách là một lĩnh vực pháp lý cụ thể, độc lập tương đối. Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường đã có những quy định, nguyên tắc chung, bao trùm và khái quát về bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

Các quy định về đa dạng sinh học nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý khác nhau. Do vậy công tác giám sát, quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định: “Tình trạng phá rừng, buôn bán thú quý hiếm, sinh vật ngoại lai xâm phạm môi trường tại Việt Nam đã đến mức báo động. Nếu chúng ta không kịp thời bảo tồn và có giải pháp phát triển bền vững nguồn gen da dạng sinh học thì sẽ có nhiều hệ sinh thái, loài vật cũng như nguồn gen quý hiếm hoàn toàn bị tuyệt chủng mà không còn nguy cơ cứu vãn”.

Quy hoạch lại nguồn đa dạng sinh học, quản lý chặt chẽ để phục vụ phát triển bền vững

Dự thảo Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) gồm 10 chương, 91 điều, bao gồm các nội dung về quy hoạch, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên (vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển…), các loài vật hoang dã (đặc biệt các loài thú quý hiếm như Sao la, Voọc quần đùi…).

Đặc biệt, Dự án Luật ĐDSH có 2 chương quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý, quyền sở hữu và quy định về cách tiếp cận nguồn gen, quản lý an toàn sinh vật biến đổi gen và kiểm soát các loài ngoại lai xâm phạm môi trường. Theo đó, việc tiếp cận nguồn gen hoang dã cần phải được phép của cơ quan chủ quản là Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoặc sở tài nguyên môi trường. Những tổ chức, cá nhân, nếu có công phát triển, bảo tồn nguồn gen sẽ được chia sẻ lợi nhuận phát sinh từ những sản phẩm do nguồn gen tạo nên.

Thực tế hiện nay đang có tình trạng nhiều sản phẩm biến đổi gen không rõ xuất xứ từ bên ngoài du nhập vào Việt Nam nhưng chưa được kiểm chứng về độ an toàn và chất lượng. Nếu sử dụng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng và gây suy thoái nguồn gen trong nước. Theo Dự án Luật ĐDSH, tới đây Việt Nam sẽ tiến hành đánh giá rủi ro, thẩm định, đóng gói, ghi nhãn an toàn về sinh vật biến đổi gen, điều tra lập danh mục sản phẩm biến đổi gen, kiểm soát việc nhập khẩu sản phẩm loại này.

Dự án Luật ĐDSH cũng quy định, những tổ chức cá nhân xâm hại đến đa dạng sinh học sẽ bị xử phạt tiền, thậm chí có thể bị khởi tố , xét xử theo Bộ Luật Hình sự nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Dự án Luật ĐDSH sẽ được trình Chính phủ vào 5/1/2008 và trình Quốc hội vào cuối năm 2008.

Nguyệt Hà

Top