Hà Nội

Xây dựng Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) phù hợp với thực tiễn

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến dân quân tự vệ chưa được thể chế và cụ thể hóa. Một số quy định của Luật Dân quân tự vệ chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và pháp luật có liên quan.

06/06/2019 18:48

 

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày tờ trình về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội

Xây dựng Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) là vấn đề có ý nghĩa chiến lược

.

Ngày 6/6, tại chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Luật Dân quân tự vệ được Quốc hội khóa XII thông qua 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010.

.

Sau hơn 9 năm thực hiện, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của dân quân tự vệ, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở; nhưng đến nay nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến dân quân tự vệ chưa được thể chế và cụ thể hóa.

.

“Một số quy định của Luật Dân quân tự vệ chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và pháp luật có liên quan. Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn liên quan đến dân quân tự vệ chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ dẫn đến bất cập trong xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ”, Bộ trưởng, Mai Tiến Dũng nói.

.

Bộ trưởng cũng nêu cụ thể, qua rà soát cho thấy Luật Dân quân tự vệ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật có nhiều quy định không còn phù hợp, thiếu thống nhất, chưa đầy đủ, đồng bộ với các Luật nêu trên và hệ thống pháp luật hiện hành về: Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của dân quân tự vệ; nhiệm vụ, tổ chức, thành phần dân quân tự vệ; độ tuổi, tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; tiêu chuẩn tuyển chọn, đăng ký quản lý, thôi trước thời hạn, nghỉ thai sản, đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ; hệ thống chỉ huy dân quân tự vệ; tổ chức dân quân tự vệ thường trực, biển, điều kiện tổ chức đơn vị tự vệ trong tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp; thẩm quyền thành lập, giải thể đơn vị dân quân tự vệ, đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp quân đội; đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã, huấn luyện, hoạt động và chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm cho dân quân tự vệ…

.

Bộ trưởng nhấn mạnh, xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp là vấn đề có ý nghĩa chiến lược cần phải thực hiện ngay từ thời bình, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng chuyển sang thế trận chiến tranh dân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) là cần thiết.

.

“Việc xây dựng Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) nhằm xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh; cùng với quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.

.

Bổ sung phụ cấp đặc thù đối với dân quân khi làm nhiệm vụ trên biển

.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trình bày, Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này gồm 8 chương, 50 điều (giảm 1 chương, 16 điều so với Luật Dân quân tự vệ năm 2009). Dự thảo Luật kế thừa nhiều nội dung quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành; sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới.

.

Cụ thể, Luật sửa đổi sẽ điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của dân quân tự vệ để phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng. Bổ sung quy định lồng ghép đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ với đăng ký nghĩa vụ quân sự nhằm cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, nguồn lực của công dân và cơ quan, tổ chức theo tinh thần cải cách hành chính của Đảng và nhà nước.

.

Đồng thời cũng bổ sung quy định đối tượng miễn đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, đối tượng được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để tương thích với Luật Nghĩa vụ quân sự.

.

Dự thảo Luật bỏ quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Dân quân tự vệ hiện hành cũng có nêu: “Doanh nghiệp chưa tổ chức lực lượng tự vệ, thì chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của chủ doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ ở địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động”.

.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thực tiễn những năm qua, hầu hết các doanh nghiệp chưa tổ chức tự vệ và địa phương không thực hiện được và đề nghị không quy định vấn đề này trong dự thảo Luật. Đồng thời Luật hóa quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 5/1/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ về điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp về điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp.

.

Bên cạnh đó, về chế độ, chính sách của dân quân tự vệ, dự thảo Luật cơ bản kế thừa Luật Dân quân tự vệ năm 2009; đồng thời, điều chỉnh bổ sung theo hướng Luật chỉ quy định chế độ, chính sách được hưởng, còn định mức được hưởng Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ và bảo đảm tính linh hoạt. Dự thảo Luật bổ sung chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực; phụ cấp đặc thù đi biển; bảo đảm tiền ăn (Luật Dân quân tự vệ hiện hành quy định là hỗ trợ tiền ăn) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của dân quân tự vệ trong tình hình mới, phù hợp với thực tế các địa phương đã và đang thực hiện.

.

Về nhiệm vụ chi, dự thảo Luật cơ bản kế thừa Luật Dân quân tự vệ hiện hành; đồng thời, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung để khắc phục quy định chồng chéo nhiệm vụ chi cho dân quân tự vệ trong hệ thống pháp luật về dân quân tự vệ hiện hành và pháp luật có liên quan.

.

“Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội đối với một vấn đề có ý kiến khác nhau. Đó là phụ cấp đặc thù đi biển đối với dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng” Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh.

.

Giang Oanh

Ảnh: Nhật Bắc

Top