Hà Nội

Về với “vùng đất thiêng” Quảng Trị

(Chinhphu.vn) - Tiếp tục chuyến hành trình “Về nguồn” năm 2016, trong 2 ngày 19-20/7, đoàn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có dịp thăm lại chiến trường xưa tại “vùng đất thiêng” Quảng Trị.

20/07/2016 17:45

 

 Đoàn VPCP dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Trị là một trong những nơi đụng đầu quyết liệt nhất giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng, là một trong những chiến trường khốc liệt nhất, là nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt của đất nước ròng rã 20 năm.

.

Quảng Trị đã có hơn 18.000 liệt sĩ, hơn 10.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, hàng chục nghìn người có công với cách mạng. Trong 72 nghĩa trang liệt sĩ tại Quảng Trị thì có hai “địa chỉ đỏ” là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, mỗi nơi này có hơn 10.000 liệt sĩ.

 

Đồng chí Nguyễn Đức Minh, Phó Bí thư Đảng uỷ VPCP thỉnh chuông tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn 

Hai chữ “Quảng Trị” không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng.

.

Đặt chân đến Nghĩa trang Trường Sơn, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đoàn VPCP đã thắp những nén nhang gửi lời tri ân sâu sắc tới những anh hùng, liệt sỹ đang yên nghỉ nơi đây.

 

Phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sỹ 

Đồng chí Nguyễn Đức Minh, Phó Bí thư Đảng uỷ VPCP xúc động ghi vào sổ lưu niệm: “Nhân kỷ niệm 69 năm ngày thương binh, liệt sỹ 27/7, để tưởng nhớ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, đoàn VPCP gồm đại diện cho Lãnh đạo, Đảng uỷ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên VPCP đã đến kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ để đời đời tỏ lòng thành kính và ghi công Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ đã bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.

 

 Tri ân các anh hùng, liệt sỹ

Trong khuôn viên gần 40 ha của Nghĩa trang Trường Sơn có 10.263 ngôi mộ liệt sĩ. Thắp nén nhang tưởng nhớ, ai cũng cảm thấy mình nhỏ bé trước sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ. Trên mộ chí của các anh, các chị có thể có tên, có thể chưa biết tên nhưng các anh, các chị đã ghi tên chung là niềm tự hào của đất nước.

.

Đoàn VPCP đã đến dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn - Bến Tắt. Bến Tắt là bến nước của thượng nguồn sông Bến Hải, con sông một thời bị kẻ thù biến thành lưỡi dao chia đôi đất nước. Khu đồi Bến Tắt với vị trí tuyến đầu của tuyến đường Trường Sơn thuộc miền Nam Việt Nam, là nơi tưởng niệm hơn 20.000 cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống trên tuyến đường chiến lược mang tên Hồ Chí Minh vĩ đại, cùng với hàng triệu đồng bào, chiến sỹ cả nước đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu trường kỳ vì độc lập dân tộc, vì tự do của Tổ quốc.

 

Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 

Rời Nghĩa trang Trường Sơn, đoàn đến viếng Nghĩa trang Đường 9 tại km số 6 của Quốc lộ số 9. Đây là nơi yên nghỉ của hơn một vạn liệt sĩ được quy tập từ các chiến trường Quảng Trị và từ nước bạn Lào. Đường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt và cũng chính nới đây là nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ và ngụy trong những năm 1965 - 1972.

.

Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 là nơi yên nghĩ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ với đầy đủ của ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở  đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong hơn 1.000 ngôi mộ ở nghĩa trang Đường 9 có rất nhiều những ngôi mộ tập thể, mộ liệt sĩ chưa biết tên như mộ 80 liệt sĩ chưa biết tên thuộc Tiểu đoàn 31 đặc công hy sinh ở Cam Thành - Cam Lộ vào ngày 26/8/1966...

 

Đài tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị 

Tiếp tục chuyến hành trình, đoàn đến Thành cổ Quảng trị, nơi không có những nấm mồ, không có những tấm bia ghi danh tên tuổi các liệt sĩ, nhưng Thành cổ Quảng Trị vẫn được ví như một nghĩa trang bởi nơi đây, sau 81 ngày chiến đấu khốc liệt (từ 28/6 đến 16/9/1972), hàng vạn chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này vì mong muốn khát khao hòa bình, thống nhất đất nước.

.

Chị Cấp Thị Thiên Trang, người hướng dẫn viên tại Thành Cổ kể, giữa mùa hè đỏ lửa năm 1972, cả thị xã và Thành cổ Quảng Trị như một túi bom. Ước tính, Mỹ đã ném xuống đây 328 nghìn tấn bom, mà báo chí phương Tây thời đó bình luận tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroxima Nhật Bản năm 1945. Do vậy 81 ngày đêm ấy, toàn bộ thị xã và tòa Thành cổ bị san bằng, thân xác của các chiến sĩ vì thế cũng tan vào đất mẹ.

 

Đoàn VPCP dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị 

Để tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn, trong giờ phút trang nghiêm xúc động, đoàn VPCP đã dành phút tưởng niệm thiêng liêng, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ.

 

 Tri ân liệt sỹ tại Nghĩa trang Khe Sanh, huyện Hướng Hoá

Cũng trong chuyến hành trình, đoàn VPCP đã đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Nghĩa trang  được xây dựng từ năm 1980 trên đồi Cu Bốc, có gần 3.500 mộ chí các liệt sĩ khắp mọi miền đất nước an nghỉ.

 

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng Chính phủ, Chủ tịch Công đoàn VPCP ghi sổ lưu niệm tại Nghĩa trang Khe Sanh, huyện Hướng Hoá 

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng Chính phủ, Chủ tịch Công đoàn VPCP xúc động viết: “Nhân kỷ niệm 69 năm ngày thương binh, liệt sỹ, đoàn cán bộ công chức, viên chức, người lao động VPCP tổ chức hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Xin nghiêng mình cảm tạ các anh đã góp phần giành độc lập cho Tổ quốc. Chúng tôi xin hứa tiếp bước các anh sẽ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình để góp phần xây dựng đất nước: Dân giàu - nước mạnh - xã hội dân chủ - công bằng - văn minh. Cầu chúc các anh siêu thoát. Cầu mong “Quốc thái - Dân an”.

 

 Đoàn VPCP thả bè hoa, đèn hoa đăng trên sông Thạch Hãn

Tối cùng ngày, tại ngôi chùa Long An bên dòng sông Thạch Hãn, đoàn đã làm Lễ dâng hương các Anh hùng Liệt sĩ bên bờ sông Thạch Hãn. Thành kính dâng hương, đoàn cầu nguyện các anh hùng, liệt sỹ yên giấc ngàn thu bằng những bè hoa, ngọn đèn hoa đăng rực sáng hai bờ Thạch Hãn.

.

Quảng Trị -  trong chiến tranh, đây là vùng đất lửa, ngày nay Quảng Trị là vùng "đất tâm linh", trở thành một cõi thiêng trong tâm khảm bao người dân Việt Nam.

.

Bài, ảnh: Gia Huy

.

Top