Hà Nội

Về với miền đất lửa - Kỳ 2: Tri ân mảnh đất anh hùng

(Chinhphu.vn) - Chợt nhớ trong một bài báo, một nhà sử học mà tôi không nhớ tên, đã nói rằng: Chính tại nơi đây, ta mới hiểu biết nhiều hơn về quá khứ. Và cũng chính tại nơi đây, giúp ta nhận ra chân giá trị của hiện tại và hình dung rõ ràng về tương lai...

27/07/2015 14:09

Chia tay Thành cổ Quảng Trị, sau hơn một giờ nghỉ trưa nhanh, đoàn tôi tìm về thị trấn Cam Lộ, cách thành phố Đông Hà chỉ chừng 12 cây số - nơi có khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (từ tháng 6/1973 đến tháng 5/1975). Nơi đây đã trở thành di tích lịch sử - văn hóa quốc gia hết sức quý giá và là bằng chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ, đầy đau thương, mất mát nhưng cũng rất đỗi oai hùng của quân và dân miền Nam. Dường như với mỗi thành viên trong đoàn - những người đang công tác tại Văn phòng Chính phủ, được đến thăm nơi đây thật sự có ý nghĩa nào sánh bằng.

 

 Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích trụ sở Chính phủ CMLTMNVN

Theo lời dẫn của người hướng dẫn viên, chúng tôi như ngược về dòng lịch sử. Trước phong trào đấu tranh ngày càng sục sôi của nhân dân miền Nam, để tập hợp các lực lượng yêu nước, ngày 6/6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời. Đến giữa năm 1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng và sau đó, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết. Với mục đích tạo thuận lợi các hoạt động ngoại giao, tiếp tục lãnh đạo cách mạng tiến tới thắng lợi hoàn toàn, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định chọn vùng đất thuộc thôn Tân Hòa (nay là thị trấn Cam Lộ), huyện Cam Lộ, Quảng Trị, đặt trụ sở làm việc.

.

Từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tàu biển chở vật liệu xây dựng như xi măng, khung sườn bằng sắt, tôn, ván vào; cùng với 500 công nhân của Công ty Xây dựng số 8 tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ, do hai Thứ trưởng Bộ Xây dựng trực tiếp đôn đốc thi công suốt 25 ngày đêm, trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nhanh chóng hoàn tất, được đưa vào sử dụng đúng vào ngày 6/6/1973, kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Khu trụ sở được xây dựng bao gồm 2 khu độc lập, trong đó khu A với 2 nhà làm việc của Chính phủ và Bộ Ngoại giao, 1 nhà ăn; còn khu B gồm 5 dãy nhà, trong đó có 2 nhà khách làm nơi lưu trú của các Đại sứ, 3 nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo Đại sứ các nước, phóng viên báo chí, các nhân viên, cán bộ của Chính phủ...

 

 Vụ trưởng Vụ III Nguyễn Quốc Thắng cùng nhà tài trợ tặng quà hộ gia đình chính sách, khó khăn

Sau năm 1975, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kết thúc vai trò lịch sử của mình thì trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý. Không may, vào tháng 9/1985, cơn bão số 8 đã tàn phá và hủy hoại hoàn toàn công trình... Tại khu di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày nay chỉ có Nhà làm việc của Chính phủ và nhà nghỉ của các Đại sứ; còn lại những dãy nhà khác chỉ là nền móng và bia đá ghi dấu.

.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan khu Di tích, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cam Lộ tự hào chia sẻ với chúng tôi về những đổi thay trên mảnh đất này. Trải qua 30 năm chiến tranh với những cung bậc hào hùng, oanh liệt, Đảng bộ và nhân dân Cam lộ cùng cả tỉnh, cả nước đã bắt tay xây dựng quê hương từ trong đổ nát, hoang tàn. Hơn 40 năm thiết kế quê hương (trong đó có 24 năm kể từ ngày huyện nhà được lập lại), đến nay bộ mặt quê hương Cam Lộ đã từng bước thay da đổi thịt. Cao su, hồ tiêu vùng Cùa, Tân Lâm xanh ngút ngàn tầm mắt; đồng đất vùng An - Thanh - Thủy - Hiếu cho mùa vàng bội thu. Khu công nghiệp Cam hiếu, Cam thành đã đong đầy nhịp thở; các điểm thương mại, dịch vụ… đã làm dịch chuyển cơ cấu kinh tế.

 

Chánh Văn phòng Đảng ủy Nguyễn Đức Minh cùng đại diện Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng học bổng cho các em học sinh

Chiến tranh đã lùi xa được hàng chục năm, song những gì Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền, đoàn thể, các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện chính sách người có công mới chỉ xoa dịu một phần vết thương chiến tranh, là một phần rất nhỏ so với sự hi sinh vô cùng lớn lao của các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

.

Biết được nguyện vọng muốn chia sẻ chút lòng thành với những người dân nơi đây, chính quyền huyện Cam Lộ đã tạo điều kiện cho đoàn chúng tôi tổ chức một buổi lễ nhỏ gặp mặt bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, trẻ em nghèo ngay tại sân của Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

 

 Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ TCCB, Chủ tịch Công đoàn thăm hỏi, động viên Mẹ VNAH Lê Thị Thí

Với sự đóng góp của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động VPCP cũng như nguồn huy động từ các nhà hảo tâm, đoàn chúng tôi đã trao tặng quà cho 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ kinh phí xây dựng Nhà tình nghĩa cho 3 gia đình chính sách; hỗ trợ kinh phí xây dựng Nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo; tặng quà 100 hộ gia đình chính sách, khó khăn; tặng học bổng cho 50 em học sinh; hỗ trợ tôn tạo di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, xây Cột cờ trong Khu di tích, xây dựng Khu nhà cộng đồng của khu phố Tây Hòa (thị trấn Cam Lộ) với tổng giá trị quà tặng trên 2,5 tỷ đồng.

.

“Số tiền tuy nhỏ, nhưng chứa đựng tình cảm, tấm lòng tri ân, đền ơn đáp nghĩa thiết thực của các cán bộ công chức VPCP, của nhà tài trợ nhiệt tâm đối với nhân dân của mảnh đất quê hương cách mạng”, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thay mặt cho đoàn công tác bày tỏ với người dân huyện Cam Lộ.

 

 Các đồng chí Nguyễn Tiến Dũng (Vụ trưởng Vụ TCCB), Phạm Tuấn Khải (Vụ trưởng Vụ Pháp luật), Nguyễn Nam (Phó Tổng giám đốc Trung tâm hội nghị Quốc gia) cùng đại diện lãnh đạo huyện Cam Lộ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho ông Nguyễn Hữu Hoạt là Người có công với cách mạng

Trong 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng, Mẹ Lê Thị Thí ở xã Cẩm Thủy do già yếu không tham dự được buổi lễ trao tặng quà mà chúng tôi tổ chức, đoàn đã quyết định đến tận nhà thăm hỏi, động viên Mẹ. Vừa gặp chúng tôi, Mẹ nở nụ cười móm mém rạng rỡ, cảm ơn sự quan tâm chu đáo của đoàn nhưng một lúc sau lại chực bật khóc khi chúng tôi nói phải chia tay mẹ để đi về. Chào tạm biệt mẹ Thí, xe chúng tôi lại lăn bánh, tiếp tục chuyến hành trình tri ân. Đoàn đã đến thôn Nhật Lệ, xã Cẩm Thủy, huyện Cam Lộ để trực tiếp khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho ông Nguyễn Hữu Hoạt là Người có công với Cách mạng.

.

Thay mặt lãnh đạo và nhân dân huyện Cam Lộ, ông Trần Anh Tuấn xúc động, cảm ơn tấm lòng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên VPCP và các nhà hảo tâm đã đồng cảm, sẻ chia với nhân dân của mảnh đất quê hương cách mạng Cam Lộ và mong rằng nơi đây tiếp tục là điểm đến, là nơi kết nối và duy trì tình cảm quý báu giữa nhân dân Cam lộ với những thế hệ, cán bộ VPCP.

 

Thả bè hoa tại Lễ dâng hương các Anh hùng Liệt sỹ bên bờ sông Thạch Hãn

Tối hôm đấy, Đoàn chúng tôi làm Lễ dâng hương các Anh hùng Liệt sĩ bên bờ sông Thạch Hãn. Dòng sông Thạch Hãn vẫn thật hiền hòa, nhưng hơn 40 năm trước, có biết bao tuổi hai mươi đã nằm lại đó, hòa vào sóng nước. Lời tri ân thành kính, lời cầu nguyện yên giấc ngàn thu gửi tới thế hệ cha anh đã hi sinh cho độc lập dân tộc gửi gắm vào những bè hoa, những ngọn đèn hoa đăng sáng rực trôi miên man theo dòng nước…

.

Trong ngày cuối cùng của chuyến hành trình ý nghĩa này, đoàn dừng chân tại ngã ba Đồng Lộc, nơi đã được nhà thơ Huy Cận nhắc đến một cách rất xúc động: “Nghìn năm sau, lịch sử sẽ còn ghi/ Những năm tháng chiến tranh ác liệt/ Nghìn vạn chuyến xe đi/ Qua trái tim Ngã ba Đồng Lộc...”.

.

“Trái tim ngã ba Đồng Lộc” năm xưa nằm trên trục đường mòn Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây hàng vạn người đã dốc hết nhiệt tình, sức lực, trí tuệ của tuổi trẻ cho “những mạch máu luôn chảy về tim”. Hàng nghìn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, lái xe, chiến sĩ công binh, dân công, dân quân du kích đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để thông đường, thông xe ra tiền tuyến. Nhắc đến Ngã ba Đồng Lộc, nơi “toạ độ chết” năm xưa, ta nhớ ngay đến gương anh dũng hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong vào buổi chiều ngày 24/7/1968 (tức 26/6 năm Mậu Thân) khi họ mới mười tám, đôi mươi.

 

Đoàn công tác nghe hướng dẫn viên của Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc kể lại những câu chuyện năm xưa của 10 cô gái TNXP anh dũng

Đến đây, chúng tôi được nghe lại câu chuyện xưa kia, câu chuyện về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Chiều hôm ấy, cái buổi chiều định mệnh 24/7/1968, đơn vị Thanh niên xung phong đã mất đi 10 cô gái, 10 bông hoa đang nở ngát hương xuân thì giữa đại ngàn. Nhiều người trong chúng tôi đã không cầm nổi nước mắt khi nghe anh hướng dẫn viên đọc lại những dòng thư của o Tần, tiểu đội trưởng và cũng là chị cả của mười o, gửi cho mẹ trước ngày hy sinh; không cầm nổi nước mắt khi anh nói về cái buổi chiều ngày 24/7 năm 1968 nghiệt ngã ấy, câu chuyện đi tìm xác nữ thanh niên xung phong tên Cúc... “Tiểu đội đã xếp hàng ngang/ Cúc ơi, em ở đâu không về tập hợp/ Chín bạn đã quây quần đủ hết/ Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hợi-Rạng-Xuân- Xanh/ A trưởng Võ Thị Tần điểm danh/ Chỉ thiếu mình em/ (Chín bỏ làm mười răng được)...”.

.

Chân bước đi mà lòng chẳng muốn rời. Hình ảnh các nữ thanh niên xung phong như vẫn còn đây, trẻ trung, tươi tắn nhưng hiên ngang, khí phách lạ thường bên dòng sông La huyền thoại. Tạm biệt Ngã ba Đồng Lộc, tôi tin trong hành trang của mỗi người, sẽ có thêm những hiểu biết sâu sắc hơn về con người, về cuộc đời, về lẽ sống của tuổi trẻ... Những bài học không bao giờ cũ.

.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

Top