Hà Nội

Văn phòng Chính phủ và những điểm sáng đột phá

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, công tác kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực; Tổ công tác của Thủ tướng hoạt động quyết liệt, không ngại va chạm. Đây là những điểm sáng, nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của VPCP những năm gần đây.

06/08/2020 15:50

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ảnh: Gia Huy

Đột phá, góp phần nâng cao thứ hạng của Việt Nam

.

Trong công tác kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính, VPCP đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách thủ tục hành chính, đưa nhiệm vụ này trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong mọi lĩnh vực hoạt động.

.

Đồng thời, VPCP trình hoặc thẩm tra trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo công tác kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính. Đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

.

Qua đó đã đạt được nhiều đột phá trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành, góp phần hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

.

Với sự tham mưu tổng hợp của VPCP, công tác cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh đã có những bước cải cách đột phá và đang được hiện thực hóa.

.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, gần 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm và đơn giản hóa 30/120 thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

.

Đến nay nhiều bộ đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phân định tập trung một đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chồng chéo, phiền hà cho doanh nghiệp; các bộ, ngành đã có phương án xử lý theo hướng tập trung một đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với 1.501 mặt hàng chồng chéo thuộc các lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành.

.

Bên cạnh đó, VPCP xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 (Nghị quyết 68/NQ-CP), nhằm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh, đồng thời giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có liên quan đến hoạt động kinh doanh.

.

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định kiện toàn Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP làm Chủ tịch; chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức hơn 20 cuộc đối thoại, làm việc với tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để nắm bắt và tham mưu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2018, Hội đồng chủ trì nghiên cứu, công bố Báo cáo chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) thường niên.

.

Đổi mới việc tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông, VPCP xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và ban hành Thông tư số 01/2018/TT-VPCP hướng dẫn thi hành về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực.

.

Cụ thể, tại các bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai cơ chế một cửa, thiết lập, kiện toàn tổ chức thực hiện và bố trí trụ sở (trước đây chỉ thực hiện tại địa phương, không thực hiện tại Bộ, ngành trung ương). Đến nay đã có 58/63 tỉnh, thành phố tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 07/10/2019 phê duyệt Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc tại địa phương đưa ra tiếp nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, xã.

.

Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đã được nâng lên, nhận được phản hồi tích cực trong nhân dân. Tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 95,8%.

.

Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, từ vị trí thứ 90 lên vị trí thứ 70/190 nền kinh tế; Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 của Việt Nam năm 2019 tăng 10 bậc, từ vị trí thứ 77 lên thứ 67/141 quốc gia; Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 11 bậc, đứng thứ 3 khu vực ASEAN, xếp thứ 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ; Chỉ số đổi mới toàn cầu của Việt Nam năm 2018 tăng 2 bậc so với năm 2017 và tăng 14 bậc so với năm 2016, lên vị trí 45/126 quốc gia, nền kinh tế; Chỉ số logistics năm 2018 của Việt Nam tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp hạng 39/160 quốc gia.

.

Theo Tạp chí US News & World, Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, tăng 15 bậc từ vị trí xếp thứ 23 năm 2018 (cao hơn cả Chi Lê (9/80) và New Zealand (10/80).

.

Báo cáo của OECD về luật và chính sách cạnh tranh của Việt Nam năm 2018 đã khẳng định Việt Nam đã đạt được tiến bộ to lớn trong quá trình chuyển đổi từ một nước đang phát triển có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, sang nền kinh tế thị trường công nghiệp hóa nhanh chóng. OECD đã đánh giá các cải cách thể chế liên quan tới hoạt động đầu tư trong thời gian qua là bước tiến rất tích cực, được đánh giá cao bởi cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng trao đổi với các doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại khu vực cảng Hải Phòng. Ảnh: Quang Hiếu

Xây dựng Chính phủ điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

.

VPCP cũng là cơ quan tiên phong, nổi bật trong đề xuất, xây dựng chính sách, pháp luật phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Trong giai đoạn 2016-2020, VPCP trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương thức, lề lối làm việc, thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử.

.

VPCP tham mưu thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban và tại các bộ, ngành, địa phương là các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử. Bảo đảm thực hiện thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ trung ương đến địa phương.

.

VPCP là cơ quan đi đầu trong việc triển khai chủ trương, chính sách, pháp luật về xây dựng Chính phủ điện tử, VPCP đã ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Bảo đảm ngay sau khi các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, VPCP ban hành sớm nhất các văn bản để triển khai và thực hiện nhất quán, quyết liệt.

.

Đặc biệt, VPCP chủ trì xây dựng, đưa vào vận hành 4 nền tảng hệ thống thông tin quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử mang tính đổi mới, lan tỏa cao.

.

Đầu tiên, đó là xây dựng, vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia, kết nối 100% các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức.

.

Triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, VPCP chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai, tổ chức thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Từ ngày 12/3/2019 đến ngày 19/7/2020, có trên 2,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Theo tính toán sơ bộ, tiết kiệm cho ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng/năm.

.

Thứ hai là xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet).

.

VPCP đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng hệ thống e-Cabinet với mục tiêu đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng các thành tựu về công nghệ của thế giới, hướng tới Chính phủ không giấy tờ. Hệ thống được khai trương vào ngày 24/6/2019, từ đó đến ngày 19/7/2020, Hệ thống đã phục vụ 18 Hội nghị, phiên họp của Chính phủ (thay thế việc in ấn, sao chụp hơn 60.000 tài liệu giấy) và thực hiện xử lý 423 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành hơn 66.500 phiếu giấy, hồ sơ, tài liệu.

.

Hệ thống cũng đã kết nối, liên thông hỗ trợ các Thành viên Chính phủ theo dõi tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các văn bản chỉ đạo, điều hành để chủ động trong quản lý điều hành, tăng cường giám sát việc thực thi.

.

Thứ ba là xây dựng, vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Với nhiệm vụ thiết lập, quản lý, vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, ngày 9/12/2019, VPCP chính thức đưa Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động.

.

Từ thời điểm khai trương đến ngày 19/7/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã kết nối với 18 bộ, cơ quan, 63/63 tỉnh, thành phố và 8 ngân hàng, trung gian thanh toán, ví điện tử; tích hợp, cung cấp 801 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 51,7 triệu lượt truy cập; hơn 197 nghìn tài khoản đăng ký; trên 11,9 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 199 nghìn hồ sơ được thực hiện; tiếp nhận, hỗ trợ trên 18,4 nghìn cuộc gọi, tiếp nhận, xử lý hơn 7.100 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ  đồng/năm, trong đó riêng Cổng dịch vụ công đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

.

Thứ 4, đó là từ ngày 13/3/2020 đã chính thức vận hành Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Đến nay đã có 15 bộ, cơ quan kết nối với Hệ thống; 20 chế độ báo cáo và 58/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai trên Hệ thống. Khi điện tử hóa các báo cáo, quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và bộ, ngành lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối qua Hệ thống, ước tính tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước 460 tỷ đồng/năm. Chuẩn bị khai trương Trung tâm thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2020.

.

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam liên tục thăng hạng về xếp hạng Chính phủ điện tử trong giai đoạn 2014-2020, từ vị trí 99 lên vị trí 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 6/11 quốc gia Đông Nam Á.

.

Tổ công tác của Thủ tướng hoạt động quyết liệt, không ngại va chạm

.

Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương được đổi mới, mang lại hiệu quả và chuyển biến rõ nét, số nhiệm vụ quá hạn chỉ còn 1,1%

.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương thành lập vào ngày 19/8/2016 (Quyết định 1642/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

.

Sau gần 4 năm thành lập, Tổ công tác đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, giúp xử lý, thúc đẩy thực hiện chương trình công tác hiệu quả; giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Sau các cuộc kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác, việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được thực hiện khẩn trương, kịp thời và nghiêm túc hơn, nhất là các nhiệm vụ giao liên quan đến bảo đảm tăng trưởng, an sinh xã hội, cải cách hành chính và giải quyết những vẫn đề thực tiễn đang đặt ra.

.

Tổ công tác đã tiến hành 86 cuộc kiểm tra đối với tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ; 02 cơ quan thuộc Chính phủ; 30 địa phương; 10 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Có 10 cuộc làm việc với các cơ quan, Hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những rào cản hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phải để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan để tháo gỡ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

.

Với sự hoạt động tích cực, hiệu quả, Tổ công tác đã kịp thời phát hiện nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và nhiều khoảng trống pháp lý; nhiều vấn đề tồn tại, dư luận quan tâm, bức xúc liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan, địa phương; nhiều bất cập, yếu kém trong môi trường đầu tư kinh doanh để tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện gần 200 nhiệm vụ (trong đó, Chính phủ yêu cầu rà soát để xây dựng, sửa đổi, bổ sung: 30 Nghị định, 04 Quyết định, 10 Thông tư; 06 Nghị quyết.

.

Đến nay, 48/50 văn bản đã được ban hành, có hiệu lực) để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, góp phần thay đổi quan trọng trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và trong công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Số nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn đến nay chỉ còn 1,1%, giảm 23,9% so với trước khi thành lập Tổ công tác.

.

Các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra đều đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và kết quả làm việc của Tổ công tác, đã hỗ trợ rất lớn cho các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện có hiệu quả, bảo đảm đúng yêu cầu về tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, qua kiểm tra đã tác động tích cực đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương. Phản hồi của Hiệp hội doanh nghiệp ghi nhận những chỉ đạo thiết thực, cụ thể của Chính phủ và các Bộ đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thể hiện tinh thần đồng hành với doanh nghiệp. Năm 2017, Tổ công tác được Trung ương đánh giá: “Tổ công tác của Thủ tướng hoạt động quyết liệt, không ngại va chạm, đem lại hiệu quả tích cực và là điểm sáng nhất”.

.

(Còn nữa)

.

Hoàng Giang

Top