Hà Nội

Văn phòng Chính phủ thời kỳ thống nhất xây dựng đất nước (1975-1986)

(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh đất nước vừa giành được hòa bình thống nhất, Văn phòng Chính phủ (lúc đó gọi là Văn phòng Phủ Thủ tướng, kế tiếp là Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng) đã có những đóng góp tích cực trong công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ Hội đồng Chính phủ và Hội đồng Bộ trưởng.

05/05/2015 11:22

Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân cả nước đã tiến hành bầu cử Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (tháng 7/1976), tạo bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa trọng đại, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Đất nước độc lập, thống nhất và cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội.

.

Quốc hội chung cả nước (khóa VI, 1976-1981), tại kỳ họp thứ nhất (từ 21/6-3/7/1976) đã đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước, quyết nghị cơ cấu Hội đồng Chính phủ và một số cơ quan khác của Nhà nước. Văn phòng Phủ Thủ tướng được tiếp tục chức năng là bộ máy làm việc của Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

.

Hiến pháp 1980 được Quốc  hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18/12/1980 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI. Theo Hiến pháp, Hội đồng Chính phủ được đổi thành Hội đồng Bộ trưởng, đây cũng là lần đầu tiên chế định Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng được thiết lập ở Việt Nam.

.

Hiến pháp 1980 cũng đã quy định Hội đồng Bộ trưởng “là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

.

Sau khi Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng được Quốc hội thông qua ngày 4/7/1981, Văn phòng Phủ Thủ tướng được đổi tên thành Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Nghị định 161-HĐBT ngày 20/9/1982 của Hội đồng Bộ trưởng quy định Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng là bộ máy làm việc của Hội đồng Bộ trưởng, có nhiệm vụ thực hiện sự quản lý tập trung thống nhất của Hội đồng Bộ trưởng, phục vụ sự chỉ đạo công việc hàng ngày của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng Phan Mỹ cùng một số Phó Chủ nhiệm và cán bộ Văn phòng Phủ Thủ tướng

.

Tham mưu, giúp việc Hội đồng Bộ trưởng

.

Trong giai đoạn từ 1975 – 1986, Văn phòng Phủ Thủ tướng (từ 1981 đổi tên là Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng) đã tham mưu, phục vụ Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo điều hành đất nước trong điều kiện nước Việt Nam hòa bình thống nhất, đi lên xã hội chủ nghĩa; xây dựng và kiện toàn bộ máy tổ chức, cơ chế hoạt động, lề lối làm việc của các Bộ, ngành và địa phương; khắc phục những khó khăn to lớn do chiến tranh và thiên tai gây ra; tăng cường năng lực sản xuất của các ngành kinh tế; phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa, y tế, khoa học kỹ thuật, củng cố quan hệ sản xuất ở miền Bắc, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh miền Nam; duy trì trật tự an ninh các tỉnh, thành phố mới giải phóng; mở rộng quan hệ đối ngoại và kinh tế đối ngoại; tổ chức chống chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc thắng lợi.

.

Cụ thể, bước vào giai đoạn đầu đất nước thống nhất, đi lên xã hội chủ nghĩa, Văn phòng Phủ Thủ tướng đã khẩn trương tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị ngay các dự thảo văn bản, trình Hội đồng Chính phủ xem xét để trình Quốc hội quyết định giải thể các khu, hợp nhất các tỉnh và chỉ đạo việc triển khai thực hiện; tiếp đó, trình Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ấn định các bước đi cụ thể, lập ra các Ban Chỉ đạo để điều hành công việc hợp nhất cơ quan, giải quyết tồn đọng về nhân sự, ngân sách và tài sản, tổ chức việc di chuyển đến trung tâm mới, góp phần nhanh chóng ổn định tình hình và tạo điều kiện cho bộ máy cấp tỉnh sớm đi vào hoạt động. Trong một thời gian không dài, công việc hợp nhất các tỉnh đã hoàn thành về cơ bản.

.

Vào các năm 1977-1979, Văn phòng Phủ Thủ tướng đã chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ ban hành một số văn bản quan trọng nhằm chấn chỉnh và lập lại kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, cụ thể là Nghị định số 217-CP ngày 8/6/1979 ban hành Quy định về chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên và cơ quan nhà nước.

.

Sau hai năm thống nhất đất nước, Văn phòng Phủ Thủ tướng cùng các Bộ, ngành liên quan đã thể hiện rõ rệt những đóng góp của mình trong công tác tham mưu và giúp việc Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành đất nước, nhằm thúc đẩy nền kinh tế-xã hội có bước phát triển mới. Riêng tại các thành thị miền Nam, khoảng 20 vạn người thất nghiệp đã được sắp xếp làm việc tại chỗ và hàng triệu người được đưa về quê cũ làm ăn hoặc đi xây dựng vùng kinh tế mới. Một cuộc vận động rộng lớn đã thu hút 1 triệu người, trong đó có trên 50 vạn lao động, rời cuộc sống thành thị, rời quê hương cũ ở các vùng đồng bằng đông dân miền Bắc đi khai thác tài nguyên, xây dựng các vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ, tổ chức nhiều nông, lâm trường trồng cà phê, cao su. Trên các công trình xây dựng thủy điện Hòa Bình, nhiệt điện Phả Lại, hàng chục vạn lao động cũng tìm được công ăn việc làm.

.

Trong giai đoạn này, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đã có nhiều tham mưu, đóng góp tích cực với Hội đồng Bộ trưởng trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, đối ngoại…

.

Theo Lịch sử Văn phòng Chính phủ (1945-2005)

Top