Hà Nội

Văn phòng Chính phủ: Dấu ấn những ngày đầu

(Chinhphu.vn) – Cách đây gần 70 năm, ngày 28/8/1945 đã đánh dấu sự ra đời của bộ máy Văn phòng giúp việc Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mang tên Văn phòng Chủ tịch Chính phủ (1945-1949).

26/03/2015 08:26

Tòa nhà Bắc bộ phủ trước đây, từ 8-1945 đến tháng 12-1946 là nơi làm việc của Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch Chính phủ - Ảnh Tư liệu

Những ngày đầu tiên

Ngày 28/8/1945, Nội các thống nhất quốc gia bao gồm 15 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ra Tuyên cáo chính thức trước quốc dân đồng bào. Chính phủ lâm thời là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách chỉ đạo trong toàn quốc, đợi đến ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Chính thức.

Bộ máy giúp việc Chính phủ lâm thời ra đời cùng ngày, mang tên Văn phòng Chủ tịch Chính phủ, đặt tại Bắc Bộ phủ - trụ sở chính thức của Chính phủ (nhà số 12 phố Ngô Quyền, Hà Nội ngày nay).

Theo các nhà sử học, việc lấy ngày thành lập Chính phủ lâm thời cũng là ngày ra đời Văn phòng Chủ tịch Chính phủ là phù hợp, chính xác, mặc dù trên thực tế, một bộ phận giúp việc đã hình thành vào lúc Ủy ban Dân tộc Giải phóng ra đời với ông Vũ Đình Huỳnh là Thư ký của Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng Hồ Chí Minh, một số cán bộ bảo vệ là Nguyễn Văn Cao (Hoàng Hữu Kháng), Trần Đình (Trần Lợi) và Khắc Tuấn.

3 bộ phận công tác

Những ngày đầu khi mới thành lập (vào cuối năm 1945 và cả năm 1946), Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã từng bước hình thành 3 bộ phận công tác:

1- Bộ phận tham mưu, giúp việc gồm các ông Hoàng Hữu Nam – Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, Hoàng Minh Giám – Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ, Phạm Ngọc Thạch – Thứ trưởng Chủ tịch phủ, Vũ Đình Huỳnh – Bí thư Chủ tịch Chính phủ, Tạ Quang Bửu và các tham nghị ngoại giao Bùi Lâm, Trần Đình Long, Nguyễn Đức Thụy làm nhiệm vụ giúp Chủ tịch Chính phủ điều hành công việc của đất nước, tổ chức nghiên cứu trình Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh để giữ gìn và củng cố chính quyền cách mạng; giúp xử lý các vụ việc liên quan đến quân đội Pháp.

Tháng 1/1946, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ có thêm Phòng Nam Bộ làm nhiệm vụ giúp Hội đồng Chính phủ theo dõi phong trào kháng chiến, tổ chức việc chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ.

Tháng 3/1946, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ còn có thêm ông Nguyễn Văn Lưu được cử làm Chánh Văn phòng, luật sư Nguyễn Thương, luật sư Lê Kim Chung và hai cán bộ là ông Nguyễn Doãn Đính, Nguyễn Tự Thắng từ Văn phòng Bộ Ngoại giao chuyển sang.

2- Bộ phận trực tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh (trong kháng chiến chống Pháp lấy bí danh là Cơ quan 41 hay Phòng 41) do ông Vũ Long Chuẩn (Vũ Kỳ) và Nguyễn Văn Cao (Hoàng Hữu Kháng) phụ trách, với các thành viên là các ông Nguyễn Hữu Văn (Tạ Quang Chiến), Chu Phương Vương (Võ Viết Định), Võ Chương (Võ Trường), Hoàng Văn Phúc tức Văn Lâm (Hồ Văn Nhất, Hồ Văn Trường sau này), Nam Long (sau này là Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam), Trần Đình (Trần Lợi), Hà Ngọc Nguyên (lái xe), Tiêu Văn Khương (nấu ăn) và bà Nguyễn Thị Thanh (Ngô Thị Ngọc – quản gia). Bộ phận đặc nhiệm này khoảng trên dưới 10 người, tùy từng thời gian có sự thay đổi về nhân sự.

3- Bộ phận Quản trị hành chính (phục vụ ăn, ở, đi lại, các điều kiện làm việc của Văn phòng Chủ tịch Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao), ban đầu do ông Trần Thế Kha phụ trách, đã tiếp nhận hầu hết các nhân viên hậu cần của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (cũ) chuyển sang phục vụ cho bộ máy chính quyền cách mạng tại Văn phòng Chủ tịch Chính phủ.

Ngay trong những ngày đầu chính quyền mới về tay nhân dân, mặc dù đang phải đối mặt với giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm, tình thế cách mạng như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng Đảng và Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Mình vẫn hết sức quan tâm đến việc xây dựng và củng cố bộ máy quản lý hành chính nhà nước để bảo vệ thành quả cách mạng, trước hết là giữ vững được chính quyền nhân dân.

Phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Chính phủ

Từ cuối tháng 10/1945, trước thách thức đối với nền độc lập của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ quyết tâm xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, thực hiện các đối sách hữu hiệu để chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng.
Trong bối cảnh đó, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã có nhiều cố gắng để hoàn thành trách nhiệm của mình trên các mặt công tác như: Tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, dự thảo Hiến pháp; cải tổ Chính phủ lâm thời và chính quyền dân chủ nhân dân. Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã hoàn thành trách nhiệm của mình phục vụ các hoạt động chỉ đạo, điều hành của Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Chính phủ.

Cụ thể, từ khi thành lập, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã phối hợp cùng Bộ Nội vụ chuẩn bị nội dung, tổ chức và phục vụ chu đáo, bảo vệ an toàn các phiên họp Hội đồng Chính phủ, tập trung bàn về nhiều vấn đề cực kỳ quan trọng, phức tạp và nóng bỏng, liên quan đến nội trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế và tài chính.

Đồng thời, trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ của mình, căn cứ Chương trình công tác của Hội đồng Chính phủ và theo chỉ đạo của Chủ tịch Chính phủ thực hiện các mặt công tác trên. Đồng thời, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ phối hợp cùng Bộ Nội vụ và các Bộ liên quan soạn thảo văn bản, trình Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh ký ban hành nhiều Sắc lệnh quan trọng, đáng chú ý là:

Năm 1945: Trong lĩnh vực kinh tế, thành lập Sở Thuế quan và thuế gián thu, Bình dân Ngân quỹ tổng cục, ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết; bãi bỏ thuế thân, thay đổi chế độ thuế khóa hiện hành; cho phép Chính phủ trưng thu vật liệu; cấm xuất cảng thóc, gạo, ngô, đỗ hoặc các chế phẩm từ ngũ cốc; cấm sản xuất, tàng trữ, tiêu thụ rượu ta chế tạo bằng ngũ cốc.

Trong nhiệm vụ củng cố bộ máy chính quyền và công tác hành chính: tổ chức lại Bộ Quốc dân kinh tế, thành lập Ban Thanh tra đặc biệt; quy định việc trưng thu, trưng dụng và trưng tập trong thời kỳ kháng chiến. Trong lĩnh vực nội chính, tư pháp: thành lập các Tòa án quân sự; giữ tạm thời các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung, Nam Bộ; quy định về quốc tịch và việc nhập quốc tịch Việt Nam; thể lệ thị thực giấy tờ; quy định về việc bắt người, phóng thích tội nhân; truy tố các tội bắt cóc, tống tiền và ám sát. Trong lĩnh vực giáo dục và xã hội: đặt một Bình dân học vụ, thành lập Ủy ban tối cao cứu tế và tiếp tế…

 Năm 1946: Thành lập Việt Nam Công an vụ, Nha thể dục Trung ương, Phòng Canh nông Bắc Bộ Việt Nam tại Bắc Bộ; phát hành đồng bạc giấy Việt Nam tại miền Nam Trung Bộ, bãi bỏ thuế thổ trạch ở thôn quê, hủy bỏ quyền khai trương đường hỏa xa Hải Phòng – Vân Nam của Công ty hỏa xa Vân Nam; tổ chức các Tòa án quân sự, các tòa án và các ngạch thẩm phán.

Văn phòng Chủ tịch Chính phủ phát hành và chuyển kịp thời hầu hết các văn bản, giấy tờ, điện tín của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Chính phủ đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, đáp ứng yêu cầu hoạt động chỉ đạo, điều hành của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Chính phủ.

Cũng trong thời gian này, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã cùng Bộ Ngoại giao nghiên cứu chuẩn bị nhiều tư liệu, soạn thảo nhiều công điện, thư từ trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và kịp thời chuyển đi, phục vụ kịp thời các hoạt động đối ngoại của Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Chính phủ, đáng kể là: Công hàm ngoại giao gửi các Chính phủ Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh: công điện gửi Tướng Đờ Gôn (người đứng đầu Chính phủ Pháp); điện văn gửi Chủ tịch Quốc hội Pháp; điện gửi các ông Giooc Biđôn – lãnh tụ Gia Tô giáo, Lêông Blum (lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp) và Tôrê (lãnh tụ Đảng Cộng sản Pháp); thư gửi những người Pháp ở Đông Dương; điện văn gửi Tổng thống Mỹ H. Tơruman; thư gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ; điện gửi Thống chế Tưởng Giới Thạch; điện văn gửi Hội nghị liên Phi.

Nhìn chung, trong những đầu mới thành lập, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ có đóng góp tích cực và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong công tác tham mưu, giúp việc lãnh đạo và chỉ đạo, điều hành của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Chính phủ./.

                                                    Theo Lịch sử Văn phòng Chính phủ (1945-2005)

Top