Hà Nội

VPCP và UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai Chính phủ điện tử

(Chinhphu.vn) - Chiều 8/7, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), VPCP và UBND tỉnh Bắc Giang đã có buổi làm việc chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử.

08/07/2019 16:58

 

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: Hoàng Anh

Tại buổi làm việc, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) đã khái quát những nét chính trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số từ nay đến năm 2025 tại Việt Nam.

.

Ông Ngô Hải Phan cho biết, từ việc khảo sát, học tập kinh nghiệm tại Pháp, Estonia, Malaysia về xây dựng Chính phủ điện tử vừa qua, chúng ta có thể rút ra một số bài học từ các quốc gia đã đạt được những thành tựu nhất định trong lĩnh vực này. Đó là họ rất chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế về Chính phủ điện tử, Chính phủ số và dữ liệu mở.

.

Theo Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, Chính phủ đã xác định triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 83 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; bảo đảm gắn kết chặt chẽ  ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc; gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; bảo đảm nguồn lực triển khai...

.

Về nguồn lực, Chính phủ huy động các nguồn lực ưu tiên xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin trọn gói do các doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp.

.

Theo ông Ngô Hải Phan, như cách làm hiện nay tại VPCP đối với phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc là VPCP thuê trọn gói dịch vụ của Tập đoàn Viettel. Tập đoàn Viettel đầu tư và cho VPCP thuê lại từ hệ thống phần mềm, trang thiết bị cho đến quản trị, vận hành, giám sát và đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Việc nâng cấp, hoàn thiện phần mềm phục vụ công tác quản lý do đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện theo yêu cầu của VPCP, không phát sinh thêm kinh phí.

.

Theo kế hoạch, dự kiến đến quý IV/2019, Trục liên thông văn bản Quốc gia sẽ được phát triển thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (Vietnam Data Exchange Platform - VDX) để kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Cũng trong quý IV/2019, sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia.

 

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Hoàng Anh

Nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử là: “Cần nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ cái nhỏ nhất, hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, ông Ngô Hải Phan cho rằng, trước tiên, UBND tỉnh Bắc Giang cần hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, xử lý thật tốt hồ sơ công việc trên môi trường mạng, sau đó mới tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các hệ thống khác như: Cổng Dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo…  Bên cạnh đó, trong xây dựng chính quyền điện tử rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng UBND tỉnh và Sở TT&TT.

.

Tại buổi làm việc, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (VPCP) cũng chia sẻ về kinh nghiệm triển khai xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ). Hệ thống e-Cabinet được xây dựng dựa trên yêu cầu thực tiễn của Việt Nam hướng tới Chính phủ phi giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí dựa trên ứng dụng mạnh mẽ CNTT để nâng cao hiệu quả chỉ  đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống đã được đưa vào sử dụng vào ngày 24/6.

.

Ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang cho biết, sau khi Chính phủ khai trương Trục liên thông văn bản Quốc gia, UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện gửi, nhận văn bản với các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, thống kê, kiểm tra nhật ký gửi nhận văn bản.

.

Các văn bản do UBND tỉnh gửi, nhận trên Trục đều thực hiện ký số điện tử của cơ quan do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp. Theo số liệu thống kê, hiện nay UBND tỉnh đã gửi tổng số 409 văn bản, tiếp nhận và xử lý 952 văn bản thông qua Trục liên thông văn bản. Hệ thống phần mềm đã tiếp nhận và phản hồi đủ 6 trạng thái của văn bản theo quy định (từ chối, đã đến, đã tiếp nhận, phân công, đang xử lý, hoàn thành).

.

Việc sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành công việc (QLVB&ĐHCV) của các sở, ngành và địa phương dần đi vào nền nếp, tỷ lệ gửi nhận văn bản điện tử có ký số của tổ chức đạt tỷ lệ trên 97% đối với cấp sở (tăng 4,7% so năm trước), 87,7% đối với cấp huyện (tăng 2% so năm trước), của cá nhân đạt tỷ lệ còn thấp, khoảng 10%; 80% đơn vị cấp sở, 2/10 đơn vị cấp huyện đều lập hồ sơ  điều hành, trao đổi, giải quyết công việc trên phần mềm.

.

Về triển khai phần mềm một cửa điện tử, đến nay, 19 sở, ngành, 10/10 huyện, thành phố và 230/230 xã, thị trấn đã triển khai một cửa điện tử (đạt 100% các cấp các ngành triển khai một cửa điện tử). Tại tỉnh đã kết nối liên thông dữ liệu từ phần mềm một cửa điện tử đến các phần mềm chuyên ngành của 4 Bộ là Tài chính, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; kết nối liên thông giữa phần mềm một cửa điện tử với phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của Văn phòng UBND tỉnh.

.

Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT tại Bắc Giang như: Chưa xây dựng được nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh để cung cấp các dịch vụ kết nối, tích hợp, kết nối, chia sẻ giữa các ứng dụng, hệ thống thông tin trong nội bộ tỉnh Bắc Giang, cũng như kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương.

 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Hoàng Anh

Chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa điện tử vẫn còn bất cập; phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, xã được xây dựng theo kỹ thuật cũ, kiến trúc hệ thống không phải hướng dịch vụ (SOA), không theo mô hình đa lớp, triển khai dữ liệu không tập trung (mỗi đơn vị cài một phần mềm), không phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang phiên bản 1.0 nên không liên thông được với phần mềm một cửa điện tử cấp tỉnh, do đó việc giải quyết thủ tục hành chính liên thông 3 cấp tỉnh-huyện-xã chưa thực hiện được.

.

Chưa xây dựng được Cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung của tỉnh để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Do vậy, dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của tỉnh đang cung cấp phân tán rải rác ở các ngành….

.

Tại buổi làm việc, đại diện các vụ, cục, đơn vị thuộc VPCP đã giải đáp một số thắc mắc liên quan đến việc triển khai Chính phủ điện tử của UBND tỉnh Bắc Giang như: Về xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; vấn đề, định hướng về kết nối, liên thông giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia với Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính liên thông giữa cấp tỉnh với Trung ương; chia sẻ phương pháp, quy trình nghiệp vụ, kỹ thuật phần mềm để việc tiếp nhận, xử lý văn bản điện tử, ký số, phát hành văn bản trên phần mềm vừa đảm bảo theo đúng văn bản quy định vừa thuận tiện dễ thực hiện…

.

Cảm ơn đại diện các vụ, cục, đơn vị VPCP chia sẻ kinh nghiệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, do tầm quan trọng của công tác xây dựng Chính phủ điện tử, tỉnh Bắc Giang rất mong muốn có các thông tin tổng thể về công tác này, nhất là những định hướng chung của Chính phủ và kinh nghiệm triển khai của VPCP.

.

Hiện tỉnh Bắc Giang đang tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội địa phương.

.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử cấp tỉnh, cấp huyện. Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT, Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) và nhiều văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ phát triển và ứng dụng CNTT đến từng cấp, ngành trên địa bàn tỉnh.

.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang quan tâm cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang phiên bản 1.0 lên phiên bản mới theo quy định của Bộ TT&TT; chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách về thúc đẩy và phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh...

.

Do đó, UBND tỉnh Bắc Giang mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VPCP trong xây dựng Chính phủ điện tử nhằm hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang và đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân và các tổ chức một cách thuận tiện.

.

Hoàng Anh

Top